Thuốc phiện - “Cứu tinh” của người dân nghèo đói Myanmar

18:00 | 09/01/2015

1,402 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nếu như Afganistan là quốc gia đứng đầu thế giới về trông cây thuốc phiện thì Myanmar là quốc gia đứng thứ hai và khu vực Tam giác vàng nằm giữa biên giới 3 nước Lào, Myanmar và Thái Lan nổi tiếng là nơi trồng cây thuốc phiện để sản xuất Heroin.  

Liên hiệp quốc ước tính, Afghanistan có 223.300 ha trồng thuốc phiện trong năm 2013, lớn gấp hơn 3 lần diện tích trồng loại cây này ở Myanmar. Tuy nhiên, heroin ở Tam Giác Vàng từ lâu nổi tiếng có chất lượng vượt trội và mức giá cao hơn nhiều so với hàng từ các nơi khác. Đặc biệt, Trung Quốc là thị trường chính cho heroin của khu vực Tam Giác Vàng. Nhưng bước sang thế kỷ 21, sản lượng thuốc phiện của Afghanistan tăng vọt, trong khi nguồn cung thuốc phiện từ Tam Giác Vàng sụt giảm, do Trung Quốc gây áp lực buộc các nhóm dân tộc thiểu số của Myanmar dọc theo biên giới phải dừng trồng cây thuốc phiện. Việc sản xuất thuốc phiện ở Myanmar đang dịch chuyển về phía Nam. Trong cuộc dịch chuyển này, cây thuốc phiện xa dần biên giới với Trung Quốc, tới những khu vực nằm dưới sự kiểm soát của các nhóm dân tộc thiểu số.

thuoc phien cuu tinh cua nguoi dan ngheo doi myanmar

Người dân miền núi Myanmar gắn với cây thuốc phiện

Tam giác vàng là khu vực rừng núi hiểm trở huyền thoại nằm giữa biên giới 3 nước Lào, Myanmar và Thái Lan nổi tiếng là nơi trồng và sản xuất cây thuốc phiện để sản xuất heroin lớn nhất thế giới. Khu Tam giác vàng có diện tích khoảng 350.000 km2. Do đặc điểm địa hình phức tạp của khu vực biên giới với độ cao trên 1.000m, nằm xa các trung tâm hành chính, việc kiểm soát của Chính phủ các nước đối với khu vực này hạn chế nên rất thích hợp cho việc trồng loại cây thuốc phiện chết người này.Với tổng diện tích khoảng 58.000 ha năm 2012, hầu hết diện tích cây thuốc phiện ở Đông Nam Á được trồng ở nơi đây. Tại Myanmar, diện tích cây thuốc phiện đã tăng 6 năm liên tục từ 2007 - 2013. Năm 2012 diện tích cây thuốc phiện của Myanmar là 51.000 ha, tăng 17% so với năm 2011 (43.600 ha) và tăng 243% so với năm 2007 (21.000 ha).

Với diện tích này, Myanmar trở thành quốc gia trồng thuốc phiện lớn thứ 2 thế giới (chỉ đứng sau Afghanistan), chiếm 25% diện tích cây thuốc phiện toàn cầu và 88% diện tích trồng cây thuốc phiện trong khu vực. Tại Đông Nam Á, cây thuốc phiện ngày càng hồi sinh và khẳng định là một “điểm nóng” trong trồng trọt và sản xuất thuốc phiện cung cấp cho thị trường ma túy trong khu vực và thế giới, nhất là thị trường Trung Quốc.

Vào năm 2014, Myanmar và Lào có 63.800 ha trồng cây thuốc phiện tăng gần 3.000 ha so với 61.200 ha vào năm 2013, đây cũng là năm thứ 8 tăng liên tiếp. Từ đó, 762 tấn thuốc phiện ra lò và thành nguyên liệu để sản xuất thành phẩm 76 tấn heroin (theo báo cáo của UNODC) thông qua việc nhập lậu hóa chất và sau đó được vận chuyển trái phép sang các thị trường trong và ngoài khu vực để tiêu thụ. Theo đó sản lượng thuốc phiện năm 2014 tại đây đã tăng gấp 3 lần so với năm 2006. Trong năm 2014, mặc dù diện tích canh tác tại Myanmar không thay đổi nhưng có dấu hiệu sản xuất thuốc phiện giảm đi do dịch bệnh và khí hậu không thuận lợi.

Trong khi Chính phủ Myanmar kiểm soát ở những thị trấn lớn, thì những khu vực miền núi của nước này là “lãnh địa” của những nhóm người dân tộc thiểu số, đồng thời cũng là trung tâm mới của hoạt động trồng thuốc phiện. Trên thị trường ma túy của Myanmar, bao gồm cả sự hoạt động buôn bán chất methamphetamine (chất hướng thần), diễn ra trong bối cảnh nước này đã mở cửa với thế giới để khép lại 5 thập kỷ bị cô lập và nằm dưới sự lãnh đạo theo chế độ quân chủ.

thuoc phien cuu tinh cua nguoi dan ngheo doi myanmar

Người dân chăm sóc cây thuốc phiện

Ở Bang Laem, Myanmar thuốc phiện được trồng trên những dãy núi ở vùng sâu, vùng xa thuộc khu vực kiểm soát của những lực lượng đối lập với Chính phủ. Những lực lượng này là nhánh phía Nam của nhóm vũ trang tự xưng Quân đội Nhà nước Shan, một nhóm muốn giành quyền tự trị. Bang Laem được biết đến như một “công xưởng” nằm ngoài sự kiểm soát của Chính phủ Myanmar và thường không có người nước ngoài nào đặt chân tới. Khi một đoàn quan chức Liên hiệp quốc và nhà báo tới Bang Laem mới đây, những cảnh sát chống ma túy hộ tống đoàn đã ở lại phía sau.

Thuốc phiện không chỉ đem lại lợi nhuận cao cho người trồng, mà bọn buôn lậu ma túy còn đầu tư, cung cấp tài chính để người nông dân trồng và sản xuất loại ma túy này. Sự bùng nổ của cây thuốc phiện ở Bang Laem đã thu hút nông dân từ các khu vực khác của Myanmar tới trồng loại cây này. Mỗi năm, nông dân di cư từ các vùng khác tới nơi làm thuê đã phá những diện tích rừng lớn để có đất trồng cây thuốc phiện.
Thời gian từ lúc trồng cây thuốc phiện tới lúc thu hoạch chỉ mất có 4 tháng. Sản phẩm thu hoạch được cũng rất nhanh, gọn nhưng kết quả thu hoạch lại cao. Đối với nhiều người Myanmar, thuốc phiện không phải là vấn đề, mà là giải pháp tồn tại. Đó là cách để những nông dân nghèo tăng thu nhập và đảm bảo cuộc sống của chính họ. Bang Laem không có điện, chẳng có cơ quan công quyền hay đồn cảnh sát nào gần đó. Mãi tới năm ngoái, Liên hiệp quốc mới mở một con đường đất chạy qua một sườn núi ở vùng này. Trước đó, cách duy nhất để vào Bang Laem là một đường mòn nhỏ đầy bụi đất.

Dân làng ở Bang Laem cho biết, họ cảm thấy đang mắc kẹt trong một nền kinh tế thuốc phiện đầy rẫy sự nguy hiểm. Những tay môi giới thường đến thu mua thuốc phiện tươi ngay sau khi thu hoạch, nhưng dân làng cũng luôn phải cảnh giác với những phần tử “xin đểu” của tội phạm. Nhiều người dân phải nộp tiền cho chúng dưới họng súng của bọn tội phạm. Nếu được hỏi, dân làng ở Bang Laem đưa ra một danh sách những đối tượng mà họ phải “cống nạp” là: cảnh sát, quân đội, SSA, và sỹ quan tình báo... Quân đội nước này rất ngại tấn công vào hoạt động sản xuất, buôn bán và tàng trữ ma túy, vì làm như vậy sẽ phá hỏng các mối quan hệ liên minh lâu năm đã xây dựng được với các nhóm vũ trang thiểu số. Vào đầu tháng 12, một tuần trước chuyến thăm, một cảnh sát đã bị bắn trong một cuộc đụng độ với các phần tử nổi dậy.

Theo báo cáo của UNODC, tình trạng sản xuất thuốc phiện ở Myanmar rất khó dập tắt triệt để vì người dân coi loài cây bất hợp pháp này là nguồn thu nhập chính, dễ dàng giúp họ chống chọi lại vấn đề an ninh lương thực và đói nghèo. Không chỉ trồng và sản xuất loại cây “độc” này mà khu vực này còn là nơi hình thành, cố thủ của các băng nhóm tội phạm, các nhóm phiến quân đòi ly khai ở đông bắc Myanmar lấy việc bán thuốc phiện là nguồn cung cấp chính./.

Hòa Thu

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc