Thế giới năm 2015 sẽ ra sao?

07:00 | 03/01/2015

5,698 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thế giới đã bước sang năm mới với rất nhiều hy vọng nhưng cũng không ít thách thức ở phía trước. Một năm 2014 căng thẳng sẽ đưa đến những biến đổi địa chính trị trong năm 2015.

Thế giới chào đón năm 2015 với những lo âu

Cuộc khủng hoảng kinh tế tại Nga và hơi hướng của một cuộc Chiến tranh lạnh vẫn còn vảng vất xung quanh khủng hoảng Ukraina, sự trỗi dậy của lực lượng thánh chiến Hồi giáo ở Iraq và Syria, dịch sốt kinh hoàng Ebola ở Tây Phi cướp đi sinh mạng của 8.000 người... Những vấn đề tồn đọng đó của năm 2014 sẽ còn kéo sang năm 2015 đặt nhân loại trước không ít thách thức gay go.

Trong một báo cáo công bố hồi tháng 6/2014, Viện nghiên cứu Kinh tế và Hòa bình trong cố gắng đo mức cân bằng giữa chiến tranh hòa bình, đã chỉ ra rằng tình hình thế giới sẽ còn tồi tệ đi nhiều trong vòng 7 năm liên tiếp tới đây. Tháng 11/2014, cơ quan nghiên cứu này đã nêu con số theo đó số người chết liên quan đến các nhóm vũ trang sẽ tăng vọt tới 60%. Đây là điều chưa từng thấy bao giờ.

Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế Mỹ cũng nhận định: “Viễn cảnh những thách thức đặt ra cho chúng ta đang mở rộng một cách bất thường”. Sự gia tăng số lượng nạn nhân của các nhóm vũ trang và khủng bố nói trên được lý giải bằng các cuộc xung đột đẫm máu, chủ yếu đang diễn ra trong khu vực Trung Đông hay Tây Á.

Tại khu vực châu Âu, mọi cái nhìn đều hướng về nước Nga, sau sự kiện Crưm sáp nhập vào Nga bằng một cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 3/2014 giữa lúc cuộc khủng hoảng Ukraina trở nên hỗn loạn. Kiev cũng như phương Tây tố cáo Nga đã khơi mào, kích động các cuộc nổi dậy đòi ly khai của các vùng miền đông Ukraina. Nếu như một số trong giới chính trị quốc tế hy vọng những khó khăn kinh tế của nước Nga lúc này sẽ hãm bớt sự can thiệp của Nga thì cũng có không ít người nghi ngại chính tình hình kinh tế nguy ngập đó lại càng khiến cho Tổng thống Putin trở nên là người không thể lường trước được.

Liệu NATO và châu Âu có đủ khả năng đối phó với Nga? Ngày 15/1, lãnh đạo Nga và Tổng thống Ukraina sẽ phải gặp nhau để thương lượng bên cạnh Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức. Năm 2015 tại châu Âu sẽ được đặt trong khung cảnh khủng hoảng Ukraina mà EU và Nato bắt buộc phải điều chỉnh chính sách quan hệ với Moskva. Châu Âu và Nato phản ứng theo chiến thuật đánh đâu đỡ đấy. Bruxelles lúc thì xem Nga là đối tác không thể thiếu khi thì xem Nga là một mối đe dọa cho hòa bình. Còn NATO tuy cứng rắn nhưng không dám đi đến cùng thu nhận Ukraina làm thành viên.

Ở khu vực châu Á, Trung Quốc tiếp tục khẳng định vị thế cường quốc quân sự. Bắc Kinh vẫn khăng khăng bám giữ các đòi hỏi chủ quyền ở hầu hết vùng Biển Đông, bất chấp tham vọng đó đang vấp phải sự phản đối cùng với lo ngại của nhiều nước trong khu vực như Brunei, Malaysia và Philippines. Chưa hết, trên vùng biển Hoa Đông, cuộc tranh giành chủ quyền giữa Bắc Kinh và Tokyo xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vẫn còn tiếp tục không có hồi kết và không ai đoán trước được điều gì sẽ bùng phát trong tương lai. Còn tiếp tục với những tham vọng bá quyền, thì việc Trung Quốc vươn lên thành một cường quốc thế giới chỉ có thể gây thêm lo ngại với nhiều nước đặc biệt là các quốc gia láng giềng.

