Thôn Ngọc Than, than... thiếu nước (?!)

06:48 | 21/04/2014

1,588 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chỉ cách ống dẫn nước sông Đà về Hà Nội chưa đầy 1km, nhưng hơn 2.000 hộ dân thôn Ngọc Than (xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội) hằng ngày phải “nhắm mắt” sử dụng nước ao làng làm nước sinh hoạt.

Năng lượng Mới số 314

Bẩn cũng phải dùng

Chúng tôi có mặt tại thôn Ngọc Than vào một buổi sớm đầu hạ, đúng lúc người dân kéo nhau ra ao làng giặt giũ và gánh nước đem về. Tiếng các bà, các chị chuyện trò ríu rít làm rộn cả một khu.

Thấy chúng tôi ngạc nhiên trước cảnh tượng này, ông Đỗ Tiến Mạnh, ở xóm giữa cho biết: “Đào giếng, giếng cạn, khoan giếng, lắp máy bơm chạy khô cả dầu mà nước vẫn không lên. Cực chẳng đã, người dân trong làng phải mang quần áo ra đây giặt giũ, rồi dùng thùng nhựa, thùng phuy chở nước về nhà. Vừa nói, ông Mạnh vừa lắc đầu, chỉ tay vào cái giếng cạn trơ đáy của nhà một người em họ gần đó để chứng minh cho lời ông nói.

Nước ao tù là nguồn nước sinh hoạt chính của người dân thôn Ngọc Than

Ông cho biết, tình trạng “khát” nước sạch ở thôn đã diễn ra gần 5 năm nay. Hầu như tất cả các giếng đào trong làng đều bị cạn. Người dân tính kế khoan giếng để lấy nước dùng, nhưng lạ một điều là khoan 4-5 mũi ở các chỗ khác nhau dưới độ sâu 50-70m cũng không đón được nước về. Gia đình ông cũng đã từng khoan đến 5 mũi ở 5 chỗ khác nhau, dưới độ sâu đến gần 70m nhưng vẫn không thấy có nước. Không biết kiếm đâu ra nước để sinh hoạt, ông Mạnh cũng như người dân trong làng chỉ biết nhìn vào nguồn nước ở cái ao sen của làng. “Biết là mất vệ sinh, tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh nhưng chúng tôi không còn lựa chọn nào khác”, ông Mạnh than thở.

Cũng từ đó những đường ống dẫn nước từ ao về nhà được giăng mắc khắp đường làng ngõ xóm. Càng vào sâu trong làng, ống dẫn nước càng nhiều, vắt vẻo trên cột điện, rối như tơ trời. Theo quan sát của phóng viên, dọc ao sen nơi người dân lấy nước về sinh hoạt có đến hơn 20 cụm đường ống cắm xuống ao, mỗi cụm đó có đến gần chục ống nước. Mặt ao nổi lềnh phềnh rác rưởi, túi nilon, xác động vật chết, nước thải từ hộ chăn nuôi gia súc bốc mùi hôi thối khiến ai đi qua cũng phải rùng mình.

Để mang được nước về nhà, gia đình ông Mạnh cũng phải bỏ ra hơn 5 triệu đồng đầu tư phí lắp đặt đường ống dẫn nước dài đến 200m, cùng dây điện, máy bơm, thùng phuy dùng để lọc nước. Dùng nước ao sen rất mất vệ sinh mà công nghệ lọc nước lại rất sơ sài. Nước từ ao dẫn về được đổ vào thùng phuy hoặc bể lọc qua một lớp cát vàng là đã dùng được.

Ông Mạnh tỏ vẻ lo lắng khi nói rằng, không chỉ nước ao mất vệ sinh mà ngay cả nước giếng khoan cũng không an toàn. Ở một số gia đình trong thôn, nước giếng khoan sau khi lọc xong vẫn còn có mùi tanh, để một lúc thì chuyển sang màu vàng và đóng cặn ở đáy bể.

Tình trạng thiếu nước ở làng Ngọc Than đã diễn ra nhiều năm qua, dù phải sử dụng nước ao nhưng họ cũng chỉ được dùng một cách rất dè sẻn, họ sử dụng theo kiểu “3 trong 1”. Nước được lấy từ ao sen về lọc, sau khi sử dụng như nước vo gạo được giữ lại để rửa rau, nước giặt quần áo để lại dội bồn cầu hay rửa chân tay, khi nào nước bẩn không thể sử dụng được nữa thì dùng tưới cây.

Cũng chung hoàn cảnh, nhà ông Nguyễn Văn Ứng phải đầu tư hơn chục triệu đồng để dẫn nước ao về nhà. Nhà ông cách ao làng khoảng 500m. Ông nhớ lại thời điểm mấy năm trước ông từng thuê thợ đến khoan 7 mũi trong 10 ngày đêm, sử dụng tới 2 máy bơm nước mà vẫn không hút được nước.

Dưới ao làng, các ống nước chạy chằng chịt dẫn vào các máy bơm được đặt trên bờ

Ông cho biết: “Có lần thợ họ khoan gãy cả mũi khoan mà không lấy được nước, nên đành chịu. Nhà lại có trẻ nhỏ nên việc thiếu nước sinh hoạt hằng ngày không thể trì hoãn được lâu. Để tiết kiệm chi phí lắp đặt, gia đình ông  liền rủ mấy nhà hàng xóm chung tiền đầu tư mua máy bơm, đường ống dẫn nước về nhà. Rồi cứ thế, mỗi gia đình được chia một khoảng thời gian cắt cử nhau bơm nước, nhà tôi bơm buổi sáng thì nghỉ bơm buổi chiều để nhường gia đình khác. Cách đây hơn một năm, chủ thầu tát ao bắt cá, cả làng gần như chết “khô”. Ao cạn trong vòng một tuần, dân trong làng điêu đứng đổ xô đi các vùng lân cận để xin từng thùng nước về ăn”.

Cũng chính vì “khát” nước quanh năm nên người dân Ngọc Than lại mong mưa bão hơn là sợ. Mỗi cơn bão về, họ lại sử dụng hết những thứ có thể chứa được nước để đợi. Bão chuyển hướng thì chỉ còn lại những tiếng thở dài. Người trong làng bảo, chẳng dân ở đâu như ở làng Ngọc Than, không sợ mưa bão mà còn đợi để đón bão về. Mỗi cơn bão qua đi, nhà nào cũng chứa được những bể nước mưa đầy để dùng làm nước ăn cho cả năm. Dù trong những chiếc bể chứa đến vài khối nước ấy, có vô số vi khuẩn, bọ gậy…

Sống chung với bệnh tật

Trong câu chuyện của các bà, các chị giặt quần áo ngoài bờ ao sen, chúng tôi có nghe thấy con chị này bị tiêu chảy, cháu bà kia bị mẩn ngứa… Có lẽ, đây không còn là câu chuyện riêng của một gia đình, mà là câu chuyện chung của dân làng Ngọc Than.

Việc lấy nước ở Ngọc Than cứ theo một chu trình, nước được lấy từ ao sen về lọc, sau khi sử dụng nước thải sẽ chảy theo các cống rãnh. Những ngày mưa lũ, nước trong các ao của hộ dân tràn ra mang theo cả nước thải sinh hoạt lại chảy dồn xuống ao sen, người làng lại tiếp tục lấy nước về lọc để sinh hoạt. Với nguồn nước không đảm bảo vệ sinh ấy nên việc bệnh tật xảy ra là điều không tránh khỏi.

Đặc biệt, những năm gần đây, số người chết vì ung thư ở Ngọc Than tăng vọt, dù các cơ quan chức năng chưa xác định được nguyên nhân nhưng trong làng vẫn truyền tai nhau rằng, nguyên nhân chính là do sử dụng nguồn nước mất vệ sinh trong một thời gian dài. Điển hình như gia đình ông Nguyễn Văn  Loan, năm ngoái đã phải chứng kiến cảnh dau lòng trước sự ra đi của hai người thân vì căn bệnh ung thư. Còn cháu ông Ứng bị tiêu chảy mấy ngày nay chưa khỏi. Ông cho biết, không chỉ cháu ông mà trẻ con hàng xóm cũng bị tiêu chảy.

Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Duy Thực - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ngọc Mỹ - công bố một con số giật mình, chỉ riêng chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản của phụ nữ, qua thăm khám cho gần 200 trường hợp, đã phát hiện được hơn 130 ca mắc các bệnh viêm nhiễm phụ khoa. Như vậy, tỷ lệ phụ nữ Ngọc Mỹ mắc các bệnh phụ khoa lên tới gần 70%. Trong khi đó, số ca bị mắc các bệnh ngoài da là rất cao. “Đáng lo ngại hơn, do phải dùng nước ao hồ tù đọng để vệ sinh cá nhân, gần đây, qua khảo sát của trạm y tế, chúng tôi thấy xuất hiện nhiều trường hợp các cháu nhỏ bị tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm kết mạc. Như vậy rất dễ bùng phát dịch” - ông Thực bày tỏ.

Theo Chủ tịch xã Ngọc Mỹ, ông Nguyễn Văn Trường cho biết: “Chính quyền địa phương đã báo cáo lên UBND huyện Quốc Oai nhiều lần nhưng vẫn chỉ nhận được thông tin phải trờ cấp trên”. Xã Ngọc Mỹ chỉ cách Đại lộ Thăng Long chưa đầy một cây số và đường nước sông Đà đi qua địa phận xã nhưng người dân địa phương vẫn phải sống trong cảnh “khát” nước sạch kéo dài trong nhiều năm qua.

Được biết, Ngọc Mỹ là một trong những địa phương có dự án nước sạch nông thôn của thành phố Hà Nội, nhưng khi mọi thứ vẫn còn nằm trên giấy thì không biết bao giờ người dân Ngọc Than mới hết “khát”.

Nguyễn Hoan