Thủ đoạn “ném đá giấu tay” của “Quan làm báo” 3

15:43 | 13/09/2012

37,696 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Thời gian gần đây, trang web “Quan làm báo” do các phần tử cơ hội chính trị ở nước ngoài, có sự tiếp tay của một số phần tử thoái hóa biến chất trong nước đã tự vẽ ra các “cuộc chiến”, kích động chia rẽ nội bộ, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Ngày 12/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương điều tra, làm rõ, xử lý những thông tin có nội dung chống Đảng, Nhà nước. Qua các nguồn thông tin riêng, Petrotimes nắm bắt được cách thức hoạt động, những “tiểu xảo” trong đưa tin của “Quan làm báo” cũng như dã tâm của các phần tử phá hoại.

Cách thức đưa tin của Quan làm báo

“Bài” phổ biến nhất của “Quan làm báo” là: Nhào nặn thông tin dựa trên những sự kiện cụ thể.

Ví dụ: Hôm nay cán bộ A có cuộc họp quan trọng với cấp trên hoặc các cơ quan nào đó. Thông qua những nguồn tin, những kẻ viết bài cho “Quan làm báo” biết được địa điểm tổ chức cuộc họp, thành phần cuộc họp…

Tuy nhiên phần nội dung cụ thể của cuộc họp, buổi làm việc thì các đối tượng dò là thông tin không thể nào biết. Thế nhưng trang web này vẫn cố nhào nặn theo ý chủ quan của người viết, thậm chí còn tung hỏa mù bằng cách “tài liệu bóc băng ghi âm”. (Ai tinh ý sẽ nhận ra: “Quan làm báo” đã nhiều lần “hứa” tung băng ghi âm nhưng chưa lần nào làm được việc đó)

Những thông tin được nhào nặn có chủ ý càng mù mờ thì càng dễ khiến cho người ta tin, từ đó suy luận, nghi hoặc, dẫn đến hoang mang và nghi kị lẫn nhau.

 

"Bầu" Kiên, Lý Xuân Hải là những đối tượng bị mạng "Quan làm báo" lợi dụng triệt để.

 

Thủ đoạn thứ 2 của “Quan làm báo” là lợi dụng một số mâu thuẫn trong nội bộ các cơ quan, doanh nghiệp thêm thắt các thông tin theo hướng suy diễn, kích động khiến cho người đọc tin là thật.

Những mâu thuẫn này khá rõ ràng trên thực tế và nhiều người có thể thấy được. Khi đã “bấu” được vào điểm cốt yếu này, “Quan làm báo” đã suy diễn, kết nối thêm các thông tin “ngoài lề”. Khi người đọc đối chiếu vào thực tế thấy mâu thuẫn này là có thật thì sẽ tin và tin luôn cả những thông tin mà “Quan làm báo” cài vào.

Thủ đoạn thứ 3 của “Quan làm báo” là chiêu “xách can xăng đứng gần hỏa hoạn, cứ lâu lâu lại hắt một ca xăng vào”. Những phần tử cơ hội viết “Quan làm báo” lợi dụng sự bức xúc của người dân về một số vấn đề của xã hội như: Tranh chấp kinh tế, giải phóng mặt bằng, khiếu kiện đất đai... Từ đó, trang web này vu cho việc này là do người này, người kia làm… để hướng sự bức xúc sẵn có của người dân vào một cá nhân.

Đây có thể xem là một “đòn” khá kín, nhưng không phải là cách mà người quân tử thường dùng. Thậm chí, đây được xem là một điều “tối kị” trong nghề viết.

 

Vì sao “Quan làm báo” được chú ý thời gian gần đây

Những người có tri thức, am hiểu, có kiến thức chính trị vững vàng  thường chỉ đọc qua trang web này một lần vì họ không chịu nổi lối viết suy diễn, bôi nhọ cá nhân, thậm chí là chửi đổng… Xu hướng này càng về sau càng thể hiện rõ trên website này.

Trong một vài thời điểm, “Quan làm báo” đã lôi kéo được một số lượng người đọc nhất định. Những người đọc trang web “Quan làm báo” thường đã có sẵn những nỗi bức xúc về một vấn đề nào đó mà chưa được giải quyết thỏa đáng. Họ vào internet tìm đọc các trang mạng, mong lý giải một vài bức xúc của bản thân. Đôi khi họ không cần biết lý giải đó là đúng hay sai mà chỉ đơn giản là: Nỗi bức xúc của họ đã được đề cập đến.

“Quan làm báo” đã lợi dụng tâm lý này để lôi kéo, dẫn dụ người đọc. Nêu ra vấn đề người đọc bức xúc nhưng lại dẫn dụ họ “đi xa hơn” với những thông tin nhào nặn, tô vẽ, hướng vào đả kích cá nhân. Đây là thủ đoạn các đối tượng cơ hội chính trị vẫn thường dùng.

Người Việt chúng ta vốn có tâm lý tò mò, kiểu “đám đông”, thấy gì lạ thì phải xem bằng được. Chẳng thế mà một vụ tai nạn giao thông xảy ra thì cả phố kéo ra xe, cả đường dừng xe ngó nghiêng... Hay cứ có tin đồn gì thì rỉ tai nhau và tự diễn biến tâm lý rồi cứ nghĩ nó là thật.

Những kẻ cơ hội chính trị đã lợi dụng việc cung cấp thông tin chưa kịp thời của các cơ quan chức năng trong một số sự kiện thời sự để dẫn dụ người đọc vào thế giới “tin đồn” của “Quan làm báo”.

Ví dụ như trong vụ bắt “bầu” Kiên, bắt Tổng giám đốc Ngân hàng ACB Lý Xuân Hải… Giá như thời điểm diễn ra các sự kiện nóng này, các cơ quan chức năng kịp thời công khai thông tin, đưa ra thông báo cụ thể và các cơ quan báo chí được tiếp cận nguồn tin chính thống thì không đến nỗi người dân phải đi nghe tin đồn. Đây cũng là một phần lỗi của các cơ quan chức năng khiến cho những trang web nhào nặn tin đồn kiểu “Quan làm báo” có đất sống.

Ở bài viết sau, Petrotimes sẽ phân tích việc “Quan làm báo” đã “vẽ ra các cuộc chiến” và bịa đặt, đưa tin sai sự thật như thế nào.

 

Nhóm phóng viên Petrotimes