Giới ngoại giao và quan sát tình hình quốc tế sẽ không thể bỏ qua điểm nóng Triều Tiên. Quốc gia khép kín nhưng lại gây nhiều chú ý cho thế giới này trong những ngày tháng cuối năm 2014 lại một lần nữa trở thành tâm điểm thời sự sau khi bị Washington tố cáo là thủ phạm của vụ tin tặc tấn công vào hãng phim Sony Pictures Entertainment. Các nhà phân nhận định rằng vụ tin tặc mới đây tại Sony Pictures đã bộc lộ rõ những điểm yếu của phương Tây trước các đe dọa ngày càng tăng của các vụ tấn công mạng. Chính quyền Bình Nhưỡng vẫn chối bỏ mọi cáo buộc có can dự vào vụ tin tặc này. Chỉ có một tia sáng le lói đầu năm này là lãnh đạo Kim Jong-un đã ngỏ thiện chí muốn nối lại đối thoại với Hàn Quốc.

Tại Trung Đông, các cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân Iran vẫn tiếp tục giằng co nhau và kéo dài ít nhất cho đến giữa năm 2015 may ra mới đi đến được thỏa thuận giữa 6 cường quốc và Teheran. Người ta đã hy vọng có sự đột phá để giải quyết dứt điểm vấn đề hạt nhân Iran, nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy có kết quả bởi các bên đàm phán vẫn chưa chịu nhau trên vấn đề “quyền” của Teheran và “lợi” của các cường quốc hạt nhân liên quan.

Còn tại Iraq và Syria, liên quân do Mỹ dẫn đầu vẫn miệt mài với các cuộc không kích vào lực lượng Nhà nước Hồi giáo IS mà chưa biết đến khi nào thì kết thúc chiến dịch.

Chuyển qua khu vực Tây Phi với mặt trận khác, cũng là cuộc chiến giữa cái sống và cái chết của con người. Những tháng đầu năm 2015 này sẽ là thời điểm bản lề cho cuộc chiến chống dịch Ebola. Theo thống kế của Tổ chức Y tế thế giới, đợt dịch hoành hành từ một năm qua ở các nước Guinée, Liberia, Sierra Leon đã làm gần 8000 người thiệt mạng trong tổng số 20 nghìn ca nhiễm virus. Cả thế giới trong năm qua đã phải giật mình trước nguy cơ căn bệnh chết người này có thể lây lan đến bất kỳ đâu. Trước nỗ lực chung của quốc tế, trận dịch có vẻ đã tạm lắng xuống nhưng vẫn đòi hỏi cả thế giới tiếp tục nỗ lực ngăn chặn căn bệnh dịch cho đến khi tìm ra và đưa vào sử dụng vaccin phòng ngừa virus Ebola.

Một sự kiện diễn ra cuối năm 2014 có thể mang lại nhiều hy vọng chuyển biến cho năm 2015. Đó là việc Mỹ và Cuba thông báo bình thường hóa qua hệ. 2015 sẽ là năm ghi nhận những chuyển biến cụ thể từ những tuyên bố thiện chí xích lại gần nhau của hai cựu thù.

Với nước Mỹ, trận đấu “hồi thứ hai” giữa hai gia đình Clinton và Bush như vào năm 1992 sẽ diễn ra trong năm 2015. Lần này hai đấu thủ sẽ là Thượng nghị sĩ Hillary Clinton và thống đốc tiểu bang Florida, Jeb Bush.

Liên quan tới dầu mỏ, nước nào sẽ là nạn nhân đầu tiên của giá dầu tuột dốc? Nga và Venezuela đã bước vào thời kỳ suy thoái, Iran cắt giảm trước ngân sách. Algérie phải lấy ngoại tệ dự trữ ra tiêu dùng… Tất cả sẽ có câu trả lời trong năm 2015.

Theo các chuyên gia, cho dù tình hình khủng hoảng kinh tế kéo dài nhiều năm cộng với những biến động địa chính trị và mối đe dọa nghiêm trọng cho khí hậu địa cầu, không có gì có thể cấm chúng ta cầu chúc một thế giới tốt đẹp hơn.

Duy Hưng (tổng hợp)