Thuốc nam không còn hấp dẫn

07:15 | 27/05/2016

3,154 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Người Việt có thói quen rất lạ là “bụt chùa nhà không thiêng”, nhất là đối với nền y học cổ truyền, luôn coi thuốc bắc tốt hơn thuốc nam. Trong khi người ngoài trông vào, đánh giá thuốc nam của chúng ta rất phong phú, hiệu quả, thậm chí hơn thuốc bắc. Quan trọng hơn danh y Tuệ Tĩnh có câu “Nam dược trị Nam nhân” (thuốc Nam chữa bệnh cho người Nam). Thế nhưng, thực tế chính người Nam lại đang lãng quên di sản y học cổ truyền này của dân tộc.  

Thuốc Bắc “đè” thuốc Nam?

Dạo quanh phố phường Hà Nội hoặc các thành phố lớn hay địa phương nào trên toàn quốc, rõ ràng các hiệu thuốc tây có thể như nấm mọc sau mưa. Nhưng hiệu thuốc nam rất ít. Thậm chí không thể so sánh được về số lượng đối với các nhà thuốc bắc.

Đi qua phố Lãn Ông, Thuốc Bắc… nơi chuyên bán thuốc có nguồn gốc thảo dược ở Hà Nội thì lượng thuốc nam ở đây cũng không nhiều bằng thuốc bắc. Các sản phẩm có nguồn gốc từ thuốc nam được bán tại các cửa hiệu dược phẩm thì càng ít nữa, chỉ có một số rất hạn chế được điều chế dưới dạng thực phẩm chức năng song cũng không được cả người bán và người dùng coi  trọng. Nói chung thuốc nam đang dần mất đi trong tâm trí của người Việt mỗi khi phải dùng đến thuốc.

Thầy thuốc Nguyễn Hữu Trọng, một người đã nghiên cứu nhiều công trình về cây thuốc nam từng thốt lên về sự lãng quên của người Việt đối với cây thuốc của dân tộc: “Người Việt Nam ra ngõ là gặp cây thuốc nhưng lắm khi lại chết trên cây thuốc”.

thuoc nam khong con hap dan

Khái quát hơn thì GS.TS Trương Việt Bình, Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam nhận định: “Bảo tồn và phát triển dược liệu đang trở thành vấn đề cấp thiết do tình trạng phụ thuộc thuốc bắc, vấn đề thuốc rác, thuốc kém phẩm chất, thuốc giả tràn vào Việt Nam qua đường tiểu nghạch, vấn đề chặt phá rừng trồng nương rẫy, trồng cây công nghiệp, khai thác khoáng sản, vấn đề thủy điện, thậm chí cả vấn đề trồng rừng, vấn đề kinh nghiệm, tri thức… thuốc nam trong cộng đồng mất dần cùng với sự giảm tự nhiên các ông lang, bà mế ở các dân tộc và sự lạm dụng thuốc tây ở y tế cơ sở, hiện tượng không có thầy thuốc y học cổ truyền thực sự ở tuyến y tế xã do quan điểm một thời gian dài là chỉ cần cán bộ y tế xã phường biết y học cổ truyền”.

Một thầy thuốc y học cổ truyền đã nhận định rằng, mỗi loại cây mọc ở nước Nam không phải vô tình mà nếu khám phá đều có những chất có công dụng nhất định. Ví như lá tía tô ăn với hành và cháo có tác dụng giải cảm rất hiệu nghiệm, củ xả giã nhỏ vắt lấy nước uống có thể giảm nhiệt và dứt cơn giật trong trường trẻ hợp sốt cao, lá nhọ nồi cũng vậy. Rượu ngâm gừng dùng đánh gió cũng giải cảm, lá hẹ có tác dụng cầm máu và bổ dương nếu ăn như một món rau, cây vẩy ốc chữa phong thấp, kiết lị, quả chín bổ thận; cây mảnh trấu chữa u xơ tiền liệt tuyến… Thường thức hơn nữa thì có những bài thuốc nam có thể sử dụng như những món ăn hằng ngày như cá phải chế biến với gừng hoặc giềng, sả để cân bằng nhiệt trong cơ thể, canh cải nấu với gừng phòng hàn lạnh…

Nguyên tắc trị bệnh của thuốc nam cũng tương tự thuốc bắc ở chỗ điều hòa âm dương, khí huyết trong cơ thể, nghĩa là điều trị tận gốc. Bệnh điều trị bằng thuốc nam hiệu quả không phải ngay lập tức mà phải kiên trì. Tuy nhiên, khi đã có hiệu nghiệm thì ít khi bệnh tái phát trở lại.

Ông Nguyễn Công Cẩn, 73 tuổi, phường Khúc Xuyên (thành phố Bắc Ninh), nổi tiếng với truyền thống gia đình 5 đời làm lương y cũng nói rằng, việc điều trị bằng thuốc nam khác điều trị bằng các loại dược phẩm khác ở chỗ không phải cùng một loại bệnh mà bốc thuốc giống nhau, phải xem tình trạng sức khỏe của mỗi người, thậm chí cả khẩu vị của họ rồi mới dựa vào kiến thức, kinh nghiệm để gia giảm lá thuốc cho phù hợp chứ không đơn thuần chỉ bắt mạch kê đơn.

Với công dụng và đặc biệt nguyên liệu sẵn có trong đời sống như vậy, làm thế nào để phục hồi “di sản” thuốc Nam mà đã có tuổi đời hơn 3.000 năm và có tới hơn 4.000 loại của dân tộc ta và làm thế nào để phục hồi “văn hóa” sử dụng thuốc Nam của người Việt?

Cần phải bảo tồn, phát triển

Trước những nguy cơ cây thuốc nam ngày bị mai một, Chỉ thị 24 của Ban Bí thư Trung ương về phát triển nền đông y Việt Nam và Hội Đông y trong tình hình mới đã đưa ra các chiến lược nhằm bảo tồn, phát huy giá trị cây thuốc nam như: xây dựng quy hoạch tổng thể vùng chuyên nuôi trồng dược liệu; đẩy mạnh nghiên cứu, điều tra, bảo tồn nguồn quỹ gen về dược liệu Việt Nam, xác định nhu cầu sử dụng dược liệu phục vụ công tác khám, chữa bệnh và xuất khẩu. Kết hợp chặt chẽ giữa khuyến khích “trồng cây thuốc tại vườn, tại nhà” với việc hình thành các vùng chuyên nuôi trồng, chế biến cây, con làm thuốc theo hướng công nghiệp…

Và để triển khai một cách cụ thể chỉ thị này, GS.TS Trương Việt Bình cho rằng để bảo tồn và phát triển thuốc nam một cách bền vững cũng cần đặt trọng tâm vào các vấn đề: bảo tồn nguyên vị (insitu), những cây thuốc có nhu cầu khai thác, sử dụng lớn phải nghiên cứu bảo tồn chuyển vị (exsitu) và chỉ khai thác từ trồng trọt theo tiêu chuẩn đã đặt ra (GACP-WHO 2003). Việc trồng cây thuốc phải đảm bảo được các yêu cầu về giống, về quy trình trồng, chế biến sau thu hoạch để có được sản phẩm dược liệu tốt và an toàn nhất.

Cùng với đó việc bảo tồn nguồn gen và giống cây thuốc Việt Nam cần có sự tham gia của toàn xã hội chứ không nên chỉ coi là nhiệm vụ của ngành dược liệu. Có thể bằng cách tổ chức đào tạo, tập huấn truyền thông cho người dân để họ có nhận thức về bảo tồn, tham gia bảo tồn và sử dụng tài nguyên cây thuốc nói chung, cây thuốc dân tộc nói riêng. Bên cạnh đó, khôi phục lại hoạt động của các Viện Nghiên cứu dược liệu, Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật, Viện Điều tra quy hoạch rừng, Viện Khoa học lâm nghiệp…

Một vấn đề không kém phần quan trọng là việc bảo tồn cây thuốc nam chưa nên chú trọng nhiều về tính lợi nhuận. Cần kết hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với ngành y tế và các địa phương bảo vệ nguồn tài nguyên di truyền và tính đa dạng sinh học của tất cả các loại cây nói chung chứ không chỉ riêng cây thuốc hay lương thực… trên các vùng, miền của đất nước.

Ngoài ra cần nghiên cứu đánh giá một cách khoa học 496 vị thuốc, 3.877 phương thuốc trong Nam Dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh, 300 vị thuốc trong Lĩnh Nam bản thảo, 2.000 phương thuốc gia truyền kinh nghiệm trong Bách gia trân tàng, Hành giản trân nhu của Lê Hữu Trác… 579 loài và 125 bài thuốc người Dao (Ba Vì), 136 loài và 102 bài thuốc người Mường ở Cẩm Thủy, Thanh Hóa, 206 loài và 32 bài thuốc của người Mông (Kỳ Sơn, Nghệ An), 292 loài của người Tày - Nùng (Tràng Đinh, Lạng Sơn), 16 bài thuốc của cộng đồng người Thái và Khơ Mú; 11 bài thuốc của Bru - Vân Kiều… Đồng thời đưa chương trình thuốc nam vào chương trình của các hệ đại học, cao đẳng, trung học y và dược; y học cổ truyền cũng như các chuyên khoa khác và đa khoa (tất nhiên các loài cây con làm thuốc đã được nghiên cứu đánh giá một cách khoa học, kỹ lưỡng). Công việc này quan trọng trong việc bảo tồn được và bền vững tri thức bản địa về sử dụng các loài cây con làm thuốc chữa bệnh của cộng đồng người Việt Nam…

Thực ra, hiện nay đã có một số lương y ý thức rõ về giá trị của thuốc nam nên đã lặng lẽ khôi phục thuốc nam bằng cách trồng những vùng nguyên liệu và điều chế thành sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho người bệnh. Họ tận dụng triệt để công nghệ, dây chuyền sản xuất hiện đại để làm cho những dược phẩm nguồn gốc thảo dược của người Nam dễ sử dụng và tiện lợi cho người bệnh hơn. Hy vọng về một di sản thuốc nam bảo tồn và phát triển là hoàn toàn có thể, chỉ cần sự chung tay của cơ quan quản lý, của người dân… nữa là giấc mơ sẽ biến thành hiện thực.

Nguyễn Bách

Năng lượng Mới 525

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

(PetroTimes) - Đợt khảo sát tháng 3/2024, đoàn thám hiểm hang động Anh - Việt đã ghi nhận thêm 22 hang động mới và 3 hang động khảo sát bổ sung với tổng chiều dài 3.550m.