Thừa chữ thành ra thích vẽ… chơi

07:10 | 21/07/2015

4,093 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chuyện Bộ Giáo dục & Đào tạo vừa công bố Dự thảo Điều lệ trường tiểu học với một số nội dung mới theo định hướng của Thông tư 30 về đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học cũng như về mô hình trường mới, xem ra còn nhiều điều khiến dư luận không khỏi băn khoăn khi nó chưa thật sự phù hợp với điều kiện thực tế của nhiều vùng, miền trong cả nước.

ễnChoáng với chức danh “Chủ tịch” ở bậc tiểu học

Choáng với chức danh “Chủ tịch” ở bậc tiểu học

Nếu như dự thảo điều lệ trường tiểu học sửa đổi được thông qua thì lớp tiểu học sẽ có chủ tịch hội đồng tự quản, kéo theo đó là “bộ máy” cồng kềnh trong lớp học.

Với người viết bài này, những vấn đề thuộc về khâu “kỹ thuật nghề” mà dự thảo đề cập tới, chúng tôi muốn dành cho các thầy, cô giáo - những đối tượng trực tiếp chịu tác động từ điều lệ sửa đổi này, trao đổi và kiến nghị. Vì vậy, chúng tôi chỉ xin được bàn đến một khía cạnh, ấy là có nên sử dụng cụm từ “Hội đồng tự quản lớp”, cùng các cụm từ “Chủ tịch (hay Phó chủ tịch) Hội đồng tự quản lớp”, thay cho các cụm từ “Ban cán sự lớp” và “Lớp trưởng” (hay lớp phó) mà chúng ta đã quen dùng từ hàng chục năm nay?

Thừa chữ thành ra thích vẽ… chơi

Không phải tôi dị ứng với chuyện “đổi mới” của ngành giáo dục do thế hệ như chúng tôi cứ bạc mặt ra vì con cháu mình luôn được đem ra “thử nghiệm”, mà sự thật những chuyện đổi mới từ sách giáo khoa đến chương trình giảng dạy thế nào, chắc bàn dân thiên hạ đều rõ cả. Vì thế, cũng không phải là chuyện luyến tiếc quá khứ, nhưng thời chúng tôi đi học, cũng là mấy cấp học như ngày xưa, gồm mẫu giáo, cấp 1, cấp 2, cấp 3 nghe vừa thật dễ nhớ lại vừa như có sự thôi thúc, cộng thêm sự khẳng định bước vượt lên của mỗi chặng đường học tập.

Bây giờ, đi đến bất kỳ trường học nào cũng thấy biển hiệu trường thì dài ngoằng ngoẵng, nghe thì thật kêu, mà sao cứ thấy nó sao sáo thế nào ấy. Tiểu học, trung học cơ sở, rồi trung học phổ thông, trung học nghề… vừa lặp từ, lặp ý nên dễ nhầm âu cũng là điều khó tránh.

Nhưng thôi, cũng xin gác lại ý này để được bàn đến câu chuyện Hội đồng tự quản và các chức danh Chủ tịch (hay Phó chủ tịch) của cái “Hội đồng “ ở thì tương lai này.

Cứ theo như Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ, được Nhà xuất bản Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học xuất bản năm 2004 (in lần thứ 10, có sửa chữa), thì từ Ban và từ cán sự khi ghép lại có nghĩa là một tổ chức gồm một số cán bộ chuyên trách trực tiếp giúp việc ở một cấp. Và như vậy, Ban cán sự lớp chính là cái tổ chức được giao làm nhiệm vụ giúp thầy hoặc cô giáo quản lý, điều hành một số hoạt động của lớp học ấy. Điều này, theo thiển nghĩ của người viết, nó vừa đúng đạo lý, vừa hợp với tâm sinh lý của lứa tuổi này.

Còn cụm từ Hội đồng tự quản, khi giải thích cũng bao gồm 2 vế là hội đồng và tự quản. Với từ Hội đồng, ta có thể hiểu đó là: tập thể những người được chỉ định hoặc được bầu ra để họp bàn và quyết định những công việc nào đó; trong khi tự quản được hiểu là: tự mình trông coi, quản lý với nhau công việc của mình, không cần có ai điều khiển. Rõ ràng, chỉ với nội hàm này, thì cụm từ Hội đồng tự quản lớp xem ra đã thiếu đi cái vế đạo lý làm trò, một yêu cầu tối thiểu nếu không muốn nói là không thể thiếu với tuổi học trò.

Và như vậy, với cái chức danh Chủ tịch (theo từ điển giải thích là người đứng đầu lãnh đạo một cơ quan làm việc theo chế độ hội đồng hoặc ủy ban) Hội đồng tự quản lớp, thì không biết mấy cô bé, cậu bé được giao nhiệm vụ này có hiểu mình đang bị các nhà nghiên cứu giáo dục thêm một lần đưa ra làm vật thí nghiệm cho khát khao đổi mới đến mê muội của họ. Bởi, cứ theo như ý kiến của một “nhà sư phạm”, thì đó là cách để xây dựng sự tự chủ, chủ động và dân chủ ở học sinh ngay từ lứa tuổi nhỏ; vì khi các em được tham gia bầu chọn và đảm nhiệm các vai trò trong lớp học sẽ tăng sự tự tin và trách nhiệm trong công việc.

