Thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, thủy điện nhỏ và vừa

10:49 | 06/10/2017

539 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 5/10, tại Hà Nội, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức Hội thảo “Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ, phát triển năng lượng tái tạo: An toàn - Hiệu quả - Bền vững”.
thuc day phat trien nang luong tai tao thuy dien nho va vua
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng phát biểu tại hội thảo.

Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo của nhiều bộ, ban, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, thủy điện.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, lượng mưa khá cao, số giờ nắng trong năm từ 1.400 - 3.000 giờ với nhiệt độ bình quân năm hơn 21 độ C và 3/4 lãnh thổ là địa hình đồi núi, phân cắt mạnh đã hình thành hơn 3.450 sông, suối. Các nghiên cứu cho thấy, Việt Nam có tiềm năng thủy điện khá lớn (về lý thuyết khoảng 35 nghìn MW với sản điện lượng khoảng 300 tỷ kWh/năm) và có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo (NLTT) khác như gió, mặt trời, sinh khối... Đây là những tài nguyên quý giá, nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái tạo, cần được khai thác một cách hợp lý. Vì vậy, Bộ Công Thương đã nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển NLTT của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015.

Đối với thủy điện, mục tiêu là đến năm 2020 đạt tổng công suất lắp đặt 21.600 MW; đến năm 2025 đạt 24.600 MW và đến năm 2030 đạt 27.800 MW. Hiện nay, hầu hết các dòng sông, suối đã được nghiên cứu quy hoạch 824 dự án thủy điện có tổng công suất 24.778 MW, trong số đó, đã vận hành khai thác 17.987 MW; đang thi công xây dựng 165 dự án có tổng công suất 3.348 MW,; đã cho phép nghiên cứu đầu tư 260 dự án có tổng công suất 3.050 MW; còn lại 56 dự án (chủ yếu quy mô nhỏ) chưa phê duyệt chủ trương đầu tư, tổng công suất 393,5 MW, bằng 1,59% tổng công suất quy hoạch. Việc đầu tư xây dựng các dự án thủy điện đã thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế, hầu hết các dự án thủy điện vừa và nhỏ do doanh nghiệp ngoài nhà nước làm chủ đầu tư.

Bộ Công Thương đánh giá, các nhà máy thủy điện hiện có đã góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, điều tiết hợp lý giá điện; tạo ra nhiều công việc và thu nhập cho lực lượng lao động trên cả nước; đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước... Tại một số tỉnh (Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Nghệ An, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng...), các nhà máy thủy điện đóng góp phần lớn trong nguồn thu ngân sách. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng kỹ thuật (điện, đường, trường, trạm...) và điều kiện sinh hoạt, sản xuất của người dân ở các địa phương có dự án được cải thiện, hoàn chỉnh... đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương; người dân tái định cư ngày càng ổn định cuộc sống, tăng thu nhập (theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2016, thu nhập bình quân đạt 14 triệu đồng/hộ/năm).

Theo báo cáo của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Bộ Công Thương, thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 62/2013/QH13 ngày 27/11/2013 của Quốc hội về tăng cường quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện, trong những năm qua, Bộ Công Thương đã chủ trì phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương tiến hành rà soát, loại bỏ 468 dự án, vị trí tiềm năng, hoặc không xem xét đưa vào quy hoạch thủy điện với công suất khoảng 2.044 MW do không đảm bảo hiệu quả đầu tư, tác động tiêu cực lớn đối với môi trường - xã hội... (chủ yếu là các dự án thủy điện nhỏ có công suất thấp).

Bộ Công Thương cũng tăng cường công tác quản lý, giám sát các công trình thủy điện; chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn, đào tạo nhân lực cho các doanh nghiệp đảm bảo các chủ đầu tư, nhà máy thủy điện chấp hành nghiêm các quy định của nhà nước về quản lý vận hành các nhà máy thủy điện, quy định về an toàn hồ đập, công tác trồng bù rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng, phòng chống bão lụt...

thuc day phat trien nang luong tai tao thuy dien nho va vua
Toàn cảnh hội thảo.

Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Công Thương phát biểu đánh giá tổng quan về vấn đề quy hoạch thủy điện nhỏ và vừa, phát triển năng lượng tái tạo, các đại biểu đã trình bày nhiều ý kiến, tham luận xung quanh chủ đề của hội thảo. Các ý kiến đều cho rằng phát triển năng lượng tái tạo, thủy điện nhỏ và vừa là giải pháp quan trọng nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng nhu cầu năng lượng cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước, phù hợp với các cam kết quốc tế về môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về thủy điện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế bởi nhiều nguyên nhân: các cơ quan liên quan ở địa phương còn hạn chế về nhân lực chuyên môn và thiếu quan tâm; một số chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu chưa nghiêm túc thực hiện, thậm chí còn vi phạm quy định của pháp luật trong quá trình đầu tư xây dựng hoặc vận hành khai thác; năng lực quản lý dự án, thiết kế và thi công của nhiều đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, chất lượng của quy hoạch và công trình xây dựng tại một số dự án chưa đáp ứng yêu cầu, còn vi phạm quy định vận hành gây bức xúc trong dư luận.

Với những nội dung được đưa ra thảo luận, hội thảo được kỳ vọng sẽ đem tới nhiều thông tin hữu ích để các nhà quản lý từ Trung ương tới địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp liên quan trao đổi ý kiến, kinh nghiệm về khung khổ pháp lý nhằm khắc phục những tồn tại từ trước tới nay trong lĩnh vực thủy điện, năng lượng tái tạo; phát huy hiệu quả các dự án công trình thủy điện nhỏ, năng lượng tái tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; tăng cường công tác quản lý, giám sát nhà nước toàn diện, thống nhất từ Trung ương đến địa phương về quy hoạch, quản lý, đầu tư, tư vấn, thiết kế, phê duyệt, kiểm tra, giám sát thi công xây dựng các công trình, dự án năng lượng tái tạo, trong đó có thủy điện nhỏ; hạn chế tối đa các vấn đề phát sinh, giảm thiệt hại cho cộng đồng cư dân vùng dự án và hạ lưu các thủy điện.

Nguyễn Sơn

  • el-2024