THẾ GIỚI 24H: Trung Quốc trắng trợn lật lọng tại Biển Đông

06:00 | 22/08/2015

3,292 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tại Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN và các nước đối tác ngày 5/8, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố nước này đã ngừng các hoạt động bồi đắp ở Biển Đông. Tuy nhiên, báo cáo của Lầu Năm Góc hôm 20/8 đã nhấn mạnh hoạt động bồi đắp của Trung Quốc tại Biển Đông đã tăng lên rất cao trong những tháng gần đây.
31-chinese-artificial-island
Ảnh vệ tinh cơ sở Trung Quốc xây dựng trên Đá Chữ Thập (Trường Sa của Việt Nam)

Báo cáo viết rằng tổng cộng diện tích các khu vực Trung Quốc bồi đắp ở khu vực Trường Sa của Việt Nam giờ đã lên đến 12 km2, tức là tăng gần gấp đôi so với diện tích mà Mỹ công bố hồi tháng 5/2015.

Liên quan đến sự kiện này, bản tin của tờ The Wall Street Journal viết rằng Mỹ đang lo ngại Trung Quốc sẽ quân sự hóa Trường Sa, gây thêm bất ổn ở vùng biển có các tuyến vận chuyển hàng hải huyết mạch của thế giới.

Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ được đưa ra vào thời điểm chỉ còn một tháng nữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đến thăm Washington, và vấn đề Biển Đông sẽ là một trong những vấn đề được bàn đến. Trong khi đó các hoạt động bồi đắp của Trung Quốc trong khu vực lại được đẩy nhanh tiến độ một cách đáng ngại.

Mỹ đã nhiều lần đặt câu hỏi, liệu Bắc Kinh có thực sự chấm dứt hoạt động xây đảo nhân tạo như đã khẳng định trong tháng 8/2015 hay không. Hôm qua phát ngôn viên đại sứ quán Trung Quốc Chu Hải Quyền nói với Wall Street Journal rằng các dự án này đã ngưng trong tháng 6/2015, và các công trình xây dựng trên các đảo có cả mục đích phục vụ công ích.

“Trung Quốc đã ngừng các hoạt động bồi đắp. Quý vị cứ lên máy bay mà xem thử”- Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đưa ra tuyên bố này sau khi các bộ trưởng ASEAN và Bộ trưởng ngoại giao Mỹ John Kerry đưa ra vấn đề biển Đông tại hội nghị diễn ra ở Kuala Lumpur, Malaysia ngày 5/8/2015.

Tuy không chỉ trích thẳng tham vọng của Trung Quốc, một phát ngôn viên Lầu Năm Góc hôm qua đòi hỏi làm sáng tỏ vấn đề này. Ông nói: “Chúng tôi khuyến khích Bắc Kinh nói rõ ra tuyên bố trên đây có được áp dụng cho tất cả các tiền đồn Trung Quốc ở Trường Sa và Hoàng Sa hay không, và liệu Trung Quốc có cam kết sẽ vĩnh viễn kết thúc các hoạt động bồi đắp không”.

Trước đây, các viên chức quốc phòng Mỹ nghĩ rằng Bắc Kinh chỉ đào đắp khoảng 200 hecta đất để xây các đảo nhân tạo tại Trường Sa, hầu hết là xây dựng trên các đảo đá ngầm nửa nổi nửa chìm bằng cách nạo vét từ đáy biển. Tuy nhiên số diện tích đất lấn ra này đủ lớn để xây lên các tòa nhà và thiết bị, trong đó có một địa điểm có thể xây được đường băng dài 3.000 mét.

Theo báo cáo của Lầu Năm Góc, trong không đầy hai năm, Trung Quốc đã bồi đắp một diện tích đất gấp 17 lần so với bất kỳ nước nào khác trong suốt 40 năm qua, chiếm đến 95% lượng đất bồi thêm.

Kinh tế Trung Quốc gây lo ngại cho thế giới

Cổ phiếu sụt giá mạnh ở Trung Quốc và khắp châu Á hôm 21/8, sau khi các số liệu mới công bố về lĩnh vực sản xuất mang tính sống còn của Bắc Kinh thấp hơn so với dự kiến.

Chỉ số Tổng hợp Thượng Hải giảm 4,2% lúc đóng cửa, kéo dài tình trạng sụt giá trong tuần này tới mức 11%. Trong khi đó, chỉ số chính Thâm Quyến sụt giá 5,4%.

Tại Tokyo, chỉ số Nikkei giảm 3% lúc đóng cửa. Giá cổ phiếu cũng sụt giảm ở Hồng Kông, Seoul, Sydney, Singapore, Đài Loan, Bangkok và Jakarta.

Tại Mỹ, các chỉ số chứng khoán hôm qua cũng đồng loạt giảm giá. Chỉ số công nghiệp Dow Jones và Standard & Poor’s 500 đều giảm 2,1%. Đây là mức sụt giảm tồi tệ nhất ở Phố Wall trong vòng 18 tháng.

Trong khi đó, hôm 21/8, tình trạng bán tháo ở châu Á vẫn gia tăng sau khi chỉ số quản lý sức mua Tài Tân, thường được theo dõi sát, cho thấy hoạt động sản xuất sụt giảm ở Trung Quốc trong tháng 8.

Các nhà đầu tư cũng vẫn lo ngại về việc Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ cũng như việc liệu Bắc Kinh có tiếp tục tìm cách chống đỡ thị trường chứng khoán bất ổn hay không.

Nền kinh tế Trung Quốc hiện tăng trưởng chậm và có nhiều quan ngại rằng nước này có thể sẽ không đạt được mục tiêu GDP trong năm 2015 là khoảng 7%. Mức tăng trưởng đó bị coi là thấp nhất của Trung Quốc trong vòng 11 năm, nhưng lại cao hơn so với mức của nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới.

Việc Trung Quốc bất ngờ phá giá đồng nhân dân tệ trong tháng được coi là một giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vì hàng hóa xuất khẩu của nước này ở các thị trường nước ngoài sẽ rẻ hơn nhiều.

Nhưng việc tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ sẽ gây ra một cuộc chiến tiền tệ trong khu vực, vì nhiều nước khác có thể giảm giá đồng tiền của họ để bảo vệ các thị trường xuất khẩu.

Vũ khí khủng bố mới của IS

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo thử nghiệm chiến tranh hóa học tại Iraq. Tựa của báo Le Monde (Pháp) trong một bài phóng sự dài sau vụ thánh chiến nã đạn súng cối chứa hơi ngạt vào một đơn vị Kurdistan. Đây là vũ khí do phe thánh chiến tự chế tạo. Theo một sĩ quan Kurdistan thì tổ chức IS đã bị cầm chân trên chiến trường nên nghĩ rằng có thể đẩy lùi được đối phương bằng vũ khí hóa học. Chia sẻ phân tích trên, Le Monde nhận định: vũ khí hóa học của IS sẽ không gây được một bước ngoặt trong cuộc chiến mà chỉ là một phương tiện khủng bố tăng cường cho khả năng quân sự một năm sau đợt tổng tấn công vào mùa hè 2014.

Liệu có cách nào khác để chống trả lại khủng bố Hồi giáo hay không? Le Monde gián tiếp nói đến “dĩ độc trị độc”: Lãnh đạo mới của Taliban là giáo sĩ Mansour đã củng cố được uy lực. Tin này, theo Le Monde là điều kiện cần thiết để tạo ổn định trong khu vực và để thương thuyết một thỏa thuận hòa bình tại Afghanistan. Theo Le Monde, Taliban và Al Qaida từ nay sẽ ngăn chặn tham vọng thống trị của IS trong vùng Pakistan và Afghanistan. Nato dự báo là IS sẽ tấn công taliban tại Afghanistan. Taliban đã lên án các hành động “giết người ghê rợn” của IS và cảnh cáo âm mưu gài đặt cơ sở tại Afghanistan.

BBC ủng hộ chủ nghĩa khủng bố?

Ngày 21/8, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng cáo buộc tập đoàn truyền thông của Vương quốc Anh (BBC) ủng hộ chủ nghĩa khủng bố trong một bài viết gần đây của hãng này về Đảng Công nhân người Kurd (PKK) - vốn bị các nước thuộc EU coi là tổ chức khủng bố.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng bài báo của BBC đã chứa đựng "các thông tin tuyên truyền" cho PKK.

Tuyên bố nói rằng: "Bài báo về một tổ chức vốn bị nhiều quốc gia, trong đó có các nước thành viên EU, coi là một nhóm khủng bố là sự ủng hộ công khai đối với chủ nghĩa khủng bố".

Trước đó, hãng BBC hôm 19/8 đã đăng tải một bài viết dựa trên chuyến đi của một phụ nữ tới trại huấn luyện của PKK ở vùng núi Kandil, nơi những người phụ nữ Yazidi và Kurd đang được đào tạo để chiến đấu chống lại tổ chức IS.

Theo Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, bài báo của BBC miêu tả một tổ chức bị coi là khủng bố như "một nhóm vô tội chống lại một nhóm khủng bố" và "khuyến khích sự tuyển mộ vào PKK" là không thể chấp nhận được và vi phạm các nghị quyết của EU và LHQ về việc cấm khuyến khích và ngợi ca khủng bố.

Hình ảnh ấn tượng

35-antuong218
Những con heo đi lại trong siêu thị Casino ở thành phố Sarlat, miền tây nam nước Pháp, sau khi nông dân thả chúng ra trong một cuộc biểu tình tại siêu thị này.

G.K

Năng lượng Mới

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc