Thêm quyền tự chủ cho trường đại học

06:55 | 23/03/2018

1,174 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy, trong đó cho phép các trường tự xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào - một trong những bước đầu tiên thể hiện sự tự chủ đối với giáo dục đại học. 

Trong Thông tư 07/2018/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy, Bộ GD&ĐT quy định đối với ngành đào tạo thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên ở các trình độ đại học (ĐH), cao đẳng, trung cấp: Căn cứ kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển.

them quyen tu chu cho truong dai hoc
Tuyển sinh đại học năm 2017

Đối với các ngành khác, các trường tự xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào, công bố trên trang thông tin điện tử của trường và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT trước khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng.

Như vậy, việc Bộ GD&ĐT không quy định cụ thể về chất lượng đầu vào của các trường ĐH là cách tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục tự chủ hơn trong công tác tuyển sinh và bảo đảm chất lượng đào tạo.

Đại diện nhiều trường ĐH khẳng định, việc không quy định điểm sàn là tạo thêm quyền cho các trường được chủ động xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng. Tất nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc các cơ sở đào tạo phải tự chịu trách nhiệm trước xã hội về chuẩn đầu vào và đầu ra.

Từ năm 2018, Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các trường ngay trong đề án tuyển sinh phải cung cấp đầy đủ thông tin về điều kiện bảo đảm chất lượng: Cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, quy mô đào tạo. Đặc biệt, các trường sẽ phải khảo sát và công bố tỷ lệ sinh viên chính quy 2 khóa gần nhất có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp theo khối ngành.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT, nếu các trường ĐH hạ thấp điểm chuẩn sẽ hạ thấp uy tín và thương hiệu của trường, xã hội và thí sinh sẽ nghi ngờ về chất lượng đào tạo của trường. Do vậy, các trường cần thận trọng trong việc xác định điểm chuẩn xét tuyển để tránh những lệ lụy không tốt cho các đợt tuyển sinh về sau.

Năm 2018 không phải năm đầu tiên Bộ GD&ĐT đưa ra các quy định cụ thể và yêu cầu các cơ sở giáo dục ĐH tự chủ. Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2015 - 2017 cho 23 trường ĐH công lập, gồm 12 trường có thời gian tự chủ trên 2 năm, 11 trường có thời gian tự chủ dưới 2 năm, trong đó có 4 trường mới được giao quyết định tự chủ từ tháng 7-2017.

Tuy nhiên, trong Hội nghị tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24-10-2014 của Chính phủ giai đoạn 2014 - 2017 được tổ chức vào năm 2017, Bộ GD&ĐT đã thừa nhận, các trường ĐH được giao thí điểm tự chủ vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tự chủ, chưa chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện tự chủ. Năng lực quản trị của nhiều trường chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Trong đợt tuyển sinh đại học năm 2017, hầu hết các trường ĐH được giao thí điểm tự chủ vẫn tiếp tục tham gia kỳ thi tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT.

Để đổi mới giáo dục ĐH, nhất thiết cần thay đổi suy nghĩ về cơ chế xin - cho, ỷ lại vào Nhà nước, đồng nghĩa với việc tạo sự công bằng, cạnh tranh lành mạnh giữa các trường ĐH công lập, dân lập, tư thục.

Việc không quy định điểm sàn là tạo thêm quyền cho các trường ĐH được chủ động xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng, đồng nghĩa với việc các cơ sở đào tạo phải tự chịu trách nhiệm trước xã hội về chuẩn đầu vào và đầu ra.

K.An