Thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế và giảm nghèo

21:54 | 06/12/2011

348 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Việt Nam sẽ sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong quá trình phát triển”. Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) đã diễn ra tại Hà Nội vào ngày hôm nay (6/12/2011) với chủ đề “Thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế và giảm nghèo”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam

Những quyết sách ưu tiên hàng đầu của Việt Nam

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết bằng sức mạnh nội tại, sự hợp tác, hỗ trợ hiệu quả của các nhà tài trợ, cộng đồng quốc tế… trong năm 2011 Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội. Kinh tế vĩ mô cơ bản giữ được ổn định, lạm phát được kiểm soát, dự báo cả năm CPI tăng khoảng 18%, lãi suất tín dụng có xu hướng giảm dần, tỉ giá cơ bản giữ được ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng lên so với năm 2010; nợ công trong giới hạn an toàn; GDP được duy trì khoảng 6%.

Tuy nhiên nền kinh tế vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức: Kinh tế vĩ mô chưa ổn định; lạm phát tuy có giảm nhưng cả năm vẫn rất cao; thanh khoản của ngân hàng và của cả nền kinh tế còn khó khăn, nợ xấu có dấu hiệu tăng lên; dự trữ ngoại hối thấp. Việc thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát có kết quả nhưng cũng làm cho sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn; các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn, sản phẩm tiêu thụ chậm, hàng tồn kho tăng… Thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản giảm sút.

Việc huy động vốn đầu tư phát triển gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của lạm phát, giá đầu vào tăng cao, sản xuất tăng trưởng chậm lại, hiệu quả kinh doanh giảm. Đời sống của nhân dân nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp gặp nhiều khó khăn; việc làm vẫn là một vấn đề rất bức xúc…

Bởi vậy trong thời gian tới Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách ổn định kinh tế vĩ mô như:

- Chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, vừa bảo đảm kiểm soát lạm phát vừa đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế; Giảm dần lãi suất theo mức giảm của lạm phát và chủ động điều hành thực hiện lạm phát mục tiêu;

- Quản lý chặt chẽ việc xuất nhập khẩu và thị trường vàng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu không để giá vàng trong nước chênh lệch quá lớn so với giá thế giới; bảo đảm quyền sở hữu vàng của người dân không để vàng trở thành phương tiện thanh toán phổ biến; có chính sách phù hợp để huy động nguồn lực vàng trong dân phục vụ mục tiêu phát triển.

- Về tài khóa năm 2012 tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả, phấn đấu giảm mức bội chi ngân sách xuống dưới 4,8% và giảm dần trong những năm tiếp theo, bảo đảm nợ công trong giới hạn an toàn…

- Thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán góp phần tăng dự trữ ngoại hối. Thu hút và đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn ODA và FDI. Tăng cường quản lý các dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII). Thu hút khách du lịch quốc tế và nguồn kiều hối.

- Chính phủ sẽ xác định lộ trình hợp lý đối với giá điện, xăng dầu, than và các hàng hoá, dịch vụ quan trọng khác vừa từng bước tiếp cận giá thị trường vừa góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh và Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Victoria Kwakwa đồng chủ trì Hội nghị.

Duy trì niềm tin với nhà đầu tư

Theo bà Victoria Kwakwa – Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam: Là một quốc gia có độ mở của nền kinh tế lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam sẽ tiếp tục chịu tác động mạnh cả mặt tích cực và tiêu cực trước những biến động của kinh tế thế giới. Vì vậy, điều quan trọng là Việt Nam cần có các giải pháp hợp lý trong tái cấu trúc kinh tế nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. WB và các đối tác phát triển của Việt Nam luôn mong muốn thảo luận, đối thoại thẳng thắn với Chính phủ Việt Nam trong ứng phó với những thách thức kinh tế toàn cầu, góp phần cùng Việt Nam tận dụng tối đa thuận lợi; vượt qua khó khăn, thách thức để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra.

Việt Nam là một trong số rất ít các quốc gia trên thế giới đạt được tốc độ tăng trưởng cao. Bởi vậy, những kết quả mà Việt Nam đạt được trong kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đã củng cố và tạo được niềm tin rất lớn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Các đối tác phát triển của Việt Nam như Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, Liên minh châu Âu (EU) các vị Đại sứ các nước Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Australia, Nhóm G4 (Canada, Thụy sĩ, Na Uy, New Zealand)… đều cho rằng những kết quả mà Việt Nam đạt được gần đây trong phát triển kinh tế-xã hội là rất đáng trân trọng. Nhất là về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững. Những khuyến nghị mà các đối tác đưa ra cho Việt Nam đó là:

Về tái cơ cấu đầu tư công phải là ưu tiên trong 5 năm tới. Tái cơ cấu đầu tư công là một tiến trình lâu dài, phải giải quyết những mâu thuẫn lợi ích (bao gồm lợi ích của các địa phương). Do vậy, cần có cơ chế phân bổ đầu tư minh bạch, rõ ràng có mục tiêu và giám sát hiệu quả. Nghị định 1792/CT-TTg là một khởi đầu tốt nhưng cần phải có những kế hoạch thực hiện cụ thể để giải quyết những dự án kém hiệu quả, cần có cách tiếp cận tổng thể trong quản lý đầu tư công.

Về củng cố khung luật pháp và có cơ chế khuyến khích phù hợp. Gia tăng đầu tư những năm gần đây không mang lại tỉ lệ tăng trưởng tương ứng. Cơ chế đầu tư công hiện tại đang ngày càng chứng tỏ sự không phù hợp và làm gia tăng nợ công. Bởi vậy tái cơ cấu đầu tư công cần một sự cải cách trong hệ thống luật pháp liên quan, việc đưa Luật đầu tư công vào chương trình làm Luật của Quốc hội năm 2012 là một quyết định đúng đắn.

Ngoài ra, cần có những chính sách khuyến khích tài khóa để Chính phủ, địa phương đưa các ưu tiên đầu tư của họ theo các định hướng ưu tiên của vùng và theo quy hoạch hơn là lựa chọn các công trình mang lợi ích cục bộ địa phương. Đầu tư công hiệu quả gắn chặt với chất lượng quy hoạch và sử dụng đất. Cần có định nghĩa rõ ràng về quyền sở hữu đất đai, một thị trường bất động sản minh bạch. Luật Đầu tư công cần gắn kết chặt chẽ với Luật Đất đai sửa đổi và xây dựng Luật Quy hoạch vùng.

Về khuyến khích đầu tư tư nhân: cần có định nghĩa rõ ràng cho các lĩnh vực quan trọng, cần đầu tư công tách bạch với các chương trình mục tiêu, các hoạt động cung cấp dịch vụ và bảo trợ xã hội cơ bản. Sử dụng đầu tư nhà nước làm vốn mồi cho đầu tư tư nhân, đặc biệt trong phát triển cơ sở hạ tầng. Khuyến khích cạnh tranh giữa các nhà đầu tư tư nhân trong cơ chế PPP.

Về cải thiện năng lực quản lý dự án. Ở tầm vi mô, cần làm rõ các yếu kém quản lý đầu tư công như giải ngân chậm, giải phóng mặt bằng chậm, tăng giá do lạm phát… Bên cạnh đó, Chính phủ cần xây dựng một thể chế vững mạnh có năng lực quản lý dự án công. Cần tăng cường năng lực lập kế hoạch và thực hiện ngân sách, hạn chế việc cho phép gia hạn dự án và cơ chế thưởng phạt rõ ràng.

Các vị Đại sứ cũng khẳng định sẽ luôn đồng hành với Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu phát triển, nhất là khẳng định các cam kết mạnh mẽ trong viện trợ vốn phát triển cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, ứng phó với biến đổi khí hậu, môi trường và các mục tiêu phát triển xã hội khác.

Ngọc Tuấn