Thế giới với quy định dùng điện thoại ở cây xăng

08:53 | 10/08/2012

1,126 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Mặc dù đã có quy định xử phạt, nhưng thông tin sử dụng điện thoại di động khi đổ xăng có thể khiến cây xăng cháy, nổ cho đến nay vẫn chỉ là tin đồn. Chưa có bất kỳ bằng chứng khoa học nào chứng minh được điều này.

Sóng điện thoại không làm cháy, nổ

Theo Nghị định 52/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực thi hành từ ngày 5/8/2012, hành vi sử dụng điện thoại di động tại các cây xăng sẽ bị xử phạt từ 2 – 5 triệu đồng. So với Nghị định 123/2005/NĐ-CP, Nghị định mới đã nâng mức phạt đối với hành vi sử dụng điện thoại tại cây xăng lên gấp 10 lần, đồng thời nêu rõ điện thoại di động là một loại thiết bị có thể gây nguy hiểm ở cây xăng.

Tuy nhiên, trên thế giới, hiện vẫn chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh việc sử dụng điện thoại di động ở cây xăng sẽ gây ra cháy, nổ.

Cục An toàn giao thông vận tải Úc đã lật lại hồ sơ của 243 vụ cháy nổ cây xăng trên khắp thế giới xảy ra trong vòng 11 năm từ 1993-2004 và không tìm thấy vụ nào có sự “nhúng tay” của điện thoại di động. Còn Hiệp hội Viễn thông di động Úc khẳng định không có sự liên hệ giữa các vụ cháy nổ cây xăng với điện thoại di động.

Người dân vẫn "vô tư" dùng điện thoại bất chấp quy định 

 

Tại Anh, có khoảng 200 trạm xăng gần những tháp sóng điện thoại di động. Dĩ nhiên những tháp sóng này nếu nguy hiểm cho cây xăng thì sẽ nguy hiểm hơn gấp triệu lần chiếc điện thoại di động. Thế nhưng 200 cây xăng này vẫn bình yên vô sự.

Về mặt lý thuyết, khả năng gây cháy tại cây xăng của điện thoại vẫn có thể xảy ra. Năng lượng cần thiết cho một tia lửa để đốt cháy hơi xăng là 0,2 mJ. Trong khi năng lượng có trong một điện thoại di động được nạp đầy pin cao hơn gấp 5 triệu lần. Tuy nhiên khả năng gây cháy thì rất khó vì điện thoại di động không được thiết kế nhằm để phát lửa.

Loại pin lithium có thể phát nổ khi đang cắm điện để sạc nếu cấu trúc bị lỗi, tuy nhiên chẳng có ai nghe điện thoại di động tại cây xăng trong lúc sạc pin. Các thiết bị điện tử nội bộ của điện thoại có thể bị hỏng và phát ra tia lửa, nhưng tia lửa này rất nhỏ, khó có thể kích hoạt được.

Tuy nhiên, nếu việc pin điện thoại hoạt động có thể phát ra tia lửa điện thì cũng cần phải chú ý tới các đồ công nghệ như ipod, iPad, laptop và ắc quy của xe máy, ô tô.

 

Vẫn cần cảnh giác

Trường hợp cháy, nổ tại cây xăng khi sử dụng điện thoại di động vẫn xảy ra, tuy nhiên thủ phạm lại không phải do điện thoại di động cũng như sóng điện thoại hay pin điện thoại. Có thể liệt kê một số vụ cháy, nổ cây xăng như sau:

Năm 2004, một sinh viên tại Mỹ khi đang bơm xăng cho chiếc xe thể thao của mình ở gần New Paltz, New York, thì có cuộc gọi tới. Anh mở điện thoại di động trả lời và đột nhiên thấy lửa bủa vây khắp người và sau đó là một quả cầu lửa khổng lồ bốc lên. Theo người đứng đầu cơ quan cứu hỏa New Paltz, Patrick Koch, nhân viên trạm xăng đã kích hoạt hệ thống chữa cháy dập tắt lửa và sinh viên có tên Matthew Erhorn may mắn chỉ bị bỏng nhẹ, mặc dù điện thoại của anh bị hỏng.

Lính cứu hỏa khi đó kết luận điện thoại di động của Erhorn đã kích lửa xăng bốc hơi lên từ thùng nhiên liệu của xe khi đang đổ xăng. “Điện thoại có thể đốt cháy xăng bốc hơi lên từ thùng chứa và gây ra thảm họa”, Koch khi đó cho biết về vụ tai nạn. Tuy nhiên, nguyên nhân chính lại do tĩnh điện, và hỏa hoạn do tĩnh điện tại trạm xăng rất hiếm khi xảy ra, nhưng không phải là không có. 

Người dân nên tự biết bảo vệ bản thân trước khi quá muộn

 

Trang web của Viện thiết bị dầu mỏ (PEI) của Mỹ cho biết cho đến nay họ ghi nhận có 158 trường hợp cháy trạm xăng có liên quan đến tĩnh điện. Cũng theo trang web này tĩnh điện đã gây ra một vụ cháy trạm xăng đã được ghi lại bằng camera an ninh ở in San Antonio, Texas vào tháng 11/2002. Khách mua xăng bị bỏng nặng. Tĩnh điện cũng bị nghi là thủ phạm trong vụ cháy trạm xăng năm 1996 ở Tulsa, Okland, khiến một phụ nữ thiệt mạng.

Song Steve Fowler, kỹ sư điện của Hiệp hội Fowler, Mỹ, cho biết tín hiệu di động yếu tới mức không thể làm bắt lửa thậm chí là với hơi xăng dễ gây cháy nổ. Ông và Jim Farr, người đứng đầu cơ quan cứu hỏa ở hạt Gaston, Bắc Carolina., đã nghiên cứu về hỏa hoạn do tĩnh điện và cho rằng bản thân cơ thể chúng ta cũng có thể tạo tĩnh điện, theo nhiều hình thức khác nhau, như ra và vào xe.

“Khi chà chân xuống thảm, bạn có thể tạo ra điện áp 35.000 volt”, Fowler cho hay. “Với trường hợp xe hơi, chúng ta có thể thấy điện áp cao tới 60.000 volt”. Và theo Fowler, điện áp này đủ lớn để gây cháy hơi xăng.

Tuy vậy, để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, các nhà khoa học và các cơ quan chức năng vẫn khuyến cáo người dân không nên sử dụng điện thoại ở các cây xăng bởi mặc dù tỷ lệ cháy, nổ rất thấp nhưng không phải không có. Và trong bối cảnh thị trường điện thoại di động ở nước ta còn không ít sản phẩm trôi nổi, kém chất lượng thì người tiêu dùng nên học cách tự bảo vệ bản thân trước khi quá muộn.

 

Nhóm phóng viên Petrotimes

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc