THẾ GIỚI 24H: Trung Quốc bị tố “đánh lừa” giới đầu tư

07:29 | 28/08/2015

2,028 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bất chấp sự can thiệp liên tục của chính quyền Bắc Kinh, thị trường chứng khoán Trung Quốc vẫn bất ổn. Lý do là vì những dữ liệu kinh tế của nước này không đáng tin cậy. Một số người chỉ trích rằng những báo cáo của Trung Quốc có thể làm cho các nhà đầu tư bị lạc hướng qua việc tô vẽ một hình ảnh tươi đẹp của nền kinh tế.
the-gioi-24h-trung-quoc-bi-to-danh-lua-gioi-dau-tu-1
Một người chơi chứng khoán chăm chú theo dõi các biến động trên màn hình

Ngày 27/8, chứng khoán châu Á bắt đầu được hồi phục tăng trở lại. Tuy nhiên cơn bão có vẻ như chưa tan hẳn, các thị trường vẫn lo ngại bởi kinh tế Trung Quốc giảm tốc mạnh.

Sau khi rơi vào tâm bão mất 8% hôm 24/8 và tiếp tục rơi thêm trong ngày tiếp theo, thị trường Thượng Hải đã có dấu hiệu sống lại với mức tăng 5,34% cho tới khi đóng cửa hôm 27/8. Các thị trường Sydney, Seoul và Tokyo cũng đồng loạt được khởi sắc, trong khi đó thị trường Hồng Kông cũng kết thúc một ngày giao dịch với mức tăng 3,60%. Tuy nhiên các nhà đầu tư vẫn ám ảnh lo ngại trước việc kinh tế Trung Quốc ngày càng lộ rõ dấu hiệu hụt hơi. Mặc dù những ngày qua, chính quyền Bắc Kinh liên tục đưa ra các biện pháp hỗ trợ, nhưng các chỉ số kinh tế Trung Quốc vẫn không hề được cải thiện.

Trung Quốc là nền kinh tế lớn hàng thứ nhì thế giới, một nước có kim ngạch thương mại khổng lồ, và là một nước nhập khẩu với số lượng lớn của tất cả mọi thứ - từ nông khoáng sản cho tới máy móc. Do đó, sự suy yếu của Trung Quốc ảnh hưởng tới các đối tác thương mại và các thị trường chứng khoán trên khắp thế giới.

Trong thời gian gần đây, giá cổ phiếu ở Thượng Hải và những nơi khác đã sụt giảm mạnh, một phần vì những mối lo ngại là nền kinh tế Trung Quốc không tăng trưởng nhanh như dự kiến của một số nhà đầu tư.

Sự yếu kém này làm các nhà đầu tư lo lắng. Và khi nhiều nhà đầu tư vì hoảng sợ mà mang cổ phiếu bán đi, giá cổ phiếu bị sút giảm. Sự sợ hãi đó trở nên trầm trọng hơn bởi mối lo ngại là tình hình thực tế còn tệ hại hơn những gì thấy được qua các dữ liệu do chính phủ công bố.

Ben Willis, một nhà mua bán chứng khoán ở thị trường New York, cho biết: "Trước đây chúng tôi nghĩ rằng kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với tỉ lệ 7%. Trên thực tế mức tăng trưởng chỉ vào khoảng phân nửa con số đó. Vì vậy, một sự sút giảm 50% có nghĩa là chúng ta phải định lại giá cả, và đó chính là những gì mà quí vị đang nhìn thấy trên các thị trường chứng khoán và thị trường nông khoáng sản".

Sự khuyếch trương nhanh chóng của các ngành công nghiệp quan trọng là một phần của sự tăng trưởng kinh tế trước đây chưa từng có của Trung Quốc. Nick Lardy, một chuyên gia về kinh tế Trung Quốc, cho biết so với hầu hết các nền kinh tế mới nổi khác, Bắc Kinh có một lợi thế trong việc đo lường sản lượng công nghiệp, đặc biệt là sản lượng của các công ty do nhà nước làm chủ. Tuy nhiên, theo ông Lardy, sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giờ đây phát xuất từ khu vực dịch vụ - trong đó có nhiều công ty nhỏ hơn, đa dạng hơn, do tư nhân làm chủ và khó theo dõi hơn.

Tất cả mọi thứ, từ bán lẻ cho tới bán sỉ, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ tài chính, kể cả bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán và quản lý tài sản. Ông Lardy nói rằng kinh doanh nhà hàng là một bằng chứng rõ ràng của sự tăng trưởng trong khu vực dịch vụ.

Ông Lardy nói các dữ liệu chính xác hơn sẽ giúp cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc có những quyết định đúng đắn hơn đối với các vấn đề kinh tế. Nhưng ông nói rằng nhóm nhân viên thu thập dữ liệu ở Trung Quốc là hết sức nhỏ bé khi so sánh với nền kinh tế 10.000 tỉ USD đang thay đổi nhanh chóng và mỗi ngày một đa dạng hơn.

Kiểm soát súng đạn tại Mỹ: vấn đề muôn thuở

Vụ sát hại hai nhà báo của đài CBS (Mỹ) ngày 26/8 đã gây chấn động nước Mỹ, đất nước được cho là có số người sử dụng súng đạn nhiều nhất thế giới. Và một lần nữa, vấn đề kiểm soát súng đạn tại Mỹ lại được đưa ra tranh cãi.

Bày tỏ nổi buồn trước cái chết của hai nhà báo truyền hình, hôm qua Tổng thống Mỹ Obama một lần nữa kêu gọi Quốc hội siết chặt đạo luật về kiểm soát bán vũ khí. Ông nhấn mạnh là số người chết vì súng đạn tại Mỹ cao hơn nhiều so với tổng số nạn nhân bị khủng bố giết hại.

Trong số các ứng cử viên đang tranh ghế tổng thống, bà Hillary Clinton từ bang Iowa là người đầu tiên yêu cầu phải có biện pháp ngăn chặn bạo lực: “Chúng ta cần phải làm điều gì đó về vũ khí cá nhân tại Mỹ. Tôi sẽ lao vào vấn đề này vì tuy có rất nhiều người hiểu chuyện, nhưng lại ngần ngại bởi vì khó khăn. Đây là một vấn đề chính trị và rất khó giải quyết ở nước Mỹ”.

Thống đốc tiểu bang Virginia, Terry McAuliffe, than phiền là đã có quá nhiều vũ khí tại Mỹ , thế mà bang Virginia lại là nơi mà luật lệ lỏng lẻo nhất.

Về phần các nhóm vận động hành lang ủng hộ giới sản xuất và buôn bán súng, họ tuyên bố trung bình mỗi ngày có 89 người tử vong vì đạn. 40% vũ khí bán ra không có kèm theo biện pháp kiểm soát xem khách hàng có tiền án tiền sự hay không".

Venezuela công bố bằng chứng Mỹ phá rối

Ngày 27/8, Chủ tịch Quốc hội Venezuela Diosdado Cabello tố cáo Quỹ Dân chủ Quốc gia (NED) của Mỹ hồi năm 2014 đã tài trợ 2 triệu USD cho lực lượng cánh hữu ở nước này để tiến hành các hoạt động bạo loạn, gây bất ổn tình hình an ninh.

Theo ông Cabello, số tiền này được sử dụng trong vụ bạo loạn kéo dài nhiều tuần hồi đầu năm ngoái khiến 43 người chết và 800 người bị thương.

NED cũng đã viện trợ cho một số đảng đối lập tiến hành các vụ đình công tại khu vực Guayana của nước này vào tháng 9/2014 khi năm học bắt đầu cũng như các vụ biểu tình tại các mỏ vàng ở bang Bolivar.

Ông Cabello cho rằng cựu Tổng thống Colombia Alvaro Uribe là kẻ thù số một của Venezuela cũng như các nước Mỹ Latinh và là người phải chịu trách nhiệm về các hoạt động tội phạm bán vũ trang tại khu vực biên giới giữa hai nước.

Quan chức này khẳng định mục tiêu ưu tiên tài trợ số một của NED là tại Cuba, với số tiền lên tới gần 3 triệu USD, tiếp đến là Venezuela, Bolivia (1,2 triệu USD) và Ecuador (1 triệu USD).

Ngân hàng nhiên liệu hạt nhân đầu tiên

Ngày 27/8, tại Astana, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và Kazakhstan đã ký thỏa thuận đặt ngân hàng uranium được làm giàu cấp độ thấp (LEU) đầu tiên trên thế giới tại quốc gia thuộc Liên xô cũ này để đảm bảo nguồn cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân và góp phần ngăn chặn phổ biến hạt nhân.

Thỏa thuận về việc thiết lập ngân hàng trên đã được ký kết giữa Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano với Ngoại trưởng Kazakhstan Erlan Idrissov. Theo thỏa thuận đó, ngân hàng chứa nguyên liệu thô để cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân này sẽ được xây dựng ở Ust-Kamenogorsk, Đông Bắc Kazakhstan, cách không xa nơi trước đây Liên xô từng dùng làm bãi thử nghiệm vũ khí hạt nhân.

Ngân hàng trên sẽ chịu sự quản lý theo luật pháp Kazakhstan, song công tác vận hành và quản lý toàn diện thuộc thẩm quyền của IAEA. Cơ sở dự trữ LEU trên, dự kiến đi vào hoạt động đầy đủ từ năm 2017, sẽ đảm bảo nguồn cung ổn định và có thể dự liệu trước cho các cơ sở điện hạt nhân của các nước thành viên IAEA, ngay cả khi các cơ chế cung cấp khác bị gián đoạn.

Cơ quan năng lượng hạt nhân dự trù vốn đầu tư ban đầu của ngân hàng là 150 triệu USD, bao gồm các khoản mua uranium làm giàu ở mức độ thấp và chi cho hoạt động trong 10 năm đầu tiên. Ngân hàng có khả năng tích trữ được 90 tấn nhiên liệu hạt nhân, đủ cung cấp cho lò phản ứng nước nhẹ có công suất 1000 megawat điện. Một lượng điện có thể cung cấp cho một thành phố lớn trong vòng 3 năm.

Sau năm 1989, Kazakhstan đã tự nguyện từ bỏ vũ kho khí hạt nhân được đánh giá là lớn thứ tư thế giới vào thời điểm đó. Bản thân quốc gia Trung Á này cũng là một trong những nước sản xuất uranium lớn nhất thế giới và có trữ lượng uranium chiếm 15% của thế giới. Tuy nhiên, Kazakhstan không có một nhà máy điện hạt nhân nào.

Hình ảnh ấn tượng

the-gioi-24h-trung-quoc-bi-to-danh-lua-gioi-dau-tu
Sáng 26/8, tại một ngã tư ở huyện Miễn, thành phố Hán Trung, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, cả trăm người dân cắm cúi nhặt những hạt mà họ cho là vàng.

G.K

Năng lượng Mới (Theo AP, Reuters, ABC News)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc