Thú chơi sưu tập

08:15 | 15/02/2016

658 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong một ấn bản đặc biệt, chuyên san kinh tế Forbes cho biết tỉ phú Pháp François Pinault, trùm vương quốc thời trang Gucci, đã tậu bộ sưu tập tác phẩm nghệ thuật khổng lồ tại “cung điện” Palazzo Grassi diện tích 2.500m2 thời thế kỷ XVIII của mình. Pinault có nhiều tác phẩm đến mức không đủ chỗ trưng bày và phải cất 80% bộ sưu tập nghệ thuật giá trị vào kho!

321,3 tỉ đồng cho một cái bát!

Với doanh nghiệp đạt doanh thu 22 tỉ USD/năm như Gucci, Pinault có thừa tiền để chơi tranh hưởng nhàn. Bộ sưu tập Pinault lớn đến mức bất cứ viện bảo tàng nào cũng thèm muốn và “cộm” hơn hẳn so với bộ sưu tập của trùm bất động sản California, Eli Broad, chỉ trị giá khoảng 1 tỉ USD.

thu choi suu tap
Bộ sưu tập “hàng độc quyền” của Alan Rothschild

Pinault có hơn 2.000 tác phẩm, từ các bậc thầy như Picasso và Mondrian đến những gương mặt trẻ đương đại chẳng hạn Urs Fischer (Thụy Sĩ). Không tiết lộ chính xác giá trị bộ sưu tập nhưng Pinault cho rằng con số đồn đoán 2 tỉ USD là “chưa phản ánh đúng giá trị thật bộ sưu tập”.

Tất nhiên thế giới còn nhiều nhà sưu tập khác, đặc biệt giới chơi tranh, với nhiều người mua từ châu Á. Chỉ trong tháng 11, Christie’s đã tổ chức các buổi đấu giá tranh với tổng giá trị lên đến 491 triệu USD (cao nhất lịch sử đấu giá), trong đó có các tác phẩm trường phái ấn tượng và hiện đại, chẳng hạn 4 bức của Gustav Klimt từng bị Đức Quốc xã chôm thời Thế chiến thứ II. Tại Sotheby’s, cũng chỉ trong một phiên, người ta đã bán đấu giá số tranh trị giá 239 triệu USD.

Phân nhánh Christie’s tại Hongkong cũng chứng kiến thương vụ đấu giá ấn tượng nhất vào cuối năm, đặc biệt với trường hợp một cái tô sứ Càn Long được bán với giá không tưởng 20 triệu USD (khoảng 321,3 tỉ đồng - cao nhất trong một phiên đấu giá cho một tác phẩm châu Á). Người mua là bà Alice Cheng, Giám đốc quản trị Công ty Dầu Taching Petroleum (Trung Quốc) và là đại diện nhóm cố vấn của Chính phủ Trung Quốc… Đầu tháng 11-2015, tỉ phú Trung Quốc Lưu Ích Khiêm cũng mua một bức của Amedeo Modigliani với giá 170,4 triệu USD tại nhà Christie’s ở New York.

Gần đây, giới sưu tập Nga cũng tạo nhiều chú ý. Tháng 5-2006, một người Nga đã mua bức Dora Maar au Chat (1941) của Picasso với giá 95 triệu USD trong khi trước đó người ta dự đoán tác phẩm trên chỉ bán được chừng 50 triệu USD là “đụng nóc”. Tác phẩm có “bề dày thăng trầm lịch sử” càng dễ được bán giá cao. Thử xem trường hợp 4 bức của Gustav Klimt. Bộ tranh này từng thuộc sở hữu gia đình Ferdinand Bloch-Bauer (Áo, gốc Do Thái) từng trốn sang Zurich năm 1938 để tránh loạn chiến tranh. Thế rồi Đức Quốc xã cũng đến Thụy Sĩ, “ẵm” bộ Gustav Klimt đi mất. Phải mất đến 60 năm hậu duệ Bloch-Bauer mới đòi lại được bộ Gustav Klim từ Phòng tranh Quốc gia Áo.

Trong thời gian trên, giá tranh Klimt lên từng ngày. Có tin rằng Ronald Lauder (trùm vương quốc mỹ phẩm Estée Lauder) đã chi 135 triệu USD (2.168 tỉ đồng) cho hậu duệ Bloch-Bauer để sở hữu một bức Klimt. Nếu đúng như vậy, đó là giá cao nhất lịch sử cho một tác phẩm nghệ thuật. Thời điểm hiện tại, giá tranh sưu tập khoảng 10 hoặc vài chục triệu USD đã trở thành chuyện bình thường. Tháng 5-2006, tỉ phú - nhà tài phiệt Mỹ Henry Kravis đã mua bức Nu couche vu de dos của Henri Matisse với giá 18,5 triệu USD; tháng 11-2006, một người nặc danh đã mua một bức Françis Bacon với giá 15 triệu USD...

Dân chơi hàng quái

Tháng 8-2004, nhà Christie’s còn gây kinh ngạc hơn khi bán được cái bánh ăn dở của George Harrison (cựu thành viên Beattle). Tất nhiên, khái niệm ngôi sao không giới hạn ở những huyền thoại quá cố. Có trời mới hiểu tại sao thiên hạ vẫn có người mua bã chewing-gum của Britney Spears và thậm chí cái cốc nhổ nước bọt mà Arnold Schwarzenegger từng khạc vào (vì trong đó có “mẫu gien di truyền ADN của Schwarzenegger” - như quảng cáo). Cần nói thêm, eBay nêu giá khởi điểm bã chewing-gum của Britney Spears với 20USD. Trong khi đó, một người bán đã rao trên eBay rằng cái bã chewing-gum Britney Spears của mình “vẫn còn dính nước bọt cô ấy” (giá khởi điểm 99USD) và một người bán khác nói rằng, bã chewing-gum Britney Spears của anh ta mới đúng là “bã thật”, lấy từ một nhà hàng mà Britney từng ăn tối và trét lên mép bàn (giá khởi điểm 19,99USD)...

Hiện tượng trên khiến cả những người trong nghề cũng ngạc nhiên – theo Dana Hawkes thuộc Hãng kinh doanh vật phẩm sưu tập Bonhams & Butterfields (nơi từng tổ chức phiên đấu giá thành công bán… rác của Elton John!). Và cơn sốt tiếp tục bùng nổ không giới hạn. Năm 2000, khi đến một đài phát thanh ở New York, ca sĩ Justin Timberlake đã dùng không hết miếng bánh mì. Thế mà mẩu bánh thừa được cất kỹ và bây giờ được bán trên eBay với giá hơn 3.100USD! Sự không giới hạn và vô chừng mực của thú sưu tập hàng độc ngôi sao còn thể hiện ở chỗ “chuyên môn hóa”.

USA Today cho biết Wade Jones đã sưu tập tách uống nước của Elvis Presley trong suốt 27 năm! Chuyện bắt đầu khi Wade Jones xem buổi hòa nhạc Elvis vào sinh nhật thứ 13 của mình và nhặt chiếc tách mà Elvis quẳng đi. Tất nhiên vật phẩm giá trị vẫn có chỗ đứng trong lòng dân sưu tập. Tháng 12-2004, Christie’s bán cây đàn Gibson 1964 của George Harrison với giá gần 600.000USD. Cách đây vài năm, cây dương cầm John Lennon từng bán được với giá 2 triệu USD…

Tuy nhiên, việc sưu tập vật phẩm quái “không đụng hàng” mới thật sự là mốt. Cách đây không lâu, một nhà đấu giá Anh bán được bộ gồm 11 chiếc răng thời con nít của diễn viên Jack Nicholson. Tháng 12-2004, đôi tất bẩn mà Bryan Adams bỏ lại sau buổi ca nhạc từ thiện ở Wales cũng bán được trên eBay với giá 551 bảng (hơn 1.000USD). Người bán là tay tài xế taxi đưa Bryan ra phi trường và người mua là một cô gái ở Birmingham (Anh), cho biết mình là fan thứ thiệt và chắc chắn sẽ mang đôi vớ trên dự buổi trình diễn nào đó của thần tượng Bryan.

Dân chơi hàng “độc quyền”

Còn với ông già Alan Rothschild, tay này chuyên “chơi” mẫu sản phẩm từng được cấp bản quyền đầu tiên. Tại ngôi nhà ở Cazenovia (New York), Rothschild có bộ sưu tập lớn nhất thế giới với 800 mẫu thu nhỏ của những sản phẩm từng được Phòng Bản quyền Hoa Kỳ cấp đầu tiên; tất cả đều có thẻ bản quyền đính kèm. Thử đến xem bộ sưu tập Rothschild, người ta thấy có chiếc máy làm mứt của Stephen F. Whitman (năm 1875, số đăng ký bản quyền 169.935); cái Thùng du lịch (Traveling Trunk - tiền thân của vali du lịch có bánh xe ngày nay) của Louis Ransom (năm 1867, số 67.905); máy bắn chim bồ câu Pigeon Starter (dùng thả chim bồ câu cho môn thể thao bắn chim) của H. A. Rosenthal (1875, số 159.846)…

Ngoài 800 mẫu thu nhỏ, bộ sưu tập Rothschild còn có hàng ngàn mẫu thật nằm chen chút trên hàng trăm cái kệ trong tầng hầm nhà đương sự. Rothschild cho biết mình có khoảng 4.000 mẫu nguyên thủy của những sản phẩm được cấp bản quyền đầu tiên nhưng ước chừng thế thôi bởi ông thật ra không có thời giờ để mà đếm. Cần nói thêm, hệ thống cấp bản quyền Mỹ ra đời năm 1790 (bắt chước Anh) với vài điều kiện chẳng hạn, yêu cầu nhà phát minh phải nộp vật mẫu thu nhỏ. Hàng ngàn mẫu vật như vậy sau đó được trưng bày tại Phòng Bản quyền Hoa Kỳ (trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn hồi đầu thế kỷ XIX).

Rothschild vẫn ao ước lập một viện bảo tàng cho vật mẫu bản quyền. Ông nuôi hy vọng đủ tiền cho chương trình triển lãm di động đồng thời lập một viện bảo tàng ảo trên Internet. 1 triệu USD sẽ đủ cho kế hoạch Rothschild, dự tính khởi động vào năm 2007…

Số Xuân 2016

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc