Thế giới với những mối bất an luân hồi

06:50 | 05/05/2018

611 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong khi cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đang dần được giải quyết thì một quả bom hạt nhân khác đã được “chôn” cách đây 3 năm lại chuẩn bị được đào lên. 

Những tin vui liên quan tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân tại bán đảo Triều Tiên liên tục được nhân lên trong những ngày qua. Mới đây nhất, ngày 27-4, lãnh đạo hai miền Triều Tiên đã có một cử chỉ chưa từng có, đó là việc ông Kim Jong-un đã đi qua lằn ranh biên giới chia cắt hai nước suốt hơn nửa thế kỷ qua để gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, bắt đầu cuộc họp thượng đỉnh lần đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước từ hơn 11 năm qua. Đây cũng là lần đầu tiên cuộc họp thượng đỉnh diễn ra ở Hàn Quốc. Cả hai lần họp thượng đỉnh trước, năm 2000 và 2007, đều diễn ra ở thủ đô Bình Nhưỡng.

the gioi voi nhung moi bat an luan hoi
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho báo giới chụp hình bên trong Nhà Hòa bình tại làng đình chiến Bàn Môn ngày 27-4-2018

Cuộc họp thượng đỉnh giữa hai ông Moon và Kim gồm hai phần, bắt đầu vào lúc 10 giờ 30 sáng ngày 27-4, tại phòng họp ở Nhà Hòa bình, nằm trên phần đất phía Hàn Quốc của làng Bàn Môn Điếm. Ông Kim Jong-un sẽ quay trở lại khu vực của Triều Tiên trong thời gian ngắn vào lúc nghỉ trưa. Trước khi có cuộc họp buổi chiều, hai ông Moon và Kim cùng nhau trồng một cây tùng, vốn tượng trưng cho hòa bình và thịnh vượng. Đất trồng cây được mang về từ vùng núi của cả hai miền Nam và Bắc Triều Tiên. Cây tùng sẽ được tưới bằng nước lấy từ các con sông chảy qua thủ đô hai nước.

Cuộc gặp này đặt ra hai mục tiêu lớn nhất từ trước đến nay cho bán đảo Triều Tiên. Thứ nhất là đàm phán về khả năng hai nước tiến tới ký hiệp ước hòa bình. Thứ hai là chuẩn bị cho cuộc gặp giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ vào cuối tháng 5 tới để bàn về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Cuộc gặp thứ hai cũng mang tính lịch sử này đang được chuẩn bị tốt cả về khâu tổ chức lẫn nội dung chương trình nghị sự. Mới đây, Bình Nhưỡng đã tuyên bố ngừng mọi hoạt động liên quan tới hạt nhân, để phát triển kinh tế. Một động thái được cả thế giới chào đón, nhất là Mỹ. Với những tín hiệu khả quan trên, người dân thế giới hoàn toàn có thể hy vọng quả bom hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên sẽ được tháo ngòi.

Tuy nhiên, trong khi đó quả bom hạt nhân ở Iran bị tháo ngòi nổ từ năm 2015 bởi thỏa thuận lịch sử giữa Tehran và 6 đối tác quốc tế, lại đang có nguy cơ tái khởi động. Tất cả là vì gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ xóa bỏ thỏa thuận trên vì cho rằng, văn bản đó là “khủng khiếp” lẽ ra “không bao giờ được ký kết”. Nhóm cường quốc còn lại cùng Iran đều vẫn muốn duy trì thỏa thuận này. Nỗ lực mới nhất trong việc thuyết phục ông Trump giữ lại thỏa thuận hạt nhân Iran là chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Trước chuyến thăm này, người ta đặt nhiều hy vọng vào lãnh đạo Pháp vì ông có được tình cảm đặc biệt của Tổng thống Donald Trump.

Mối quan hệ đặc biệt giữa hai nhà lãnh đạo bắt đầu từ cái bắt tay mang tính “nắn gân” nhau, tối 27-5-2017 tại Bruxelles, bên lề cuộc họp thượng đỉnh NATO. Gần 2 tháng sau, lời mời ông Donald Trump sang Paris dự cuộc diễu binh nhân Quốc khánh Pháp đã siết chặt một tình bạn mà ít ai ngờ đến. Thực ra mối quan hệ thân thiết giữa Macron và Trump khởi đầu từ ngày 8-5-2017, ngay sau hôm ứng cử viên trẻ tuổi đắc cử Tổng thống Pháp. Ông Macron nhận được cú điện thoại của Tổng thống Mỹ: “Emmanuel, chiến thắng này và những gì anh đã thể hiện tại Bảo tàng Louvre thật là tuyệt vời! Cả đêm qua tôi ngồi trước tivi. Những hình ảnh tuyệt lắm, chúc mừng anh!”. Theo bản năng, hai con người cá tính này đã nhanh chóng đánh giá được nhau và thấu hiểu.

Khi thăm Pháp ngày 14-7-2017, Tổng thống Trump rất hài lòng, nhất là cuộc duyệt binh chào đón gây ấn tượng. Chuyến thăm này đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ cá nhân hai tổng thống. Chả thế mà khi ông Macron sang thăm Mỹ đã được khoản đãi tại Mount Vernon - dinh thự của George Washington, vị tổng thống đầu tiên của nước Mỹ. Đây cũng là sự biệt đãi của Mỹ đối với đồng minh Pháp. Duyệt hàng quân danh dự trên sân cỏ Nhà Trắng, dạ tiệc cấp nhà nước, diễn văn trước Quốc hội. Trong 2 ngày thăm viếng, Tổng thống Pháp được dành cho các vinh dự mà chưa nguyên thủ nào có được từ khi ông Trump nhậm chức.

Nhưng theo Le Monde, cuộc không kích chung giữa Mỹ và Pháp cùng với Anh vào Syria ngày 14-4-2018 mới thực sự là chất keo gắn kết ông Macron với đồng minh Mỹ. Cho đến nay, chính sách ngoại giao thực dụng của Tổng thống Pháp đã mang lại cho ông hình ảnh tốt đẹp trên trường quốc tế, nhưng hiệu quả đến đâu, không phải là dễ dàng cho Macron, trong một thế giới cũng bất định như chính bản thân ông Trump.

Chẳng thế mà kết thúc 2 ngày thăm Mỹ, Tổng thống Macron đã không thu được một quyết định quan trọng nào. Tổng thống Pháp và Tổng thống Mỹ Donald Trump không đạt được thỏa thuận nào trên các hồ sơ đang có bất đồng, cho dù hai nhà lãnh đạo tỏ ra rất thân tình. AFP cho biết, nhân nhượng duy nhất của ông Donald Trump là không loại trừ khả năng các lực lượng Mỹ ở lại lâu hơn một chút tại Syria. Còn trên các vấn đề khác như chính sách thuế của Mỹ với sắt thép của Pháp và châu Âu, thuyết phục Mỹ quay lại với Hiệp định khí hậu Paris, nhất là thỏa thuận hạt nhân Iran, tất cả là con số không. Nếu như tươi cười khi tiếp đón thì đến khi nói về thỏa thuận hạt nhân Iran được ký năm 2015, ông Trump đã dùng những từ ngữ chát chúa “khủng khiếp”, “thảm họa” hay “lẽ ra không bao giờ được ký kết” để tỏ thái độ giận dữ khi tiếp đồng nhiệm Pháp Macron tại Nhà Trắng ngày 24-4-2018.

“Tôi không biết Mỹ sẽ quyết định như thế nào, nhưng phân tích một cách hợp lý tất cả những tuyên bố của Tổng thống Trump, tôi không nghĩ là ông sẽ làm tất cả để duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố khi ông trên đường trở lại Paris.

Hy vọng duy nhất cho vấn đề hạt nhân của Iran hiện nay là đề xuất một kế hoạch mới với Tehran của Tổng thống Pháp với ông Trump trong chuyến thăm vừa rồi. Đó là bổ sung thêm vào thỏa thuận hạt nhân với Iran về tên lửa đạn đạo. Nhưng theo chuyên gia về Iran, Thierry Coville, Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Pháp (IRIS), trước hết Tổng thống Trump phải hiểu được là Mỹ cần ở lại trong hiệp ước 2015 và đây cũng là một thỏa thuận hết sức quan trọng đối với Tổng thống Iran. Cần nhắc lại là cho tới ngày hôm nay, Tehran tuân thủ các điều khoản của văn bản đó, điều này đã được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế AIEA chứng nhận đến cả chục lần.

Đành rằng Iran thiết tha với thỏa thuận này và tuân thủ các điều khoản đã quy định với 6 đối tác còn lại trên thế giới, nhưng nếu như một trong các bên có trọng lượng nhất là Mỹ, rút lui không vì một nguyên cớ gì, rồi thêm vào đó Washington còn tái lập các biện pháp trừng phạt Iran, thì khi đó, Tehran không có lý do để ở lại trong thỏa thuận này, hay phải ngưng chương trình phát triển hạt nhân. Khi đó mọi chuyện trở lại với điểm khởi đầu. Có nghĩa là Iran sẽ lại làm giàu chất uranium để chế tạo vũ khí nguyên tử. Có một khả năng thứ hai nữa là Iran đi theo con đường của Triều Tiên. Tức là rút khỏi khỏi Hiệp ước Chống phổ biến vũ khí hạt nhân, phát triển xong vũ khí nguyên tử để rồi buộc Tổng thống Trump phải ngồi vào bàn đàm phán. Giới chính trị diều hâu tại Tehran đã công khai nêu lên khả năng trên.

Mới đây, Bình Nhưỡng đã tuyên bố ngừng mọi hoạt động liên quan tới hạt nhân, để phát triển kinh tế. Với những tín hiệu khả quan đó, người dân thế giới hoàn toàn có thể hy vọng quả bom hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên sẽ được tháo ngòi.

D.H