Lý giải cho chuyện này, một số nhà sư phạm cao giọng nói rằng: “Ở nước ngoài người ta áp dụng như thế và đã thành công”.

Lạ thật, hơi tí người ta lại đưa “nước ngoài” vào đây, có phải cái gì của nước ngoài cũng là tốt, cũng phù hợp với văn hóa, phong tục tập quán và cách nghĩ của người Việt. Nếu nói đến nước ngoài tại sao ngành giáo dục Việt Nam không sang học Cu Ba, một quốc gia có nền giáo dục đứng vào hàng đầu thế giới được xếp ngang vơi Đan Mạch.

Trẻ em Cu Ba được đi học và được nhà nước “nuôi” toàn bộ, từ lớp 1 cho đến hết đại học, từ tiền học phí đến sách vở, đồng phục… thế mới có 72 quốc gia đã cử sinh viên đến học ở Cu Ba. Và các nhà sư phạm Việt Nam nghĩ gì khi một cháu học sinh lớp 1 của Cu Ba chỉ phải học có 4 môn: toán, tập viết, múa hát và thể thao…

Còn ở chúng ta, thử xem học sinh phải học cái gì: 8 môn học (toán, tiếng Việt, đạo đức, tự nhiên & xã hội, âm nhạc, mỹ thuật, thủ công, thể dục) và hai hoạt động giáo dục tập thể, giáo dục ngoài giờ lên lớp. Phải chăng cách dạy cách học của chúng ta đang biến trẻ em thành một lũ gà công nghiệp, có chữ nhưng ít văn hóa. Chính vì thế mới nảy nòi ra chuyện: bảo Quang Trung với Nguyễn Huệ là bố con, là anh em, là bạn chiến đấu...

Chúng ta đang có một nền giáo dục chuộng hư danh, chuộng ảo, tham lam và ôm đồm, cái gì cũng muốn nhét vào đầu con trẻ. Cuối cùng nhồi nhét quá thành ra chúng chẳng nhớ được cái gì cả. Cho nên xin các vị có trọng trách với giáo dục từ nay nếu có học Tây, học nước ngoài cái gì thì cũng phải cân nhắc.

Trong nhiều năm qua, ngành giáo dục của chúng ta loay hoay cải tiến lên, cải tiến xuống và cứ mỗi năm một lần, cứ trước mỗi kỳ thi lại ong đầu về thi cử học hành.

Đúng là ngành giáo dục và cũng như ngành y tế mấy năm nay đã vật lộn đấu tranh với cái cũ đang thay đổi, cải tiến để mọi thứ tốt hơn và thực sự cũng đã có nhiều cách làm có hiệu quả. Điển hình như kỳ thi 2 trong 1 vừa rồi được xã hội đánh giá tốt nhưng thiết nghĩ, dạy gì thì dạy nhưng quan trọng nhất vẫn phải là dạy cách làm người và làm sao để cho học sinh đừng bội thực bởi đủ các loại kiến thức mà các nhà giáo dục cứ thích nhồi vào đầu học sinh.

Trong lúc ngành giáo dục đang giảm thiểu chương trình học tập, đơn giản mọi thứ trong cách học thì lại nảy ra chuyện bầu “Chủ tịch Hội đồng tự quản”. Nghĩ thật là nực cười. Vậy xin đặt một câu hỏi cho các nhà giáo dục, nếu như Lớp trưởng lại không phải là “Chủ tịch Hội đồng tự quản” và “Chủ tịch Hội đồng tự quản” đó có khi học thì dốt nhưng vì một lý do gì đó mà lại được học sinh bầu lên làm “Chủ tịch”. Và vị “Chủ tịch” này sẽ đối chọi với Lớp trưởng thì các vị nghĩ sao? Các vị hãy nhìn xa ra một chút là sự đối đầu giữa Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc ở một số doanh nghiệp hiện nay.

Chủ tịch kéo một phe, Tổng giám đốc kéo một phe, thế là đơn vị nát bét. Vậy trong một lớp học bây giờ, lớp trưởng cũng co một kíp của mình, “Chủ tịch” cũng có một kíp của mình thì thưa các vị chúng đánh nhau suốt ngày mà thôi.

Có một cách để làm cho học sinh bây giờ yêu học hơn, đi vào học thực chất hơn đó là hãy giảm bớt khối kiến thức khổng lồ mà học sinh Việt Nam đang phải nhồi vào đầu kia. Nếu muốn đi học nước ngoài thì cứ xin sang Cu Ba mà học.

Ôi! Các nhà sư phạm đầy phiền phức kính mến ơi! Chả lẽ các anh, các chị thừa chữ lại không viết nổi cái gì ra hồn cho cuộc đời, thành ra phải vẽ ra thứ gì “chơi” cho biết mặt nhau chăng?

Nguyễn Hòa Bình

Năng lượng Mới số 440