Thiếu "máu" - căn bệnh trầm kha

14:44 | 05/04/2017

1,544 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hiện nay, căn bệnh thời đại lớn nhất của người Việt Nam nói chung và giới trẻ Việt nói riêng, đó là bệnh thiếu “máu”. Thiếu “máu” là cách nói hình ảnh, dân dã của chúng ta về sự thiếu “máu lửa”, thiếu ý chí vươn lên, thiếu mục đích ý nghĩa trong cuộc đời, vô cảm với những điều trái khoáy, những lỗi xã hội đang diễn ra trước mắt.

Thiếu “máu” thì sống vật vờ, sống như một vật thể lờ đờ, chờ chết. Thực ra là chết rồi, chỉ như những thây ma di động, vô hồn mà thôi. Những người thiếu “máu” cứ vô cảm như thế trôi qua cuộc đời, không tạo nên một cái gì, không để lại sản phẩm trí tuệ nào, thậm chí một hình ảnh mờ nhạt cũng không.

Chỉ cần bước ra khỏi cửa, bạn sẽ va ngay phải một kẻ thiếu “máu” nào đó. Có thể điểm mặt một số khuôn mẫu như anh công chức sáng cắp ô đi, tối cắp về. Sếp giao việc gì anh làm việc đấy, thực hiện chiếu lệ cho xong. Anh chẳng yêu thích gì công việc, nhưng nếu hỏi anh thực sự thích công việc nào khác, anh sẽ nghĩ rất lâu rồi lại trả lời không thể nhạt hơn, rằng anh chẳng biết anh thích việc gì nữa, mà rồi việc gì cũng chán thôi.

Hoặc một anh tiến sỹ đeo kính cận dày, anh đọc rất nhiều sách, đi hội thảo khoa học anh chém gió vù vù. Nhưng công trình khoa học của anh rặt những đoạn copy và paste (cắt, dán nội dung), được công nhận đấy nhưng rồi lại xếp vào tủ, chẳng bao giờ đem ra áp dụng phục vụ cuộc sống. Nếu chất vấn anh, rằng tại sao anh không tự “đẻ” một công trình khoa học và rồi tìm cách để công trình đó đi vào cuộc sống, phục vụ người dân, làm nên thay đổi tiến bộ? Anh sẽ trả lời rằng, do “cơ chế” nó thế, không làm khác được.

Tôi từng đi giảng dạy tại các trường THPT trên 50 tỉnh thành, phỏng vấn nhiều học sinh, cùng một câu hỏi, rằng khát vọng của em là gì? Thì nhận được câu trả lời rằng em không biết! Thậm chí có em còn không hiểu và hỏi lại “Thế khát vọng thực ra là gì hả thầy?”. Các em thiếu khát vọng, không xây dựng một ý chí lớn để vươn lên trong cuộc đời, cũng một phần vì các bậc cha mẹ có điều kiện, lại chiều chuộng các em quá mức. Bố mẹ không muốn con mệt nên không dạy và yêu cầu con làm việc nhà. Bố mẹ sợ con bị tai nạn, bị đau nên không khuyến khích và cho phép con tham gia các hoạt động chân tay, rèn luyện kỹ năng ngoài trời…

thieu mau can benh tram kha

Hiện nay, tại xã hội ta, trong nhiều gia đình (nhất là các gia đình giàu có ở thành phố) thì vật chất đầy đủ, giải trí thừa mứa, nhưng lại thiếu sự giáo dục, rèn luyện để các em hiểu ra mình sống để làm gì, sống ra sao. Cha mẹ cho con đến trường, theo một thói nghĩ chung, đó là sao cho con học giỏi, điểm số cao, được bằng khen này nọ, đến khi ra trường thì bố mẹ đã “dấm” sẵn chỗ làm việc mà theo cách nhìn của bố mẹ là tốt, là đem lại một cuộc sống ổn định. Hầu như bố mẹ thiếu sự quan sát và tìm hiểu xem thực ra con mình có năng lực gì, và cần trau dồi đam mê, cũng như sự tập trung phát triển năng lực đó ra sao. Điều khiếm khuyết này một phần do cách nhìn lệch lạc của bậc cha mẹ, một phần nó đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực rất lớn.

Một thời gian quá lâu chúng ta không để ý đến căn bệnh thiếu “máu” trầm kha này, nghiêm trọng hơn là vô cảm. Vô cảm diễn ra nơi nơi, trong công sở, ngoài đường, và thậm chí trong chính ngôi nhà ta ở. Cái vòi nước hỏng, nước thoát ri rỉ cả ngày, nhưng ta cứ lờ đi không chịu sửa, lờ đi thực tế rằng nguồn tài nguyên nước đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Ra đường, thấy một phụ nữ bị những thanh niên càn quấy phóng xe bạt mạng tông ngã, ta dừng lại xem rồi bỏ đi mà không tìm cách ra tay giúp đỡ, gọi cấp cứu, hay lực lượng cảnh sát bắt kẻ gây tội. Tại công sở, thấy công việc trì trệ, nhìn thấy cảnh tham nhũng thời gian, của công, nhưng ta cũng lờ đi, mặc kệ nó vì chẳng mất gì của ta.

Hàng xóm của ta là Hàn Quốc, từng vươn lên mạnh mẽ trở thành một quốc gia hàng đầu trên thế giới, chỉ trong hai thập kỷ phấn đấu. Điều đáng học tập là họ đoàn kết một lòng, toàn dân một ý chí, cả đất nước Hàn Quốc hầu như không ngủ, chỉ tập trung học tập, làm việc, nghiên cứu và phấn đấu sao cho Hàn Quốc vươn lên dẫn đầu. Cuối cùng thì mục tiêu đó được thực hiện thành công.

Câu hỏi đặt ra là, ta cần làm gì để thúc đẩy chúng ta, thúc đẩy giới trẻ thoát ra khỏi tình trạng ù lỳ cảm xúc, vô cảm và thiếu mục đích sống, thiếu ý chí vươn lên? Toàn xã hội cần vào cuộc, từ ngành giáo dục, ngành truyền thông, từng cơ quan, từng tổ chức, cần đặt ra chiến lược phát triển tinh thần người Việt, xây dựng mục tiêu và ý chí để phát triển năng lực cá nhân, đóng góp cho sự phát triển của toàn xã hội, toàn quốc gia. Đơn cử như một số tờ báo hiện nay đang thiên về tin xấu, giật gân, tại sao chúng ta không làm ngược lại, đó là năng đưa tin tốt, cổ vũ cho cái tốt, xây dựng hình mẫu anh hùng, thần tượng anh hùng cho xã hội.

Trước kia chúng ta đã tạo nên một hình thái tuyên truyền – “Ra ngõ gặp anh hùng”, có hiệu ứng rất tốt. Nếu chúng ta chỉ nghĩ về cái tốt, nói về cái tốt, làm cái tốt, sẽ tạo nên hiệu ứng dây chuyền, lan tỏa rộng rãi và tạo nên sức mạnh mới cho toàn dân tộc. Đó mới khơi dậy được sức mạnh Việt tiềm ẩn của chúng ta.

Đừng để “con hổ châu Á” cứ ngủ mãi. Chúng ta hoàn toàn có thể đánh thức “hổ châu Á” ngay từ bây giờ, bằng chiến lược giáo dục tạo sự thông minh xã hội cho mỗi cá nhân, tạo thái độ đúng đắn, mục tiêu cụ thể, xây dựng ý chí vươn lên thành người giỏi, người tài.

TS. Phan Quốc Việt

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc