Thế giới tiến đến không dùng tiền mặt

07:00 | 03/06/2017

1,538 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tiền ảo, thẻ tín dụng, ví điện tử… đang chiếm ưu thế trong các giao dịch trên thế giới. Chính phủ nhiều nước thậm chí còn đặt mục tiêu phi tiền mặt hóa trong những năm tới, còn người dân một số nước nói họ sẵn sàng bỏ tiền mặt để chuyển sang dùng thanh toán điện tử. Đâu là những lợi ích và hạn chế của một xã hội không dùng tiền mặt?

Tờ Le Courrier International của Pháp ra ngày 27-4-2017 có bài viết giới thiệu một hiện tượng mới trong đời sống xã hội toàn cầu. Đó là ngày càng có nhiều người dùng phương thức thanh toán bằng điện thoại di động. Tiền mặt đang dần dần biến mất. Phóng viên tờ báo này ghi nhận việc có đến hơn 80% khách hàng tại một cửa hàng cà phê ở Thâm Quyến, Trung Quốc, thanh toán qua điện thoại di động chứ không phải bằng thẻ tín dụng hay tiền mặt.

Tờ báo cho biết, gần 58% trong số 710 triệu dân mạng Trung Quốc đã áp dụng thanh toán qua điện thoại để mua các sản phẩm hay dịch vụ qua mạng, đặc biệt qua dịch vụ Alipay của Tập đoàn Alibaba, hay dịch vụ của mạng xã hội WeChat của Tập đoàn Đằng Tấn. Nhìn chung, người dân Trung Quốc đang chuyển thẳng từ phương thức thanh toán tiền mặt sang dùng di động, bỏ qua giai đoạn thẻ ngân hàng.

the gioi tien den khong dung tien mat
Một xã hội không dùng tiền mặt là mơ ước của nhiều quốc gia

Theo tìm hiểu của phóng viên thì đây là một loại ví điện tử. Chỉ cần có một tài khoản và chiếc điện thoại, khách hàng có thể dễ dàng thanh toán bằng ví điện tử khi mua bán, chuyển - nhận tiền. Mọi giao dịch được thực hiện online, không cần tiền mặt. Đây là một loại dịch vụ do các công ty tại một quốc gia hoặc quốc tế phát hành. Ví điện tử quốc tế PayPal hiện phổ biến nhất thế giới.

Số liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, tỷ lệ giao dịch phi tiền tệ sẽ tăng từ 15% lên 30% trong 10 năm tới khi cả thế giới kết nối với nhau thông qua điện thoại di động. Hiện nay, tỷ lệ xâm nhập của smartphone vào đời sống của con người trên toàn cầu là 63% và dự kiến vào năm 2020 tổng số người sử dụng điện thoại thông minh trên toàn thế giới sẽ tăng lên 1 tỉ người, trong đó 90% sẽ đến từ các nước đang phát triển. Điều này có nghĩa là hầu hết mỗi người sẽ sở hữu một ngân hàng trong chiếc điện thoại của họ.

Bên cạnh đó, một hình thức thanh toán online khác bằng tiền điện tử cũng sắp trở thành hiện thực ở Trung Quốc. Hồi cuối tháng 2-2017, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) tuyên bố sẽ sớm phát hành loại tiền điện tử riêng của nước này bởi những lợi ích đặc biệt của nó so với loại tiền truyền thống. Từ năm 2014, PBOC đã lập đội nghiên cứu để tìm hiểu các quy trình kỹ thuật, vấn đề pháp lý và tác động lên các hệ thống tài chính của tiền điện tử. Nay PBOC muốn tiến thêm một bước để trở thành ngân hàng trung ương lớn đầu tiên phát hành tiền điện tử. Loại tiền này sẽ được dùng để mua bất cứ thứ gì từ mì gói đến ôtô, theo tin từ Bloomberg.

Sở dĩ PBOC muốn phát hành tiền ảo của riêng mình là muốn thay thế, loại bỏ bitcoin và nhiều loại tiền ảo khác lưu hành phi pháp tại Trung Quốc. PBOC không muốn bong bóng bitcoin phát triển quá nóng. Đồng tiền điện tử thông dụng nhất thế giới hiện nay là bitcoin. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh của loại tiền vốn không được nhiều quốc gia thừa nhận này gây lo ngại nó có thể bị sử dụng để rửa tiền hoặc phục vụ cho các nhóm cực đoan. Trung Quốc là một trong những thị trường lớn nhất của bitcoin dù không hợp pháp.

Bắt đầu xuất hiện vào năm 2008, bitcoin là sản phẩm của một lập trình viên hoặc một nhóm lập trình không rõ danh tính. Tuy nhiên, các đồng bitcoin hiếm khi được dùng trong các giao dịch truyền thống hằng ngày vì giá trị của mỗi đồng bitcoin không ổn định và bị điều chỉnh dựa trên số lượng người mong muốn có nó, càng nhiều người muốn có bitcoin, giá trị của nó sẽ càng tăng như giá trị của các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Chính vì vậy người ta cố gắng tạo ra vẻ hấp dẫn cho bitcoin để ngày càng nhiều người muốn có, đó là một dạng đầu cơ.

Mặc dù ra sau thẻ ngân hàng nhưng tiền ảo và ví điện tử có tốc độ phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu so với các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt thì việc “cà thẻ” ngân hàng hiện vẫn chiếm tỉ trọng lớn hơn cả. Ngày 26-5 vừa qua, Hãng Nghiên cứu thị trường Ipsos công bố cuộc khảo sát theo đơn đặt hàng của Ngân hàng ING, Hà Lan, được thực hiện tại 13 quốc gia châu Âu, Mỹ và Australia. Kết quả cho thấy, 34% người châu Âu và 38% người Mỹ khi được hỏi nói rằng, họ sẵn sàng không dùng tới tiền mặt nữa. 21% người châu Âu và 34% người Mỹ cho biết, trong năm 2016 họ đã ít sử dụng tới tiền mặt trong các chi tiêu cho cuộc sống hằng ngày.

Người dân Đức có tỷ lệ dùng tiền mặt thấp nhất châu Âu. Theo điều tra, 10% người Đức nói họ hiếm khi dùng tiền mặt để thanh toán, trong khi ở Ba Lan là 33% và Pháp là 35%. Tại Đan Mạch, hầu hết các doanh nghiệp bán lẻ hiện không dùng tiền mặt để thanh toán, thậm chí ngay cả tại các quầy hàng ăn đường phố.

Cho đến nay, Việt Nam là một trong những nước đứng đầu thế giới thanh toán bằng tiền mặt.

Tại châu Á, theo số liệu của MasterCard toàn cầu, Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc chính là 3 quốc gia có tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt cao nhất thế giới. 87% người dùng tại Singapore cho biết họ thích thanh toán điện tử, tỷ lệ cao nhất tại Đông Nam Á. 62% người dùng nước này nói họ sở hữu và thường xuyên sử dụng thẻ ghi nợ của ngân hàng, tăng 13% so với năm 2015. Khoảng 52% người Singapore cảm thấy an toàn hơn khi sử dụng thẻ thanh toán thay vì tiền mặt.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long từng nói về sự cần thiết của một xã hội không tiền mặt, nhấn mạnh về sự cần thiết của một nền tảng thanh toán gọn nhẹ, bao gồm các dịch vụ nhận dạng trực tuyến để phục vụ cho các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Còn Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc gần đây đã lên kế hoạch cho một xã hội không còn tiền mặt tới năm 2020.

Tuy nhiên, theo Le Courrier International, thanh toán qua dịch vụ mạng khá mạo hiểm. Riêng năm ngoái, khoảng 900 công ty cho vay tiền qua mạng trên thế giới đã bị “sập”, trong một số trường hợp chủ công ty biến mất với tiền của khách.

Tờ báo Pháp còn cảnh báo việc tiền mặt dần dần biến mất còn mở ra nguy cơ hình thành một xã hội với “hai tốc độ”. Tờ báo dẫn một báo cáo của Văn phòng Fung Global Retail&Technology, cho biết 9 trong số 15 quốc gia chuẩn bị tốt nhất cho việc chuyển sang xã hội không tiền mặt là ở châu Âu. Thụy Điển được coi là nước sẽ bỏ tiền mặt đầu tiên, dự kiến vào năm 2030. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ khá nhiều người về hưu Thụy Điển phản đối việc này, nhất là những người sống tại các miền hẻo lánh. Tình hình tương tự cũng xảy ra đối với các nhóm dân cư nghèo nhất tại các thành phố lớn châu Âu. Tiền mặt, tiền lẻ vẫn là thứ tiện ích cho các giao dịch nhỏ, trực tiếp, như mua một món hàng ở đầu phố, hay cho tiền một người hát rong…

Theo Le Courrier International, bỏ hoàn toàn tiền mặt là tiết kiệm và hiệu quả về kinh tế, thuận tiện cho cuộc sống của rất nhiều người, nhưng nếu các phương tiện này không bao phủ được toàn bộ dân cư, ắt hẳn sẽ có thêm nhiều người bị gạt hoàn toàn ra ngoài hệ thống. Ở Mỹ chẳng hạn, khoảng 8% dân số vẫn chưa có tài khoản ngân hàng và tỷ lệ chắc chắn cao hơn nhiều ở những nước đang phát triển. Theo Ngân hàng Thế giới, khoảng 2 tỉ người hiện vẫn chưa tiếp cận được các dịch vụ ngân hàng thông thường.

Thêm một điểm đáng chú ý khác. Thói quen thanh toán bằng thẻ hay qua mạng khiến người ta vung tiền mạnh tay hơn, từ 12% đến 18%, bởi không bị “rào cản tâm lý” khi dùng tiền mặt cản trở. Các doanh nghiệp chắc rất vui, nhưng nhiều người tiêu dùng, khi tỉnh ra thì đã quá trễ.

S.Phương (tổng hợp)