THẾ GIỚI 24H: Thấy gì từ Chiến lược quân sự quốc gia Mỹ năm 2015?

06:00 | 03/07/2015

1,307 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong tài liệu định hướng Chiến lược quân sự quốc gia năm 2015, công bố ngày 1/7, Mỹ nêu rõ tên 4 nước bị coi là mối đe dọa đối với lợi ích an ninh của mình. Đó là Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên. Tài liệu này ngay lập tức đã bị chỉ trích.

Trong chiến lược an ninh quốc gia mới, Mỹ vẫn khẳng định Nga là đối thủ nguy hiểm nhất

Trong bản định hướng Chiến lược quân sự quốc gia năm 2015, dày khoảng 20 trang, Mỹ ủng hộ sự vươn lên của Trung Quốc và khuyến khích Bắc Kinh trở thành đối tác góp phần giúp thế giới an ninh hơn. Tuy nhiên, tài liệu của Mỹ không ngần ngại tố cáo: “Yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên hầu như toàn bộ Biển Đông không phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Đối với Bộ Quốc phòng Mỹ, điều rất đáng lo ngại là hoạt động “hung hăng” xây dựng đảo nhân tạo mà Bắc Kinh tiến hành tại Biển Đông, cho phép Trung Quốc “bố trí lực lượng quân sự ngay giữa các tuyến hàng hải quốc tế quan trọng”.

Theo Lầu Năm Góc, các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông rõ rằng là đã khiến cho tình hình khu vực châu Á-Thái Bình Dương thêm căng thẳng.

Liên quan đến nước Nga, bản Chiến lược Quân sự 2015 của Mỹ ghi nhận là Matxcơva đã “nhiều lần cho thấy là hộ không tôn trọng chủ quyền của các nước láng giềng và sẵn sàng sử dụng vũ lực để đạt được mục tiêu của mình”.

Đối với Mỹ, các hành động quân sự do Nga trực tiếp tiến hành và thông qua các lực lượng thân Nga đang phá hoại an ninh khu vực. Báo cáo nhận mạnh đến sự hiện diện của lính Nga trong cuộc xung đột ở Ukraina, cho dù Matxcơva luôn luôn phủ nhận là họ đã triển khai quân đội ở miền đông Ukraina để yểm trợ cho phiến quân đòi ly khai.

Trong ấn bản trước đây, công bố năm 2011, tài liệu Chiến lược Quân sự Quốc gia của Mỹ nói rất ít về Nga. Ngoài Trung Quốc và Nga, Chiến lược quân sự 2015 của Mỹ cũng cũng chú ý đến Iran và Triều Tiên, nêu bật năng lực tên lửa hạt nhân và tên lửa đạn đạo của hai nước này, được xếp vào danh sách các quốc gia đặt ra “các mối quan ngại nghiêm trọng về mặt an ninh cho Mỹ và các đồng minh”.

Tuy vậy, tài liệu vẫn trấn an: “Không một quốc gia nào trong số kể trên có dấu hiệu muốn tìm kiếm một cuộc xung đột quân sự trực tiếp với Mỹ và các đồng minh của mình”.

Ngày 2/7, Nga tuyên bố chiến lược quân sự mới của Mỹ là mang tính đối đầu và sẽ không giúp cải thiện quan hệ với Nga. Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov đã bày tỏ lấy làm tiếc trước những ngôn từ được sử dụng trong chiến lược này của Mỹ, đồng thời khẳng định nó thể hiện một "thái độ đối đầu, quan điểm thiếu khách quan đối với đất nước chúng tôi (Nga)".

Dự thảo hiếp pháp mới của Ukraina gây tranh cãi

Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko ngày 1/7 đã công bố những đề xuất thay đổi trong hiến pháp để trao quyền hạn lớn hơn cho các khu vực, nhưng kiên quyết không đáp ứng đòi hỏi của các khu vực đòi độc lập ở miền Đông Ukraina.

Bản dự thảo hiến pháp mới sẽ giảm bớt sự kiểm soát của Tổng thống đối với các tỉnh và trao quyền rộng hơn cho các địa phương trong việc giám sát chi tiêu từ các khoản thu thuế của những vùng này.

Tuy nhiên, bản dự thảo này không bổ sung quy chế "bán tự trị" cho một số vùng theo như yêu cầu của lãnh đạo các khu vực đòi độc lập, vốn đang kiểm soát một khu vực công nghiệp khoảng 3,5 triệu dân và ước tính chiếm tới 1/10 sản lượng kinh tế của đất nước Ukraina.

Ngày 2/7, Nga đã chỉ trích các nội dung sửa đổi hiến pháp Ukraina, cho rằng chính quyền Kiev đã hoàn toàn phớt lờ những yêu cầu của lực lượng ly khai thân Moskva. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Grigory Karasin nói: "Chính quyền Kiev nói rất nhiều về cải cách nhưng họ hoàn toàn phớt lờ những đề xuất về tất cả các vấn đề cải cách chính trị đang được các đại diện của Donetsk và Lugansk thúc đẩy".

Trong khi đó, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng tố cáo Kiev vi phạm thỏa thuận hòa bình đạt được hồi tháng 2 bằng việc tìm cách sửa đổi hiến pháp mà không xem xét ý kiến của các lãnh đạo ly khai.

Sửa đổi Hiến pháp Ukraina là một trong các điều kiện của thỏa thuận Minsk nhằm giải quyết tình hình ở Donbass.

Quan hệ Mỹ-Đức lại gặp sóng gió

Báo chí châu Âu hôm qua tiết lộ những hoạt động cụ thể của cơ quan an ninh tình báo Mỹ NSA. Theo đó, Chính phủ Đức đã bị đồng minh nghe lén ồ ạt từ nhiều năm qua. Hầu hết các bộ và nhân vật quan trọng đều bị Mỹ theo dõi với sự hợp tác của tình báo Đức.

69 số điện thoại bị cài máy nghe. Tổng cộng 4 bộ quan trọng: Nông nghiệp, Tài chính Kinh tế và Ngoại giao và hầu hết các chính khách quan trọng ở Đức đều được đồng minh Mỹ chú ý theo dõi. Tình báo Mỹ đặc biệt quan tâm đến Thủ tướng Angela Merkel và một số cộng sự viên thân cận.

Một phần điệp vụ nghe lén này đã được thực hiện từ thập niên 1990 trước khi khi xảy ra vụ Al Qaida khủng bố 11/9 đưa đến biện pháp hợp tác chặt chẽ hơn giữa hai cơ quan an ninh Mỹ-Đức.

Tiết lộ của báo chí sẽ đặt chính phủ Đức dưới sức ép của công luận. Bị giới phóng viên chất vấn ngày hôm 1/7, chính phủ Đức từ chối phản ứng, nhưng khó có thể được yên. Đối lập Đức sẽ không bỏ qua cơ hội khai thác vụ tai tiếng này nhất là trong khuôn khổ ủy ban điều tra Quốc hội đặc trách hồ sơ gián điệp này.

Theo thông tin mới nhất, Chính phủ Đức ngày 2/7 đã "mời" Đại sứ Mỹ tại Đức John Emerson tới Văn phòng Thủ tướng để nói chuyện về bê bối do thám vừa được các báo công bố.

Hình ảnh ấn tượng

Mọi người tham gia sự kiện bơi công cộng hàng năm trong hồ Zurich tại Zurich, Thụy Sĩ

G.K

Năng lượng Mới