Thủ phạm gây rò rỉ phim chiếu rạp

17:59 | 19/04/2017

2,975 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Phát tán nội dung phim điện ảnh lên mạng xã hội khi chưa được phép dù đã bị cấm, song vẫn liên tục xảy ra. Việc này đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của nhà sản xuất, nhưng vẫn khó để ngăn chặn và xử lý.

Vô tư quay trộm

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Năng lượng Mới, việc khán giả “Livestream” (phát trực tiếp) trong những chương trình nghệ thuật bán vé hay xem phim tại các rạp không phải mới diễn ra. Tháng 2-2016, phim “Gái già lắm chiêu” của hai đạo diễn Bảo Nhân - Nam Cito bị quay lén trong rạp để phát tán trên mạng. Cuối năm 2016, phim điện ảnh “Chạy đi rồi tính” của bộ đôi đạo diễn này vừa ra rạp cũng bị khán giả phát “Livestream” trên facebook cá nhân.

Chưa hết, một bộ phim đình đám khác là “Tấm Cám - Chuyện chưa kể” của đạo diễn Ngô Thanh Vân cũng bị một nữ khán giả “Livestream” gần hết nội dung phim lên facebook khi mới ra mắt vài ngày. Ở thời điểm đó, đạo diễn Ngô Thanh Vân đã tỏ rõ thái độ bức xúc và yêu cầu phía quản lý rạp xử lý bằng văn bản trường hợp này với mong muốn những việc tương tự sẽ không xảy ra ở bất kỳ nơi đâu, cho bất kỳ bộ phim nào. Sau đó, đạo diễn Ngô Thanh Vân đã lên tiếng cảnh cáo trên trang fanpage của cô về trường hợp này. Theo đó, công ty của Ngô Thanh Vân đã liên hệ với quản lý rạp chiếu phim yêu cầu cô gái gỡ đoạn video khỏi facebook, đồng thời lập biên bản xử lý.

Tình trạng “Livestream” phim chiếu rạp thể hiện thái độ thiếu ý thức của một bộ phận khán giả và khiến các nhà sản xuất đau đầu. Những tưởng tình trạng này sẽ lắng xuống sau khi các nhà sản xuất phim lên tiếng bằng những biện pháp mạnh, nhưng mới đây, một thanh niên tên N.H đã phát trực tiếp các cảnh trong phim “Lô Tô” - bộ phim đang gây “sốt” lên mạng xã hội facebook khi xem tại rạp chiếu phim.

thu pham gay ro ri phim chieu rap
Nhiều chương trình, phim chiếu rạp bị rò rỉ ra bên ngoài (ảnh minh họa)

Đối với các chương trình bán vé, không ít lần các nghệ sĩ phải lên tiếng nhắc nhở các khán giả không phát trực tiếp nội dung lên mạng xã hội. Đơn cử như tối 4-2 (mùng 8 tết Đinh Dậu), nghệ sĩ Xuân Bắc đã tỏ thái độ bức xúc khi một số khán giả lấy điện thoại “Livestream” chương trình biểu diễn bán vé tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô lên mạng xã hội facebook, dù trước đó Ban Tổ chức đã thông báo và nhắc nhở. Còn nhớ, buổi tối hôm đó, nghệ sĩ Xuân Bắc đứng trên sân khấu thẳng thắn: “Nếu ai còn tiếp tục ghi hình, chúng tôi sẽ mời người đó ra khỏi khán phòng” thì tình hình mới dịu đi.

Cấm nửa vời

Liên quan đến vấn đề “Livestream” phim điện ảnh lên mạng xã hội khi chưa cho phép, trao đổi với chúng tôi, Giám đốc sản xuất phim “Lô Tô” Lý Minh Thắng cho biết, ông đã chủ động liên lạc với bạn trẻ “Livestream” phim “Lô Tô” và bạn ấy đã nhanh chóng xóa video, đồng thời xin lỗi vì hành động lúc đó.

“Họ chỉ muốn chia sẻ và quảng bá bộ phim. Đấy là những suy nghĩ rất đơn giản và vô tư… Bản thân tôi khi đứng vào địa vị là khán giả, tôi thấy rằng, các quy định của rạp về vấn đề bảo vệ bản quyền của phim không phải ai cũng biết, nếu biết họ cũng không rõ về mức độ nặng nhẹ của sự việc. Khán giả vào xem phim được mang theo điện thoại và trong lúc xem họ vẫn sử dụng điện thoại bình thường, còn sử dụng vào mục đích nào thì nhân viên giám sát của rạp phải là người kiểm tra và nhắc nhở” - Giám đốc sản xuất phim “Lô Tô” nói.

Bên cạnh đó, ông Lý Minh Thắng cũng cho rằng, để ngăn chặn tình trạng “Livestream” phim điện ảnh, đạo diễn phim và các rạp chiếu phim cần phối hợp chặt chẽ với đơn vị chủ quản trang mạng xã hội facebook để ngăn chặn các trường hợp như trên. “Tuy nhiên, động thái duy nhất của các cơ quan liên quan là phát hiện trường hợp nào sẽ nhắc nhở và yêu cầu xóa video. Tôi thấy hành động đó vẫn chưa triệt để” - Giám đốc sản xuất Lý Minh Thắng nhận định.

Thông thường, người có hành vi phát tán nội dung phim ra ngoài khi chưa được sự cho phép phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, bên cạnh đó đơn vị phát hành phim cũng phải chịu trách nhiệm liên quan. Tuy vậy, trách nhiệm của phía rạp chiếu như thế nào lại ít được nhắc tới.

Giám đốc sản xuất Lý Minh Thắng nói: “Đây không phải lần đầu tiên những cảnh phim của tôi bị rò rỉ, vì trước đó phim “Vòng eo 56” và “Sài Gòn - anh yêu em” cũng bị đưa lên mạng xã hội. Để chấm dứt tình trạng này, tôi có đưa yêu cầu vào hợp đồng, nhưng bên phát hành không đồng ý vì cho rằng, điều này làm khó họ và họ không thể cam kết chắc chắn 100% việc này. Như vậy, thay vì xử lý một cách triệt để, tuyên truyền, khuyến cáo khán giả hoặc có những điều khoản bồi thường nhất định thì động thái của phía phát hành không gì khác ngoài rút kinh nghiệm, hoặc quy trách nhiệm cho cá nhân người vi phạm”.

Ông Lý Minh Thắng nhận định, người chịu trách nhiệm trước pháp luật phải là nhà phát hành chứ không phải khán giả. Vì họ thuê phim của tôi, họ phải có trách nhiệm trong việc giữ bản quyền của bộ phim và tôi là người trả tiền để họ làm việc đó. Đồng thời mong muốn hướng đến ý thức tự giác và sự văn minh của các bạn trẻ khi ra rạp xem phim. “Hy vọng các cơ quan chức năng cần phải có biện pháp nhất định để đảm bảo quyền lợi của nhà sản xuất. Nếu có thể phối hợp với nhà quản lý facebook Việt Nam để xử lý các trường hợp vi phạm bằng việc xóa tài khoản sẽ là cách răn đe vô cùng hiệu quả” - Giám đốc sản xuất phim “Lô Tô” nói.

Theo đại diện một rạp chiếu phim ở Hà Nội, trong trường hợp phát hiện khán giả quay phim, chụp ảnh trong rạp thì đơn vị này sẽ yêu cầu người đó xóa ngay nội dung liên quan đến phim, dù chỉ là một cảnh hoặc ảnh phông rạp cũng phải xóa và ký bản cam kết sẽ không tái phạm.

Khó quy trách nhiệm

Về vấn đề này, luật sư Trần Minh Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình cho biết: Việc phát tán nội dung phim khi chưa có sự cho phép của chủ sở hữa là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định pháp luật. Cụ thể tại Điều 72, Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định, hành vi sao chép bản ghi âm, ghi hình mà không được phép của chủ sở hữu, quyền của nhà sản xuất, xuất bản, ghi âm, ghi hình sẽ bị phạt 15-35 triệu đồng. Ngoài ra, nếu quay phim lén rồi phát tán gây thiệt hại về kinh tế cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan có thể sẽ bị xử lý theo Điều 170a Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009. Theo đó, ngoài số tiền phạt cao nhất có thể lên tới 1 tỉ đồng, người vi phạm có thể bị phạt tù đến 3 năm.

Luật sư Trần Minh Hùng phân tích: “Với những cá nhân vi phạm, tùy theo từng địa phương cũng như tính chất của vụ việc mà cơ quan có thẩm quyền (đó có thể là thanh tra chuyên ngành, thanh tra du lịch, văn hóa, thể thao, cơ quan công an, chủ tịch UBND các cấp)… tiến hành xử lý”.

Tuy nhiên, Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình cũng khẳng định, việc xử phạt các cá nhân vi phạm rất khó vì họ sử dụng chỉ vì mục đích cá nhân, không mang tính tổ chức, chuyên nghiệp hay vì lợi nhuận nên việc khởi kiện hay xử lý vi phạm không đơn giản về mặt thủ tục cũng như tố tụng.

Phim “Lô Tô” hiển nhiên không phải là trường hợp đầu tiên và chắc hẳn không phải là cuối cùng trong loạt phim bị rò rỉ trên mạng. Thế nhưng chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn của nền điện ảnh Việt Nam - nơi mà văn hóa bản quyền được coi trọng và nhận thức của người xem được nâng cao.

Song Nguyễn - Đinh Hương

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.