Thủ tướng Hy Lạp "gài độ" lãnh đạo châu Âu?

14:00 | 13/07/2015

1,943 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những tưởng châu Âu sẽ hài lòng với đề nghị chấp thuận toàn bộ các điều kiện vay nợ của chính quyền Athens, nhưng lãnh đạo cựu lục địa đã không dễ dàng chấp thuận chi tiền vì họ sợ bị Thủ tướng Hy Lạp “gài độ”.

Thủ tướng Hy Lạp

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras (trái) nói chuyện với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker (giữa) và Tổng thống Pháp Francois Hollande trong một cuộc họp với các nguyên thủ khu vực đồng euro ở Brussels, ngày 12/7/2015

Hôm qua, Liên minh châu Âu (EU) đã bất ngờ thông báo hủy hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của khối này dự kiến diễn ra trong ngày 12/7 để bàn về số phận của Hy Lạp trong khu vực đồng tiền chung châu Âu do các Bộ trưởng Tài chính của Eurozone vẫn phải tiếp tục các cuộc đàm phán khó khăn về gói cứu trợ mới đối với Hy Lạp.

Động thái này diễn ra sau khi các Bộ trưởng Tài chính thuộc Eurozone thể hiện sự chia rẽ sâu sắc về vấn đề giải cứu Hy Lạp bất chấp chính quyền Athens đã gửi các kế hoạch cải cách mới gần như chấp nhận toàn bộ yêu cầu của các chủ nợ quốc tế để có thể nhận được gói cứu trợ tài chính mới.

Những nhà lãnh đạo châu Âu tỏ ra nghi ngờ là Athens sẽ giữ đúng lời hứa cắt giảm chi tiêu và tăng thuế.

Nguyên thủ của 19 quốc gia trong khối sử dụng đồng euro của châu Âu đang xem xét một cam kết của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras áp đặt thêm 12 tỉ USD những khoản thuế mới và cắt giảm chi tiêu, để đối lấy sự chấp thuận gói cứu nguy thứ ba cho Hy Lạp trong 5 năm, một khoản vay 60 tỉ USD.

Khi đến Brussels dự hội nghị thượng đỉnh khu vực đồng euro về cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố: "Sẽ không có một thỏa thuận bằng bất cứ giá nào".

Bà Merkel, nhân vật chính ủng hộ những biện pháp kiểm soát tài chính gắt gao ở Athens, nói rằng trong suốt những tháng suy giảm kinh tế ở Hy Lạp, "đồng tiền quan trọng nhất đã bị đánh mất, và đây là niềm tin và mức độ tin cậy".

Các bộ trưởng tài chính của khu vực đồng euro đã bàn bạc nhiều giờ về kế hoạch của Hy Lạp suốt hai ngày qua trước khi bàn giao cuộc tranh luận cho các nguyên thủ. Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Jeroen Dijsselbloem cho biết các quan chức đã "đi một chặng đường dài, giải quyết rất nhiều vấn đề", nhưng những phần chủ chốt của một thỏa thuận khả dĩ vẫn chưa được giải quyết.

Các quan chức của khu vực đồng euro đang đối phó với việc Hy Lạp không thể trả được khoản vay 1,8 tỉ USD cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế vào tháng trước, trong khi những ngân hàng của Hy Lạp đang cạn tiền và đã áp đặt giới hạn rút 60 euro một ngày đối với những người gửi tiền. Các chủ nợ quốc tế đang tìm kiếm thêm những bảo đảm rằng Athens sẽ tôn trọng những điều khoản của bất kỳ thỏa thuận mới nào.

Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble, nước chủ nợ lớn nhất của Hy Lạp, giữ lập trường cứng rắn. "Chúng tôi chắc chắn sẽ không thể dựa vào những lời hứa. Chúng tôi quyết không có những tính toán mà mọi người đều biết là không thể nào tin tưởng được"- ông Schaeuble nói.

Phía Hy Lạp cho rằng những đòi hỏi mới của Đức mang tính xúc phạm Hy Lạp và nhằm mục đích hạ bệ chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras.

Cam kết của Thủ tướng Hy Lạp cũng bị báo chí Pháp soi rọi. Bình luận về quyết định bất ngờ của Thủ tướng Hy Lạp, báo Libération có bài: “Đòn hiểm của ông Tsipras”. Nhà báo Pháp gốc Hy Lạp Maria Malagardis cho rằng: “Bị coi là hành động đầu hàng, chương trình của Athens (vừa gửi đến khối euro) trên thực tế có vẻ như một tính toán chiến lược”. Các đề nghị mới của chính phủ Hy Lạp bị một bộ phận cánh tả coi như là “hành động đầu hàng đơn phương của cánh tả chống chủ trương khắc khổ, sau 6 tháng đối đầu căng thẳng với các chủ nợ”. Nhiều đề nghị trong đó như tăng thuế VAT 23% hay xóa bỏ dần khoản trợ cấp đoàn kết cho những người về hưu nghèo nhất… bị coi là “phản bội” lại các cam kết tranh cử của đảng Syriza. Các đề nghị này trước đây vốn được coi là những “đường ranh đỏ”, không được phép nhận nhượng trong thương lượng.

Bài viết dẫn lại nhận định của một nhà phân tích chính trị, Georges Seferzis, “chiến thắng của quan điểm Không trong trưng cầu dân ý, nay đã chuyển thành chiến thắng của Có trên thực tế”, với câu hỏi: Phải chăng Thủ tướng Hy Lạp đã hy sinh đất nước – đang bên bờ phá sản – để bảo vệ sự đoàn kết của đảng mình, như đánh giá của nhà chính trị học? Theo nhà báo Libération, xem xét kỹ hơn các đề nghị cải cách của Hy Lạp, có thể thấy rất nhiều cải cách bị áp đặt đã được chính phủ Hy Lạp đề nghị kéo dài thêm nhiều năm, hơn nữa việc thực thi cũng được yêu cầu diễn ra tuần tự... Chính phủ Hy Lạp vẫn tiếp tục từ chối tăng VAT đối với các thực phẩm chính hay giá điện, từ chối hạ lương, hay cắt giảm tiếp trong lĩnh vực công. Cuối cùng thì, Libération đánh giá, “trong cuộc đọ sức quyết liệt chưa từng có với các chủ nợ” và trong bối cảnh một số “đối tác” châu Âu mong muốn Hy Lạp ra khỏi euro, Thủ tướng Hy Lạp đã tránh cho đất nước kịch bản Grexit vội vã.

Về mặt đối nội, với việc “chìa tay ra với tất cả các lãnh đạo đối lập, ngay sau chiến thắng trưng cầu dân ý, mời họ tham gia đóng góp vào các cải cách cho đất nước, ông Tsipras đã vô hiệu hóa các đối thủ chính trị”. Vẫn theo Libération, sự lựa chọn mang tính chiến thuật – tổ chức trưng cầu dân ý – của ông Tsipras có thể khiến nền kinh tế Hy Lạp phải trả giá, vì nhiều ngày ngưng trệ, tuy nhiên, đối với đa số người dân Hy Lạp, thủ phạm chính của sự thiệt hại này là đòi hỏi cứng rắn của các chủ nợ, hơn là người đứng đầu chính phủ.

Trong bối cảnh đó, các tin đồn về khả năng Hy Lạp phải ra khỏi khu vực đồng euro lại bùng lên mạnh mẽ. Hôm 12/7, một tài liệu làm việc của Bộ Tài chính Đức đã gây ra nhiều tranh luận. Trong tài liệu này, Đức đề cập đến việc Hy Lạp ra khỏi trong vòng 5 năm, nếu Athens không cải thiện các đề nghị cải cách.

Berlin nói đến việc thành lập một quỹ không phải do Hy Lạp quản lý và trong đó, Athens phải chấp nhận tư nhân hóa các tài sản công để có được 50 tỷ euro. Đây là một dạng bảo đảm cho quỹ.

Theo tài liệu này, Berlin cho rằng, về mặt pháp lý, việc Hy Lạp tạm thời ra khỏi khu vực đồng euro sẽ không cho phép tái cơ cấu nợ. Do vậy, cần phải lập một kế hoạch trợ giúp nhân đạo cho Hy Lạp.

Nh.Thạch

Năng lượng Mới