Thi hát: Khán giả dễ chán ngấy

00:17 | 28/07/2012

1,640 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Cũ kỹ trong cách tổ chức, sáo mòn trong cách thể hiện là lý do khiến các cuộc thi hát dù trước đó đã rất thành công thì đến nay lại bị khán giả quay lưng để đến với những cuộc thi có tuổi đời “trẻ” hơn.

Thi nhau tổ chức thi hát

Hiện nay, mỗi năm khán giả được chứng kiến cả chục cuộc thi ca hát lớn nhỏ được tổ chức trong cả nước. Quá nhiều các cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc như thế khiến nhiều người phải dùng đến từ “bội thực” để nói về việc thưởng thức các chương trình thi thố âm nhạc hiện nay của Việt Nam. Mọi lứa tuổi từ trẻ con đến người già đều tìm được cho mình sân chơi âm nhạc phù hợp trong các chương trình trên Đài Truyền hình Trung ương như “Sao Mai điểm hẹn”, “Vietnam Idol”, “Giọng hát Việt”, “Hợp ca tranh tài”, “Đồ rê mí”... hay các chương trình của các đài địa phương như “Ngôi nhà âm nhạc”, “Ngôi sao tiếng hát truyền hình”, “Tiếng hát mãi xanh”… Điểm tích cực của hiện tượng này là tạo ra một đời sống âm nhạc trong nước sôi động, phong phú, đa dạng, nhiều màu sắc.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, việc ồ ạt đua nhau được tổ chức các chương trình thi hát như thế thì chất lượng của các chương trình này cũng là một điều đáng bàn. Bên cạnh đó, việc cạnh tranh thu hút thí sinh, thu hút khán giả cũng là một vấn đề khá đau đầu cho các nhà tổ chức. Đương nhiên, những cái nào hấp dẫn, mới mẻ, mang lại cho khán giả được nhiều cảm hứng thì tất nhiên sẽ được họ lựa chọn. Ngược lại, những cái cũ kỹ, ít đổi thay thì sẽ khiến khán giả quay lưng. Cũng giống như món ăn, khi người ta ăn một món ăn mà bữa nào cũng chỉ chế biến đúng theo một cách, và chỉ với bấy nhiêu thứ gia vị thì chắc chắn người ta sẽ ngán và phải đi tìm cho mình món mới hấp dẫn, dễ ăn hơn.

“Già” nhường cho “trẻ”?

Ngay tại thời điểm này đang có tới ba cuộc thi âm nhạc được tiến hành cùng lúc với nhau và đều thuộc tầm “quốc gia” đó là: “Sao Mai điểm hẹn”, “Giọng hát Việt” và “Vietnam Idol”. Trong đó, “Sao Mai điểm hẹn” là một cuộc thi đã có thâm niên gần 10 năm phục vụ khán giả còn “Vietnam Idol” mới bước sang mùa thứ 4 và “Giọng hát Việt” thì mới ở mùa đầu tiên.

Trong ba cuộc thi này thì “Sao Mai điểm hẹn” được xếp vào hàng “con quan” vì nó là đứa con tinh thần do Đài THVN “đẻ” ra và tổ chức thực hiện. Còn lại “Vietnam Idol” và “Giọng hát Việt” là những chương trình “con dân”, vì nó do các công ty tư nhân mua bản quyền từ nước ngoài về sản xuất. Xét về tính chất của hai loại này thì “con quan” phải có ưu thế hơn so với “con dân” chứ? Ấy thế mà thực tế hiện nay, cụ thể là trong mùa tổ chức đang diễn ra này thì có vẻ như “con quan” là “Sao Mai điểm hẹn” đang phải chịu sự “ghẻ lạnh”, hắt hủi từ phía khán giả. Trong khi đó, “Vietnam Idol” và đặc biệt là “Giọng hát Việt” thì lại đang ầm ầm thu hút sự chú ý cũng như thích thú theo dõi của rất đông khán giả. Vì sao vậy? Điều này có lẽ bất cứ ai quan tâm một chút đến các chương trình này đều dễ dàng nhận thấy.

