Thế thì kê khai làm gì?

07:02 | 01/04/2017

1,764 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ ngày 31-10-2013, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư số 08/2013/TT-TTCP kèm theo mẫu bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ.

Với bản kê khai này, cán bộ sẽ khai báo chi tiết nhà đất, tiền bạc, của cải hiện có của mình. Qua đó, cơ quan quản lý cán bộ đó sẽ nắm được số tài sản của cán bộ, nguồn gốc và giá trị là bao nhiêu, có cái gì khuất tất do tham nhũng hay không…

Có một vấn đề hiện nay đang được dư luận quan tâm, thắc mắc là bản kê khai tài sản của cán bộ có phải là “tài liệu mật” hay không? Công khai tài sản là để phát hiện cán bộ có tham nhũng hay không nhưng lại gọi là “hồ sơ mật, tài liệu mật” thì kê khai làm gì? Đã là tài liệu mật thì chỉ một số rất ít người có trách nhiệm được tiếp cận mà thôi.

the thi ke khai lam gi

Khái niệm về “hồ sơ mật” mới được nói đến qua vụ bản kê khai tài sản của ông Chủ tịch thành phố Đà Nẵng bị đưa lên mạng xã hội, tuy chưa biết mức độ chính xác đến đâu. Phải chăng, bản kê khai tài sản của ông Chủ tịch Đà Nẵng đính kèm hồ sơ lý lịch về quá trình công tác nên được ghép luôn vào loại “hồ sơ mật”? Còn nếu riêng bản kê khai tài sản cán bộ mà gọi là “hồ sơ mật” thì việc phòng chống tham nhũng sẽ càng đi vào bế tắc! Có những vụ việc tham nhũng được phanh phui còn chưa được xử lý triệt để thì bản kê khai tài sản xếp loại tài liệu mật sẽ càng khó xử lý.

Theo mẫu bản kê khai tài sản do Thanh tra Chính phủ ban hành thì cán bộ có trách nhiệm kê khai cụ thể từng ngôi nhà, thửa đất kèm theo nguồn gốc xuất xứ. Tiền (tiền Việt Nam, ngoại tệ) gồm tiền mặt, tiền cho vay, tiền gửi cá nhân, tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam từ 50 triệu đồng trở lên.

Tiếp đó là kê khai các loại ôtô, môtô, xe gắn máy, xe máy (máy ủi, máy xúc, các loại xe máy khác), tàu thủy, tàu bay, thuyền và những động sản có tổng giá trị mỗi loại từ 50 triệu đồng trở lên. Kim loại quý, đá quý, cổ phiếu, vốn góp vào các cơ sở kinh doanh, các loại giấy tờ có giá trị chuyển nhượng khác, mỗi loại từ 50 triệu đồng trở lên. Các loại tài sản mỗi loại từ 50 triệu đồng trở lên (như cây cảnh, bộ bàn ghế, tranh, ảnh, đồ mỹ nghệ và các loại tài sản khác). Tài sản, tài khoản ở nước ngoài. Tổng thu nhập trong năm quy đổi thành tiền Việt Nam gồm các khoản lương, phụ cấp, trợ cấp, thưởng, thù lao, cho, tặng, biếu, thừa kế, thu nhập hưởng lợi từ các khoản đầu tư, phát minh, sáng chế, các khoản thu nhập khác.

Với những khoản kê khai trên thì không có gì mà phải giữ bí mật. Nhưng do cán bộ không kê khai trung thực, tổ chức không công khai minh bạch nên phần lớn là kê khai hình thức, giấu giếm tài sản nên không thể xử lý được người tham nhũng.

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng gần đây, chỉ có 17 trường hợp bị xử lý vi phạm quy định về kê khai tài sản trong khi hoạt động thanh tra đã phát hiện 670 vụ với trên 1.800 đối tượng có hành vi, biểu hiện tham nhũng với số tiền, tài sản liên quan là trên 1.000 tỉ đồng. Các con số này cho thấy biện pháp kê khai tài sản, thu nhập hiện nay chưa hiệu quả và chưa có tác dụng ngăn ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng.

Các chuyên gia đã đã chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến khó quản lý nguồn thu của cán bộ. Chẳng hạn, việc thanh toán bằng tiền mặt còn phổ biến, vẫn chưa kiểm soát được các nguồn thu nhập khác ngoài lương của đối tượng hưởng lương từ ngân sách, nhất là chưa kiểm soát được thu nhập, tiêu dùng của người có chức quyền; việc mua bán tài sản có giá trị lớn chưa được thanh toán qua tài khoản. Trong thực tế, việc tặng quà để được việc, nhận quà biếu có tính chất hối lộ vẫn diễn ra, rất khó phát hiện, khó định giá quà tặng nào là vi phạm, thiếu cơ chế giám sát. Do đó, không thể phát hiện được ai nhận quà sai quy định mà không nộp lại để xử lý; đồng thời cũng khó phân định mức khen thưởng cho người nhận quà và nộp lại quà tặng.

Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Phạm Trọng Đạt nêu ý kiến: “Khi sửa Luật Phòng chống tham nhũng tới đây, tôi đề nghị phải áp dụng kê khai tài sản kể cả với những người thân trong gia đình quan chức”. Ông Đạt cho rằng, nhiều quan chức không kê khai nhà cửa, tài sản của họ mà kê khai đó là tài sản của người khác. Người trên 18 tuổi phải chịu trách nhiệm rồi, nên sau này các đối tượng đó cũng phải kê khai quản lý. Để khắc phục điều này, đúng là cần thiết phải huy động người dân cùng vào cuộc phát hiện. Điều này cũng đúng theo cương lĩnh của Đảng là dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra. Muốn vậy cần phải minh bạch. Trừ những điều thuộc phạm vi bí mật quốc gia, còn những gì minh bạch được, ví như những dự án quốc kế dân sinh thì phải minh bạch cho dân giám sát. Còn kê khai mà không quản lý được, kê khai mà không công khai thì kê làm gì?

Xuân Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc