Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu "biết sợ"?

14:00 | 13/10/2015

11,013 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bị khủng bố tấn công, đồng minh bỏ lơ, Chính quyền Tổng thống Recep Tayyib Erdogan đã bắt đầu “thấy sợ” vì cuộc phiêu lưu của mình. Nga bắt đầu chìa củ cà rốt.
tho nhi ky da bat dau biet so
Một người đàn ông than khóc gần một thi thể tại nơi xảy ra vụ nổ ở Ankara hôm 10/10

Ngày 10/10, một vụ khủng bố kép làm rung chuyển thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ. Điều quan trọng là có quá nhiều người chết (95 người chết và hơn 200 người khác bị thương) mà truyền thông quốc tế thống kê là vụ tồi tệ nhất trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ. Đáng nói nữa đây là vụ khủng bố tấn công vào đoàn người tuần hành ủng hộ hòa bình, kêu gọi Tổng thống Recep Tayyib Erdogan bớt chuyện bao đồng với PKK và IS mà hãy lo cho đời sống người dân.

Đảng AKP của ông Erdogan đang phải đối mặt với những khó khăn kinh tế chồng chất. Chính sách lãnh đạo đất nước với bàn tay sắt được đảng AKP liên tục áp dụng từ hơn một chục năm qua không còn thu phục lòng dân, khi mà kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ liên tục đổ dốc. Tỷ lệ tăng trưởng đang được dự báo ở mức từ 6 đến 7% một năm nay bị hạ xuống còn từ 4 đến 5% cho ít nhất là ba năm tới.

Hiện chưa có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm vụ tấn công trên. IS hay PKK vẫn im phăng phắc và bản thân ông Recep Tayyib Erdogan cũng im luôn. Đây là điều lạ vì trong hơn một chục năm cầm quyền ở chức vụ thủ tướng (2003-2014) và từ hơn một năm qua khi ngồi vào chiếc ghế tổng thống, mỗi lần Thổ Nhĩ Kỳ lâm nguy, ông Recep Tayyib Erdogan thường xuyên xuất hiện trên các phương diện truyền thông. Lần này thì khác. Ba ngày sau hai vụ khủng bố đẫm máu, Tổng thống Erdogan đặc biệt tỏ ra kín tiếng. Và đây chính là điều khiến thiên hạ bàn tán nhiều. Phải chăng ông Erdogan và đảng của ông đang có dấu hiệu suy yếu? Nên biết chỉ còn 3 tuần lễ nữa là tới ngày bầu cử Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ mà trong đó Tổng thống Erdogan và đảng của ông hy vọng sẽ giành lại uy tín từ lần trước.

Một ngày sau vụ khủng bố trên, hôm 11/10, một cuộc biểu tình quy mô lớn đã diễn ra tại nhiều thành phố trên cả nước Thổ Nhĩ Kỳ. Những người biểu tình hô những khẩu hiệu chống Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Nhiều người chỉ trích chính phủ không ngăn chặn được những vụ đánh bom, và thậm chí còn có một số người tố cáo chính phủ thực hiện vụ đánh bom để làm cho dân chúng không dám tham gia những cuộc tụ tập đông người.

Những thành phần chống đối chính quyền Erdogan, trong đó có đảng HDP thân Kurdistan đã trực tiếp tố cáo ông Erdogan “tay dính máu”. Luận điểm của HDP khá đơn giản: hoặc tai họa vừa qua là bằng chứng cho thấy chính quyền trong tay Thủ tướng Ahmet Davutoglu đã có những thiếu sót nghiêm trọng trong trách nhiệm bảo dân chúng trước đe dọa khủng bố, hoặc đây thái độ đồng lõa với mục đích làm khơi dậy tinh thần dân tộc chủ nghĩa bài Kurdistan với mục đích tranh thủ lá phiếu của cử tri trong cuộc tuyển cử ngày 1/11/2015. Đảng HDP tố cáo Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ “đổ dầu vào lửa”.

Vụ khủng bố tại Suruc hồi tháng 7/2015 làm 33 người thiệt mạng cũng như tại Ankara cách đây mấy ngày làm tiêu tan mọi triển vọng hòa đàm giữa chính quyền của ông Erdogan với lực lượng vũ trang PKK của Kurdistan. PKK, chủ trương một vùng Kurdistan độc lập với Thổ Nhĩ Kỳ, đã liên tục tấn công vào các đồn lính và cảnh sát của Thổ Nhĩ Kỳ từ hai tháng qua. Để trả đũa, Ankara mở chiến dịch oanh kích vào nhiều căn cứ hậu cần của PKK ở phía bắc Iraq.