Với tuổi thọ gần 10 năm, “Sao Mai điểm hẹn” đã trở nên già cỗi nếu so sánh với tuổi của một chương trình truyền hình và rất cần đổi mới, thay thế. Thế nhưng, chương trình này vẫn gần như không có gì đổi khác kể từ những năm tổ chức đầu tiên từ cách thức tổ chức đến đối tượng thí sinh… Năm nay, tuy Ban tổ chức có trình bày trong buổi họp báo ra mắt chương trình rằng “Sao Mai điểm hẹn” sẽ có nhiều đổi mới, sẽ khác mọi năm nhưng rồi những gì mà chương trình này mang đến cho khán giả đã trả lời ngược lại điều đó. Mỗi đêm diễn, lần lượt các thí sinh theo thứ tự ra sân khấu biểu diễn tiết mục của mình trước hội đồng nghệ thuật, rồi nghe những nhận xét na ná nhau của họ hoặc một vài lời khen “động viên” cho phần thi của mình. Bấy nhiêu điều lặp đi lặp lại qua từng đêm thi khiến khán giả hết kiên nhẫn và không còn hứng thú với chương trình cũng là điều dễ hiểu.

Thêm vào đó, việc chương trình này phải nhường sóng giờ vàng trên VTV3 lại cho các chương trình khác mà chỉ được phát sóng trên VTV2, VTV6 và VTV4 cũng là minh chứng rõ nhất cho sự “thất thế” của chương trình “anh cả” này. Không thể phủ nhận sự thành công của “Sao Mai điểm hẹn” những năm tổ chức đầu tiên với sự trưởng thành của các tên tuổi như Tùng Dương, Ngọc Anh, Hà Anh Tuấn, Hoàng Hải, Phương Linh, Ngọc Khuê… Nhưng cũng phải thừa nhận một điều rằng, đã đến lúc “Sao Mai điểm hẹn” hoàn thành sứ mệnh của mình để “lột xác” hoặc thay thế bằng một chương trình khác hấp dẫn hơn.

Trong khi đó, “Giọng hát Việt” là một chương trình mới xuất hiện lần đầu tiên ở Việt Nam. Được làm theo format của nước ngoài nên tính năng động, mới lạ, trẻ trung là lợi thế mà chương trình này hơn hẳn “Sao Mai điểm hẹn”. Số tiền mua bản quyền chương trình này là một con số không hề nhỏ nên nhà tổ chức phải tính đến việc “thu hồi vốn” bằng cách chăm chút, đầu tư tốt nhất để thu hút được khán giả càng đông càng tốt nhằm bán quảng cáo, thu tiền tin nhắn. Từ việc đầu tư tuyển chọn thí sinh rộng rãi, đến từng địa phương để có được những nhân tố tốt nhất đến việc mời gọi những tên tuổi “nóng” của làng giải trí ngồi ghế giám khảo đều với mục đích thu hút sự chú ý của khán giả đối với chương trình. Ngược lại “Sao Mai điểm hẹn” gần như vẫn hưởng chế độ “bao cấp” với tính chất “của nhà trồng được”, ít phải tính đến yếu tố lời lãi nên chẳng cần năng động, cứ ỳ ạch mà tiến nên dễ gây nhàm chán là đương nhiên.

Xét cho cùng, dù có “đi buôn” hay “tự trồng” thì các chương trình này cũng đều hướng đến phục vụ khán giả nên yếu tố hấp dẫn, mới mẻ bao giờ cũng phải tính đến đầu tiên. Nhất là khi nhu cầu giải trí và trình độ của khán giả ngày một cao và khắt khe hơn, trong khi lựa chọn dành cho họ cũng phong phú hơn thì các chương trình chậm đổi mới, cũ kỹ nhàm chán sẽ bị quay lưng cũng là điều rất dễ hiểu.

Xuân Bách

(Năng lượng Mới số 141, ra thứ Sáu ngày 27/7/2012)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.