Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Ngành Công Thương giúp ổn định kinh tế vĩ mô

21:50 | 03/01/2012

342 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 3/1/2012, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Công Thương 2012. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự và chỉ đạo hội nghị.

Thắng lợi nhất là xuất nhập khẩu

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2011, kế hoạch 2012 của ngành Công Thương.

Thay mặt Bộ Công Thương, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tổng kết một năm thành công của ngành Công Thương. Năm qua, kinh tế nước ta đạt tốc độ tăng trưởng GDP 5,9%, trong đó công nghiệp và xây dựng tăng 5,53 % (riêng công nghiệp tăng khoảng 7,43%). Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,8%, giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 12,7% so với năm 2010.

Sản xuất công nghiệp năm 2011 tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn có những chuyển biến đáng kể, năng lực sản xuất, cơ cấu ngành thay đổi theo chiều hướng tích cực. Giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành ước đạt 912,55 nghìn tỉ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế Nhà nước tăng 3,0%; khu vực kinh tế ngoài Nhà nước tăng 15,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 15,8%.

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá năm 2011 đạt 96,3 tỉ USD, tăng 33,3% so với năm 2010. Xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước chiếm tỷ trọng 50,3%, đạt 48,4 tỉ USD. Xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 49,7% ,đạt khoảng 47,9 tỉ USD. So với năm 2010 có thêm 2 mặt hàng là túi xách, va li, mũ, ô dù và sản phẩm từ sắt thép có kim ngạch trên 1 tỉ USD, đưa các mặt hàng có kim ngạch trên 1 tỉ USD lên con số 23 mặt hàng.

Với nhiều biện pháp tăng cường kiểm soát để hạn chế nhập khẩu những mặt hàng tiêu dùng chưa cần thiết hoặc trong nước đã sản xuất được, nhiều mặt hàng có khối lượng nhập khẩu giảm so với năm 2010. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá năm 2011 đạt 105,77 tỉ USD, tăng 24,7% so với năm 2010. Do tốc độ tăng xuất khẩu cao hơn tốc độ tăng nhập khẩu, nhập siêu năm 2011 đã giảm cả về kim ngạch tuyệt đối, cả về tỷ lệ, đạt 9,52 tỉ USD, bằng 9,89% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn so với mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra.

Năm 2012, Bộ Công Thương yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu. Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than – Kháng sản Việt Nam và các đơn vị liên quan tích cực thực hiện các biện pháp cung ứng điện, cung ứng nhiên liệu, đảm bảo tiến độ các dự án nguồn và lưới điện theo Tổng sơ đồ 7. Năm 2012, Bộ Công Thương khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, cung cấp nguyên phụ liệu cho các ngành dệt may, da giầy, điện tử, tin học, phụ tùng ô tô, xe máy, cơ khí chế tạo.

Tăng trưởng mạnh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về doanh thu, ổn định cung ứng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và khai thác than đạt con số 44 triệu tấn của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam là những yếu tố chính giúp ngành Công Thương có được sự tăng trưởng mạnh mẽ, ổn định trong năm 2011.

Kế hoạch năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp sẽ tăng bình quân 9,0-10,0%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp bình quân toàn ngành, tăng 13,5%/năm. Tăng trưởng GDP công nghiệp và xây dựng tăng 7,8%/năm (trong đó, công nghiệp tăng khoảng 7,9%/năm).

Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp phấn đấu xuất khẩu đạt 108,8 tỉ USD, tăng 13% so với năm 2011. Nhập khẩu khoảng 121,8 tỉ USD, nhập siêu khoảng 13 tỉ USD. Tuy nhiên, quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, ngành công thương phấn đấu tỷ lệ nhập siêu không cao hơn năm 2011, tức khoảng 10%.

Năm 2012, ổn định kinh tế vĩ mô

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đạt được của ngành Công Thương trong năm vừa qua. Công nghiệp không chỉ chiếm 42% GDP cả nước mà còn đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của cả nước là 5,9%. Thủ tướng đánh giá cao kim ngạch xuất nhập khẩu, trong đó kiểm soát tốt hơn một số mặt hàng nhập khẩu, khiến nhập siêu giảm mạnh. Thủ tướng cho rằng giảm nhập siêu, góp phần rất lớn ổn định tỉ giá, ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong bài phát biểu, Thủ tướng điểm qua tình hình thế giới như khủng hoảng nợ công ở châu Âu, động đất ở Nhật Bản, kinh tế khó khăn ở Mỹ… đã tác động đến tình hình kinh tế của Việt Nam. “Tuy còn khó khăn, chúng ta không hề chủ quan lơ là, những kết quả đạt được là rất tự hào. Đây là công lao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Thủ tướng nêu ra những nhiệm vụ mà ngành Công Thương phải thực hiện trong năm 2012. Trước hết, Thủ tướng yêu cầu ngành Công Thương tiếp tục kiểm soát lạm phát (xuống dưới 10%), ổn định kinh tế vĩ mô, kéo lãi suất xuống. Chính phủ cũng đang tập trung mọi nỗ lực ngay từ đầu năm cùng các Bộ, ngành thực hiện những nhiệm vụ quan trọng đó. Phát triển bền vững đi đôi với cân đối năng lượng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất, phát triển sản xuất gắn với chuyển đổi tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực công nghiệp. Nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh hàng hóa. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương rà soát lại chiến lược của từng ngành để phát triển bền vững hơn, hiệu quả hơn, sức cạnh tranh cao hơn. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu một ví dụ rất sinh động về công nghiệp chế biến đang tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế nước ta trong bối cảnh Việt Nam là một nước nông nghiệp. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương và các doanh nghiệp đưa khoa học kỹ thuật vào công nghiệp chế biến để nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm. Về cơ khí chế tạo, Thủ tướng đặt ra một câu hỏi: Đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp, vậy cơ khí chế tạo sẽ phát triển như thế nào? Nói về công nghiệp khai khoáng, Thủ tướng giao nhiệm vụ là công nghiệp khai khoáng phải nâng cao hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Khoáng sản nào buộc phải bán thì bán, cái nào tạo ra sản phẩm thì khai thác, khoáng sản nào ít tạo giá trị gia tăng thì không nên khai thác. Năm nay có hai mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỉ USD là túi xách và thép, Thủ tướng nêu ra một đầu bài: Có nên xuất khẩu thép hay không? Hiện nay ngành thép đang nhập phôi về để cán, tận dụng lợi thế giá điện rẻ để sản xuất thép và xuất khẩu.

Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn nêu ra một số nhiệm vụ khác như: ổn định nguồn cung và giá cả xăng dầu; chỉ đạo tốt công tác xuất nhập khẩu, giảm nhập siêu; quản lý thị trường, kiểm soát giá cả, nhất là hàng tiêu dùng vào dịp Tết Nguyên Đán. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương thực hiện chức năng chủ sở hữu của Bộ về tái cơ cấu doanh nghiệp. Bộ Công Thương cần coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2012. Nội dung của tái cơ cấu là cổ phần hóa; khắc phục những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, rà soát việc đầu tư ngoài ngành và tổ chức cán bộ.

Đức Chính