Thương lắm miền Trung!

08:29 | 13/11/2017

728 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mới tháng trước, mưa lũ nhấn chìm các tỉnh Bắc miền Trung. Trận mưa lũ ấy được nhận định là “khó lường nhất trong nhiều năm qua”…

Chỉ sau chưa đầy 1 tháng, các tỉnh Nam Trung Bộ lại phải hứng chịu một thảm cảnh từ thiên nhiên hết sức nặng nề. Đầu tiên là “sự nổi giận từ đại dương” bằng trận bão số 12, có tên quốc tế là Damrey, dịch ra tiếng Việt có nghĩa là Con Voi.

Con Voi là cơn bão mạnh, độ rủi ro thiên tai lên tới cấp 4. Có nghĩa là chỉ đứng sau thảm họa. Cuồng nộ của cơn bão này kéo dài trên đất liền lên đến 12 giờ đồng hồ, với phạm vi rất rộng, từ Quảng Nam vào đến Bình Thuận và lên cả Tây Nguyên.

Với sức gió giật lên đến cấp 12-13, Con Voi đã gây thiệt hại hết sức nặng nề về người và tài sản cho các địa phương Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Tính đến chiều ngày 6-11, đã có 46 người bị chết, 15 người bị thương. Hơn 1.350 nhà bị sập đổ và 114.860 nhà bị tốc mái, hư hỏng, hơn 1.280 tàu cá bị chìm, hư hỏng. Khoảng 5.300ha lúa, 14.850ha rau mầu bị ngập, thiệt hại.

Hàng chục ngàn lồng nuôi tôm hùm ở hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa có giá trị hàng trăm tỉ đồng chỉ sau mấy giờ đồng hồ trở thành bọt biển. Hàng trăm gia đình lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất. Sau cơn bão nếu không có sự chỉ đạo của Chính phủ về việc khoanh nợ, giãn nợ cho các hộ dân làm nghề này thì chắc chắn nghề nuôi tôm hùm còn lâu lắm mới khôi phục lại được.

Hệ thống lưới điện ở hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa hư hỏng nặng. Mất đến 3-4 ngày hai địa phương này chìm trong bóng tối. Điện mất, kéo theo đó là nước sinh hoạt cũng bị mất theo. Đời sống của nhân dân sau bão đã khốn khó, lại càng khốn khó hơn.

thuong lam mien trung
Phương tiện di chuyển duy nhất ở phố cổ Hội An trong lũ

Dù không nằm ở vùng nguy hiểm nhất của cơn bão số 12, song tỉnh Bình Định cũng bị thiệt hại nặng nề. Có đến 10 con tàu vận tải neo đậu tại phao số 0, Cảng Quy Nhơn bị chìm và hư hỏng, số phận 101 thuyền viên trên những con tàu này cận kề với thủy thần. Rất may lực lượng cứu hộ đã cứu được 88 người; 8 thi thể đã được tìm thấy, vẫn còn 5 người mất tích trước đại dương bao la…

Hoàn lưu của bão đã gây ra mưa lớn khắp dải đất miền Trung. Kéo dài từ Thừa Thiên - Huế vào đến Bình Thuận và các tỉnh Tây Nguyên, với lượng mưa 400-600mm, có nơi lên đến 800mm. Lũ lụt xảy ra khắp miền Trung và đều ở tình trạng khẩn cấp, nghĩa là trên mức báo động 3.

Tất cả các dòng sông ở miền Trung đỏ ngầu phù sa, nước cuồn cuộn từ thượng đổ về, làng xóm chìm nhanh trong biển nước. Tại Thừa Thiên - Huế đã xuất hiện lũ đặc biệt lớn, chỉ cách mốc lũ lịch sử năm 1999 chưa đầy một gang tay, có đến 80% số xã, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh đều nằm trong vùng có nguy cơ ngập, chỉ trừ huyện Nam Đông và một phần huyện A Lưới.

Thành phố biển Đà Nẵng, nơi đăng cai Tuần lễ Cấp cao APEC, vừa căng sức ra dọn dẹp, trang trí lại cảnh quan ven biển và các tuyến đường; vừa phải tổ chức lực lượng cứu hộ, cứu nạn các xã ở huyện Hòa Vang. Chỉ trong một đêm đã có tới 10.431 hộ ở hầu hết các xã bị ngập, trong đó có tới 316 hộ phải di dời khẩn cấp để bảo đảm an toàn. Chỉ vài ngày chìm trong nước mà Hòa Vang bị thiệt hại hoa mầu, gia cầm, gia súc hơn 44 tỉ đồng.

Lũ về không chỉ chia cắt cục bộ các tuyến đường liên huyện, liên xã ở Quảng Nam. Nhiều trục tỉnh lộ cũng bị ngập sâu. Ngay tuyến Quốc lộ 1A, đoạn Duy Xuyên bị ngập sâu gây ách tắc giao thông. Quốc lộ 14B nối Đà Nẵng và Quảng Nam cũng không thể lưu thông.

Tang thương ập xuống với huyện Bắc Trà My, mãi đến chiều 6-11, lực lượng chức năng mới tìm thấy 3 thi thể cuối cùng trong vụ sạt lở đất kinh hoàng trong đêm 5-11 vùi lấp 2 ngôi nhà gồm 8 người. Theo báo cáo nhanh của UBND tỉnh Quảng Nam, tính đến 15h ngày 6-11, toàn tỉnh Quảng Nam đã có 20 người chết và mất tích, 15 người bị thương do mưa lũ trong nhiều ngày qua.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: "Phải giải quyết gạo đến dân kịp thời nhất, cơ số thuốc mà Bộ Y tế giải quyết cho các địa phương phải đưa đến dân sớm nhất. Đề phòng dịch bệnh sau lũ cần phải làm ngay, chứ không phải có dịch bệnh rồi mới làm".

Tại Quảng Ngãi, trận lụt này được xác định vượt mốc lịch sử. Cũng như ở Hội An (Quảng Nam), ngoài việc phải đối phó với lũ các địa phương ven biển ở tỉnh này cũng phải đương đầu với sự xâm thực gây sạt lở ven biển. Tại khu vực Cửa Đại giữa xã Nghĩa An và xã Tịnh Khê (TP Quảng Ngãi) đã sạt lở bờ biển với chiều dài 300m và lấn sâu vào đất liền hơn 200m. Sóng biển đã nhấn chìm 4 nhà xói lở trôi ra biển hơn 3ha rừng phòng hộ và 20m đường cống thoát nước.

Mưa lớn không chỉ gây ra sạt lở ách tắc Quốc lộ 24, mà trên tuyến đường Trường Sơn Đông đi qua tỉnh Kon Tum đã có tới 25 điểm bị sạt lở, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng…

Có thể nói, miền Trung đã phải đối mặt với hiểm họa có thể lớn nhất từ trước đến nay. Ngay trước khi bão số 12 đổ bộ, Thủ tướng Chính phủ đã phân công Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ vào các tỉnh Nam Trung Bộ để chỉ đạo công tác phòng, tránh.

Ngay sau khi đáp chuyến bay xuống Sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa), 14 giờ chiều ngày 3-11, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ra ngay Phú Yên chỉ đạo công tác ứng phó với cơn bão số 12 và ứng phó với lũ sau bão. Cùng lúc Bộ Tư lệnh Quân khu 5; các vùng Cảnh sát biển; các đơn vị Hải quân; Biên phòng; cùng lực lượng vũ trang các địa phương đã tổ chức lực lượng, phương tiện đến các vùng xung yếu để cùng với chính quyền các địa phương lên phương án giúp dân.

Chiều ngày 6-11, trong cuộc họp trực tuyến với các địa phương vùng bão lũ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các địa phương tập trung lực lượng, phương tiện để tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương; kịp thời hỗ trợ các nhu yếu phẩm thiết yếu đối với các khu vực bị ảnh hưởng của bão, mưa lũ, kiên quyết không để hộ dân nào bị đói, rét, thiếu nước uống.

Thủ tướng cũng đã quyết định trích 1.000 tỉ đồng và hơn 1.000 tấn gạo để giúp các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả bão số 12. Đồng thời yêu cầu Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị dừng huấn luyện để giúp dân dựng lại nhà ở, khôi phục giao thông…

Thương lắm miền Trung! Ngay trong chiều 6-11, từ đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và các đồng chí lãnh đạo cao cấp khác, đã trực tiếp trích phần lương của mình để ủng hộ đồng bào vùng bão, lũ.

Sự sẻ chia kịp thời từ người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Chính phủ; sự chung lưng đấu cật của các lực lượng vũ trang với các địa phương vùng bị nạn. Vì đồng bào vùng bão, lũ thân yêu hãy cùng chung tay giúp đỡ. “Miếng khi đói, gói khi no”. Lúc này hơn lúc nào hết, hãy cùng dấy lên hai tiếng “Đồng bào” thiêng liêng từ chính trái tim mình!

Bộ Quốc phòng đã huy động gần 12.000 CBCS cùng với các địa phương cứu hộ, cứu nạn và tham gia khắc phục hậu quả bão lụt ban đầu. Dự kiến thời gian tới sẽ huy động thêm 10.000 CBCS nữa khi nước rút để tập trung giúp các địa phương.

Đặng Trung Hội

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc