THẾ GIỚI 24H: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đến Trung Quốc để làm gì?

06:00 | 30/07/2015

4,617 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 29/7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tới Trung Quốc với nhiệm vụ nặng nề: Kêu gọi Bắc Kinh bán vũ khí, mang tiền sang Thổ đầu tư và “xí xóa” vụ căng thẳng người Duy Ngô Nhĩ.
THẾ GIỚI 24H: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đến Trung Quốc để làm gì?
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) tiếp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 29/7 tại Bắc Kinh

Ông Erdogan đã có cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào chiều 29/7 sau lễ đón chính thức.

Tại cuộc hội đàm, Tổng thống Erdogan kêu gọi Trung Quốc đầu tư nhiều hơn nữa vào Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ hiện bị thâm hụt lớn trong trao đổi thương mại với Trung Quốc, trao đổi mậu dịch đã giảm sụt trong 6 tháng đầu năm 2015.

Ngoài ra, ông Erdogan cũng mong muốn cùng Trung Quốc kết thúc tiến trình đàm phán để Thổ Nhĩ Kỳ mua tên lửa phòng không của Trung Quốc. Thương lượng từ 2013 nhưng đến giờ vẫn chưa đúc kết.

Cuối cùng, Tổng thống Erdogan cũng đề cập tới vấn đề Bắc Kinh đối xử với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Thổ Nhĩ Kỳ đã thường xuyên lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh. Cách nay không lâu, ngay đầu tháng 7 vừa qua, vào mùa chay Ramadan, Ankara đã triệu mời đại sứ Trung Quốc lên để phản đối việc Bắc Kinh giới hạn các sinh hoạt của người Duy Ngô Nhĩ vào mùa chay. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã bật đèn xanh để đón tiếp 170 người Duy Ngô Nhĩ chạy khỏi Tân Cương qua ngã Thái Lan, làm Trung Quốc bất bình không ít.

Ngay ông Erdogan trước đây, năm 2009, cũng đã từng lên tiếng tố cáo Bắc Kinh thực hiện một loại “diệt chủng” ở Tân Cương.

Người Duy Ngô Nhĩ có mối quan hệ mật thiết về tôn giáo, văn hóa và ngôn ngữ với người Thổ Nhĩ Kỳ.

Tờ báo Anh ngữ China Daily hôm qua cảnh cáo là nếu xấu đi thêm, vấn đề người Duy Ngô Nhĩ sẽ phá hỏng hai vấn đề kinh tế trên.

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ “lên sóng”? Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ “lên sóng”?
Trung Quốc - Thổ Nhĩ Kỳ bùng phát căng thẳng vì người Duy Ngô Nhĩ Trung Quốc - Thổ Nhĩ Kỳ bùng phát căng thẳng vì người Duy Ngô Nhĩ

TPP vào hồi quyết định

Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế 12 quốc tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chính thức khai mạc tại Hawaii, Mỹ ngày 29/7.

Đây được hy vọng là đợt đàm phán cuối cùng để các bên có thể đạt được một thoả thuận chính thức và đưa TPP đi vào triển khai thực hiện vì sang năm cả hệ thống chính trị Mỹ sẽ lao vào cuộc tranh cử tổng thống mới, khi đó chẳng có đang phái nào còn đầu óc mà bàn chuyện TPP. Mỹ là trụ cột của hiệp ước này.

Tất cả các phiên họp đều là các phiên họp kín. Những vấn đề gai góc nhất còn lại sẽ được các bộ trưởng thảo luận trong vài ngày tới: đó là xoá bỏ các rào cản về thương mại giữa các nước thành viên; quyền sở hữu trí tuệ; thời hạn bảo hộ quyền sáng chế dược phẩm y tế; cải tổ cơ chế bảo hộ doanh nghiệp Nhà nước, quyền lợi của người lao động.

Đến lúc này, Mỹ và Nhật, hai nền kinh tế lớn nhất của TPP về cơ bản đã vượt qua được những bất đồng trong đàm phán song phương. Đây được coi là một động lực rất lớn để thúc đẩy đàm phán chung giữa các bên.

Nga sai lầm khi cho dự trữ vàng thay USD?

Theo báo Die Welt của Đức ngày 28/7, dự trữ vàng và ngoại hối của Nga đã thiệt hại khoảng 15 tỷ USD do những nỗ lực của Điện Kremlin nhằm giảm vai trò của đồng đôla Mỹ (USD).

Theo báo trên, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thực hiện một tính toán chiến lược sai lầm khi đặt cược vào việc tăng đáng kể dự trữ vàng trong tổng dự trữ ngoại hối của Liên bang Nga, trong khi giá kim loại quý này đang giảm giá và sẽ tiếp tục mất giá.

Các tác giả bài báo cho rằng: "Trong vài năm qua, ông Putin đã đặt mục tiêu giảm phụ thuộc vào Phương Tây bằng cách thay thế dự trữ ngoại tệ đồng USD bằng vàng."

Loại tiền tệ quan trọng thứ hai trên toàn cầu là đồng euro, sau khi cuộc khủng hoảng ở Crimea nổ ra, đồng tiền này đã không còn được Moskva xem như đối tượng để đầu tư."

Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc cho tới nay vẫn chưa thể tự do chuyển đổi nên không phù hợp là đồng tiền dự trữ. Vì vậy, theo tờ báo, ông Putin chỉ còn một lựa chọn là vàng.

Theo Die Welt, từ năm 2007, Nga đã tăng gấp ba lượng vàng dự trữ, từ 400 tấn lên 1.275 tấn như hiện nay. Chỉ vài tháng trước, Nga mua hơn 24 tấn vàng và hiện Nga là nước có dự trữ kim loại quý lớn thứ 6 trên thế giới, chỉ sau Mỹ, Đức, Italy, Pháp và Trung Quốc. Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2014, vàng đã giảm khoảng 1/5 giá trị. Kết quả là, Nga đang bị "lỗ nặng".

Tờ báo nhận định rằng kế hoạch ban đầu của ông Putin là từ bỏ các đồng tiền chủ chốt của phương Tây đã đổ vỡ, nhưng Điện Kremlin cũng không thể quay trở lại. Bài báo kết luận: "Ông Putin, trên thực tế, đã rơi vào cái bẫy dự trữ vàng".

“Ủy ban giải cứu Ukraina” có cứu được Ukraina?

Cựu Thủ tướng Ukraina Mykola Azarov thông báo sẽ thành lập "Ủy ban giải cứu Ukraina". Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraina đã vượt ra khỏi tầm quyết định của các chính khách “nội địa” thì liệu một chính phủ lưu vong có thể cứu nổi Ukraina?

Theo trang tin Gazeta.ru, Thư ký báo chí của ông Azarov, Sergei Zavorotny cho biết hội nghị vào hôm nay (30/7) sẽ đưa ra một ứng cử viên thay thế đương kim Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko.

Hội nghị này sẽ diễn ra tại khách sạn Ukraina ở thủ đô Moskva, Nga.

Gazeta.ru lưu ý nhiệm vụ của ủy ban trên là đưa ra một chính phủ thay thế chính quyền hiện hành ở Kiev. Ủy ban sẽ bao gồm các cựu nghị sỹ Đảng Các khu vực là Igor Markov, Vladimir Oleinik và Oleg Tsarev. Ông Azarov có thể đứng đầu Chính phủ lưu vong Ukraina này.

Trước đó, cựu Thủ tướng Azarov từng tuyên bố coi chính phủ hiện tại ở Kiev là phi pháp.

Mykola Yanovych là một chính trị gia người Nga, đảng viên Đảng Các Vùng của Ukraina. Ông lên làm Thủ tướng Ukraina vào ngày 11/3/2010, và cũng được bầu làm chủ tịch đảng Các Vùng, thay thế Viktor Yanukovych khi ông ta đắc cử Tổng thống Ukraina vào năm 2010. Azarov từ chức thủ tướng trong cao trào đợt biểu tình Euromaidan vào ngày 28/1/2014.

Tháng 7/2014, Cơ quan An ninh (SBU) Ukraina đã phát lệnh truy nã cựu Thủ tướng Mykola Azarov. Theo báo Kiev Post, SBU thông báo ông Azarov bị buộc tội lạm dụng chức quyền và sẽ phải đối mặt với án tù từ bảy đến 10 năm.

Ngày 28/7, Tổng công tố Ukraina, Viktor Shokin thông báo bắt đầu xét xử vắng mặt 6 cựu quan chức Ukraina, trong đó có cựu Tổng thống Viktor Yanukovych. Ông Yanukovych bị buộc tội có “hành động nhằm thay đổi trật tự hiến pháp, chiếm hữu chính quyền nhà nước trong các sự kiện ở Maidan và lạm dụng quyền lực dẫn đến hậu quả nghiêm trọng".

Triều Tiên không từ bỏ phát triển vũ khí hạt nhân

Triều Tiên sẽ không từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân. Đây là tuyên bố của Đại sứ Triều Tiên tại LHQ đưa ra ngày 28/7.

Phát biểu trong buổi họp báo tại trụ sở LHQ tại New York, Mỹ, đại sứ Triều Tiên Jang Il Hun cho biết, CHDCND Triều Tiên không bị ràng buộc bởi bất kỳ hiệp ước nào ngăn cản nước này phát triển vũ khí hạt nhân.

Ông Jang Il Hun cũng nhấn mạnh thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 không ảnh hưởng gì đến Triều Tiên và nước này sẽ tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân. Mặc dù Triều Tiên vẫn giữ thái độ kiên quyết trong vấn đề hạt nhân nhưng theo ông Sydney Seiler, đặc phái viên của Mỹ, cuộc đàm phán 6 bên về việc chấm dứt chương trình hạt nhân của Triều Tiên vẫn sẽ được tiếp tục.

Trước đó, Hội đồng Bảo an LHQ đã ra nghị quyết cấm Triều Tiên tiến hành các thử nghiệm công nghệ tên lửa đạn đạo.

Hình ảnh ấn tượng

Hàng trăm lá cờ của Cuba tung bay phía trước tòa đại sứ Mỹ ở Havana

G.K

Năng lượng Mới

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc