Thủy điện Lai Châu: Sẵn sàng phát điện vào cuối năm 2015

07:40 | 24/06/2015

874 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 20/6, tại thị trấn Nậm Nhùn (huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức Lễ đóng cống dẫn dòng, tích nước hồ chứa Thủy điện Lai Châu. Đây được đánh giá là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, là tiền đề đảm bảo tiến độ và phát điện tổ máy số 1 vào tháng 12/2015; hoàn thành toàn bộ công trình vào năm 2016, sớm hơn so với tiến độ phê duyệt 1 năm. Xung quanh sự kiện quan trọng này, phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với ông Trần Hồng Phương - Giám đốc Ban Quản lý Dự án Thủy điện Lai Châu.

Năng lượng Mới số 433

PV: Trước hết, xin ông cho biết, để có thể thực hiện công tác đóng cống dẫn dòng, tích nước hồ chứa, Thủy điện Lai Châu đã phải hoàn thành những phần việc gì?

Ông Trần Hồng Phương: Năm 2015, Thủy điện Lai Châu thì có 2 mốc quan trọng là hoàn thành các hạng mục công trình để thực hiện được công tác đóng cống và tích nước hồ chứa và phát điện Tổ máy số 1 vào cuối năm 2015. Để thực hiện từng mốc mục tiêu này thì có một hệ thống các công việc phải thực hiện. Chẳng hạn, để đóng cống dẫn dòng, chúng tôi phải hoàn thành 3 cụm công việc là công tác thu dọn lòng hồ, phần xây dựng và phần thiết bị.

Sẵn sàng phát điện vào cuối năm 2015

Ông Trần Hồng Phương

PV: Xin ông nói rõ hơn về những phần việc này?

Ông Trần Hồng Phương: Thứ nhất, với công tác thu dọn lòng hồ, vì đóng cống là dâng nước hồ cho nên phần việc đầu tiên phải hoàn thành là công tác di dân từ các cốt ngập lên khu, điểm tái định cư. Việc này, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND tỉnh Lai Châu thực hiện và đã hoàn thành vào ngày 1-6. UBND tỉnh Lai Châu đã có văn bản xác nhận với chúng tôi về việc này là đủ điều kiện đóng cống tích nước.

Bên cạnh đó, để đảm bảo chất lượng dòng nước, những cây cỏ, thảm thực vật, các công trình dân sinh của người dân sau khi chuyển đi, rồi các cây cầu bắc qua sông... cũng được thu dọn, tháo dỡ, đốt hoặc di chuyển. Việc này do chúng tôi thực hiện và sau khi hoàn thành đã được Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đi kiểm tra, nghiệm thu, xác nhận.

Một việc nữa, ở dưới vùng lòng hồ, người dân đã sinh sống từ ngàn đời nên có những tập tục riêng, giờ phải di chuyển nên chúng tôi đã có một dự án bảo tồn, phát huy di sản văn hóa vùng lòng hồ thủy điện. Ví dụ: Người dân ở đây đánh bắt cá thì có các lưới nên phải mua, gom lại bởi vì sang nơi ở mới thì chưa chắc còn nghề đánh bắt cá. Hoặc với các dân tộc, mình phải đi quay được các thước phim mô tả cảnh sinh hoạt của người dân khi chưa di chuyển. Những phần việc này đều đã được hoàn thành và đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xác nhận.

PV: Đối với công tác xây dựng và thiết bị thì sao, thưa ông?

Ông Trần Hồng Phương: Đối với công tác xây dựng thì chúng tôi cũng phải hoàn thành mấy việc: Hoàn thành toàn bộ công tác xây dựng theo sơ đồ tối thiểu đã được EVN phê duyệt; hoàn thành toàn bộ màng chống thấm, khoan, phun màng chống thấm ở công trình; lắp các thiết bị cơ khí thủy công vào các cửa van ở thượng lưu và hạ lưu cũng như ở bên đập tràn. Những phần việc này đều đã hoàn thành và đã được Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước kiểm tra, đồng ý cho đóng cống tích nước.

Tiếp theo, từ nay đến cuối năm, chúng tôi phải đi vào hoàn thành công tác lắp đặt các thiết bị và phần công việc xây dựng còn lại để đảm bảo cho việc phát điện Tổ máy số 1 vào tháng 12/2015.

PV: Để có được kết quả trên, thì ngoài những nỗ lực của cán bộ, công nhân viên của các đơn vị thi công thì còn có sự đóng góp quan trọng nào?

Ông Trần Hồng Phương: Đầu tiên phải nói rằng, đây là công trình rất lớn, trọng điểm quốc gia. Cho nên để đạt được các mục tiêu như những năm vừa qua và đặc biệt là mục tiêu đóng cống thì có mấy yếu tố. Thứ nhất là, sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và của các bộ, ngành Trung ương thông qua Ban Chỉ đạo Nhà nước về Dự án Thủy điện Lai Châu. Thứ hai là, sự nỗ lực của tập thể cán bộ, công nhân viên các lực lượng tham gia thi công xây dựng công trình bao gồm Ban Quản lý dự án, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, các nhà thầu thi công, cung cấp thiết bị... Và thứ ba là, sự hỗ trợ chặt chẽ, hiệu quả của chính quyền địa phương các cấp nơi công trình, tuyến công trình được triển khai. Đó là sự hỗ trợ, phối hợp của UBND tỉnh Lai Châu, Điện Biên.

PV: Thủy điện Lai Châu khi hoàn thành sẽ có những đóng góp như thế nào?

Ông Trần Hồng Phương: Nhà máy Thủy điện Lai Châu có 3 mục tiêu là chống lũ khi mùa mưa về, cắt lũ dưới đồng bằng, tích nước vào mùa khô; phát điện để cung cấp điện cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước; phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Bắc.

PV: Thủy điện Lai Châu sẽ có những đóng góp cụ thể nào cho kinh tế địa phương?

Ông Trần Hồng Phương: Với công suất 4,7 tỉ kWh, một năm Thủy điện Lai Châu sẽ đóng góp vào ngân sách địa phương khoảng 400 tỉ đồng. Đấy là chưa kể những nguồn lợi mà dự án có thể mang lại như việc đưa người dân lên các khu tái định cư thì hệ thống điện, đường, trường trạm sẽ quy mô hơn, hệ thống hơn, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

PV: Để đạt được mục tiêu phát điện vào cuối 2015, nhiệm vụ đặt ra với Thủy điện Lai Châu là gì?

Ông Trần Hồng Phương: Phần việc chủ yếu bây giờ của Thủy điện Lai Châu nằm ở phần lắp đặt thiết bị thì nhà thầu xây lắp phải đảm bảo đúng khối lượng thiết bị lắp đặt theo yêu cầu. Thứ nữa, các bên phải đảm bảo việc mua sắm, điều chuyển vật tư, thiết bị về đến công trường. Ngoài ra, cần phải hoàn thành đường dây 500kV để tải điện từ nhà máy lên lưới điện quốc gia. Đây là 3 phần việc chính cần phải làm để hoàn thành mục tiêu phát điện vào tháng 12/2015.

Tính đến ngày 20/6, Thủy điện Lai Châu đã thực hiện:

Đào 17 triệu m3 hố móng (hoàn thành 100% khối lượng).

Đổ 1,9 triệu m3 bê tông ICC (hoàn thành 100% khối lượng).

Đổ 1,2 triệu m3 bê tông thông thường (hoàn thành khoảng 98% khối lượng).

Công tác lắp đặt, mua sắm thiết bị: Đã thực hiện được trên 40%, với khối lượng gần 20.000 tấn.

Thanh Ngọc