Thực hiện văn hóa an toàn ở PVN

21:53 | 11/09/2016

456 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Bài học “vỡ lòng” khi vào ngành của cán bộ, công nhân viên (CBCNV) Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chính là về an toàn. Với những công nhân làm việc trên các giàn khoan ngoài biển khơi là phải thuộc nằm lòng chuyên đề “an toàn cho người đầu tiên ra biển”, còn trên bờ là những đợt tập huấn, diễn tập các tình huống phòng chống cháy nổ, thoát hiểm từ văn phòng đến nhà máy, công trình.  

Những điểm mới trong Luật ATVSLĐ

Ngày 1-7-2016, Luật An toàn Vệ sinh Lao động (ATVSLĐ) chính thức có hiệu lực. Để CBCNV có thể nhanh chóng cập nhật những bổ sung, sửa đổi mới nhất, Công đoàn Dầu khí Việt Nam (CĐ DKVN) đã tổ chức tập huấn cho các cán bộ công đoàn trong Tập đoàn.

Theo đó, Luật ATVSLĐ 2015 đã mở rộng đối tượng hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phù hợp với đối tượng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Trong đó có việc bổ sung đối tượng người lao động (NLĐ)làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động…

Luật ATVSLĐ bổ sung, diễn giải chi tiết và thực hiện luật hóa một số nội dung tại 2 trường hợp bị tai nạn tại nơi làm việc, trong giờ làm việc và trường hợp bị tai nạn ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động. Theo đó, trường hợp bị tai nạn tại nơi làm việc và trong giờ làm việc bao gồm cả khi NLĐ đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật Lao động, nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, như nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh…

thuc hien van hoa an toan o pvn
Diễn tập PCCC, cứu hộ cứu nạn Tòa nhà Viện Dầu khí 2016

Về bệnh nghề nghiệp, luật cũng bổ sung thêm quy định trường hợp người lao động khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các ngành, nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp thuộc danh mục do Bộ Y tế và Bộ LĐ-TB&XH ban hành mà phát hiện bị bệnh nghề nghiệp thì việc giám định và giải quyết chế độ theo quy định của Chính phủ. Cơ quan ban hành điều kiện về bị bệnh nghề nghiệp thuộc danh mục được sửa đổi được giao cho Bộ Y tế thay cho quy định hiện hành là Bộ Y tế, Bộ LĐ-TB&XH cùng ban hành. NLĐ được làm thủ tục giám định ngay trong quy trình điều trị hoặc không cần gửi đi điều trị trước khi giám định. Về trợ cấp phục vụ luật đã sửa đổi điều kiện bị suy giảm 81% trở lên mà “không tự phục vụ được bản thân” thay cho quy định hiện hành là liệt kê các trường hợp cụ thể.

Những thay đổi trên, cùng với việc đơn giản hóa các thủ tục, hồ sơ giải quyết hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như loại bỏ biên bản điều tra tai nạn lao động trong giải quyết hưởng chế độ tai nạn lao động và biên bản đo đạc môi trường có yếu tố độc hại… đã loại bỏ các yếu tố “gây khó” cho NLĐ. Đây là điểm nổi bật đáng ghi nhận của Luật ATVSLĐ 2015.

Công đoàn cơ sở là hạt nhân

Tại Hội nghị “An toàn - Sức khỏe - Môi trường” lần thứ X, Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn khẳng định: “Xây dựng và hoàn thiện hệ thống “văn hóa an toàn” là nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác an toàn sức khỏe môi trường” của PVN. Để làm được điều này, công đoàn cơ sở (CĐCS) là hạt nhân đi đầu thực hiện công tác ATVSLĐ. Chính vì vậy, CĐCS phải luôn thực hiện đủ và tốt 10 vấn đề liên quan đến quyền và trách nhiệm của công đoàn cơ sở với NLĐ. Trong đó, từ tiến trình lên kế hoạch, quy định nội quy, quy trình, biện pháp… hòng đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động.

Tại đơn vị, Chủ tịch và Ban Chấp hành Công đoàn sẽ đại diện cho tập thể người lao động thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện điều khoản về an toàn, vệ sinh lao động trong thỏa ước lao động tập thể; có trách nhiệm giúp đỡ NLĐ khiếu nại, khởi kiện khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng bị xâm phạm. Đồng thời, thường xuyên tổ chức đối thoại với người sử dụng lao động để giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của NLĐ, người sử dụng lao động về an toàn, vệ sinh lao động; tham gia, phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động; giám sát và yêu cầu thực hiện đúng các quy định về an toàn, vệ sinh lao động; tham gia, phối hợp với người sử dụng lao động điều tra tai nạn lao động và giám sát việc giải quyết chế độ, đào tạo nghề và bố trí công việc cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Cán bộ công đoàn cũng có quyền kiến nghị với người sử dụng lao động, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, khắc phục hậu quả sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, tai nạn lao động và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động. Đồng thời tuyên truyền, vận động NLĐ, người sử dụng lao động thực hiện tốt các quy định của pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc. Phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức tập huấn, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho cán bộ công đoàn và người lao động; yêu cầu người có trách nhiệm thực hiện ngay biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, kể cả trường hợp phải tạm ngừng hoạt động nếu cần thiết khi phát hiện nơi làm việc có nguy cơ gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của NLĐ.

CĐCS có trách nhiệm tham gia đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở, phối hợp với người sử dụng lao động để ứng cứu, khắc phục hậu quả sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, tai nạn lao động; Trường hợp người sử dụng lao động không thực hiện nghĩa vụ khai báo thì CĐCS có trách nhiệm thông báo ngay với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để tiến hành điều tra.

Với phương châm “phòng hơn chống”, công tác quan trọng nhất của CĐCS là phải phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức các phong trào thi đua, phong trào quần chúng làm công tác an toàn, vệ sinh lao động và xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc. Xây dựng, quản lý, hướng dẫn hoạt động của mạng lưới an toàn, vệ sinh viên tới từng tổ, đội lao động trực tiếp trên công trường, nhà máy, giàn khoan. Bởi đây chính là cách thiết thực nhất để nâng cao chất lượng lao động, đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

NHIỆM VỤ ATVSLĐ CỦA PVN TRONG NĂM 2016:

Đảm bảo các nhà máy, công trình dầu khí được vận hành liên tục, ổn định, an toàn về tài sản và con người; Tăng cường biện pháp đảm bảo an toàn cho các hoạt động tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí ở vùng biển nước sâu xa bờ, khu vực nhạy cảm; Tăng cường quản lý an toàn công nghệ, chú trọng công tác quản lý ăn mòn, quản lý độ tin cậy của hệ thống thiết bị công nghệ; Thực hiện rà soát năng lực quản lý an toàn - sức khỏe - môi trường trong bối cảnh phải tiết giảm chi phí hoạt động; Tăng cường kiểm tra giám sát các đơn vị có nhiều hoạt động có nguy cơ cao; Tiếp tục nâng cao năng lực và khả năng ứng phó tình huống khẩn cấp, chú trọng năng lực ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết tại khu vực biển nước sâu xa bờ.

Tùng Dương

Năng lượng Mới 555

DMCA.com Protection Status