Thu hút trí tuệ kiều bào góp sức cho sự phát triển kinh tế

19:49 | 07/06/2015

1,146 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sáng ngày 7/6, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Nhóm “Sáng kiến Việt Nam” phối hợp tổ chức Diễn đàn chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với phát triển kinh tế và hội nhập của Việt Nam giai đoạn 2016-2020 với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu”. Giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch nước dự và phát biểu tại diễn đàn.

Diễn đàn là hoạt động theo Chỉ thị số 45-CT/TƯ ngày 19/5/2015 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TƯ của Bộ Chính trị khóa IX về công tác với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới nhằm đẩy mạnh công tác vận động trí thức kiều bào tham gia đóng góp xây dựng đất nước.

Tại Diễn đàn, các nhà quản lý, diễn giả và các chuyên gia đã tập trung trao đổi vào các vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, mô hình tăng trưởng của Việt Nam, nâng cao năng lực quản trị, thể chế; cải cách hệ thống tài chính, ngân hàng; chính sách phát triển công nghiệp, nông nghiệp, doanh nghiệp; cải cách giáo dục đại học và đào tạo nhân lực. Đặc biệt là sự có mặt của hơn 100 đại biểu trong và ngoài nước; trong đó, có các chuyên gia kinh tế, tài chính, luật, hành chính công là người Việt Nam đang làm việc tại các trường đại học của Mỹ, Pháp, Úc, Nhật; Ngân hàng Thế giới (WB) như: GS. Nguyễn Đức Khương (Pháp), GS. Nguyễn Quốc Vọng (Úc), GS. Trần Văn Thọ (Nhật), GS. Trần Ngọc Anh (Mỹ), GS. Ngô Vĩnh Long (Mỹ), GS. Ngô Bảo Châu (Mỹ)...

Ban Kinh tế T.Ư mở Diễn đàn thu hút trí tuệ kiều bào góp sức cho sự phát triển kinh tế

Diễn đàn có sự tham gia của đông đảo chuyên gia, trí thức là Việt kiều

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đánh giá cao sáng kiến của Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức diễn đàn để có cơ hội lắng nghe ý kiến đóng góp của những người con xa quê hương đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực quan trọng; các chuyên gia kinh tế có những nghiên cứu chuyên sâu trong từng lĩnh vực và có tâm huyết muốn Việt Nam phát triển.

Hoan nghênh sự hưởng tích cực của "Sáng kiến Việt Nam", các giáo sư, tiến sỹ, các nhà khoa học là trí thức Việt Nam ở nước ngoài luôn hướng về quê hương, muốn Việt Nam phát triển, Phó Chủ tịch nước mong muốn các nhà khoa học có những đóng góp quý báu, tạo thành công của diễn đàn.

Phó Chủ tịch nước khẳng định chiếm 10% trong 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có nhiều chuyên gia, nhà khoa học làm việc ở các trường đại học lớn, các viện nghiên cứu, các công ty xuyên quốc gia, Liên hợp quốc, các tổ chức tài chính lớn, trí thức Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận vô cùng quan trọng không chỉ đối với người Việt Nam ở nước ngoài mà còn là của cả dân tộc Việt Nam. Những kiến thức, kinh nghiệm quý báu, những kỹ năng, trí tuệ của các nhà khoa học đã và đang đóng góp, tạo thêm động lực quan trọng, nâng cao chất lượng phát triển đất nước, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Đảng và Nhà nước trân trọng, tạo điều kiện và đánh giá cao những đóng góp quý báu đó.

Ban Kinh tế T.Ư mở Diễn đàn thu hút trí tuệ kiều bào góp sức cho sự phát triển kinh tế

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng với các chuyên gia, trí thức Việt Kiều

Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ, Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, theo nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn cầu, đồng thời thiết lập được nhiều quan hệ đối tác chiến lược về kinh tế. Việt Nam đã tích cực xây dựng Cộng đồng ASEAN và hoàn thiện thị trường trong nước đầy đủ hơn theo cam kết WTO; đàm phán, ký kết và thực hiện nhiều Hiệp định tự do song phương và đa phương thế hệ mới. Các yếu tố nền tảng cơ bản của kinh tế thị trường dần được hình thành và được nhiều nước thừa nhận; đồng thời, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao và thương mại với hơn 170 quốc gia.

“Diễn đàn của chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với phát triển kinh tế và hội nhập của Việt Nam giai đoạn 2016- 2020 có ý nghĩa rất quan trọng. Những ý kiến của các chuyên gia quốc tế, trí thức người Việt Nam tại nước ngoài cùng các trao đổi, thảo luận trong Diễn đàn này là những căn cứ để tham mưu cho Đảng và Nhà nước xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian tới” - Trưởng ban Kinh tế TƯ Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Thảo luận tại diễn đàn về đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, các đại biểu đi sâu trao đổi về các vấn đề: nhận diện mô hình tăng trưởng của Việt Nam, so sánh mô hình tăng trưởng ở Việt Nam với các nước Đông Á khác; tái cơ cấu hệ thống tài chính-ngân hàng đặt trong mối quan hệ với quản lý rủi ro trong hệ thống tài chính toàn cầu; cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước; tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.

Về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các đại biểu thảo luận về chính sách phát triển công nghiệp của Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm của các nước và nêu khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam.

Về phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế, các đại biểu đi sâu thảo luận về vấn đề đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục ở Việt Nam; kinh nghiệm cải cách giáo dục, đào tạo nhân lực để phát triển khoa học công nghệ ở các nước và khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam; hỗ trợ quốc tế với hệ thống y tế...

Các chuyên gia, nhà khoa học đề xuất các nhóm giải pháp cụ thể về vai trò đổi mới khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo, đổi mới sáng tạo... đặt ra trong đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tính khả thi, lộ trình để thực hiện và kinh nghiệm quốc tế.

Thông qua Diễn đàn này, các đại biểu cùng trao đổi, cho ý kiến về việc hình thành một diễn đàn kinh tế được tổ chức hàng năm (hoặc định kỳ), nơi gặp gỡ của trí thức, chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam trong và ngoài nước do Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Ngoại giao đồng chủ trì.

Thanh Liêm

(Năng lượng Mới)