THẾ GIỚI 24H: Tỉ phú Trung Quốc mất tích bí ẩn

08:59 | 12/12/2015

1,047 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Quách Quảng Xương, ông chủ tập đoàn Phục Tinh Trung Quốc, chủ nhân mới của công ty du lịch của Pháp Club Med, mất tích đột ngột. Ban giám đốc chỉ thông báo đại gia Quách Quảng Xương vắng mặt mà không giải thích lý do.
the gioi 24h ti phu trung quoc mat tich bi an
Tỉ phú Trung Quốc Quách Quảng Xương

Sự vắng mặt đột ngột của Quách Quảng Xương đã làm dấy lên nhiều câu hỏi trong cuộc điều tra nghi vấn tham nhũng. Cũng trong ngày hôm qua, tất cả cổ phiếu của các công ty thuộc tập đoàn Phục Tinh đã bị giữ lại.

Theo AFP, tạp chí kinh doanh Kinh Tài cho biết trên trang web của họ rằng Quách Quảng Xương, 48 tuổi, người được mệnh danh là "Warren Buffett" của Trung Quốc, đã hoàn toàn không còn liên lạc được kể từ hôm 10/12 vừa qua.

Cũng theo AFP, cảnh sát đã dẫn giải Quách Quảng Xương tại một trong những sân bay Thượng Hải, nhưng không nói rõ là ông ta đang bị điều tra hay tham dự trong cuộc thẩm vấn.

Theo tin tức từ Tân Hoa Xã thì nói rằng rất nhiều nguồn tin cho biết sự biến mất của vị tỷ phú này là do ông ta liên quan trong một cuộc điều tra của nhà chức trách.

Quách Quảng Xương là người giàu thứ 17 trên thế giới với số tài sản lên đến 5 tỷ 6 trăm triệu USD, theo tin từ Bloomberg. Ông ta cũng là thành viên của Hội Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc.

Phục Tinh là một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất Trung Quốc. Trong đó, Fosun International là công ty con có tài sản ròng là 50 tỷ nhân dân tệ, tương đương 7 tỷ 8 trăm triệu USD.

Phục Tinh tham gia đầu tư bất động sản, tài chính, dược phẩm, sắt thép và cả công nghệ giải trí. Đặc biệt tập đoàn này rất chú ý việc sở hữu tài sản ở châu Âu và Bắc Mỹ.

COP21 thất bại?

Hôm qua 11/12, mặc dù đã trải qua thêm một đêm đàm phán căng thẳng, thỏa thuận toàn cầu của hội nghị thượng đỉnh thế giới về khí hậu COP21 đã không được trình đúng thời hạn dự kiến. Chủ tịch COP21 Laurent Fabius tuyên bố một dự thảo chính thức sẽ được đưa ra vào sáng nay 12/12. Theo nhiều nhà quan sát, trong cuộc tranh luận đêm qua, nhiều nước chủ chốt đã kiên quyết không nhân nhượng về nhiều vấn đề chính.

AFP dẫn lại các nguồn tin có mặt trong phiên họp kín kéo dài suốt đêm cho đến đến 6 giờ sáng nay tại trung tâm hội nghị Le Bourget, theo đó, nhiều nước như Trung Quốc và các quốc gia dầu mỏ vùng Vịnh đã tỏ ra rất cứng rắn. Theo Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, có ba chủ đề gây bất đồng lớn. Thứ nhất là việc chia sẻ nỗ lực giảm khí thải giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển, thứ hai là đóng góp tài chính và thứ ba là mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ.

Khoảng 100 quốc gia đòi hỏi giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp được, đặc biệt là các đảo quốc, đang bị nạn nước biến dâng cao đe dọa. Tuy nhiên, mục tiêu này bị một số quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn như Arập Xê Út và Nga phản đối quyết liệt.

Thời hạn xem xét theo hướng gia tăng nỗ lực giảm khí thải, để thúc đẩy quá trình chuyển sang nền kinh tế xanh, bị đẩy đến năm 2025, theo dự thảo mới. Lịch trình này là quá chậm, theo các tổ chức bảo vệ môi trường.

Về phương diện tài chính, Arập Xê Út và Iraq bác bỏ nguyên tắc đánh thuế cacbon, trong khi đó, Mỹ, EU hay Úc cho rằng phần đóng góp của các nước phát triển là “quá lợi cho các nước đang phát triển”, theo chuyên gia Pháp Pascal Canfin. Nhật Bản hay Thụy Sĩ không chấp nhận thỏa thuận đi quá xa về mặt này. Theo Thụy Sĩ, các nước phát triển không thể gánh “trách nhiệm lịch sử” một cách vô giới hạn.

Hàn Quốc-Triền Tiên sắp thống nhất?

Sau gần hai năm gián đoạn, Triều Tiên và Hàn Quốc tổ chức đàm phán cấp cao từ hôm 11/12. Cuộc gặp được đánh giá là một dấu hiệu tích cực cho quan hệ hai miền, tuy nhiên những người am hiểu hồ sơ này có một thái độ lạc quan chừng mực.

Đàm phán cấp thứ trưởng Hàn Quốc – Triều Tiên diễn ra tại khu công nghiệp liên Triều Kaesong ở Triều Tiên, nơi được coi là một biểu tượng hiếm có cho hợp tác hai miền. Thứ trưởng Hwang Boo-Gi, trưởng đoàn Hàn Quốc, bày tỏ hy vọng đây sẽ là một bước đi căn bản mở ra quá trình tái thống nhất, và hai phía sẽ lần lượt giải quyết các vấn đề tồn đọng.

Về phần mình, trưởng đoàn Triều Tiên Jon Jong-su khẳng định với những lời lẽ văn hoa: các đàm phán sẽ cho phép vượt qua nhiều thập niên ngờ vực và đối đầu, cho phép làm tan đi các biên giới, lấp đầy các rạn nứt, để hai bên cùng xây dựng một con đường mới.

Hiện thời, hai phía chưa đưa ra lịch trình cho đàm phán tại Kaesong, tuy Bình Nhưỡng và Seoul đều có mục tiêu rõ ràng. Chính quyền Triều Tiên mong muốn khách du lịch Hàn Quốc trở lại thăm núi Kim Cương, hoạt động vốn bị đình chỉ từ năm 2008.

Trong khi đó, Seoul muốn Triều Tiên cho phép các thân nhân Triều Tiên ly tán, do chiến tranh và do hai miền bị chia cắt, được hội ngộ thường xuyên hơn. Cho đến nay, rất ít trong số những người có thân nhân bên kia giới tuyến được hưởng cơ hội này. Người Hàn Quốc nằm trong danh sách chờ hội ngộ hầu hết đều đã rất lớn tuổi, phần lớn đều không hy vọng được thấy lại người thân trước khi qua đời.

Vấn đề nhạy cảm nhất trong quan hệ Liên Triều là chương trình hạt nhân quân sự Triều Tiên. Theo giáo sư Kim Keun-Shik, chuyên gia về Triều Tiên, Seoul có thể nêu ra vấn đề này, nhưng việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên cần được nhìn nhận như là một mục tiêu cuối cùng của đối thoại liên Triều, chứ không phải là một điều kiện tiên quyết.

Nhìn chung, theo các nhà quan sát, các đàm phán vừa khởi sự sẽ chỉ có kết quả tích cực ở chỗ hai bên sẽ đồng ý tiếp tục đối thoại và có những lời lẽ hòa giải, tạo điều kiện cho hợp tác tương lai. Nhà phân tích Cheong Seong-Chang, Viện Sejong, Seoul, dự đoán cuộc gặp lần này là một bước quan trọng cho các thương thuyết trong năm tới.

Chứng khoán toàn cầu trên bờ vực suy trầm

Thị trường chứng khoán toàn cầu hôm qua trên bờ vực suy trầm sau hai tháng tăng trưởng chậm, trong lúc giá dầu tiếp tục xuống thấp, đồng nhân dân tệ Trung Quốc cũng rớt nhẹ vào khi đã mất giá liên tục trong vòng 4 năm rưỡi vừa qua.

Đó là những nguyên nhân khiến tình hình không mấy sáng sủa, đặc biệt khi những định chế tài chính và những khối tiêu thụ lớn có nhiều ảnh hưởng đến giá cả thị trường thế giới đang nghe ngóng động tĩnh về việc điều chỉnh lãi suất của Quĩ Dự Trữ Liên Bang Mỹ tuần tới.

Chỉ số chứng khoán thế giới suy giảm bước sang ngày thứ năm kéo theo sự suy giảm của các thị trường có thế mạnh, đồng EU phải chật vật đối phó trong lúc đồng đô la có phần vững vàng hơn.

Chuyên gia chiến lược của Rabobank ở London, ông Piotr Matys, bày tỏ sự bi quan trước những biến chuyển mới nhất này trên thị trường chứng khoán, nói rằng giá dầu thế giới xuống thấp thêm nữa cùng lúc với sức mua giảm, sự lung lay của thị trường chứng khoán toàn cầu trong những ngày tới là điều không thể tránh khỏi.

Tin mới nhất từ Ngân Hàng Trung Ương Nga cho thấy đồng rúp của Nga đã giảm 2% so với đồng USD.

Hình ảnh ấn tượng

the gioi 24h ti phu trung quoc mat tich bi an
Nghị sĩ Oleg Barna bế xốc Thủ tướng Ukraina Arseny Yatseniuk khỏi bục phát biểu sau khi tặng cho ông ta một bó hoa hồng, trong một phiên họp của quốc hội ở Kiev. Một số nghị sĩ đã ẩu đả ngay sau vụ việc.

G.K

Theo AFP. AP, Reuters, RIA Novosti