Mặc dù nghi là IS đứng đằng sau vụ đánh bom kép hôm 10/10 tại Ankara nhưng chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ hôm 12/10 vẫn mở các cuộc oanh kích vào những vị trí của phiến quân người Kurd ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ và ở miền bắc Iraq. Quân đội cũng phái một đoàn quân xa tới tỉnh Sirnak, nơi đa số dân chúng là người sắc tộc Kurd.

Theo giới quan sát rất có thể tổ chức IS đang trở mặt, quay ngược lại tấn công Thổ Nhĩ Kỳ sau khi bị Tổng thống Erdogan bỏ rơi. Cho tới gần đây, Ankara luôn ngấm ngầm và ít nhiều yểm trợ quân thánh chiến Hồi giáo cực đoan tại Syria với hy vọng, mượn bàn tay của IS loại trừ một đối thủ nặng ký là Bachar Al Assad. Theo nhãn quan của Ankara, Syria trong tay ông Al Assad là một mối đe dọa tiềm tàng và cũng là một mối đe dọa cho thế quân bình trong vùng Trung Đông giữa hai khối các quốc gia Hồi giáo theo hệ phái Sunni và Shia.

Theo các cuộc điều tra sơ khởi, có nhiều điểm tương đồng trong các vụ tấn công nhắm vào thành phố Suruc hồi tháng 7/2015 với hai vụ khủng bố vừa reo rắc kinh hoàng tại Ankara. Có điều trước mắt tổ chức IS vẫn chưa lên tiếng nhận là tác giả hai vụ tấn công nhắm vào thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ.

Phân tích về nguyên nhân sâu sa dẫn đến tình trạng bạo lực gia tăng tại Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian gần đây, các chuyên gia chỉ ra hai nguyên nhân. Thứ nhất về đối nội. Trong cuộc tổng tuyển cử tháng 6/2015, đảng AKP cầm quyền của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đánh mất đa số và thất bại trong việc tìm đối tác để thành lập chính phủ. Trong cuộc cuộc bầu cử trước thời hạn sẽ được tổ chức vào ngày 1/11 tới, Tổng thống Erdogan hy vọng AKP có thể giành lại được các cử tri dân tộc chủ nghĩa mà mới đây đã "quay lưng". Bằng cách tấn công PKK, ông Erdogan có thể đạt được mục đích và giành lại được đa số mong muốn. Thứ hai về đối ngoại. Ankara đã quay sang tham gia chiến dịch chống IS của liên quân do Mỹ đứng đầu.

Ngay từ đầu, các chuyên gia đã cảnh báo rằng những tính toán của Chính quyền Ankara sẽ phải trả giá. Các cuộc tấn công IS và PKK ở Iraq sẽ đặt Thổ Nhĩ Kỳ vào nguy cơ phải hứng chịu thêm các cuộc tấn công nữa của IS và khuấy động thêm bạo lực giữa người Kurd thiểu số có cảm tình với PKK.

Như vậy có thể thấy những toan tính của ông Erdogan trong cuộc bầu cử sắp tới có vẻ phản tác dụng.

Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu biết sợ. Ngày 12/10, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cho biết nước này sẽ tổ chức đàm phán với Nga và Iran nhằm hướng tới một giải pháp chính trị tại Syria. Trong cuộc trả lời phỏng vấn được phát trực tiếp trên kênh truyền hình NTV, ông Davutoglu cho rằng hoạt động không kích của Nga ở 2 tỉnh Idlib và Aleppo của Syria có khả năng gây ra dòng người tị nạn lớn hơn đổ vào Thổ Nhĩ Kỳ. Các vụ không kích của Nga nhằm vào các phần tử nổi dậy đã giúp lực lượng thân Chính phủ Syria giành lại phần lãnh thổ ở quốc gia Trung Đông này hồi cuối tuần trước và tạo ra sự thất bại mới đối với các nhóm đối lập Syria mà Ankara và Mỹ hậu thuẫn.

Tín hiệu đáng lo khác của Chính quyền Erdogan là ngày 9/10, Mỹ đã bắt đầu rút các khẩu đội tên lửa phòng không Patriot của mình khỏi Thổ Nhĩ Kỳ bất chấp lời “năn nỉ” của chính quyền Ankara. Xem ra chính quyền Tổng thống Erdogan đang trở nên trơ trọi trong mọi cuộc chiến.

Đúng lúc này, Nga chìa củ cà rốt cho Chính quyền Erdogan. Sau khi xảy ra vụ nổ bom ở Ankara, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ngỏ lời chia buồn với Thổ Nhĩ Kỳ và đề nghị trợ giúp. "Chúng ta nên kết hợp những nỗ lực trong cuộc đấu tranh chống lại những kẻ ác ôn này. Tôi xin bày tỏ sự phân ưu sâu sắc tới nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ, tới Tổng thống của Thổ Nhĩ Kỳ. Những gì xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ là một hành vi khủng bố hết sức thô bạo".

Nh.Thạch

Năng lượng Mới (Theo AFP, AP)