Thời của điện mặt trời đã đến!

20:32 | 30/06/2017

1,558 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group) vừa công bố kế hoạch chi 1 tỉ USD cho dự án đầy tham vọng trong lĩnh vực điện mặt trời, nhằm đáp ứng nhu cầu điện năng đang ngày một tăng cao. Đây là một dấu hiệu đáng mừng trong chiến lược phát triển quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng.

Chắc hẳn nhiều người còn nhớ tại Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP21), Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế.

Thế nhưng, thực tiễn lại dường như đang chứng minh ngược lại. Bởi lẽ cách đây không lâu, tại cuộc hội thảo “Công nghệ nhiệt điện than và môi trường” do Bộ Công Thương tổ chức cho biết, sắp tới, nhiệt điện than ở nước ta vẫn giữ một tỷ lệ trọng yếu, chiếm tới 55% sản lượng điện mỗi năm. Lý do rất đơn giản: Không có nguồn điện năng khác thay thế!

Con số thống kê cho hay, hiện nay, hệ thống điện Việt Nam đã phát triển lớn mạnh, đứng thứ 31 trên thế giới và thứ 2 trong các nước ASEAN. Công suất hệ thống đạt 40.000MW, sản lượng điện sản xuất năm 2015 đạt 162 tỉ kWh. Trong đó, về công suất thủy điện chiếm 41%, nhiệt điện than 33%, nhiệt điện khí 31%, còn lại là năng lượng tái tạo. Về sản lượng, thủy điện chiếm 38%, nhiệt điện than 30% và nhiệt điện khí là 29%.

Tuy vậy, theo quy hoạch sản xuất nhiệt điện than đến năm 2020 sẽ chiếm khoảng 49,3% điện sản xuất và đến năm 2025, riêng điện than đã có tổng công suất khoảng 45.800MW, chiếm khoảng 55% điện sản xuất, tiêu thụ khoảng 95 triệu tấn than.

thoi cua dien mat troi da den

Chúng ta thử tưởng tượng với lượng than đốt hằng năm “khủng” như vậy, liệu có bao nhiêu triệu tấn chất thải rắn và khí độc hại thoát ra môi trường? Và liệu cam kết của Việt Nam với quốc tế về giảm lượng phát thải khí nhà kính sẽ thực hiện bằng con đường nào?

Nay được tin có một doanh nghiệp tư nhân dám bỏ ra cả tỉ USD để “làm” năng lượng mặt trời thì có thể nhận thấy rằng, thời của năng lượng xanh, sạch của Việt Nam mình đã đến!

Trước hết, đó là thiên thời. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển dự án điện mặt trời, trong đó yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm mua toàn bộ lượng điện từ các dự án điện mặt trời nối lưới với giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 9,35 cent/kWh).

Giá điện này được xem là khá cao, vì giá bán điện bình quân của EVN hiện nay chỉ 1.622 đồng/kWh. Lâu nay do chưa có cơ chế giá điện mặt trời cụ thể nên nhiều nhà đầu tư ngại bỏ tiền ra đầu tư các dự án điện mặt trời. Ý kiến chung cho rằng, để nhà đầu tư thực sự có lãi thì giá điện mặt trời phải xấp xỉ 10 cen/kWh trở lên.

Tuy nhiên, sự hấp dẫn nhà đầu tư không chỉ khoanh tròn ở giá mua điện mà còn ở các chính sách ưu đãi kèm theo. Thí dụ, theo quyết định này, ngoài giá mua điện khá cao so với các nguồn năng lượng khác, điện mặt trời còn được hưởng một số chính sách hỗ trợ khuyến khích, như ưu đãi về vốn, về đất đai, về thuế nhập khẩu thiết bị dự án, thuế thu nhập doanh nghiệp…

Tiếp nữa, các chuyên gia còn phân tích rằng, do khoa học - công nghệ trên thế giới trong lĩnh vực này đang phát triển như vũ bão, tỷ suất đầu tư cho mỗi đơn vị điện năng từ điện mặt trời chắc chắn ngày càng được cải thiện.

Đó mới chính là một trong những nguồn hy vọng lớn của các nhà đầu tư khai thác nguồn năng lượng mặt trời trong tương lai.

Tiếp theo là địa lợi. Mặc dù có điều kiện thiên nhiên cực kỳ ưu đãi, nhưng đến nay Việt Nam vẫn là một quốc gia tiềm năng trong việc khai thác nguồn năng lượng mặt trời.

Theo đánh giá của Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam (VCEA), Việt Nam là một trong những quốc gia được hưởng thụ ánh nắng mặt trời nhiều nhất trong bản đồ bức xạ mặt trời thế giới. Trung bình, tổng bức xạ năng lượng mặt trời ở nước ta dao động từ 4,3-5,7 triệu kWh/m2. Ở các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, số giờ nắng khá cao, đạt 2.000-2.600 giờ/năm. Bức xạ mặt trời trung bình 150kcal/m2 chiếm khoảng 2.000-5.000 giờ/năm.

Tiềm năng là thế, nhưng mãi đến năm 2014 cả nước mới có 1 dự án điện mặt trời được nối lưới đầu tiên, đó là Nhà máy Quang năng Hội An (Côn Đảo) có công suất 36kWp, điện lượng khoảng hơn 50MWh với tổng mức đầu tư khoảng 140 nghìn euro.

Bên cạnh đó, hiện nay tại Việt Nam đang có khoảng 30 nhà đầu tư trong và ngoài nước đã và đang xúc tiến lập các dự án điện mặt trời công suất từ 20MW đến trên 300MW tại một số địa phương, tập trung chủ yếu ở miền Trung. Dự báo đến năm 2025, khi nhu cầu điện tăng gấp đôi, Việt Nam sẽ cần đầu tư 74 tỉ USD vào các nhà máy năng lượng than, khí gas, gió, mặt trời và thủy điện. Như vậy, thị trường điện mặt trời vẫn còn nhiều dư địa phát triển.

Thứ ba là nhân hòa. Không chỉ trên thế giới mà ngay ở trong nước, người dân Việt Nam ngày càng thân thiện với nguồn năng lượng xanh và sạch. Bên cạnh đó, TTC Group là một tập đoàn kinh tế tư nhân nội địa lâu nay đã có tên tuổi trong lĩnh vực mía đường - năng lượng - bất động sản và du lịch.

Thông tin từ TTC Group cho hay, Tập đoàn đang tìm kiếm các nhà đầu tư mới cho 10-20 dự án năng lượng mặt trời và các dự án này dự kiến sẽ đi vào hoạt động năm 2018. Vốn tự có của TTC tại dự án này là khoảng 30% và TTC đang trong quá trình đàm phán với các ngân hàng, các tổ chức tài chính để tìm kiếm nguồn vốn còn lại. Công suất của dự án này là 1.000MW...

Vì thế, chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng rằng, quyết định đầu tư 1 tỉ USD vào năng lượng mặt trời của TTC Group sẽ chỉ là phát súng đầu tiên cho cuộc chinh phục nguồn tài nguyên năng lượng sạch vô cùng phong phú của nước nhà.

Sự phát triển điện mặt trời trên thế giới diễn ra với cả hai loại công nghệ chính, đó là công nghệ quang điện SPV và công nghệ hội tụ năng lượng mặt trời CSP (concentrated solar power) hay còn gọi là công nghệ nhiệt năng mặt trời STE (Solar thermal energy). Trong đó, loại điện mặt trời theo công nghệ quang điện SPV được nhiều nước đầu tư phát triển từ giai đoạn đầu tiên của ngành điện mặt trời. Điện mặt trời trên thế giới phát triển khá chậm chạp cho đến những năm cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI.

5 năm trở lại đây, số lượng các nước trên thế giới gia nhập cộng đồng điện mặt trời càng ngày càng nhiều. Thứ bậc của 5 cường quốc điện mặt trời được sắp xếp theo thứ tự về tổng công suất tính bằng gigawatt (con số đầu) và tỷ lệ điện năng mặt trời trong tổng điện năng quốc gia (con số thứ hai) như sau: Đức (35,65GW; 5,3%), Ý (18GW; 9%), Trung Quốc (17,7GW; 0,1%), Nhật (11,86GW; 0,8%) và Hoa Kỳ (11,42GW; 0,3 %).

Nguyễn Long Vân

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps