Thực phẩm “sạch” - “sạch” đến đâu?

06:39 | 26/05/2013

773 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Có lẽ chưa bao giờ người tiêu dùng lại cảm thấy bất an đối với thực phẩm như hiện nay khi liên tục có các thông tin về hoa quả bị ủ hóa chất nhanh chín, lợn nuôi bằng thuốc tăng trọng, rau, giá đỗ phun thuốc kích thích, gà thải loại… Vì thế, tâm lý cũng như nhu cầu tìm kiếm thực phẩm sạch càng trở nên bức thiết.

Không “sạch” như quảng cáo!

Không ít các quảng cáo thực phẩm nhấn mạnh đến yếu tố “sạch” để tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Có thể kể đến nước tương Tam Thái Tử không có chất 3-MCPD gây ung thư; nước mắm Nam Ngư, Chinsu không có cặn; mì Tiến Vua không sử dụng dầu chiên nhiều lần; mì Omachi từ khoai tây không gây nóng…

Thế nhưng thực tế thì sao? Người tiêu dùng an tâm khi chọn nước mắm Nam Ngư với thông điệp “Nước mắm không có cặn”, nhưng đến năm 2011, khi phát hiện chất tạo màu HT155 - cấm sử dụng ở nhiều nước và chưa được Bộ Y tế Việt Nam thông qua - lại được ghi công khai trên nhãn nước mắm này.

Mì khoai tây Omachi được quảng cáo là sợi mì được làm từ khoai tây, không gây nóng nhưng trong thành phần ghi sau gói mì cho thấy khoai tây chỉ chiếm tỷ lệ 10g/1kg, tương đương... 1%.

Mua rau ở trang trại là xu hướng của nhiều người dân thành thị hiện nay

Và không thể không kể đến “hạt nêm không bột ngọt” Chinsu với những lời quảng cáo hấp dẫn: Được chiết xuất hoàn toàn từ thịt thăn và xương ống, thế nhưng người tiêu dùng lại một lần nữa hoang mang khi cơ quan chức năng kết luận: Chinsu quảng cáo sai sự thật vì trong thành phần của nó có Sodium Guanilate (ký hiệu là 627) và Sodium Inosinate (631) - chất điều vị được sử dụng trong thực phẩm cho độ ngọt cao hơn 10-15 lần chất điều vị 621 nên được gọi là chất siêu bột ngọt!

Rau “an toàn” đến đâu?

Có thể nhận thấy, các cửa hàng trưng biển bán thịt, rau an toàn đua nhau mọc lên. Tuy nhiên, theo chính những người trong nghề thì thị trường thực phẩm an toàn đang thật giả lẫn lộn không ai kiểm chứng, trong khi giá của các loại thực phẩm “sạch” này cao hơn nhiều so với thực phẩm cùng loại.

Cầm một túi rau sạch đi khắp chợ, hỏi cả người mua lẫn người bán xem có phân biệt được “rau sạch” và “rau không sạch” hay không thì chúng tôi đều nhận được một câu trả lời giống nhau: Không phân biệt được. Chính chủ của một cửa hàng rau hữu cơ cũng phải thừa nhận: “Rau an toàn và rau hữu cơ không dễ phân biệt vì màu sắc tương đối giống nhau”. Như thế, đặc điểm duy nhất phân biệt giữa rau mua ở cửa hàng rau sạch và rau mua ngoài chợ chỉ là một tờ giấy photo mỏng quẹt xác nhận cửa hàng là bán rau hữu cơ dán chiếc túi nilon đựng rau và mức giá chênh lệch nhau 2-4 lần.

Thực tế này đặt ra một câu hỏi, nếu những cửa hàng rau an toàn nhập rau thường rồi bán với giá rau an toàn thì người tiêu dùng làm sao nhận biết được? Anh Cường, chủ một cửa hàng rau sạch cho biết: “Người trồng rau mà không dùng hóa chất thì làm sao có được rau xanh non, ngoài việc lạm dụng các loại thuốc, họ còn cho những loại côn trùng ăn lá, ăn nhanh... làm cho người tiêu dùng có thể nhầm lẫn là do sâu tự nhiên ăn”.

Với đôi mắt của người tiêu dùng, chỉ có thể nhận biết được rau bị dập nát, úa màu chứ khó có thể phân biệt được các loại rau, củ, quả tươi xanh có bị nhiễm chất kích thích độc hại hay không.

Chị Hà, một người trồng rau tại Tây Tựu (Từ Liêm) cho biết: “Ngoại trừ trồng rau cho nhà ăn thì các hộ nông dân trồng rau bán hầu hết đều cần đến các loại thuốc trừ sâu, chất biến đổi gen di truyền cho rau màu như Ga3 (Giberelin), “viên sủi”... vừa nhanh thu hoạch mà rau lại đẹp”.

Không chỉ thuốc trừ sâu, thuốc kích thích mà cả nguồn nước dùng tưới rau, quả ở nhiều nơi tại Hà Nội như nước cống rãnh, nước thải, nước ô nhiễm từ sông Tô Lịch, Kim Ngưu (Hoàng Mai)… để tưới rau xanh cũng rất độc hại.

Cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm, Viện Nghiên cứu rau quả… khi kiểm nghiệm đều cho biết, hoạt chất có trong thuốc kích thích sinh trưởng dùng cho các loại rau, củ quả khi vào cơ thể thì tác hại nhãn tiền là gây ngộ độc. Khi các hóa chất độc hại này ngấm dần vào cơ thể người ăn có thể dẫn đến các bệnh nan y như ung thư, suy thận…

Người tiêu dùng “bó tay”

Lo ngại thực phẩm không đáng tin cậy tại các chợ, nhiều người có thu nhập trung bình có xu hướng tìm đến thực phẩm nhập khẩu với mong muốn tìm được những thực phẩm an toàn, nhưng rồi các vụ việc gần đây liên quan tới những lô hàng thực phẩm nhập khẩu bất hợp pháp qua biên giới như thịt bò Australia nhiễm khuẩn, hoa quả nhập khẩu tồn dư hóa chất… lại càng khiến người tiêu dùng mất niềm tin vào thực phẩm.

Một bộ phận người dân cố gắng ăn “sạch” bằng cách tự trồng rau, chung tiền nuôi lợn… nhưng con số đó quá ít và thực hiện cũng không hề đơn giản. Nhiều người tìm đến các siêu thị lớn để mua thực phẩm cho yên tâm nhưng thực tế, các siêu thị đều phải nhập thực phẩm của các công ty với các loại giấy tờ đảm bảo “sạch”. Nhưng rõ ràng, những con gà, con lợn, con bò đó phần lớn được nuôi công nghiệp, không thể loại trừ khả năng tồn dư kháng sinh rất lớn, thế nhưng qua khâu chế biến sạch, đóng nhãn bao bì bóng lộn với một giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm là đã có thể chiếm được niềm tin của người tiêu dùng.

Quá khó để buộc người tiêu dùng phải trở nên “thông thái” khi lựa chọn cái ăn, đồ uống cho gia đình mình. Họ buộc phải trông chờ vào các cơ quan chức năng nhưng những yếu kém trong khâu kiểm nghiệm hóa chất tồn dư trên thực phẩm của các phòng thí nghiệm hiện nay lại là điều đáng lo ngại. Phần lớn các phương tiện kiểm nghiệm trong nước hiện nay chỉ kiểm soát được các hóa chất được biết đến trước đó chứ chưa thể nhận diện được các chất lạ khác không nằm trong tầm ngắm.

 BS Trần Văn Ký (Văn phòng phía Nam Hội khoa học - Kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam) cho biết, các chất kích thích sinh trưởng và thuốc trừ sâu đều độc hại tương tự nhau vì chất độc sẽ ngấm sâu vào bên trong các mô, tế bào, không thể xử lý triệt để được.

Mặt khác, tình trạng nhiễm nitrat từ đạm bón cho rau, quả rất nhiều, nếu bón không cân đối, dư lượng nhiều trong rau, quả có thể cũng là một trong những nguyên nhân gây ung thư thực quản, dạ dày và ảnh hưởng nghiêm trọng tới thận.

PGS.TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, không phải ngẫu nhiên mà chọn được thực phẩm tốt. Người tiêu dùng cần có kiến thức, kinh nghiệm về an toàn thực phẩm và dinh dưỡng để lựa chọn đúng đắn, đúng với tiêu chí “người tiêu dùng thông thái”.

Theo đó, cần biết cách chọn mua thực phẩm an toàn (phải xem kỹ các thông tin trên sản phẩm, có hiểu biết về thực phẩm). Ví dụ thực phẩm chứa chất E102 (trong mì gói rộ lên trước đây) tuy được cho phép một liều lượng nhất định trong thực phẩm nhưng bản chất vẫn là một chất không tốt cho sức khỏe. Có thể dùng thực phẩm khác không có chứa chất này để sử dụng.

Người tiêu dùng còn phải biết chế biến các thực phẩm một cách an toàn. Ví dụ đơn giản nhất là nên rửa rau dưới vòi nước đang chảy để rau được sạch và không nên ngâm lâu để giữ lại vitamin trong rau. Ngoài ra, cần phải biết cách sử dụng thực phẩm an toàn, không ăn thực phẩm sống, cần ăn chín uống sôi, rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.


Nguyên Minh

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.