Thứ trưởng Bộ GTVT: Còn nhiều cơ hội để giảm chi phí logistics

14:04 | 06/04/2018

404 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thừa nhận rằng chi phí logistics tại Việt Nam đang ở mức tương đối cao, tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho rằng, chúng ta còn nhiều cơ hội và giải pháp để giảm chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh cho hàng hoá Việt Nam trên thị trường thế giới.
thu truong bo gtvt con nhieu co hoi de giam chi phi logistics
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công.

Là cơ quan chủ quản về lĩnh vực giao thông vận tải, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công đã có những chia sẻ về các vấn đề xoay quanh lĩnh vực logistics.

Logistic phản ánh trình độ phát triển kinh tế của các nước, do vậy việc hạ giá thành logistics rất quan trọng trong việc làm tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Xin Thứ trưởng cho biết vai trò của ngành giao thông trong lĩnh vực này như thế nào? Những việc ngành giao thông đã làm được và chưa làm được?

Thứ trưởng Nguyễn Văn Công: Chúng ta đều biết, logistics phản ánh trình độ phát riển kinh tế của các nước, nền kinh tế phát triển càng cao thì chi phí logistics càng thấp. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đang đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 4 trong ASEAN sau Singapore, Malaysia và Thái Lan.

Dựa vào chuỗi giá trị của logistics tại Việt Nam, các hoạt động của chuỗi logistics tập trung vào giao nhận, vận tải nội địa, vận tải quốc tế, khai thác cảng biển và cảng hàng không, lưu kho bãi và quản lý hàng hoá. Trách nhiệm chính của ngành giao thông trong logistics là vận tải và chi phí vận tải, dịch vụ tại cảng biển.

Bộ GTVT đã triển khai Đề án về logistics trong 5-6 năm vừa qua với mục tiêu: phát huy vận tải đa phương thức trong đó sử dụng tối đa hiệu quả vận tải hàng hải và đường thuỷ nội địa nhằm giảm tải cho đường bộ. Bộ GTVT cũng đã thực hiện chủ trương lớn của Chính phủ về kiểm soát tải trọng phương tiện trong nhiều năm và đã đạt kết quả khả quan. Bộ cũng tập trung xây dựng Đề án sử dụng có hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông hiện có, tập trung vào khai thác có hiệu quả hệ thống cảng biển, trong đó các cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tiếp nhận được tàu tải trọng lớn đến 194.000 DWT và cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) tiếp nhận được tàu 100.000 DWT.

Tuy nhiên, vấn đề kết nối các phương thức vận tải chưa được cải thiện đáng kể. Tình trạng chung là thiếu hệ thống kho, bãi, giao thông tiếp cận đủ tiêu chuẩn tại các đầu mối ga đường sắt, bến thuỷ nội địa.

Tại các đầu mối vận tải đường sắt, kể cả đầu mối vận tải Bắc - Nam không có kho bãi, phương tiện thiết bị phù hợp để cung cấp các dịch vụ đi kèm như: kho vận, xếp dỡ, giao nhận, vận tải chặng ngắn... đặc biệt đối với hàng container.

Thêm nữa, bất cập hiện nay là nhiều doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa và doanh nghiệp xuất khẩu chưa hiểu được hết vai trò của logistics trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đôi lúc, họ chỉ hiểu đơn thuần logistics là vận tải thôi chứ không nghĩ rằng còn rất nhiều công đoạn khác nhau.

Có ý kiến cho rằng, điểm yếu lớn nhất của logistics Việt Nam là thiếu một "nhạc trưởng" để kết nối các phương thức vận tải, đặc biệt là giữa các phương thức vận tải khối lượng lớn, chi phí thấp như đường thủy nội địa, đường sắt và hàng hải. Xin ông cho biết quan điểm của Bộ GTVT về nhận định này?

Thứ trưởng Nguyễn Văn Công: Phải thừa nhận rằng chúng ta có 5 phương thức vận tải (đường sắt, đường bộ, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không) nhưng chưa phát huy được 2 lĩnh vực có khối lượng vận tải lớn là đường thuỷ nội địa và hàng hải. Chưa kể đến việc các nhà máy sản xuất, tiêu thụ, các khu công nghiệp các vùng kinh tế lại nằm sâu trong nội địa dẫn đến chi phí vận tải ra đến cảng biển cao.

Hạn chế trong việc kết nối đường thuỷ nội địa và đường biển chính là sự không đồng bộ giữa năng lực khai thác cảng thuỷ nội địa và cảng biển, cả về trang thiết bị xếp dỡ và vấn đề kho bãi.

Còn tại các đầu mối cảng biển ở khu vực phía Nam chưa có kết nối đường sắt nhưng vận tải thuỷ nội địa đang tiếp tục phát huy khá tốt vai trò kết nối. Hạ tầng vận tải đường bộ mặc dù cũng đã được đầu tư nhưng còn chậm và chưa theo kịp tốc độ phát triển lưu lượng vận tải. Tình trạng tắc nghẽn phương tiện và hàng hoá trên các tuyến đường bộ đến cảng Cát Lái, khu vực cụm ICD Trường Thọ (Thủ Đức) vẫn diễn ra nghiêm trọng mặc dù nhiều giải pháp đang được triển khai, vận tải đường bộ đến cảng Cái Mép-Thị Vải vẫn còn hạn chế về năng lực tuyến kết nối...

Cảng biển ở khu vực phía Bắc, vấn đề kết nối vận tải đối với cảng Hải Phòng, Quảng Ninh nhìn chung vẫn chưa được cải thiện nhiều, ngoại trừ sự phát triển của vận tải ven biển trên các tuyến đã được công bố. Vận tải đường sắt không thể tăng được khối lượng và thị phần vận tải đi và đến cảng nhiều năm qua, trong khi vận tải thuỷ nội địa chưa thể tham gia được vận tải container đang chiếm tới 50% khối lượng hàng hoá thông qua cảng Hải Phòng. Vận tải đường bộ vẫn là phương thức vận tải chủ yếu trên các hành lang vận tải đến cảng.

Được biết, sắp tới Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì Hội nghị logistics toàn quốc vào ngày 12/4 tới, với những vấn đề của ngành giao thông nêu trên, Bộ GTVT sẽ kiến nghị lên Chính phủ những nội dung gì?

Thứ trưởng Nguyễn Văn Công: Hiện, chi phí logistics của Việt Nam vào khoảng 20-21% GDP, đứng thứ 4 trong số các nước ASEAN. Trong tổng chi phí logistics hiện nay liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải chiếm khoảng 59-60%. Tuy nhiên, tỉ lệ này là bình thường bởi ngay ở Mỹ chi phí vận tải trong tổng chi phí logistics cũng khoảng 55-63%. Nhưng tôi khẳng định rằng chúng ta còn nhiều cơ hội và giải pháp để giảm chi phí logistics.

Vì vậy, tại hội nghị, Bộ GTVT sẽ kiến nghị 6 giải pháp chính nhằm giảm chi phí logistics, gồm:

Một là, chúng ta cần có các giải pháp đồng bộ đầu tư hệ thống giao thông phù hợp chiến lược phát triển kinh tế xã hội. Trong đó, quan trọng phải xây dựng được các hành lang vận tải đa phương thức, làm sao để kết hợp được các phương thức vận tải khác nhau để giảm chi phí vận tải. Ưu tiên xây dựng một số hành lang vận tải trọng điểm, kết nối cảng biển với các khu kinh tế, từ đó đưa ra phương thúc vận tải tối ưu nhất để có chi phí thấp nhất.

Hai là, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống cảng cạn (ICD) của Việt Nam, chúng tôi đang xây dựng hệ thống chi tiết để ngay trong tháng 4/2018 sẽ trình lên Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt. Hệ thống cảng cạn này sẽ là cầu nối giữa các khu công nghiệp, các vùng kinh tế trọng điểm với cảng biển, là nơi lưu giữ các container có hàng, hoặc không có hàng, lạnh và là khu để gom hàng phân chia hàng để phục vụ việc xếp dỡ hàng hoá, tạo cầu nối cho các phương thức vận tải khác nhau.

Ba là, trong việc phát triển đồng bộ hệ thống giao thông cần ưu tiên cho hệ thống đường thuỷ nội địa vì đây là lĩnh vực ta có dư địa rất lớn, đặc biệt là ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhưng trước đến nay ta chưa có sự quan tâm đầu tư. Trong khi đó, đường thuỷ nội địa và hàng hải là phương thức vận tải khối lượng lớn, chi phí thấp, đáp ứng tiêu chí quan trọng hiện nay là tăng trưởng xanh, bền vững, đặc biệt với Đồng bằng sông Cửu Long còn góp phần xoá đói giảm nghèo.

Bốn là, chúng tôi cũng kiến nghị Chính phủ quan tâm đầu tư 1 số cảng nước sâu, đầu tư hạ tầng khu Cái Mép - Thị Vải, nâng cấp các tuyến luồng để đón tàu siêu lớn nhằm khai thác tối đa hệ thống hạ tầng hiện có. Bởi hiện nay tàu không thể vào Cái Mép - Thị Vải 24/24h được mà phải chờ thuỷ chiều. Nếu tàu ra vào được 24/24h thì các hãng tàu lớn sẽ mở các luồng tàu ra vào nhiều hơn, để hàng hoá đến châu Âu, Mỹ nhanh hơn mà không cần trung chuyển sang Singapore.

Năm là, Bộ GTVT sẽ cùng các bộ ngành tiếp tục triển khai chủ trương kiểm soát chặt chẽ tải trọng phương tiện để đảm bảo bình đẳng giữa các phương thức vận tải. Hiện, chúng ta đã làm rồi nhưng cần phải tiếp tục làm hiệu quả hơn thì lúc đó các doanh nghiệp sẽ không chọn đường bộ nữa mà chuyển sang đường thuỷ chi phí thấp hơn.

Sáu là, tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính và các thủ tục kiểm tra chuyên ngành đang là rào cản khá lớn. Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành làm quyết liệt nhưng chúng tôi sẽ kiến nghị đẩy nhanh hơn, đặc biệt là các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, bỏ hẳn hoặc đơn giản hoá, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Báo điện tử Chính phủ

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc