Thiếu biển báo, thừa cổng chào

09:55 | 08/01/2018

580 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đi khắp các tuyến đường giao thông từ liên xã, liên huyện đến liên tỉnh, hành khách bị ức chế vì thiếu rất nhiều biển báo chỉ địa danh.

Có những đoạn đường dài hàng chục cây số, nhiều ngã ba, ngã tư không có biển chỉ đường, không có biển ghi địa danh nên muốn đi tìm địa chỉ nào đó rất khó. Trong khi đó, những năm qua, nhiều địa phương lại thi nhau dựng cổng chào khá tốn kém. Đó là nghịch lý cần sớm khắc phục.

Ai có công việc phải thường xuyên đi đến các địa phương mới thấy khó chịu khi phải mất rất nhiều thời gian đi tìm đường và tìm địa điểm cần đến. Nếu là nơi đã đến một vài lần thì biết rồi, không sao. Nhưng với những địa điểm mới đến lần đầu thì rất mất thời gian, ảnh hưởng lớn tới công việc.

Một tấm biển chỉ đường, thông báo địa danh xã, huyện có tốn kém gì nhiều mà tại sao các địa phương lại không chú ý. Trên các trục đường liên xã, liên huyện, có những đoạn cư dân thưa thớt, muốn hỏi thăm đường cũng không phải chuyện đơn giản. Vì thế, đi quá địa danh cần tìm dăm bảy cây số rồi quay lại là chuyện thường gặp với rất nhiều người.

thieu bien bao thua cong chao

Bây giờ nhiều tuyến đường mới được mở ra, tạo nên mạng lưới giao thông liên hoàn nối các địa phương, rút ngắn chặng đường đi so với trước. Nhưng để giúp người tham gia giao thông được hưởng thụ lợi thế đó thì các tuyến đường mới phải có đủ hệ thống biển báo và biển báo phải có thông tin chi tiết chỉ đường tới cấp xã, phường. Vì thiếu biển báo như vậy nên đôi khi người đi đường như lạc vào mê hồn trận, có khi lạc đường và phải đi xa hơn. Trên từng đoạn đường, cần có biển báo địa danh xã, huyện, số km…

Những cơ sở kinh doanh, dịch vụ thì dày đặc biển chỉ dẫn và bảng quảng cáo cỡ lớn đập vào mắt người đi đường. Thế mà những biển chỉ dẫn đường đi và địa danh lại thiếu thì rõ ràng không thể chấp nhận được.

Biển chỉ dẫn giao thông thì thiếu như vậy nhưng các địa phương lại đua nhau xây dựng cổng chào. Nếu kinh tế phát triển, đời sống nhân dân nâng cao thì việc xây cổng chào còn khả dĩ. Thực tế thì nhiều địa phương còn nghèo, nhiều mặt của đời sống xã hội, dân sinh còn rất nhiều khó khăn nhưng vẫn xây cổng chào tiền tỉ là điều không nên. Cấp tỉnh, thành phố làm cổng chào; cấp xã, thôn cũng xây cổng chào, “trăm hoa đua nở”…

Một huyện nghèo miền núi ở tỉnh Quảng Nam cũng xây cổng chào tiền tỉ. Thái Nguyên công bố thiết kế cổng chào 15 tỉ. Còn một tỉnh xây dựng cổng chào chi phí hàng trăm tỉ, hoành tráng nhất nước và khi xây dựng cổng chào này, địa phương đã nắn cong một đoạn quốc lộ.

Cổng chào ở Hải Phòng chi phí 24 tỉ, sau gần 2 năm dầm mưa dãi nắng, hệ thống trang trí đèn chập chờn, hư hỏng nặng, thế là tháo dỡ toàn bộ. Trước đó vài năm, cổng chào ở Bình Dương 40 tỉ, đưa vào sử dụng vài năm đã hư hỏng.

Xã phường, thôn làng xây cổng chào thì tất nhiên là tỉnh, thành phố, khu công nghiệp… sẽ phải có. Dư luận bàn tán về các cổng chào, từ thiết kế màu mè đến chi phí tốn kém cho hàng trăm, hàng ngàn cổng chào mọc nhan nhản khắp nơi trên cả nước. Có những cổng chào thiết kế cầu kỳ mà nhìn vào đó, người ta không biết nó xuất phát từ ý tưởng gì.

Nơi tập trung nhiều cổng chào của các huyện ngoại thành Hà Nội là tuyến Quốc lộ 32 đi qua các huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ. Trong khoảng 21km đường đi qua ba huyện này, ít nhất đã có 5 cổng chào được đầu tư với nguồn vốn ngân sách hàng tỉ đồng. Cấp xã của huyện Đan Phượng cũng xây cổng chào. Xã Phương Đình xây cổng chào 200 triệu đồng. Thôn Đông Khê (xã Đan Phượng) xây cổng chào 800 triệu đồng.

Với chiều cao 14m, rộng 22m và có kinh phí xây dựng gần 3 tỉ đồng, cổng làng ở xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu được xem là cổng làng to nhất ở Nghệ An.

Những ai đã đi ra các nước thì thấy, trên các tuyến đường hầu như chỉ có tấm bảng chỉ dẫn địa lý giản dị ở hai bên đường; chi phí chắc chắn rất nhỏ so với các cổng chào của ta nhưng lại rất hữu ích, không làm phân tán sự chú ý của người qua lại.

Những ý kiến bênh vực cho việc xây cổng chào thì cho rằng, đó là để giới thiệu văn hóa địa phương, tạo ấn tượng cho du khách và tự hào cho bà con trong tỉnh, thành, quận, huyện, làng, xã; tạo thêm nét đẹp văn hóa cho địa phương…Vì thế mà đi đâu chúng ta cũng và sẽ còn gặp nhiều loại cổng chào.

Còn nhiều nơi đang có kế hoạch xây cổng chào tiền tỉ. Hội chứng này cần được các địa phương xem xét và điều chỉnh lại vì điều kiện kinh tế khó khăn, ngân sách eo hẹp như hiện nay không thể chi cho những khoản chưa cần thiết như thế. Khẩu hiệu tiết kiệm là quốc sách cần thể hiện trong những công việc như thế này. Người dân đang cần những biển chỉ dẫn hơn những cổng chào.

Bùi Đức

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc