Thu phí dịch vụ môi trường rừng: Bất hợp lý với thủy điện nhỏ

07:00 | 01/10/2013

2,494 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhằm đối phó với hiệu ứng nhà kính đang gây ảnh hưởng lớn đến môi trường nước ta, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2010/NĐ-CP (NĐ 99) nhằm điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất và đời sống xã hội, hấp thụ và lưu giữ cacbon của rừng, ngăn chặn suy thoái rừng, giảm diện tích rừng và phát triển rừng bền vững… Đây là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Chính phủ. Tuy nhiên khi đi vào áp dụng thực tế, một số điểm chưa phù hợp, sát với thực tiễn về cách tính và thu phí dịch vụ môi trường rừng đã khiến các doanh nghiệp thủy điện nhỏ điêu đứng, đồng thời khiến cho việc thu phí gặp nhiều khó khăn.

Vừa qua, các công ty sản xuất thủy điện nhỏ (công suất dưới 30MW) trên cả nước đang rất bức xúc bởi những bất cập trong việc tính phí và truy thu phí dịch vụ môi trường rừng (DVMTR).

 Cuối tháng 4/2013, Hiệp hội Các doanh nghiệp tỉnh Lào Cai, Chi hội Các doanh nghiệp kinh doanh thủy điện đã gửi kiến nghị lên Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, UBND tỉnh Lào Cai đề nghị Quỹ Bảo vệ & Phát triển rừng không thu tiền DVMTR năm 2011 và 2012 của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh (SXKD) thủy điện có công suất dưới 30MW. 

Doanh nghiệp kinh doanh thủy điện đang gặp khó khăn với phí DVMTR

Trong công văn nêu rõ những điểm bất hợp lý, đó là trong nội dung Nghị định số 99/2010/NĐ-CP và nội dung trong Quyết định số 18/2008/QĐ-BCT ngày 18/7/2008 của Bộ Công Thương ban hành quy định về biểu giá chi phí tránh được và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các nhà máy điện nhỏ sử dụng năng lượng tái tạo. Cụ thể theo Nghị định 99, quy định: “Tiền chi trả DVMTR là một yếu tố trong giá thành sản phẩm có sử dụng DVMTR và không thay thuế tài nguyên hoặc các khoản phải nộp khác theo quy định của pháp luật”.

Nhưng theo Quyết định số 18/2008/QĐ-BCT biểu giá chi phí tránh được ban hành hằng năm thì giá thành sản phẩm chưa bao gồm tiền chi trả DVMTR. Quyết định này có hiệu lực đến hết năm 2012, đến năm 2013 biểu giá chi phí tránh được đã tính tiền chi trả DVMTR.

Thật ra, sự bất cập này đã được Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn phát hiện ra và xác nhận bằng văn bản. Mặt khác, hiệu lực thi hành của Nghị định 99 của Chính phủ về chính sách chi trả DVMTR có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2011 nhưng đến cuối năm 2012 Quỹ Bảo vệ & Phát triển rừng mới triển khai thực hiện. Trong khi đó, chi phí của các doanh nghiệp SXKD thủy điện đã được hạch toán và quyết toán theo chế độ kế toán của Nhà nước nên việc thực hiện “truy thu” như vậy là trái quy định về tài chính.

Một bất cập nữa là việc Bộ Tài chính thông qua quyết định về việc công bố giá bán điện thương phẩm bình quân áp dụng làm giá tính thuế tài nguyên nước thiên nhiên sản xuất thủy điện áp dụng từ ngày 1/8/2013 là 1.508,85 đồng/kWh. Như vậy doanh nghiệp sẽ phải chịu mức thuế gấp đôi so với thực tế sản lượng điện sản xuất bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Bà Lương Thị Lợi, Chủ tịch Công ty CP Đầu tư xây dựng điện Linh Linh cho biết: “Việc áp dụng giá bán điện thương phẩm bình quân để tính thuế tài nguyên như vậy là hoàn toàn xa rời thực tế, bởi EVN mua điện của chúng tôi theo kế hoạch từ đầu năm và chỉ vào khoảng 900-1.000 đồng/kWh. Nếu tính như vậy, một doanh nghiệp có doanh thu 10 tỉ đồng với mức phí DVMTR là 2% thì thực tế, chúng tôi sẽ phải đóng thêm gần 100 triệu đồng mà chẳng có căn cứ gì”.

Trong khi đó, việc tính giá điện theo mùa cũng còn những chênh lệch, cần điều chỉnh để doanh nghiệp kinh doanh thủy điện nhỏ không bị thiệt hại bởi chênh lệch 1 tháng tiền điện mùa mưa. Cụ thể theo Quyết định số 2014/QĐ-BCN quy định giá mua bán điện các dự án nguồn điện trong đó, mùa khô (từ 1/10 đến 30/6 năm sau) và mùa mưa (từ 1/7 đến 30/9) nhưng hiện nay doanh nghiệp thủy điện Lào Cai bán điện cho Tổng Công ty Điện lực miền Bắc theo mùa mưa là 4 tháng (từ 1/7 đến 31/10). Chính vì những bất cập nêu trên, các doanh nghiệp thủy điện được ký kết hợp đồng mua bán điện theo quy định tại Quyết định số 18/2008/QĐ-BCT không có nguồn vốn để thanh toán tiền DVMTR các năm 2011-2012. Bên cạnh đó, các năm 2011-2012 là những năm thời tiết thất thường, mưa bão xảy ra liên miên, khó lường gây sạt lở, ngập các công trình thủy điện nhỏ, dẫn đến phải khắc phục các sự cố, mất rất nhiều thời gian mới có thể phục hồi sản xuất. Các dự án thủy điện hầu hết bị đình trệ, chậm tiến độ hoàn thành phải gánh lãi suất tín dụng cao.

Ngày 17/7/2013, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có ý kiến chỉ đạo giao Bộ Công Thương xem xét xử lý các bất cập nêu trên, nhưng đến nay vẫn chưa có một quyết định hoàn thiện.  Nên chăng, Bộ Tài chính cần xem xét, chỉ đạo Quỹ Bảo vệ & Phát triển rừng thu phí DVMTR một cách chính xác và hợp lý hơn như bổ sung chi phí DVMTR các năm 2011-2012 vào biểu giá chi phí tránh được, nếu không thì không thu tiền DVMTR của năm 2011-2012 đối với các nhà máy thủy điện nhỏ sử dụng năng lượng tái tạo. Riêng các doanh nghiệp đã nộp phí DVMTR các năm 2011-2012 cần chuyển nộp sang năm 2013.

Giá bán điện bình quân của các doanh nghiệp thủy điện cho EVN theo kế hoạch hằng năm. Năm 2013, giá bán điện thương phẩm các dự án nguồn điện chia theo mùa khô và mùa mưa, bình quân là 900-1.000 đồng/kWh điện.


Tùng Dương

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps