THẾ GIỚI 24H: Trung Quốc xử các quan chức “không chịu xài tiền nhà nước”

07:00 | 30/09/2015

1,530 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Run sợ trước chiến dịch “đả hổ diệt ruồi”, nhiều quan chức địa phương ở Trung Quốc đã không dám khởi động các dự án lớn, để khỏi bị dòm ngó. Nhưng “kiểu gì cũng chết” vì như thế họ cũng bị cách chức vì “lười biếng”.
tin nhap 20150929231734
Hề Hiểu Minh, Phó chánh án Tòa an Nhân dân Tối cao Trung Quốc khi đương chức

Tân Hoa Xã hôm qua cho biết chính quyền Trung Quốc đã trừng phạt 249 quan chức vì tội “lười biếng”, được hiểu là do không chịu xài tiền Nhà nước cấp hoặc chậm chạp trong việc tiến hành các dự án.

Run sợ trước chiến dịch chống tham nhũng quy mô chưa từng thấy, nhiều quan chức trong 18 tháng qua đã chùn tay trong việc khởi động các dự án lớn, để khỏi bị dòm ngó. Thái độ này làm Bắc Kinh bực tức, đe dọa sẽ kỷ luật các viên chức địa phương hoặc thu hồi ngân sách chưa được sử dụng đến.

Theo Tân Hoa Xã, có 249 quan chức của 24 tỉnh thành đã bị cách chức, giáng cấp hoặc bị khiển trách, sau cuộc điều tra được tiến hành từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 6 năm nay.

Chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của Tập Cận Bình được rầm rộ tung ra từ cuối năm 2012, đến nay đã khiến nhiều quan chức cao cấp phải ra tòa.

Hôm qua, Cơ quan chống tham nhũng Trung Quốc thông báo sẽ khởi tố ông Hề Hiểu Minh, nguyên Phó cánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, một trong những cơ quan tư pháp cao nhất của nước này.

Ông Hề Hiểu Minh, 61 tuổi, đã bị điều tra từ tháng 7/2015 vì vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và luật pháp. Nguyên Phó chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, 40 năm tuổi đảng, cũng bị khai trừ khỏi đảng Cộng sản Trung Quốc.

Theo thông cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, chủ yếu ông Hề Hiểu Minh bị cáo buộc lạm dụng quyền lực để giúp những người thân được dành ưu tiên trong các công việc làm ăn, thông qua các mối quan hệ của ông.

Liên Hiệp Quốc sẽ có thêm 40.000 lính

Liên Hiệp Quốc hiện đang bị quá tải trong các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình do thiếu nhân lực cũng như vật lực. Dưới sự hối thúc của Mỹ, khoảng 50 quốc gia cam kết bổ sung thêm 40.000 lính mũ xanh.

Bên lề Đại hội Đồng LHQ, Tổng thống Mỹ Obama đã tham dự cuộc họp thượng đỉnh bàn cách hỗ trợ cho 16 nhiệm vụ giữ gìn hòa bình của Liên Hiệp Quốc đang được thực thi trên thế giới. Hiện các chiến dịch này đang huy động đến 125.000 binh sĩ, cảnh sát và dân sự đến từ 124 quốc gia.

Tuy nhiên, theo ông Obama, mạng lưới hiện nay “không đủ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng” do các cuộc xung đột đang gia tăng tại châu Phi (Mali, Nam Sudan, Trung Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo). Hơn nữa, các binh sĩ hiện đang tham dự các nhiệm vụ hòa bình giờ trở thành mục tiêu của các vụ tấn công và khủng bố.

Trong chiều hướng này, hơn 50 quốc gia đã cam kết hỗ trợ thêm nhân lực. Nhất là Trung Quốc, trước diễn đàn LHQ, tuyên bố dẫn đầu đóng góp 8.000 người, bổ sung thêm vào số binh sĩ hiện nay là 3.000 người. Bắc Kinh còn cho biết sẽ giải ngân 100 triệu USD để giúp Liên hiệp châu Phi thành lập một lực lượng phản ứng thường trực riêng có khả năng hành động trên lục địa.

Hiện Mỹ là quốc gia đóng góp nhiều nhất về mặt tài chính. Tổng ngân sách dành cho các chiến dịch hòa bình Liên Hiệp Quốc trong năm nay là 8,2 tỷ USD, trong đó phần đóng góp của Mỹ đã chiếm đến 28%.

Theo các quan chức Mỹ, ý tưởng của thượng đỉnh này không chỉ nhằm củng cố hệ thống hiện nay mà còn điều chỉnh trách nhiệm nghĩa vụ giữa các nước giàu có với vũ khí tối tân và các nước đang phát triển, vốn đóng góp nhiều quân số nhất, từ 8.000 đến 10.000 binh sĩ.

Afghanistan: chiến sự ác liệt

Ngày 29/9, quân đội Afghanistan với sự trợ giúp của Mỹ tung chiến dịch phản công chiếm lại thành phố Kunduz. Vùng chiến lược ở phía Bắc này đã rơi vào tay phe nổi dậy Taliban một ngày trước. Đây là lần đầu tiên quân Taliban chiếm trọn được một thành phố kể từ sau khi chế độ của họ bị sụp đổ vào năm 2001.

Trong một thông cáo, Bộ Quốc phòng cho biết nhờ vào “quân tăng viện” đến từ nhiều tỉnh, quân đội Afghanistan đã chiếm lại được trụ sở cảnh sát tỉnh và trại tù trống rỗng. Hàng trăm tù nhân trong đó có nhiều phiến quân nổi dậy đã được Taliban phóng thích trước đó.

Phát ngôn viên cảnh sát tỉnh cho biết thêm cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn do quân nổi dậy chống cự mạnh mẽ. Nhưng các lực lượng an ninh đã đẩy lùi dần quân nổi dậy nhờ vào sự yểm trợ của không quân Mỹ.

Từ hồi đầu năm nay, thành phố Kunduz, gần với biên giới Tadjikistan chịu nhiều áp lực từ phe nổi dậy. Rất nhiều huyện của thành phố này đã rơi vào tay phe Taliban. Quân nổi dậy đã hai lần mở chiến dịch tấn công vào thủ phủ của thành phố có 300.000 dân, hồi tháng 4 và tháng 6/2015. Nhưng chúng đều bị các lực lượng an ninh đẩy lùi.

Tuy nhiên, vào ngày 28/9, cờ của quân nổi dậy được cắm hầu như ở khắp nơi. Phe Taliban cũng đã nhanh chóng chặn các ngỏ ra vào thành phố, vây hãm những ai không kịp chạy thoát sớm hơn.

AFP cho rằng việc quân nổi dậy Taliban chiếm đóng được thành phố Kunduz đã có một tác động lớn do sự việc xảy ra đúng một năm Ashraf Ghani lên nhậm chức Tổng thống thay thế ông Hamid Karzai. Và cũng là một năm ngày thành lập chính phủ thống nhất quốc gia. Ngoài ra đó cũng là một thắng lợi cá nhân cho giáo sĩ Mansour, có thể khẳng định uy quyền của ông ta do những chia rẽ trong nội bộ phe Taliban.

Hãng tin Pháp nhấn mạnh trên địa bàn hiện nay, quân đội Afghanistan giờ không thể trông cậy vào sự hỗ trợ của các lực lượng nước ngoài thuộc khối NATO. Số lượng các binh sĩ trong khối này đang được triển khai tại đây chỉ còn có 13.000 quân và chỉ hạn chế ở việc cố vấn và đào tạo cho các binh sĩ Afghanistan. Giờ chỉ còn có quân đội Mỹ là nguồn hỗ trợ quân sự duy nhất với các cuộc không kích thường xuyên chống lại quân nổi dậy ở phía đông đất nước.

Nga-Mỹ nhất trí phối hợp chống IS

Mặc dù còn bất đồng trong cách giải quyết vấn đề Syria nhưng sau cuộc gặp giữa Tổng thống Obama và người đồng cấp Putin hôm qua tại New York, Nga và Mỹ đã đồng ý về một số nguyên tắc.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 29/9 cho biết hai nhà lãnh đạo đã nhất trí tiếp tục gặp nhau để đàm phán nhằm tìm ra lập trường chung về cuộc xung đột ở Syria.

"Điều mà hai nhà lãnh đạo đã bàn thảo là những khả năng mà Mỹ và Nga có thể hợp tác chặt chẽ đối với hầu hết các vấn đề nóng bỏng hiện nay, và vấn đề trước tiên là Syria. Chúng tôi đều nhất trí về mục tiêu chung là đánh bại IS"- ông Lavrov cho biết thêm.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thông báo nước này và Nga nhất trí "một số nguyên tắc cơ bản" về vấn đề Syria, đồng thời cho biết ông có kế hoạch gặp lại người đồng cấp Sergei Lavrov trong ngày 30/9.​

Trả lời phỏng vấn Kênh truyền hình MSNBC ở New York, ông Kerry khẳng định: "(Hai bên) đã đạt được thỏa thuận rằng Syria phải là một quốc gia thế tục, thống nhất và đoàn kết; nhóm IS cần bị loại bỏ; và cần có một giai đoạn chuyển tiếp được giám sát (ở Syria)".

Ông lưu ý thêm rằng cả Tổng thống Mỹ Obama và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đều "đang tìm kiếm một lối thoát cho cuộc khủng hoảng Syria" - quốc gia Trung Đông chìm trong cuộc nội chiến kéo dài 4 năm qua và đang phải đối phó với sự hoành hành của IS.

Hình ảnh ấn tượng

tin nhap 20150929231734
Những tia sét lóe sáng trên đầu bức tượng Chúa cứu thế trên núi Corcovado ở Rio de Janeiro, Brazil

G.K

Năng lượng Mới (Theo AFP, AP, Reuters)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc