THẾ GIỚI 24H: Vì sao Pháp, Đức muốn buông Ukraina?

06:00 | 12/07/2015

4,122 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Giữa lúc cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp còn đang “vật” các nước châu Âu lên xuống, tình hình căng thẳng kéo dài ở Ukraina càng khiến họ mệt mỏi và chán chường. Đức và Pháp bất ngờ kêu chính quyền Kiev trao quyền tự trị cho các tỉnh miền đông Ukraina.

Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và người đồng cấp Ukraina Poroshenko

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande vừa có động thái gây bất ngờ khi hối thúc Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko phải đảm bảo quyền tự quản cho vùng lãnh thổ đang đòi độc lập ở miền Đông nước này trong hiến pháp sửa đổi.

Ông Poroshenko cũng xác nhận trong cuộc điện đàm ngày 10/7, Thủ tướng Angela Merkel​ và Tổng thống Pháp Francois Hollande​ đã yêu cầu ông tiếp tục "cải cách hiến pháp", đặc biệt nhấn mạnh đến việc đưa vào hiến pháp sửa đổi những quy định về quyền tự quản cho một số vùng ở hai tỉnh Donetsk​ và Lugansk.

Văn phòng của Tổng thống Pháp khẳng định ông Hollande và bà Merkel đều coi việc đưa quy chế đặc biệt của những khu vực nói trên vào hiến pháp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, ngụ ý đến việc thực thi thực tế thỏa thuận Minsk tiến tới chấm dứt xung đột vũ trang kéo dài hơn một năm qua tại Ukraina.

Một trong 13 điểm của bản thỏa thuận ký ngày 12/2 tại Minsk (Belarus) có sự tham gia của Đức, Pháp và Nga đó là Ukraina phải tiến hành đối thoại về quy chế đặc biệt cho hai tỉnh Donetsk và Lugansk, cũng như về thể chế tương lai cho các vùng này.

Tuy nhiên, ngày 8/7 vừa qua, Tổng thống Poroshenko đã đệ trình Quốc hội dự thảo hiến pháp, trong đó không đề cập đến quy chế dài hạn, mà chỉ là phân cấp chính quyền trung ương, đồng thời trao quyền tự quản tạm thời ba năm cho các vùng trên.

Dù ông Poroshenko cho biết đã thông qua nội dung dự thảo với đại diện Donetsk và Lugansk, tuy nhiên phía chính quyền tự xưng của hai vùng này phủ nhận, họ cho biết không hề cử đại diện tham gia Ủy ban cải cách Hiến pháp của Kiev, cơ quan soạn thảo bản dự thảo trên.

Trong lúc này, bất chấp nhiều nỗ lực quốc tế cũng như các văn kiện ký kết nhằm giải quyết khủng hoảng, ở miền Đông Ukraina vẫn xuất hiện những cáo buộc vi phạm lệnh ngừng bắn, sử dụng vũ khí hạng nặng đã bị cấm.

Giải thích cho sự thay đổi thái độ khá bất ngờ của lãnh đạo châu Âu với Ukraina, các chuyên gia đưa ra 2 nguyên nhân. Thứ nhất, tình trạng băng giá của quan hệ EU – Nga là một mối quan ngại đặc biệt đối với Thủ tướng Đức Merkel, trong bối cảnh nữ chính trị gia này đang cố ngăn sóng gió ập xuống các thị trường bấp bênh của châu Âu, và giữ ổn định cho mặt trận phía đông của khối 28 thành viên này. Thứ hai, trong suốt mấy tuần qua, các nước châu Âu nhất là Đức và Pháp đã quá mệt mỏi với việc phải “đôi co” cùng chính phủ Hy Lạp về chuyện đi hay ở trong Eurozone và món nợ của nước này. Thành thử ra họ cảm thấy chán nản khi phải tiếp tục nâng đỡ cho Ukraina và đương đầu với Nga. Hối thúc chính quyền Kiev trao quyền tự trị cho miền đông là cách châu Âu muốn giải quyết “quách” đi cho xong.

Indonesia chuẩn bị lập căn cứ quân sự tại Biển Đông

Báo Jakarta Post ngày 10/7 trích dẫn nhiều nguồn quan chức trong quân đội cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia ủng hộ kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự tại Biển Đông. Dự án sẽ phải được trình lên Tổng thống Joko Widodo.

Vẫn theo tờ báo trong cuộc họp ngày 10/7 giữa Bộ Quốc phòng và Ban Kế hoạch và Phát triển Quốc gia Bappenas, các bên đã thảo luận về những địa điểm có thể được chọn để đặt căn cứ quân sự của Indonesia. Danh sách đó bao gồm huyện Sambas phía Tây đảo Kalimantan, các quần đảo Natuna, Riau và Taralan ở phía bắc Kalimantan.

Theo lời lãnh đạo Ban kế hoạch Bappenas Indonesia, ông Andrinof Chaniago, cuộc họp nói trên tại Jakarta nhằm “đặt ra những mục tiêu chung vì lợi ích quốc gia và để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ”. Bappenas hy vọng kế hoạch mở căn cứ quân sự tại vùng Biển Đông của Indonesia sớm được thực hiện.

Về phần mình Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia, Ryamizard Ryacudu, tuyên bố ủng hộ dự án nói trên, do ông từng công tác tại đảo Kalimantan và ông cam chắc “đặt căn cứ quân sự tại đây là một quyết định sáng suốt”, do đây là một vùng lãnh thổ có nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên của Indonesia “cần phải được bảo vệ”.

Indonesia không trực tiếp tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng Trung Quốc căn cứ trên bản đồ 9 đoạn để đòi hỏi chủ quyền với hơn 80 % diện tích của vùng biển này, trong đó bao gồm cả quần đảo Natuna của Indonesia.

Tham quan quần đảo Natuna vào tháng 3/2014, trợ lý của Bộ trưởng An ninh và chiến lược quốc phòng Indonesia, tướng Fahru Zaini đã khẳng định: “Những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh của khu vực quần đảo Natuna” và do vậy, vẫn theo quan chức này, Jakarta cần có một “chiến lược phòng thủ cụ thể”.

Cùng thời điểm Tổng tư lệnh quân đội Indonesia, tướng Meoldoko, trả lời báo Mỹ The Wall Street Journal rằng “quân đội Indonesia quyết định tăng cường lực lượng tại Natuna (…) để đối phó với mọi tình huống”. Gần đây hơn vào tháng 2/2015 viên tướng này ghi nhận “trong tương lại, Jakarta lo ngại Biển Đông trở thành điểm nóng, do vậy tăng cường quân sự trong khu vực là điều hết sức quan trọng”.

Trước mắt Tổng thống Joko Widodo vẫn muốn Indonesia đóng vai trò trung gian giữa các quốc gia có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Jakarta không muốn trực tiếp đối đầu với Bắc Kinh.

Một năm sau vụ MH17

Ngày 11/7/2015, Malaysia tưởng niệm 1 năm ngày chiếc máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia bị bắn rơi trên bầu trời đông Ukraina làm 298 người thiệt mạng.

Trước các quan chức chính phủ và gia đình những hành khách xấu số, Thủ tướng Malaysia Najib bin Abdul Razak đã kêu gọi sự phối hợp của các quốc gia liên quan trong việc điều tra nguyên nhân của tai nạn máy bay. Ông Najib Razak cũng tuyên bố kết luận điều tra cuối cùng là việc sẽ phải đạt được để làm yên lòng các nạn nhân và gia đình của họ.

“Chúng tôi muốn biết ai đã bắn hạ máy bay. Ai cũng lên án, nhưng điều quan trọng là phải biết chính xác chuyện gì đã xảy ra và phải có công lý (…)” là những đòi hỏi của các gia đình nạn nhân Malaysia trong thảm họa hàng không, được AFP thuật lại.

Ngày 8/7/2015, Malaysia đã đệ trình một dự thảo nghị quyết lên Liên Hiệp Quốc về việc thành lập một Tòa án Quốc tế Đặc biệt để xét xử những người có liên quan đến thảm họa này. Tuy nhiên, Nga, thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, cho biết sẽ phủ quyết dự thảo vì chưa có kết quả điều tra cuối cùng về vụ tai nạn này.

Báo cáo của cuộc điều tra đa quốc gia về nguyên nhân vụ tai nạn MH17 dự kiến được công bố vào cuối năm 2015.

Hình ảnh ấn tượng

Siêu bão Chan-Hom gây sóng lớn ập vào bờ gần thành phố Ôn Lĩnh, tỉnh Chiết Giang ở miền đông của Trung Quốc, ngày 10/7/2015

G.K

Năng lượng Mới