Thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ và Thủ tướng

22:12 | 26/10/2015

1,032 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Các hãng hàng không không được chiếm quá 30% tỷ lệ vốn điều lệ đối với doanh nghiệp cảng hàng không và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khai thác nhà ga hành khách hoặc nhà ga hàng hóa.

Vốn điều lệ của hãng hàng không tại DN cảng HK không quá 30%

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 102/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay tại Việt Nam, bao gồm: Nguyên tắc và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan đến quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay; quy hoạch và thực hiện quy hoạch cảng hàng không, sân bay; thủ tục mở, đóng cảng hàng không, sân bay; quản lý hoạt động khai thác tại cảng hàng không, sân bay và khu vực lân cận; sân bay dùng chung dân dụng và quân sự; bán, thế chấp, cho thuê, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất cảng hàng không, sân bay; hoạt động kinh doanh tại cảng hàng không, sân bay.

Cụ thể, về vốn tối thiểu đối với việc thành lập và duy trì điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp cảng hàng không, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay, Nghị định quy định đối với doanh nghiệp cảng hàng không kinh doanh tại cảng hàng không quốc tế là 200 tỷ đồng Việt Nam; kinh doanh tại cảng hàng không nội địa là 100 tỷ đồng Việt Nam.

Đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không gồm: khai thác nhà ga hành khách; khai thác khu bay; khai thác nhà ga, kho hàng hoá; bảo đảm hoạt động bay (bao gồm dịch vụ không lưu, dịch vụ thông tin, dẫn đường, giám sát; dịch vụ khí tượng hàng không; dịch vụ thông báo tin tức hàng không; dịch vụ tìm kiếm cứu nạn); cung cấp xăng dầu hàng không; phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất; sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay; cung cấp suất ăn hàng không, vốn tối thiểu là 30 tỷ đồng Việt Nam.

Còn vốn tối thiểu đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng trang thiết bị hàng không; dịch vụ kỹ thuật hàng không; dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không là 10 tỷ đồng Việt Nam.

Nghị định quy định rõ trong trường hợp doanh nghiệp cung cấp nhiều loại dịch vụ hàng không thì áp dụng quy định về mức vốn tối thiểu cao nhất.

DN cung cấp dịch vụ phải là pháp nhân Việt Nam

Cũng theo Nghị định, doanh nghiệp cảng hàng không, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay phải là pháp nhân Việt Nam.

Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu, dịch vụ thông báo tin tức hàng không, dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn phải là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

Đối với doanh nghiệp cảng hàng không, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khai thác khu bay, dịch vụ thông tin, dẫn đường, giám sát, dịch vụ khí tượng hàng không phải có tỷ lệ vốn nhà nước không được thấp hơn 65% vốn điều lệ; tỷ lệ vốn của nhà đầu tư nước ngoài không được vượt quá 30% vốn điều lệ.

Đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khai thác nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa, dịch vụ cung cấp xăng dầu hàng không, dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất, tỷ lệ vốn của nhà đầu tư nước ngoài không được vượt quá 30% vốn điều lệ.

Các hãng hàng không không được chiếm quá 30% tỷ lệ vốn điều lệ đối với doanh nghiệp cảng hàng không; doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khai thác nhà ga hành khách hoặc nhà ga hàng hóa.

Cơ quan NN đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ người dân, DN

Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Chương trình nhằm cung cấp các dịch vụ công cơ bản trực tuyến mức độ 4, đáp ứng nhu cầu thực tế, phục vụ người dân và doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi, dựa trên nhiều phương tiện khác nhau. Ứng dụng CNTT để giảm thời gian, số lần trong một năm người dân, doanh nghiệp phải đến trực tiếp cơ quan nhà nước thực hiện các thủ tục hành chính.

Cụ thể, 30% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến tại mức độ 4; 95% hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp được nộp qua mạng; 90% số doanh nghiệp thực hiện nộp thuế qua mạng; 50% số hộ, cá nhân kinh doanh kê khai nghĩa vụ thuế phát sinh qua mạng từ việc cho thuê tài sản và lệ phí trước bạ khi đăng kí ô tô, xe máy.

Một trong các hoạt động của Chương trình là phát triển ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp. Cụ thể, cung cấp các dịch vụ công cơ bản trực tuyến mức độ 4 tới người dân và doanh nghiệp. Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm xây dựng lộ trình, chọn lựa triển khai trong thực tế, bảo đảm hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân và doanh nghiệp. Các bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương cung cấp dịch vụ công trực tuyến thuộc lĩnh vực quản lý của mình. Thiết lập Cổng dịch vụ công Quốc gia để tích hợp tất cả các dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương.

Bên cạnh đó, ứng dụng CNTT hiệu quả, toàn diện tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông, tăng cường trao đổi, xử lý hồ sơ qua mạng. Phát triển các hệ thống thông tin thiết yếu cho công tác ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp tại các địa phương; bảo đảm triển khai đồng bộ với việc phát triển các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia; tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin.

Đồng thời, nâng cao nhận thức, năng lực và hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến. Triển khai đô thị thông minh ít nhất tại 3 địa điểm theo các tiêu chí do Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn.

Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật

Hoạt động khác của Chương trình là phát triển và hoàn thiện các ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan nhà nước. Theo đó, hệ thống quản lý thông tin tổng thể, tiến tới xây dựng cơ quan điện tử; bảo đảm kết nối liên thông dữ liệu điện tử từ Chính phủ đến cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã; các ứng dụng CNTT trong các hoạt động nghiệp vụ, đáp ứng nhu cầu công tác đặc thù tại mỗi cơ quan; các hệ thống ứng dụng CNTT khác trong công tác nội bộ theo hướng hiệu quả, mở rộng kết nối.

Phát triển và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, trong đó, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật triển khai Chính phủ điện tử các cấp; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, kết nối chia sẻ dữ liệu; phát triển hạ tầng kiến trúc Chính phủ điện tử; triển khai chứng thực điện tử và chữ ký số trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị; kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương; thực hiện đấu thầu qua mạng; triển khai thuế điện tử, hải quan điện tử;...

Thủ tướng chỉ đạo giải quyết việc LĐ Việt Nam bị hành hung tại Algeria

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa yêu cầu Bộ Ngoại giao phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan làm việc với cơ quan chức năng Algeria để có những biện pháp bảo vệ quyền lợi của người lao động và bảo hộ công dân Việt Nam.

Đồng thời, Cục Quản lý lao động ngoài nước và Công ty Simco Sông Đà tiếp tục theo dõi vụ việc, trao đổi với đối tác Trung Quốc để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người lao động theo hợp đồng đã ký kết và khẩn trương giải quyết những trường hợp lao động có nguyện vọng về nước.

Cùng với đó, các doanh nghiệp cử lao động phải có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra điều kiện của lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài, thường xuyên cập nhật, thông báo cho Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại Danh sách lao động Việt Nam ở địa bàn để phối hợp quản lý, kịp thời triển khai công tác bảo hộ công dân khi có vụ việc xảy ra.

Ngày 16/9/2015, Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria nhận được yêu cầu của một số lao động Việt Nam đề nghị giúp đỡ đưa về nước do bị chủ sử dụng Trung Quốc chèn ép, đánh đập.

Bộ Ngoại giao cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin về vụ việc, Bộ Ngoại giao đã yêu cầu Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria cử đại diện đến làm việc với chủ sử dụng lao động, gặp gỡ công nhân Việt Nam nắm tình hình, đồng thời tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết.

Trong tháng 9/2015, Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria cũng đã nhiều lần cử cán bộ đến hiện trường để làm rõ các thông tin liên quan, thăm hỏi các lao động Việt Nam đang gặp khó khăn, cũng như phối hợp với đại diện công ty phái cử lao động là SIMCO Sông Đà làm việc cụ thể với đối tác sử dụng lao động yêu cầu phía đối tác giải quyết dứt điểm vụ việc, tôn trọng các cam kết giữa hai bên, đảm bảo đầy đủ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam, đối xử nhân đạo với các lao động Việt Nam.

Đại sứ quán đang tiếp tục theo dõi sát vụ việc, lên các phương án can thiệp phù hợp để đảm bảo đầy đủ các quyền và lợi ích chính đáng của lao động Việt Nam.

Thí điểm kéo dài thời gian thông quan thủy sản qua Cửa khẩu Kim Thành

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho phép thực hiện thí điểm kéo dài thời gian thông quan từ 07h00 đến 22h00 hàng ngày đối với mặt hàng thủy hải sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc qua Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành, tỉnh Lào Cai.

Thời gian thực hiện thí điểm đến hết ngày 31/3/2016.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Quốc phòng chỉ đạo Ủy ban Hợp tác quản lý cửa khẩu phía Việt Nam chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Lào Cai và các Bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.

Theo UBND tỉnh Lào Cai, hiện nay, thời gian thông quan hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc tại Cửa khẩu đường bộ quốc tế số II Kim Thành, tỉnh Lào Cai từ 07h00 đến 17h00 hàng ngày. Trong khi đó, thời gian vận chuyển hàng hóa thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc khi đến Cửa khẩu đường bộ số II Kim Thành thường từ 21h00 đến 23h00, phải đợi đến ngày hôm sau mới làm thủ tục xuất khẩu, ảnh hưởng đến chất lượng của hàng thủy sản.

Việc thực hiện thí điểm kéo dài thời gian thông quan từ 07h00 đến 22h00 nhằm thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc, thúc đẩy thương mại giữa cư dân biên giới.

Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 175 là Nhà tang lễ quốc gia

Thủ tướng Chính phủ vừa Quyết định công nhận Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 175/Bộ Quốc phòng (số 5 Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) là Nhà tang lễ quốc gia phía Nam để tổ chức Lễ Quốc tang; Lễ tang cấp Nhà nước; Lễ tang Cấp cao.

Điều 38 Nghị định số 105/2012/NĐ-CP ngày 17/12/2012 của Chính phủ về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức quy định: "Lễ tang tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội (nếu tổ chức ở Hà Nội); Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 175 hoặc Nhà tang lễ số 25 Lê Quý Đôn, thành phố Hồ Chí Minh (nếu tổ chức ở thành phố Hồ Chí Minh)".

Xuất phát từ yêu cầu tổ chức Lễ Quốc tang, Lễ tang cấp Nhà nước, Lễ tang Cấp cao trên địa bàn, hiện nay, tại TP Hồ Chí Minh có 2 nhà tang lễ tổ chức lễ tang đối với cán bộ, công chức, viên chức là Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 175/Bộ Quốc phòng và Nhà tang lễ số 25 Lê Quý Đôn, Quận 1, TP Hồ Chí Minh; Lễ Quốc tang được tổ chức tại Hội trường Thống nhất, Lễ tang cấp Nhà nước và Cấp cao được tổ chức tại Hội trường Thành ủy TP Hồ Chí Minh.

Hiện nay, Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 175/BQP đã được Bộ Quốc phòng nâng cấp, xây dựng đồng bộ đáp ứng yêu cầu tổ chức Lễ Quốc tang, Lễ tang cấp Nhà nước và Lễ tang Cấp cao tại khu vực phía Nam.

Chính vì vậy, trên cơ sở đề nghị của các Bộ, ngành liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định công nhận Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 175/Bộ Quốc phòng (Số 5 Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh) là Nhà tang lễ Quốc gia phía Nam để tổ chức Lễ Quốc tang; Lễ tang cấp Nhà nước; Lễ tang Cấp cao.

Ngoài thời gian tổ chức lễ tang theo quy định, được sử dụng để tổ chức lễ tang đối với cán bộ cao cấp và quân nhân hy sinh, từ trần tại Bệnh viện Quân y 175.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Quốc phòng quản lý Nhà tang lễ Quốc gia phía Nam;  ban hành Quy chế sử dụng; quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức của Ban quản lý Nhà tang lễ; các chức danh, thủ tục, nghi thức cụ thể để tổ chức lễ tang theo quy định tại Nghị định số 105/2012/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức.

Huyện Đan Phượng (Hà Nội) đạt chuẩn nông thôn mới

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định công nhận huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND thành phố Hà Nội có trách nhiệm công bố theo quy định và khen thưởng theo Quyết định số 1620/QĐ-TTg ngày 20/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua "cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới".

Theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về xét công nhận và công bố địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, để đạt chuẩn huyện nông thôn mới phải có ít nhất 75% số xã trên địa bàn huyện đạt chuẩn nông thôn mới trở lên; 25% số xã còn lại chưa đạt chuẩn nông thôn mới phải có ít nhất 14 tiêu chí trở lên đạt chuẩn nông thôn mới. Tính đến hết năm 2014, huyện Đan Phượng có 13/15 xã (86,67%) đạt chuẩn nông thôn mới. Đến nay, huyện đã có 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã. Trong đó, 14/15 xã đạt chuẩn giai đoạn 2011 - 2020.

Huyện phấn đấu đến hết năm 2015 thêm 2 xã Thọ xuân, Hồng Hà đạt chuẩn xã nông thôn mới. Và tiếp tục duy trì 13 xã đã đạt 19 tiêu chí nâng cao chất lượng, một số tiêu chí đạt ở mức độ chưa cao cần đầu tư để đạt chuẩn theo tiêu chí. Với những kết quả đạt được, huyện Đan Phượng đã trở thành huyện đầu tiên của Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới.

Bổ sung 3 dự án Làng Thanh niên lập nghiệp

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc bổ sung Đề án quy hoạch xây dựng Làng Thanh niên lập nghiệp giai đoạn 2013-2020.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Bộ, lưu ý việc rà soát tình hình triển khai thực hiện Đề án, trong đó xác định các hạng mục sắp xếp thứ tự ưu tiên, khả năng cân đối vốn cho các dự án để đảm bảo tiến độ hoàn thành các mục tiêu của Đề án; hoàn thiện bổ sung 3 dự án mới vào Đề án quy hoạch xây dựng Làng Thanh niên lập nghiệp giai đoạn 2013-2020.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan hướng dẫn Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư trên cơ sở bổ sung quy hoạch mới, ưu tiên bố trí vốn để thực hiện Đề án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Đầu tư công; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Trước đó, ngày 20/12/2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Làng Thanh niên lập nghiệp giai đoạn 2013-2020 có 15 dự án. Trung ương Đoàn đã phê duyệt, khởi công xây dựng 9/15 dự án. Năm 2015 thực hiện chuẩn bị đầu tư 6 dự án.

Được sự đồng ý về chủ trương của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 141/TB-VPCP ngày 04/4/2014 cho phép bổ sung 3 Làng Thanh niên lập nghiệp vào Đề án, Trung ương Đoàn đã hướng dẫn các tỉnh đoàn khảo sát, lập phương án đầu tư xây dựng Làng Thanh niên lập nghiệp, phối hợp với UBND các tỉnh thống nhất quy hoạch.

Trên cơ sở thống nhất của 3 tỉnh Thanh hóa, Hòa Bình, Nghệ An, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung 3 làng thanh niên vào Đề án quy hoạch xây dựng Làng thanh niên lập nghiệp giai đoạn 2015-2020 gồm: Làng Thanh niên lập nghiệp Sơn Hà, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa; Làng Thanh niên lập nghiệp Tu Lý, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình và Làng Thanh niên lập nghiệp Sông Chu, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Việc bổ sung quy hoạch 3 dự án Làng Thanh niên lập nghiệp vào Đề án là rất cần thiết, vì đây là những vùng đặc biệt khó khăn, hạ tầng lạc hậu.

Mục tiêu của dự án là đưa thanh niên lên lập nghiệp nhằm xây dựng hạ tầng thiết yếu, khai thác thế mạnh, tiềm năng đất đai để xây dựng nông thôn mới, bảo vệ và trồng rừng phòng hộ, giữ vững quốc phòng, an ninh vùng biên giới đặc biệt khó khăn… phù hợp với quy hoạch phát triển của các tỉnh, phù hợp với Nghị quyết 26/NQ-TW của Bộ Chính trị. Vì vậy, các dự án cần được phê duyệt và triển khai sớm để có thể kịp thời đầu tư trong giai đoạn 2016-2020.

Chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường các-bon

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục Dự án hỗ trợ kỹ thuật "Chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường các-bon tại Việt Nam" do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ.

Dự án nhằm tăng cường năng lực xây dựng, thực hiện và phổ biến các chính sách, công cụ quản lý nhà nước đối với các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA), hình thành công cụ thị trường, thí điểm NAMA tạo tín chỉ các-bon và xây dựng lộ trình tham gia thị trường các-bon trong nước và thế giới.

Dự án sẽ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về phát thải khí nhà kính, công cụ thị trường các-bon và lộ trình tham gia thị trường các-bon trong lĩnh vực chất thải rắn; xây dựng và triển khai thí điểm NAMA tạo tín chỉ các-bon, hệ thống báo cáo các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và lộ trình tham gia thị trường các-bon trong lĩnh vực sản xuất thép; tăng cường năng lực quản lý, kiểm tra, giám sát và thực hiện các hoạt động về NAMA và NAMA tạo tín chỉ các-bon.

Tổng mức vốn của Dự án là 3,6 triệu USD, trong đó, vốn ODA 3 triệu USD do Chương trình "Sẵn sàng tham gia thị trường các - bon quốc tế" viện trợ không hoàn lại và ủy thác thông qua WB tại Việt Nam.

Phân bổ vốn cụ thể cho các cơ quan tham gia thực hiện Dự án như sau: Bộ Tài nguyên và Môi trường 1,26 triệu USD; Bộ Công Thương 760.000 USD; Bộ Xây dựng 700.000 USD; Bộ Kế hoạch và Đầu tư 140.000 USD; Bộ Tài chính 140.000 USD. Vốn đối ứng 600.000 USD (tương đương 13 tỷ VNĐ).

Thời gian thực hiện Dự án là 36 tháng sau khi Văn kiện Dự án được phê duyệt. Bộ Tài nguyên và Môi trường là Cơ quan chủ quản Dự án.

Tăng cường kiểm tra bảo đảm chất lượng DA di dân, tái định cư thủy điện Sơn La

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện các dự án thành phần thuộc Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La đảm bảo tiến độ, chất lượng, mục tiêu, hiệu quả đầu tư của các dự án thành phần.

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương hoàn thành nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng 151 dự án thành phần đang thi công, chuẩn bị thi công (tỉnh Sơn La 86 dự án, tỉnh Điện Biên 55 dự án, tỉnh Lai Châu 10 dự án) và sửa chữa các dự án hư hỏng, xuống cấp do thiên tai trong Quý IV/2015.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bố trí đủ nguồn vốn ngân sách và Tập đoàn Điện lực Việt Nam chuyển đủ vốn cho các tỉnh để thực hiện hoàn thành dự án theo đúng kế hoạch, tiến độ được giao.

Theo Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư Dự án thủy điện Sơn La đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổng số dân di chuyển thuộc Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La là 20.340 hộ, 92.301 nhân khẩu. Trong đó, tỉnh Sơn La 12.584 hộ, 58.337 khẩu; tỉnh Điện Biên 4.459 hộ, 17.010 khẩu; tỉnh Lai Châu 3.297 hộ, 16.954 khẩu.

Tổng số khu, điểm tái định cư tập trung của Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La 78 khu, 285 điểm, tái định cư xen ghép vào 38 bản thuộc 17 xã và tái định cư tự nguyện; bố trí tái định cư cho 20.477 hộ (gồm số dân di chuyển thuộc Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La và Dự án đường tránh ngập đường Mường Lay-Nậm Nhùn, giai đoạn 1).

Đến tháng 9/215, các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu đã hoàn thành việc lập và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết toàn bộ 78 khu, 285 điểm tái định cư xen ghép vào 37 bản thuộc 16 xã và khu tái định cư tự nguyện.

Nhà nước cũng đã triển khai gần 8.000 phương án hỗ trợ, bồi thường với số vốn giải ngân hơn 7.000 tỷ đồng cho hơn 40.000 hộ dân, 232 tổ chức phải di dời hoặc chịu ảnh hưởng.

VPCP

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc