Thị trường dầu mỏ thế giới hiện giờ ra sao?

07:00 | 27/05/2016

2,080 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Giá dầu thế giới đã tăng 100% chỉ trong 4 tháng qua khiến mọi dự báo trước đây về thị trường dầu mỏ đều “sai bét”. Điều gì đã xảy ra với thị trường vàng đen trong thời gian qua?
tin nhap 20160527002539

Giá dầu thô thế giới có thể nói đã chạm đáy vào tháng 2-2015 ở mức 25 USD/thùng. Đến giữa tháng 5 vừa qua, giá dầu đứng ở mức 49 USD/thùng, có lúc trong các phiên giao dịch đã vượt qua cả mốc 50 USD.

Việc dầu tăng giá liên tiếp trong vòng 4 tháng qua một phần vì nguồn cung giảm, nhưng phần khác là do nhu cầu dầu mỏ cũng bắt đầu tăng.

Nguồn cung dầu trong thời gian qua liên tiếp gián đoạn vì nhiều nguyên nhân mà đa phần là ngắn hạn. Chẳng hạn nguồn cung dầu cát của Canada giảm do cháy rừng, của Nigeria, Iraq hay Libya do tình trạng bạo lực, vỡ đường ống…. Riêng với Venezuela, tình trạng bất ổn chính trị cũng đã dẫu đến việc khai thác dầu bị ảnh hưởng. Mới đây nhất, việc bảo dưỡng các giếng dầu ở Biển Bắc cũng đã khiến nguồn cung dầu Brent bị sụt giảm nghiêm trọng. Theo tính toán của Reuters dựa trên các số liệu được cung bấp bởi các nguồn tin thương mại, nguồn cung cấp từ 12 dòng dầu thô Biển Bắc sẽ đạt trung bình 1,82 triệu thùng mỗi ngày, giảm từ 1,94 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 5. Việc giảm sản lượng này chủ yếu là kết quả của bảo dưỡng giếng Ekofisk trong tháng 6 và nguồn cung siết chặt hơn đang hỗ trợ thị trường dầu Brent và thị trường dầu vật chất.

Các nhà phân tích tại JBC Energy cho biết trong một báo cáo Platte đánh giá Forties và Brent gần đây đã trở lại vùng tích cực, được hỗ trợ bởi thiếu hụt dầu nạp trong tháng 6. Sản lượng đã giảm từ 2,23 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 2, mức cao nhất kể từ tháng 4-2012, theo số liệu của Reuters.

Nguồn cung cấp sụt giảm trong dài hạn do các lớp trầm tích lớn hơn, dễ dàng hút dầu đã được bơm ra hết. Nhưng các dự án mới sẵn sàng hoạt động như Golden Eagle và các dự án khác đã lên kế hoạch trong vài năm tới sẽ giúp bù đắp cho các giếng đã cạn kiệt. Dầu thô Brent dựa trên 4 loại dầu thô Biển Bắc - Forties, Oseberg và Ekofisk cũng như bản thân Brent. Sản lượng của các loại này được dự kiến xuống mức thấp nhất trong gần hai năm do việc bảo dưỡng giếng Ekofisk.

Riêng tại Mỹ, sản lượng dầu thô cũng tụt giảm mạnh trong mấy tháng qua sau sự phá sản của các công ty năng lượng vì giá dầu thấp, nhiều giếng dầu bị đóng cửa. Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sản lượng dầu thô trung bình của Mỹ sẽ giảm từ mức 9,4 triệu thùng/ngày xuống 8,2 triệu thùng/ngày vào năm 2017. Theo dự báo của chính phủ Mỹ, sản lượng dầu đá phiến của nước này được dự kiến giảm trong tháng 6, tháng giảm thứ 8 liên tiếp, do sự yếu kém của giá dầu đã kéo dài hai năm.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê Quốc gia phát hành hôm 14-5 cho thấy Trung Quốc đã sản xuất 16,59 triệu tấn dầu thô trong tháng 4 hay 4,04 triệu thùng/ngày, thấp nhất kể từ tháng 7-2013.

Bên cạnh các nguồn cung giảm, nhu cầu với dầu mỏ cũng tăng trong những tháng gần đây, đặc biệt là Ấn Độ và Trung Quốc.

Ấn Độ đã duy trì nhập khẩu dầu thô ở mức kỷ lục và thu mua nhiều dầu diesel hơn mức quốc gia này có trong ba năm trước cộng lại. Quốc gia Nam Á này đã nhập khẩu 17,96 triệu tấn tấn dầu thô trong tháng trước, theo số liệu phát hành hôm 18-5 của Sở Kế hoạch và Phân tích thuộc Bộ Dầu mỏ. Mức nhập khẩu đó tương đương với mức 4,39 triệu thùng một ngày, hầu như không đổi so với mức kỷ lục trong tháng 3.​

Ấn Độ đang trở thành trung tâm của tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu do tăng trưởng kinh tế khiến cho nhiều hàng hóa hơn được vận chuyển cũng như chi tiêu cá nhân tăng lên. Thiếu nước và các tranh cãi giữa giữa nhà máy lọc dầu do chính phủ sở hữu và các đối thủ là những nhà máy lọc dầu tư nhân đã tiếp tục đẩy mạnh sự cần thiết của nguồn cung nước ngoài.

Trung Quốc đang dự trữ dầu thô với tốc độ nhanh hơn mức dự báo của thị trường, tận dụng giá dầu thấp. Nhập khẩu dầu thô 4 tháng đầu năm nay là 123,7 triệu tấn, tương đương khoảng 7,46 triệu thùng mỗi ngày và cao hơn 11,8% cùng giai đoạn năm 2015. Tổng lượng dầu thô ở Trung Quốc gồm cả nhập khẩu và sản lượng trong nước từ tháng 1 tới tháng 4 là 11,56 triệu thùng mỗi ngày.

Tuần trước, hãng tin Bloomberg cho biết, các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc đang vận hành với công suất kỷ lục trong tháng 4-2016. Hồi cuối tháng 4 vừa qua, báo cáo của Bloomberg cho biết, số lượng các tàu chở dầu cực lớn đậu tại cảng cảng biển Trung Quốc đã tăng cao nhất trong vòng 16 tháng qua. Hiện có khoảng 83 tàu chở dầu vẫn đang trên đường tới Trung Quốc với dung lượng khoảng 166 triệu thùng dầu. Đây là con số cao nhất trong 4 tháng qua. Xem ra, Trung Quốc đang tích cực “gom” dầu.

Ngoài ra, mức tiêu thụ dầu của Mexico đã bắt đầu tăng trở lại trong năm 2016 sau khi sụt giảm trong 3 năm từ 2013 tới 2015. Theo Bộ Năng lượng Mexico, tiêu thụ của nước này đạt trung bình 1,67 triệu thùng mỗi ngày trong quý 1/2016, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2015. Nhu cầu dầu vẫn thấp dưới mức đỉnh 1,93 triệu thùng/ngày đã ghi nhận trong quý 4/2012, nhưng đang ghi nhận tăng trưởng đáng kể lần đầu tiên kể từ đó. Mexico là nước tiêu thụ dầu lớn thứ 12 trên thế giới và lớn thứ hai ở Mỹ La Tinh sau Brazil.

Trước những diễn biến về cung cầu trên thị trường dầu mỏ thế giới thời gian qua, ngày 16-5, Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sach đã đưa ra bản đánh giá lại tình hình. Theo Goldman Sach, thời kỳ cung vượt quá cầu kéo dài trong 2 năm qua đã kết thúc và thị trường dầu mỏ đang dần đi vào thời kỳ thâm hụt sản lượng. Vào tháng 9-2015, Goldman Sachs đã khiến thị trường dầu thế giới choáng váng khi khẳng định giá dầu sẽ rơi xuống mức 20 USD/thùng trước khi phục hồi lại. “Thị trường dầu chuyển từ tình trạng bão hòa sang thâm hụt sản lượng sớm hơn chúng tôi mong đợi. Sự chuyển đổi đang diễn ra trong tháng 5 này, do nhu cầu tăng nhưng sản lượng sản xuất dầu lại giảm mạnh”, Goldman tuyên bố.

Tuy nhiên, Goldman Sach cũng thận trọng cảnh báo rằng tình trạng dư thừa nguồn cung dầu sẽ trở lại vào nửa đầu năm 2017 khi mà các nhà xuất khẩu dầu đang đẩy mạnh việc sản xuất. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC lại đang tăng sản lượng để chiếm lĩnh thị trường, theo đó OPEC đã cung cấp đến 32,44 triệu thùng/ ngày trong tháng 4, nhiều hơn tháng 3 188.000 thùng và là mức sản lượng cao nhất kể từ năm 2008.

Theo Goldman Sach, giá dầu sẽ đạt 50 USD vào cuối năm nay nhưng có thể trượt xuống lại 45 USD/thùng vào đầu năm sau, trước khi leo lên 60 USD/thùng cuối năm 2017.

S.Phương

Năng lượng Mới

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc