Thị trường gas: Thật giả lẫn lộn

10:23 | 15/03/2012

1,423 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Gas nhái, kém chất lượng lại càng có cơ hội tung hoành khi thời gian qua giá mặt hàng này tăng “chóng mặt”. Các cửa hàng sang chiết gas đang lợi dụng lúc giá cao để trục lợi trong khi người tiêu dùng “cực chẳng đã”, cần thì vẫn phải mua.

Sang chiết gas để bán lẻ.

Người tiêu dùng bị lợi dụng

Giá gas tăng cao nhưng không đồng nghĩa với việc chất lượng loại hàng hóa này được đảm bảo. Mà ngược lại, lợi dụng lúc giá tăng, nhiều cơ sở gas đã tiến hành sang, chiết gas trái phép; thậm chí làm giả gas. Do người tiêu dùng sử dụng gas thường gọi gas theo màu sắc như bình xám, bình xanh, bình đỏ… mà không chú ý đến tên hãng sản xuất nên những cơ sở làm hàng giả thường trà trộn hàng nhái, hàng kém chất lượng vào. Ngoài ra, nhiều cơ sở còn thu gom vỏ bình gas chính hãng ở ngoài thị trường để chiết nạp lậu, bơm gas kém chất lượng, không đủ trọng lượng rồi bán cho người tiêu dùng theo giá gas chính hãng.

Gần đây, một số người tiêu dùng mới bắt đầu để ý đến thương hiệu của loại gas mình đang dùng, từ đó phát hiện ra nhiều cách làm ăn dối trá của các đại lí bán lẻ gas. Theo chị Lê Thu Trà (Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội) lúc nào hết gas chị lại gọi theo số điện thoại có sẵn ghi trên bình. Nhân viên mang gas đến lắp đặt chị chỉ quan sát xem màu sắc bình mới giống với bình cũ là yên tâm, còn lại không để ý đến nhãn mác hay thương hiệu gas. Thực tế, đây là thói quen chung của phần lớn người tiêu dùng hiện nay. Kẽ hở này là cơ hội thuận lợi nhất cho những kẻ bán gas giả để lừa khách hàng.

Ở khu vực ngoại thành như Đông Anh, các đại lý gas càng được dịp tung hoành bởi người dân lại càng ít có khái niệm về thương hiệu gas. Dù đã mua gas gần 10 năm ở cửa hàng gas quen thuộc gần nhà, nhưng chị Chương (Đồng Ngàn, Đông Anh, Hà Nội) cũng vẫn không biết mình đang dùng loại gas nào, chỉ biết là hết gas thì gọi, đại lí mang gas nào thì dùng gas đó. Giờ để ý mới biết hóa ra nhà chị vẫn dùng hãng gas Anfa gas. Thực tế, loại gas này được bán ở các đại lý khác giá rẻ hơn từ 10 – 20.000 đồng so với giá 460.000 đồng của hãng Petro Việt Nam.

Một thực trạng nữa là hiện nay, khi giá gas tăng cao, các loại gas kém chất lượng, gas nhái sẽ được sang, chiết vào vỏ bình chính hãng để bán tới người tiêu dùng với giá rẻ hơn, nhất là với loại bình gas mini. Thông thường, đối tượng sử dụng loại gas này thường là công nhân, học sinh, sinh viên. Họ rất ít khi để ý đến chất lượng gas. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây nên những tai nạn thương tâm đã xảy ra do nổ bình gas.

Nhà quản lý bó tay

Theo đại diện Shell Gas, thông thường quy trình sản xuất vỏ bình luôn luôn được kiểm định để đảm bảo đạt chuẩn kỹ thuật an toàn trước khi đưa vào dây chuyền chiết nạp. Sau khi nạp và cân đúng trọng lượng, bình gas sẽ được kiểm tra đảm bảo không rò rỉ và dán niêm trước khi đưa ra thị trường. Tuy nhiên, các nơi sang chiết lậu bỏ qua các quy trình này.

Để đầu tư một trạm chiết gas, doanh nghiệp phải bỏ ra khoảng 3,5 đến 7 tỉ đồng. Trạm chiết gồm có cân lớn để cân xe bồn nhập hàng, bồn chứa để bơm hàng lên, máy để chiết, cân kiểm định lại, hệ thống phòng cháy, chữa cháy, nhà kho… Tuy nhiên, trên thực tế, các cơ sở sang chiết gas lậu chỉ cần có mặt bằng nhỏ là có thể chiết từ bình gas 45kg sang bình 12kg, sau đó tự dán tem chống giả rồi tung ra thị trường.

Theo quy định, các trạm sang chiết mặc dù có đầy đủ giấy phép cũng chỉ được sang chiết cho một vài thương hiệu. Thế nhưng hiện nay đang có tình trạng các trạm này vô tư sang chiết bất cứ loại gas nào. Điều đáng nói là, Nghị định 107 về kinh doanh gas đã chính thức có hiệu lực nhưng theo bà Lê Thị Anh Mẫn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam, những quy định về điều kiện hoạt động của các trạm chiết nạp tại Nghị định quá dễ dãi nên dẫn đến tình trạng cơ quan chức năng không kiểm soát được.

Để tự bảo vệ mình, đại diện Hiệp hội gas Việt Nam khuyến cáo, người tiêu dùng chỉ có cách là phải chọn thương hiệu gas có uy tín và chọn đại lý gas đáng tin cậy để mua được sản phẩm an toàn. Còn việc quản lý các đại lý, cơ sở sang chiết ga để bảo vệ quyền lợi của những thương hiệu chính hãng cũng như người tiêu dùng thì Hiệp hội cũng thừa nhận là rất khó khăn.

Đức Minh

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps