Thổ Nhĩ Kỳ đang tự hóa thân thành “con tốt cho các nước lớn”?

10:59 | 04/02/2016

5,063 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau 5 năm nội chiến khốc liệt, với những sự giằng co gay cấn, hiện nay, cục diện chiến trường Syria đang có xu hướng nghiêng về phía quân chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad. Không cần phải phân tích văn hoa, chúng ta đều biết một phần lớn trong thành quả đó là nhờ công sức của người Nga. 
tho nhi ky dang tu hoa than thanh con tot cho cac nuoc lon

Điểm qua một vài điểm nóng xung đột trên chiến trường Syria, từ biên giới phía nam với Jordan và Israel, tới địa bàn thủ đô Damascus và đặc biệt là khu vực biên giới phía bắc; những nhà quan sát và phân tích đã nhận thấy rằng dường như phe thánh chiến/nổi dậy ngày càng đối diện với nguy cơ bị tiêu diệt.

Hầu hết các nhà phân tích chính trị - quân sự đều bày tỏ sự hoài nghi trước việc Mỹ và NATO đang “bất động” và không biết làm gì mà chỉ nhìn Nga tả xung hữu đột. Trong thời gian qua, phe Mỹ và NATO thực sự đã không hề có những phản ứng trực tiếp hay gián tiếp để ứng cứu cho phe nổi dậy trong hàng tháng trời qua; trong khi Quân đội Syria, với sự hỗ trợ đắc lực từ du kích Hezbollah (Lebanon) và dân quân tình nguyện Shia (của Iran), cùng với người kurd ở phía bắc đã tiến hành tổng phản công trên toàn mặt trận.

Còn với phe nổi dậy, tình trạng của họ bi đát hơn bao giờ hết khi mà chính giới chỉ huy của họ bước tới đàm phán hòa bình Geneva khi trong tay chỉ có một thứ vũ khí duy nhất: đe dọa tẩy chay hội nghị. Thứ vũ khí này tất nhiên là chẳng có lợi lộc gì cho cả bản thân họ cũng như các nhà bảo trợ Mỹ. Vị “quân sư quạt mo” Hoa Kỳ trong ván bài Syria này có lẽ cũng chẳng thể ngán ngẩm hơn bởi hành động của họ gần đây không phải là kiểu người Mỹ ưa thích trên bàn đàm phán. Nhưng thực sự với tình hình hiện nay ở Syria, những gì mà Mỹ và đồng minh đã làm thì họ chẳng có cơ sở gì để đưa ra yêu sách.

Tuy nhiên, gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ lại bỗng dưng nổi lên sau khi cáo buộc chiến đấu cơ Su-24 của nga vi phạm không phận của họ và bắn hạ ngay lập tức chiếc máy bay này. Mặc dù tính xác thực của các thông tin vẫn còn đang trong quá trình tranh cãi “đúng/sai” nhưng ngay lập tức Mỹ và NATO đã đồng thanh bênh vực Thổ Nhĩ Kỳ và cảnh báo Nga về những hậu quả xấu nhất.

Sau vụ việc trên, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục nêu lại vấn đề vi phạm không phận của cường kích Su-34 Nga, trong bối cảnh nước này cũng đang bị rối trí nghiêm trọng, khi phải đứng nhìn đồng minh của mình – phe nổi dậy gốc Thổ ở Syria đang bị tấn công tứ phía và chẳng thể làm gì được vì Nga đã giám sát chặt biên giới.

Giới chuyên gia cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn “gây sự” với Nga khi liên tục đưa ra cáo buộc trên. Và cũng chính họ đặt ra câu hỏi rằng, chơi tay đôi với một cường quốc, liệu Thổ Nhĩ Kỳ có đủ gan lì để leo thang căng thẳng với “Gấu Nga”? Hay sẽ lại có sự ép buộc nào khác từ Mỹ và NATO để đưa họ vào hoàn cảnh này?

Nếu như trong tương lai Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục cáo buộc Nga vi phạm không phận và bắn hạ máy bay Nga thì phản ứng của Nga sẽ như thế nào? Có thể sẽ không xảy ra một cuộc chiến toàn diện nhưng chắc chắn rằng, Nga sẽ hành động mạnh tay hơn vụ việc của chiếc Su-24 đầu tiên. Trong trường hợp đó, liệu Mỹ và NATO có kiên quyết bảo vệ đồng minh và trực tiếp chiến đấu với Nga?

Nhìn từ góc độ lợi ích quốc gia, Thổ Nhĩ Kỳ cũng chẳng có được lợi ích gì từ việc hành động như vậy với Nga. Trước kia, Nga có quan hệ tốt với Thổ Nhĩ Kỳ nhưng thật sai lầm nếu cho rằng Nga không thể triển khai ý đồ địa chính trị ở Trung Đông nếu như không có một “người bạn” như Thổ Nhĩ Kỳ. Vì vậy, cá nhân Thổ Nhĩ Kỳ không bao giờ có thể ngăn cản được tham vọng của Nga ở trung Đông.

Sau vụ việc bắn rơi Su-24, Thổ Nhĩ Kỳ thực sự đã rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan khi phải đối diện với căng thẳng trực tiếp với Nga. Về lí thuyết thì Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tự tin vì trên đầu họ có chiếc ô bảo hộ của Mỹ và NATO. Nhưng rồi họ cũng sẽ phải đặt ra tình huống: Mỹ và NATO chọn một trong hai: Nga hay Thổ Nhĩ Kỳ.  Và khi lợi ích giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ không thể gánh nổi những thiệt hại khi đối đầu với Nga thì Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ phải “đơn thuơng độc mã” mà thôi.

Đối với Nga, về ngắn hạn, các hành động của Thổ Nhĩ Kỳ không những không làm gián đoạn hoạt động không kích tại Syria mà còn tạo cho Nga cái cớ để độc lập hành động tại đất nước này. Với Thổ Nhĩ Kỳ, thì Nga cũng có rất nhiều “bài thuốc hữu hiệu” và một trong số đó chính là tăng cường ủng hộ “người Kurd”. Dù cho không bước vào cuộc chiến trực tiếp với Thổ Nhĩ Kỳ thì Nga vẫn sẽ có các biện pháp theo kiểu tình huống “bên miệng hố chiến tranh” để khiến giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ luôn ở trạng thái đối phó mệt mỏi.

Căng thẳng với Nga sẽ được Thổ Nhĩ Kỳ đẩy tới đâu? Đó là câu hỏi khó, vì căn bản ngay cả Thổ Nhĩ Kỳ cũng không thể quyết định được điều đó. Nhưng có một điều rằng, hơn ai hết, ngay lúc này Thổ Nhĩ Kỳ cần phải hiểu cái giá của sự phụ thuộc. Mỹ và NATO có thể mang lại cho Thổ Nhĩ Kỳ nhiều thứ, nhưng họ cũng có thể lấy đi nhiều thứ khác của đất nước này. Tham vọng dẫn dắt Trung Đông hay thế giới Hồi giáo của Thổ Nhĩ Kỳ có thể đang khiến nước này trở thành một con thiêu thân trong cuộc chơi của các “ông lớn”.

 

Tiến Đạt