Thủ khoa “hiến kế” xây dựng nông thôn mới

07:38 | 26/08/2012

3,431 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Nhiều ý tưởng, giải pháp góp ý cho quá trình xây dựng nông thôn mới đã được các thủ khoa trình bày tại buổi Tọa đàm “Thủ khoa với xây dựng nông thôn mới” diễn ra tại Đại học Thủy lợi (Hà Nội) sáng 25/8.

Buổi tọa đàm là một hoạt động trong chuỗi sự kiện gặp gỡ 275 thủ khoa và tuyên dương 107 thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2012.

Trước khi diễn ra buổi tọa đàm, này 19/8, đoàn thủ khoa đã có 2 ngày về thực tế tại xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ - một xã điểm xây dựng nông thôn mới của Hà Nội.

Bằng những tri thức hiểu biết và trải nghiệm sau chuyến đi thực tế, trong buổi tọa đàm, các thủ khoa đã chia sẻ và trao đổi nhiều nội dung xung quanh 5 chủ đề về xây dựng nông thôn mới đang đặt ra rất bức bách hiện nay.

Đó là: Đề xuất về ứng dụng và chuyển giao khoa học- kỹ thuật nông nghiệp; Dân trí và phát huy văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới; Phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn Hà Nội; Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới; quy hoạch và quản lý quy hoạch.

Các nhóm trình bày về kiến nghị xây dựng nông thôn mới

Ông Hoàng Thanh Vân - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội cho biết: “Điều hết sức bất ngờ và thú vị đối với chúng tôi là những giải pháp và đề xuất của các bạn có những giải pháp hết sức táo bạo. Thậm chí có tính khả thi tốt, là những điều chúng tôi chưa nghĩ đến”.

Nhóm 1 với chủ đề “Đề xuất về ứng dụng và chuyển giao khoa học- kỹ thuật nông nghiệp” đã đưa ra kiến nghị xây dựng một trang Farmbook với chức năng tương đương với trang mạng xã hội Facebook nhằm giúp người nông dân và các nhà khoa học trao đổi với nhau để tăng năng suất trong lao động, sản xuất nông nghiệp.

Nhóm 2 với chủ đề “Dân trí và phát huy văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới” là một trong những nhóm nhận được nhiều sự quan tâm. Các thủ khoa đã đề xuất việc biên soạn sổ tay tuyên truyền tới người dân về quá trình xây dựng nông thôn mới; tổ chức các chương trình truyền thanh, tọa đàm tại cộng đồng mang tính chuyên đề.

Ngoài ra, các thủ khoa còn kiến nghị xây dựng thương hiệu văn hóa cho Phúc Thọ, Hà Nội, bởi chỉ riêng tại địa phương này đã có 18 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh Hà Tây cũ công nhận, việc xây dựng thương hiệu văn hóa cho địa phương sẽ giúp người dân có thêm thu nhập và làm thay đổi diện mạo quê hương. Đặc biệt nhất, các thủ khoa đã đưa ra đề xuất xây dựng bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo hộ gia đình để đánh giá. Ngoài

Tâm đắc với ý tưởng này, đồng chí Hoàng Thanh Vân cho biết sẽ tiếp tục suy nghĩ để báo cáo cấp Trung ương. Bởi theo ông, mặc dù mỗi lĩnh vực đều xuất bản những cuốn sổ tay để tiếp cận với người dân, nhưng hiện chưa có Sổ tay dành cho từng hộ gia đình để đánh giá các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Với chủ đề phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường làng nghề Hà Nội, các thủ khoa tổ 3 cũng đóng góp được nhiều giải pháp được đánh giá là khả thi. Đó là: làm tốt công tác truyền thông thương hiệu cho người dân làng nghề, đa dạng hóa hình thức du lịch làng nghề, đặc biệt là quan tâm đến vấn đề truyền thông bảo vệ môi trường làng nghề như một biện pháp thu hút vốn đầu tư của nước ngoài vào Hà Nội…

Các thủ khoa tranh luận và trao đổi với nhau 

Nhóm thủ khoa của tổ 4 đã bàn thêm về tiêu chí 18 là Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới xây dựng hệ thống tổ chức chính trị cơ sở đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới. 

Theo nhóm này, xây dựng nông thôn mới là để xây dựng một bộ mặt mới của nông thôn, nông dân và nông nghiệp Việt Nam. Đây là một vấn đề mà Đảng đang rất chú trọng để phát huy thế mạnh tuyệt đối so sánh của đất nước. 

Trong tương lai, xây dựng hệ thống chính trị phải đặt trên cơ sở, nền tảng xuất phát từ nhân dân, chú trọng đến đối tượng được hưởng chứ không phải thực hiện theo kiểu “cho xong” để đạt được những tiêu chí đề ra. Cần hướng đến sự phản biện của nhân dân. Lấy nông dân sẽ là trung tâm của quá trình xây dựng hệ thống chính trị cơ sở.

Cuối cùng, nhóm thủ khoa của tổ 5 chia sẻ những suy nghĩ của mình về quy hoạch cũng như kiến trúc tại Phúc Thọ, Hà Nội. Theo nhóm này, quy hoạch kiến trúc của vùng ngoại đô này vẫn chưa đồng nhất, dẫn tới việc mất mỹ quan của làng quê. Mặc dù không thể thiết kế một mẫu nhà chung cho các hộ gia đình, tuy nhiên các thủ khoa cũng đưa ra kiến nghị nên tuyên truyền cho người dân về quy hoạch, tránh tình trạng xây dựng quá nổi bật hoặc xô lệch.

Nhóm thủ khoa thứ 5 còn bàn thêm về vấn đề quy tập các phần mộ tại các cánh đồng để tiện cho việc dồn điền đổi thửa và tập trung xử lý rác thải tại các vùng quê, bởi hiện nay chỉ một phần chất thải rắn được xử lý, còn chất thải dạng khí và lỏng thì chưa được quan tâm. Trong khi chỉ tính riêng tại Phúc Thọ, số lượng làng nghề truyền thống sử dụng các hóa chất độc hại trong tẩy rửa, hấp nhuộm rất nhiều, gây ra nguy cơ ô nhiễm nguồn nước và môi trường rất cao.

Ông Hoàng Thanh Vân cho rằng, thông qua các bản tham luận tại hội thảo, các thủ khoa đã thể hiện nhận thức rất sâu sắc về xây dựng nông thôn mới. "Điều đó còn chứng tỏ các bạn rất yêu nông dân, rất trăn trở với ngành nông nghiệp của đất nước và muốn đóng góp sức lực, trí tuệ của mình đối với sự phát triển chung của kinh tế đất nước".

Vương Tâm

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.