Bào chế thuốc từ dược liệu nội

Thủ công gây nhiều hệ lụy

09:21 | 15/01/2018

196 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc bảo tồn và phát triển dược liệu đang “vấp” phải một vấn đề tưởng chừng như đơn giản, đó là quản lý theo phương thức thủ công - cập nhật các dữ liệu từ đầu vào lẫn đầu ra bằng cách ghi chép. Nhưng điều này lại ảnh hưởng không nhỏ tới công tác điều hành sản xuất, chất lượng sản phẩm.   

Quản lý thủ công

Theo các chuyên gia y tế, hiện tại không ít doanh nghiệp sản xuất và bào chế từ dược liệu đang quản trị quá trình sản xuất bằng phương pháp thủ công, nghĩa là tất cả các số liệu từ nguyên vật liệu nhập kho, thành phẩm, xuất xưởng… đều ghi bằng tay trên giấy, dù dây chuyền sản xuất hiện đại. Điều này sẽ làm nảy sinh khó khăn khi phát sinh các vấn đề trong quá trình sản xuất như số lượng thành phẩm hoặc nguyên vật liệu không đạt chất lượng không được cập nhật liên tục, số lượng tồn kho không đúng với thực tế khiến năng suất sản xuất không chuẩn hay đối với những sản phẩm không bảo đảm chất lượng thì không thu hồi được tuyệt đối số lượng… Nhưng quan trọng hơn cả, nếu quản lý, điều hành bằng cách thủ công thì lãnh đạo doanh nghiệp không có các dữ liệu chính xác để làm cơ sở đánh giá quá trình sản xuất, thị trường, từ đó đưa ra chiến lược phát triển phù hợp và bền vững.

thu cong gay nhieu he luy
Các dữ liệu được cập nhật thủ công ở nhiều doanh nghiệp dược hiện nay

Ông Lê Đức Ngân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định, một trong những vùng dược liệu quan trọng ở nước ta và là nơi có không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất, bào chế sản phẩm từ dược liệu nói: “Hiện nay quản lý chất lượng dược phẩm Việt Nam chủ yếu dựa vào khâu hậu kiểm, nghĩa là đã ra thành phẩm và xuất ra thị trường rồi, trong trường hợp có vấn đề gì mới lấy mẫu ngẫu nhiên để đi kiểm nghiệm. Còn trước đó, chất lượng sản phẩm phụ thuộc hoàn toàn vào nhà sản xuất, doanh nghiệp. Mà nhà sản xuất trong trường hợp quản lý thủ công có thể không tránh khỏi những rủi ro ngoài mong muốn. Vì vậy nếu có chuyện không hay xảy ra như phải thu hồi sản phẩm chẳng hạn thì điều này sẽ gây khó khăn rất lớn cho cả nhà quản lý lẫn doanh nghiệp. Chưa kể đến người tiêu dùng cũng có nguy cơ phải chịu rủi ro”.

Chính vì vậy, để khắc phục tình trạng tưởng là nhỏ nhưng lại gây ra hệ lụy lớn này, các cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia dược phẩm khuyến khích, thậm chí đặt mục tiêu cho các doanh nghiệp, nhà sản xuất nên và phải quản lý bằng công nghệ để có thể tạo ra quy trình quản lý khép kín, chặt chẽ làm cơ sở vững chắc cho doanh nghiệp phát triển và đặc biệt bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng. Nhất là trong cuộc cách mạng 4.0 đang phát triển thì việc quản lý bằng công nghệ cũng là phù hợp với xu hướng.

Ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại

Dự án Biotrade, một dự án do Liên minh châu Âu tài trợ nhằm phát triển dược liệu sạch tại Việt Nam theo các nguyên tắc sạch, an toàn, bền vững cũng khuyến khích các doanh nghiệp nằm trong dự án quản trị, điều hành bằng phương pháp này. Và vừa mới đây, Nam Dược, một công ty luôn hướng đến sản xuất theo nguyên tắc của Biotrade ở Nam Định đã triển khai vận hành hệ thống ERP là hệ thống điều hành, quản trị sản xuất bằng công nghệ để nâng cao, chuyên nghiệp hóa công tác quản trị theo tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời bảo đảm chất lượng sản phẩm khi đưa ra ngoài thị trường một cách tối đa.

Bảo tồn và phát triển dược liệu thông qua áp dụng khoa học kỹ thuật dù ở khâu nào cũng là xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ hiện nay.

Hệ thống này được đánh giá giúp nhà quản lý quản trị được mọi hoạt động của doanh nghiệp từ quá trình sản xuất, kiểm tra đến đánh giá chất lượng sản phẩm… thông qua hình thức cập nhật lên hệ thống tất cả các dữ liệu liên quan trong thời gian thực (thời gian mới nhất). Trường hợp có vấn đề gì xảy ra về chất lượng sản phẩm thì nhà quản lý hoàn toàn có thể truy xuất ngay được chất lượng sản phẩm và quá trình sản xuất mắc lỗi từ đâu.

Ví như thông tin về lô sản phẩm này được sản xuất tại phân xưởng nào, bộ phận nào, người công nhân nào, thời gian nào, số lượng bao nhiêu… Trên cơ sở đó, nhà quản lý có thể cho dừng hệ thống sản xuất để tránh thiệt hại, lãng phí và bảo đảm chất lượng sản phẩm xuất xưởng.

Ông Lê Đức Ngân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nam Định nhận định: “Bản chất hệ thống ERP không trực tiếp thay đổi chất lượng sản phẩm mà sẽ gián tiếp thông qua việc kiểm soát chất lượng sản phẩm ở tất cả các khâu rất chặt chẽ. Cụ thể, việc kiểm soát chặt chẽ ở khâu đầu thì làm cho nguyên vật liệu không đạt tiêu chuẩn không được đưa vào sản xuất, sản phẩm không đạt chất lượng thì không được đưa vào kho, thành phẩm tại kho nếu không đạt chất lượng thì không được đưa ra thị trường. Đồng thời bên cạnh kiểm soát chất lượng chặt chẽ thì thông qua việc có đầy đủ dữ liệu về quá trình sản xuất, nhà máy sẽ có những biện pháp cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm trong tương lai”.

Nguyễn Anh