Tập đoàn Điện lực Việt Nam:

Thi đua phải kèm với giải pháp đúng

15:16 | 30/08/2015

534 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo đánh giá của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), giai đoạn 2016 - 2020 là giai đoạn mà Tập đoàn sẽ phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong việc cung ứng điện đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển nền kinh tế nhanh, bền vững, đưa nước ta trở thành nước công nghiệp vào năm 2020… Vì vậy, bên cạnh việc quyết liệt bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị được Đảng, Chính phủ, Bộ Công Thương, các nghị quyết của Đảng bộ Tập đoàn đề ra, EVN xác định, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua cũng là yếu tố quan trọng góp phần hoàn thành nhiệm vụ phát triển hệ thống điện, đảm bảo cung ứng điện cho phát triển đất nước.

Phát triển đồng bộ, toàn diện hệ thống điện

Trong định hướng phát triển của ngành điện, Đảng, Chính phủ xác định mục tiêu rất rõ ràng là “điện phải đi trước một bước”. “Đi trước” để tạo nền tảng xã hội cho các ngành, các lĩnh vực khác phát triển. Vậy nên, theo chia sẻ của ông Đặng Hoàng Anh - Tổng giám đốc EVN tại Đại hội thi đua yêu nước 5 năm và biểu dương công nhân lao động giỏi 2015 của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc thì “điện đi trước một bước” chính là niềm mơ ước, là khát vọng của những người làm điện. Có điện, nhiều địa phương đã có điều kiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhiều xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn đã có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, an ninh quốc phòng được củng cố. Ước mơ, khát vọng đó giờ đã trở thành hiện thực, hệ thống lưới điện quốc gia không ngừng được mở rộng, đã có dự phòng, đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định, liên tục cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

04-thi-dua-phai-kem-voi-giai-phap-dung
Một buổi phát động phong trào thi đua trên công trường xây dựng Thủy điện Lai Châu

Tuy nhiên, ông Đặng Hoàng Anh cũng lưu ý, khó khăn, thách thức mà ngành điện phải đối diện trong thời gian tới là rất lớn. Đó không chỉ là việc phải phát triển nhanh, đồng bộ hệ thống lưới điện, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước mà phải với chất lượng ngày càng cao.

Báo cáo tại Đại hội thi đua yêu nước Tập đoàn 2015 cũng nêu rõ, bên cạnh những thuận lợi về việc phát triển, hình thành thị trường điện, điều chỉnh giá điện theo cơ chế giá thị trường, sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ trong đổi mới, sắp xếp tái cơ cấu doanh nghiệp thì Tập đoàn cũng phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Sản lượng điện sản xuất của Tập đoàn chiếm khoảng 40% so với điện sản xuất và nhập khẩu của hệ thống. Và theo Quy hoạch điện VII, trong giai đoạn 2016 - 2020, tỷ trọng điện sản xuất của Tập đoàn có xu hướng giảm dần. Vì vậy, để đảm bảo cung ứng điện toàn quốc, ngoài nỗ lực của bản thân Tập đoàn còn phụ thuộc rất nhiều năng lực, tính ổn định của các nhà máy điện của các doanh nghiệp khác.

Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế được dự báo sẽ có nhiều biến động, hoạt động sản xuất kinh doanh điện và đầu tư của Tập đoàn sẽ chịu nhiều ảnh hưởng, rủi ro từ các yếu tố đầu vào cơ bản như giá nhiên liệu, biến động tỷ giá ngoại tệ, cơ cấu sản lượng điện phát, chính sách tín dụng, tiền tệ. Trong khi đó, mục tiêu “điện đi trước một bước” đòi hỏi khối lượng đầu tư nguồn và lưới điện mà Chính phủ giao cho Tập đoàn đảm nhận trong Quy hoạch điện VII đòi hỏi nhu cầu vốn quá lớn so với khả năng tự cân đối của Tập đoàn. Các nguồn nhiên liệu trong nước không đảm bảo đáp ứng cho sản xuất điện, tiến tới phụ thuộc nhiều vào các nguồn nhập khẩu than, điện và khí. Việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nguồn nhân lực vận hành các nhà máy điện hạt nhân đang là đòi hỏi cấp bách, đặt ra nhiều khó khăn trong thời gian tới…

Thách thức đặt ra cho ngành điện là vậy nhưng với tinh thần nỗ lực vượt khó nhưng EVN xác định mục tiêu tổng quan của Tập đoàn trong giai đoạn 2016 - 2020 là: Xây dựng EVN trở thành doanh nghiệp có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại và chuyên môn hóa cao, hoạt động hiệu quả, bền vững giữ vai trò chính đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước. EVN làm nòng cốt để ngành công nghiệp điện lực Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả. Từng bước tham gia hoàn thiện và phát triển thị trường điện theo lộ trình Chính phủ quy định. Xây dựng thành công hình ảnh một doanh nghiệp tận tâm, thân thiện có tinh thần trách nhiệm cao, hết lòng phục vụ khách hàng với chất lượng dịch vụ ngày một tốt hơn.

Bám sát mục tiêu bằng giải pháp cụ thể

Mục tiêu tổng quan của EVN đề ra trong giai đoạn 2016 - 2020 vẫn là “điện phải đi trước một bước”. Và để cụ thể mục tiêu này, EVN khẳng định sẽ tiếp tục giữ vững vai trò điều hành hệ thống điện quốc gia, vận hành an toàn và ổn định hệ thống điện trong điều kiện hoạt động của thị trường phát điện cạnh tranh, khai thác tối ưu đối với các nguồn nhiên liệu, đặc biệt nguồn tài nguyên thủy điện, nguồn nhiên liệu khí, nguồn than trong nước. Huy động một cách hợp lý công suất và điện năng các nhà máy thủy điện, các nguồn điện mua của các nhà máy điện độc lập, đảm bảo tiến độ sửa chữa lớn, đại tu các nhà máy điện, lưới điện theo kế hoạch, đưa các nhà máy điện mới vào khai thác đúng tiến độ. Xây dựng thực hiện chương trình giảm tỷ lệ tổn thất điện năng giai đoạn 2016 - 2020 với việc áp dụng đồng bộ các biện pháp quản lý với các biện pháp kỹ thuật; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm giá thành, nâng cao năng suất lao động…

Cùng với đó, Tập đoàn sẽ quyết liệt chỉ đạo triển khai việc đầu tư xây dựng phát triển nguồn và lưới điện, đặc biệt là hệ thống lưới điện nông thôn; đẩy mạnh tái cơ cấu Tập đoàn; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, giải pháp trên, việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua yêu nước, thu hút đông đảo cán bộ, công nhân viên tham gia được EVN xác định là động lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao. Và để làm được điều này, EVN cho rằng, trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức phát động, sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua phải được nâng cao. Qua đó, phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các tập thể, cá nhân, các gương điển hình tiên tiến tạo sức lan tỏa thúc đẩy các phong trào thi đua, đồng thời gắn chặt công tác thi đua với công tác khen thưởng. Các phong trào thi đua phải được triển khai sâu rộng trong từng khối với nhiều hình thức, nội dung các phong trào thi đua cần bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của từng đơn vị, gắn liền với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Đặc biệt, công tác khen thưởng đột xuất, khen thưởng công trình phải được thực hiện thường xuyên, kịp thời. Việc biểu dương, tôn vinh khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua đảm bảo đúng người, đúng việc đúng thành tích, được bình xét dân chủ, công khai từ cơ sở. Tập trung công tác phát hiện, khen thưởng cho tập thể, cá nhân lập được thành tích đột xuất đặc biệt xuất sắc trong thực hiện các nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm, chú trọng khen thưởng người lao động trực tiếp, tránh khen thưởng tràn lan, cào bằng, không đúng thành tích, đối tượng theo quy định.

Với những giải pháp như trên và với truyền thống đoàn kết, thi đua tạo động lực phát triển sản xuất kinh doanh, EVN tin tưởng sẽ hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước giao, góp phần đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước!

Thanh Ngọc