Thử nghiệm mạng WIFI cơ động ở Việt Nam

15:49 | 18/07/2011

541 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong bán kính 3km, hệ thống phát sóng WIFI treo trên 3 ba quả bóng thám không (cao 50m) giúp người ở dưới để liên lạc và cập nhật thông tin về Trung ương.

Đây là mô hình thử nghiệm thành công Hệ thống thông tin cơ động CISCAI – dự án do ASEAN Foundation khởi xướng, thực hiện tại Việt Nam, Lào, Indonesia và Thái lan. Đơn vị chủ trì về công nghệ tại Việt Nam là Công ty Cổ phần NetNam.

Từ năm 2009 đến nay, CISCAI Việt Nam đã tiến hành ba đợt thực nghiệm (Tabletop exercise) tại các địa bàn vùng sâu và xa của Sóc Sơn, Hòa Bình và Thái Nguyên. Một hệ thống thông tin cơ động được thiết lập dựa trên các thành phần chính: vệ tinh VSAT-IP, các trạm phát sóng cơ động Wifi và WiMax,… đã được đưa vào thử nghiệm.

Cuộc thử nghiệm lần 3 được tiến hành trên địa bàn xã Phấn Mễ, Phú Lương, Thái Nguyên, từ 27/6 đến 1/7/2011, độ phủ WIFI cho các cán bộ hiện trường đã đạt được bán kính 3km với sự trợ giúp của 3 quả bóng thám không, đặt ở độ cao 50m, sử dụng nguồn điện từ hệ thống ắc-quy thông thường.

Đây được xem là một điểm sáng tạo có tính đột phá so với các đợt thử nghiệm trước đây. Thông qua trạm vệ tinh cơ động VSAT-IP băng rộng, các cán bộ hiện trường có thể làm việc trong bán kính 3km và hoàn toàn giữ được liên lạc và truy cập vào các hệ thống thông tin đặt tại Hà Nội.

Băng thông từ “khinh khí cầu” về đến đội hiện trường có thể đạt 7-8Mbps, trong khi truy cập Internet nhờ vệ tinh có thể đạt đến băng thông 2Mbps.

Thành công của đợt thử nghiệm này đưa ra một mô hình Hệ thống cơ động phục vụ các nhiệm vụ ứng cứu khẩn cấp tại các vùng khó khăn về viễn thông liên lạc (chưa có Internet băng rộng hoặc di động 3G), và phục vụ một số lượng lớn cán bộ làm việc tại hiện trường, truy nhập Internet thông qua mạng WIFI thông thường.

Toàn bộ hệ thống thiết bị có thể hoạt động liên tục 8-10 giờ bằng 6 ắc-quy thông thường hoặc dài hơn thông qua một máy phát điện xách tay loại nhỏ.

NetNam, cùng với các đối tác Việt Nam, thực hiện dự án với mục tiêu ban đầu là phục vụ hệ thống thông tin kiểm soát cúm gia cầm. Tuy nhiên kết quả thực tế của CISCAI cho thấy các mô hình của dự án hoàn toàn có thể ứng dụng cho các mục đích ứng cứu thông tin khẩn cấp của các ngành và lĩnh vực khác.

Dự án CISCAI có hai hợp phần chính, bao gồm Hệ thống thông tin cơ động ứng cứu khẩn cấp và Hệ thống thông tin GIS phục vụ công tác thu thập, cập nhật, quản lý thông tin và hiển thị trực quan trên bản đồ. Đối tác Dự án tại Việt Nam có Cục thú Y (Bộ NN&PTNT), Viện Vệ sinh dịch tễ (Bộ Y tế), Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và NetNam. Hệ thống kỹ thuật được thiết kế và thiết lập bởi NetNam, hợp tác với NECTEC thuộc Bộ Khoa học & Công nghệ Thái Lan. Hệ thống GIS do Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tài nguyên & Môi trường) chủ trì thực hiện. Ngoài ứng dụng web-based truyền thống, chủ yếu phục vụ công tác quản lý, hỗ trợ thông tin, một điểm nổi bật của hệ thống GIS là ứng dụng trên thiết bị di động. Ứng dụng CISCAI mobile chạy trên bất kỳ thiết bị di động nào tích hợp bộ thu nhận GPS và hỗ trợ Java. Trang web của dự án đặt tại http://www.ciscai.org

Tiến TrungBĐV