Thổ Nhĩ Kỳ bôi mỡ cho kiến cắn

13:00 | 11/02/2016

3,232 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong khi căng thẳng với Nga chưa giảm bớt, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ lại đang hục hặc với các đồng minh chí cốt của mình.
tho nhi ky boi mo cho kien can
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 8/2/2016

Bắt bí đồng minh châu Âu

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã họp với các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ tại Ankara hôm 8/2 về cuộc khủng hoảng người tị nạn đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn – từ những người bị kẹt ở Syria đến những người đang tìm đường đến châu Âu đang bị kẹt ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Tại cuộc gặp, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmed Davutoglu cho biết ông và Thủ tướng Đức đã đồng ý với nhau về một số biện pháp. Tuy nhiên, bất chấp việc bà Merkel tuyên bố sẽ chia sẻ gánh nặng người tị nạn và cam kết của ông Davutoglu sẽ ngăn chặn di dân bất hợp pháp, có nhiều ngờ vực đối với những cam kết của cả hai bên.

Châu Âu đã có các tuyên bố trong đó đề nghị rõ ràng là những người tị nạn trên nên được giữ lại ở Thổ Nhĩ Kỳ. Không rõ liệu Thổ Nhĩ Kỳ có thực tâm muốn giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn theo đúng nghĩa của nó hay không, hay họ tìm cách lợi dụng cuộc khủng hoảng này cho những mối quan hệ với Liên minh châu Âu.

Chưa hết, trong cuộc đàm phán ở Antalya giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và người đứng đầu của Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, ông Erdogan đã đe dọa rằng sẽ hoàn toàn mở cửa biên giới quốc gia để cho dòng người tị nạn tràn sang châu Âu, nếu EU không thay đổi các điều khoản thỏa thuận với Ankara.

Theo kế hoạch của EU, Ankara sẽ nhận được 3 tỷ euro trong vòng hai năm. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu tăng số tiền lên ba tỷ trong một năm và nhấn mạnh rằng EU mới phải quan tâm đến giao dịch, chứ không phải Ankara. Theo Erdogan, đất nước của ông có thể dễ dàng giải quyết định vấn đề người di cư có lợi cho mình bằng cách trút lên vai châu Âu, mở biên giới và "cho xe buýt chở người tị nạn thẳng đến cửa ngõ Hy Lạp và Bulgaria".

Ông Erdogan nói rằng châu Âu sẽ rắc rối lớn nếu không đồng ý với các điều khoản của ông ta, và bày tỏ tin tưởng rằng Brussels sẽ không thể một mình đối phó với cuộc khủng hoảng. "EU sẽ làm gì với những người tị nạn, nếu thỏa thuận không diễn ra? Giết họ chăng?"-ông Erdogan nói.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng lưu ý rằng, rõ ràng, các nhà lãnh đạo EU không hình dung hết quy mô của thảm họa sắp xảy ra: "Đây không chỉ là một cậu bé đã chết ngoài khơi bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ-sẽ có mười, mười lăm ngàn em như thế. Các vị sẽ đối phó với điều này như thế nào?"

Ông Erdogan cảm thấy mình có quyền lực như thế nào đối với Brussels. Tại thời điểm này, Thổ Nhĩ Kỳ là một chốt chặn, nơi mà người tỵ nạn tập trung rất đông, và trong khi thảo luận giải quyết vấn đề này, tổng thống Thổ có thể áp đặt các điều kiện riêng của mình.

tho nhi ky boi mo cho kien can
Tổng thống Erdogan

Văng mạng với Mỹ

Hôm 10/2, Tổng thống Erdogan đã lên tiếng chỉ trích Mỹ về việc nước này ủng hộ phiến quân người Kurd ở Syria, đồng thời cho rằng động thái của Washington biến khu vực này thành “biển máu”.

Phát biểu tại thủ đô Ankara, ông Erdogan nói rằng: “Mỹ đang đứng về phía Thổ Nhĩ Kỳ hay phía tổ chức khủng bố Đảng Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD) tại Syria và Đảng Công nhân người Kurd (PKK)”. Ông Erdogan tỏ ra không hài lòng khi đề cập đến việc Washington ủng hộ các tay súng người Kurd chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria cũng như không xem nhóm phiến quân này là tổ chức khủng bố.

Thổ Nhĩ Kỳ đến nay vẫn xem PYD là một tổ chức khủng bố với lý do nhóm này có liên hệ với PKK, tổ chức đã tiến hành các vụ nổi dậy bạo lực trong 3 thập kỷ qua giành quyền tự trị cho người Kurd ở phía Đông Nam nước này. Căng thẳng giữa Mỹ và Thổ đang có dấu hiệu gia tăng trước việc Mỹ ủng hộ chiến binh người Kurd chống IS tại Syria. Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ lại có quan điểm hoàn toàn khác.

Trước đó một ngày, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã triệu tập đại sứ Mỹ ở Ankara để phản đối sau khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói rằng Washington không xem PYD là một tổ chức khủng bố và sẽ tiếp tục ủng hộ hoạt động của nhóm này ở Syria.

Bulent Aliriza, Giám đốc chương trình Thổ Nhĩ Kỳ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington nói: “Có một khoảng cách to lớn và sự khác biệt về quan điểm giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ liên hệ đến ưu tiên giữa Syria và IS. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ ưu tiên là PKK và PYD. Đối với Mỹ, ưu tiên là IS”.

Các nhà phân tích nói sự khác biệt này ảnh hưởng đến khả năng của Thổ Nhĩ Kỳ giúp Liên minh phương Tây do Mỹ lãnh đạo chống lại Nhà nước Hồi giáo.

Gonol Tul, Giám đốc sáng lập của Trung tâm Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ thuộc Viện Trung Đông nói: “Nếu Thổ Nhĩ Kỳ không giải quyết vấn đề người Kurd một cách hòa bình thì chính sách về Syria một cách tổng quát và đặc biệt chính sách về IS của Mỹ sẽ khó thi hành hơn”.

Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi mới đây tuyên bố là Thổ Nhĩ Kỳ cần thay đổi các mục tiêu. Theo như trang mạng Rudaw của người Kurd thì ông al-Abadi nói: “Thổ Nhĩ Kỳ phải chuyển ưu tiên từ vấn đề người Kurd sang IS".

Từ lâu Ankara bị chỉ trích là “nhìn về hướng khác” đối với những hoạt động của Nhà nước Hồi giáo và mạng lưới của tổ chức này tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên vào lúc các hoạt động khủng bố của IS gia tăng thì nhu cầu chống lại nhóm này của Thổ Nhĩ Kỳ lại giảm.

Mỹ nói Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác hợp tác và được mong đợi trong Liên minh chống IS. Nhưng Ankara nói Mỹ phải hiểu tình huống khó xử của Thổ Nhĩ Kỳ.

Nh.Thạch

Theo AFP. AP, Reuters, CNN

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc