THẾ GIỚI 24H: Vậy là Mỹ đã buông Biển Đông?

07:00 | 01/10/2015

5,394 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tờ The Diplomat (Nhật Bản) hôm qua có bài phân tích mang tựa đề “Sự thật về nhiệm vụ tuần tra vì tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông” cho rằng những tuyên bố của Mỹ thời gian gần đây về Biển Đông đã bị hiểu sai.
the gioi 24h vay la my da buong bien dong
Trung Quốc tiếp tục bồi đắp các bãi đá ngầm ở Biển Đông bất chấp sự phản đối của thế giới

Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã ngang nhiên phá vỡ nguyên trạng Biển Đông, biến bãi ngầm và rạn san hô thành đảo nhân tạo, với ý đồ quân sự hóa khu vực, mà hệ quả sẽ là hạn chế quyền tự do qua lại của tàu thuyền và máy bay nước khác.

Trước tình hình đó, chính quyền Mỹ đã nhiều lần lên tiếng đe dọa là sẽ cho hải quân thâm nhập vào bên trong vùng 12 hải lý của các đảo nhân tạo để cho thấy là Washington không chấp nhận các hành vi của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, trong bài phân tích “Sự thật về nhiệm vụ tuần tra vì tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông (The Truth About US Freedom of Navigation Patrols in the South China Sea)” đăng trên tờ The Diplomat, thì những tuyên bố trên của Mỹ không nhằm bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc mà thực ra Washington chỉ chủ trương khẳng định quyền tự do hàng hải chính đáng của Mỹ chứ không muốn đi ngược lại nguyên tắc luôn tuyên bố là không thiên vị bên nào trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Theo bài báo, nếu Mỹ quyết định tiến hành các cuộc tuần tra, hiển nhiên đó không phải là để thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc đã chiếm của Việt Nam bằng vũ lực. Mỹ đã nhiều lần xác định rằng họ sẽ không đứng về bên nào trên vấn đề chủ quyền của các thực thể địa lý đang tranh chấp ở Biển Đông. Thay vào đó, bằng cách tiến hành tuần tra trong vòng 12 hải lý quanh một số hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc, Washington sẽ cho thấy phần nào đó cách giải thích của Mỹ về luật quốc tế (đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển- UNCLOS) liên quan đến quyền tự do hàng hải.

Để hiểu rõ những vấn đề nảy sinh trong trường hợp các đảo nhân tạo của Trung Quốc và công việc tuần tra để khẳng định quyền tự do hàng hải của Mỹ, cần xem xét các điều khoản của UNCLOS áp dụng trong tình huống này.

UNCLOS quy định rằng “đảo nhân tạo, cơ sở và công trình kiến trúc không có quy chế hải đảo. Chúng không có lãnh hải riêng, và sự hiện diện của chúng không ảnh hưởng đến việc phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa” (Phần V, Điều 60). Thay vì tạo ra một vùng lãnh hải, đảo nhân tạo được phép có một “vùng an toàn”, rộng không quá 500m-tức là không đầy một phần tư hải lý.

Căn cứ vào các quy định kể trên trong Công ước LHQ về Luật Biển, bài báo của The Diplomat đã xem xét vấn đề những hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc. Tàu quân sự chỉ bị cấm một cách rõ ràng là không được tiến hành do thám trong phạm vi lãnh hải 12 hải lý của một quốc gia khác; bãi cạn lúc chìm lúc nổi không sản sinh ra lãnh hải, đảo nhân tạo cũng vậy; do đó, không có lý do hợp pháp ngăn cản không cho Hải quân Mỹ hoạt động bên trong vùng 12 hải lý quanh các hòn đảo nhân tạo mà trước đây là bãi cạn lúc chìm lúc nổi.

Các quan chức Mỹ thoạt đầu đã nói với tờ Wall Street Journal rằng theo Mỹ, một số các đảo nhân tạo của Trung Quốc là bãi cạn lúc chìm lúc nổi, và một số khác có quyền có lãnh hải; công việc tuần tra vì quyền tự do hàng hải mà Mỹ thực hiện sẽ chỉ đi vào bên trong vùng 12 hải lý của các cấu tạo vốn là bãi cạn lúc chìm lúc nổi trước khi được Trung Quốc bồi đắp.

Nói cách khác, Mỹ không thách thức chủ quyền của Trung Quốc đối với các thực thể ở vùng Trường Sa mà chỉ thách thức quy chế của những cấu tạo đó theo luật quốc tế. Khi tiến hành tuần tra trong vùng 12 hải lý của Bãi Vành Khăn, Đá Xu Bi, hoặc Đá Ga Ven, Mỹ sẽ báo hiệu rằng mặc dù các cấu tạo này đã được bồi đắp thành đảo trong thời gian gần đây, Washington vẫn coi đó là bãi cạn lúc chìm lúc nổi theo UNCLOS do đó không thể có lãnh hải.

Đó là cách giải thích theo nghĩa rất hẹp mà dựa theo đó, Mỹ sẽ thách thức đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc bằng cách tiến hành các cuộc tuần tra vì quyền tự do hàng hải. Điều đó không có nghĩa là Washington coi yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa là không hợp pháp, mà chỉ có nghĩa đơn giản là Mỹ không công nhận yêu sách lãnh thổ đối với các cấu tạo nguyên là bãi cạn lúc chìm, lúc nổi, ngay cả khi cấu tạo có liên quan đã được bồi đắp và mở rộng một cách giả tạo để luôn luôn ở bên trên mặt nước khi thủy triều cao.

Tầm quan trọng của việc thiết lập tiền lệ đó rất rõ ràng: nếu bất kỳ quốc gia nào cũng có thể nạo vét cát để bồi đắp các bãi cạn rồi tạo ra một cách giả tạo vùng lãnh hải 12 hải lý, thì điều đó có thể có những hậu quả nghiêm trọng đối với quyền tự do hàng hải, đặc biệt là ở Biển Đông.

Volkswagen và công việc “nàng Tấm”

Giám đốc điều hành mới được bổ nhiệm của Volkswagen Matthias Mueller hôm qua thông báo kế hoạch lắp đặt lại tới 11 triệu chiếc xe trên toàn thế giới bị ảnh hưởng bởi vụ bê bối gian lận khí thải.

Hãng xe hơi của Đức cũng cho biết 1,8 triệu xe hơi thương mại nằm trong những chiếc xe được gắn phần mềm tinh vi để gian lận khi bị kiểm tra khí thải.

Ông Matthias Mueller còn cho biết Volkswagen sẽ thông báo một đợt thu hồi sửa chữa "trong vài ngày tới" để lắp đặt lại những chiếc xe chạy bằng động cơ diesel có chứa phần mềm được nói tới. Theo một số nhà phân tích, chi phí của các đợt lắp đặt lại này có thể vượt quá 6,5 tỉ USD.

Công ty này đang chịu áp lực phải giải quyết cuộc khủng hoảng kinh doanh nghiêm trọng nhất trong lịch sử 78 năm của mình. Nhận thức được tình hình này, ông Mueller cho biết cuối ngày 29/9 trong một cuộc họp kín với khoảng 1.000 quản lý hàng đầu tại trụ sở chính của Volkswagen ở Wolfsburg rằng, hãng xe đang phải đối mặt với thử thách khắc nghiệt nhất và sẽ phải nỗ lực rất nhiều để hồi phục từ vụ bê bối.

Ông Mueller, 62 tuổi, thay thế ông Martin Winterkorn làm Giám đốc điều hành của Volkswagen hôm thứ Sáu tuần trước. Các công tố viên Đức hôm 27/9 cho biết họ đang điều tra ông Winterkorn về những cáo buộc gian lận.

Vụ bê bối bắt đầu vào ngày 18/9 khi Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ nói rằng Volkswagen đã gắn vào nửa triệu xe hơi động cơ diesel ở Mỹ một phần mềm bật bộ kiểm soát ô nhiễm lên khi bị kiểm tra, nhưng tắt thiết bị chống ô nhiễm đi trong quá trình lái xe bình thường.

Tại Mỹ, một số vụ kiện đã được đệ trình nhắm vào hãng xe này. Cơ quan quản lý môi trường của Mỹ nói Volkswagen phải đối mặt với khoản tiền phạt lên đến 18 tỉ USD.

Những mẫu xe gắn phần mềm gian lận bao gồm VW Jetta, Beetle và Golf từ năm 2009 đến năm 2015, Passat 2014 và 2015, cũng như Audi A3, mẫu những năm 2009-2015.

Cựu Thủ tướng Yingluck phản pháo

Thủ tướng bị lật đổ Yingluck Shinawatra hôm 29/9/2015 đã kiện Chưởng lý Thái Lan vì đã cáo buộc bà các tội trạng có khung hình phạt đến 10 năm tù giam một cách bất công.

Nguyên nữ Thủ tướng đầu tiên của Thái Lan đang đối mặt với cáo buộc của Tòa án Tối cao về việc thiếu trách nhiệm trong vấn đề trợ giá gạo, mà tập đoàn quân sự cầm quyền cho là dính líu đến tham nhũng, và làm thiệt hại cho ngân sách đến 16 tỉ USD.

Chưởng lý hồi tháng 1/2015 đã buộc tội bà Yingluck cùng một ngày với việc bà bị cấm mọi hoạt động chính trị trong vòng 5 năm, bởi một đạo luật được các tướng lãnh đã lật đổ chính phủ của bà năm ngoái đưa ra.

Đội ngũ luật sư của bà Yingluck hôm 29/9 nhấn mạnh đến thời điểm buộc tội-chỉ một tiếng đồng hồ trước khi việc cấm hoạt động chính trị có hiệu lực, đồng thời tố cáo Chưởng lý đã luận tội mà không có nhân chứng và bằng cớ xác đáng. Trong vụ trợ cấp gạo, chưởng lý đã thêm vào các cáo buộc liên quan đến tham nhũng, và thêm 60.000 trang tài liệu không có trong hồ sơ của cơ quan chống tham nhũng Thái Lan.

Bà Yingluck nói với báo chí rằng các hành động của chưởng lý là “sai lầm và bất công”. Chính sách trợ cấp gạo của bà nhằm giúp tăng thu nhập cho nông dân, và cựu Thủ tướng nhấn mạnh, bà hành động với sự đồng ý của chính phủ, chứ không phải nhằm kiếm phiếu như cáo buộc.

Hình ảnh ấn tượng

the gioi 24h vay la my da buong bien dong
Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) nháy mắt với nhà lãnh đạo nhóm Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) chủ trương bảo thủ ở Quốc hội, Volker Kauder, trước cuộc họp của họ và phe CSU tại Berlin.

G.K

Năng lượng Mới (Theo AFP, BBC, Bangkok Post)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc