THẾ GIỚI 24H: Tham nhũng hay đấu đá chính trị ở Malaysia?

07:00 | 31/08/2015

1,371 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những người chống đối tiếp tục tuần hành sang ngày thứ hai trong cuộc biểu tình đòi Thủ tướng Malaysia Najib Razak từ chức vì những cáo buộc tham nhũng. Có động cơ chính trị nào trong vụ này?
the-gioi-24h-tham-nhung-hay-dau-da-chinh-tri-o-malaysia-1
Biểu tình ở thủ đô Kuala Lumpur đòi Thủ tướng Najib Razak từ chức, ngày 30/8/2015

Theo AFP, từ sáng sớm hôm 30/8, hàng ngàn người mặc áo vàng đã từ khắp nơi kéo về trung tâm thủ đô Malaysia theo lời kêu gọi của phong trào xã hội công dân Bersih. Sau ngày biểu tình hôm qua, người dân Malaysia tiếp tục cuộc tranh đấu phối hợp diễn văn, ca hát, cầu nguyện trong không khí lễ hội, ôn hòa.

Vụ tai tiếng biển thủ một số tiền tương đương với 700 triệu USD của Thủ tướng Razak là giọt nước tràn ly. Hôm qua, Thủ tướng tiền nhiệm Mahathir Mohamad, đã 90 tuổi, cũng xuất hiện cùng với đoàn biểu tình, tố cáo nhà lãnh đạo tham ô và khuyên ông Najib Razak nên từ chức.

Cảnh sát Malaysia cho rằng có âm mưu gây bất ổn chính trị. Cựu thủ tướng nắm quyền lâu năm nhất ở Malaysia, ông Mahathir Mohamad, đã gay gắt chỉ trích ông Najib, nhân vật ông đích thân chọn làm người kế nhiệm, vì đã không thể biến Malaysia thành một quốc gia thực sự phát triển, làm nước này mất tín nhiệm trên thế giới.

Giáo sư James Chin là giám đốc của Trung tâm châu Á của Đại học Tasmania. Ông nói: “Tất cả các câu chuyện mà ta nghe về vấn đề tham nhũng, thủ tướng, vợ thủ tướng, cũng như chuyện hàng triệu USD bị bòn rút khỏi các công ty của nhà nước là một phần của cuộc đấu đá chính trị giữa cựu Thủ tướng Mahathir và Thủ tướng đương nhiệm Najib Razak”.

Tỷ phú Mỹ nói về kinh tế Trung Quốc

Trả lời phỏng vấn nhật báo Le Figaro, nhà tỷ phủ Ray Dalio, người sàng lập quỹ đầu tư hàng đầu Bridgewater, cho biết tăng trưởng Trung Quốc sẽ không thể vượt quá 4,5%, và Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ phải chú ý đến tình hình mới này. Thị trường chứng khoán Thượng Hải mất 37% trong hai tháng, cho thấy những thách thức to lớn về mặt cơ cấu mà Trung Quốc phải đối mặt.

Đối với ông Dalio, Trung Quốc cần cấu trúc lại kinh tế và món nợ của mình, đã phình lên nhanh hơn thu nhập và từ lâu rồi, vì tín dụng không được sử dụng một cách đúng đắn, hiệu quả. Các ngân hàng chính của Trung Quốc đã cho vay trong những lãnh vực không sử dụng tiền một cách hữu hiệu, như doanh nghiệp Nhà nước, chính quyền địa phương.

Theo phân tích của ông Dalio, để đánh giá mức độ tái cấu trúc thì phải thấy là 7% trong tỉ lệ 10% tăng trưởng hàng năm từ 10 năm qua là không thể tiếp tục được nữa, vì có 3% là do đầu tư thái quá vào hạ tầng cơ sở, 3% là nhờ xuất khẩu tăng – thế nhưng xuất khẩu Trung Quốc không thể tiếp tục tăng như thế vì giá thành công nghiệp Trung Quốc đã tăng - 1% còn lại là nhờ xây dựng nhà ở, một lãnh vực cũng đang bị chậm lại.

Dĩ nhiên các khó khăn vẫn có thể vượt qua được nhưng đó là điều rất tế nhị. Cũng như những người được ghép tim, phần đông đều tai qua nạn khỏi và sống được, nhưng lúc ban đầu họ rất yếu trước khi mạnh khỏe hơn lên, Trung Quốc cũng trong tình trạng này. Chính quyền Trung Quốc có thể làm gì? Trước tiên theo ông Dalio, nợ Trung Quốc có thể khống chế được vì là bằng đồng nhân dân tệ. Việc tái cấu trúc kinh tế là một mục tiêu thực tế nếu có những cải tổ, tạo điều kiện cho việc thiết lập những cơ chế thị trường và phải linh hoạt. Mỹ trước đây đã mất đi ngành luyện thép, và nhiều công nghiệp khác, rất đau đớn, nhưng kết quả là một nền kinh tế lành mạnh hơn.

Trung Quốc có tiềm năng to lớn nếu biết xử lý tốt các vấn đề, nhưng kinh tế Trung Quốc sẽ yếu đi trong những năm tới đây, và thế giới sẽ bị tác động, có thể đặt ra nhiều vấn đề nghiêm trọng nếu tình hình không được khống chế.

Theo đánh giá của ông Dalio, cũng không cần đợi lâu, trong năm 2015 và 2016 kinh tế Trung Quốc sẽ yếu đi.

Hiện nay, theo ước tính của giới tài chính – trong đó có ông - tăng trưởng hàng năm của Trung Quốc là khoảng 4,5%, và đó là cũng dựa trên các nỗ lực hỗ trợ đang được thực hiện. Nhưng vấn đề thực sự là chất lượng của tăng trưởng này. Những khoản tiền to lớn sẽ được chi trong những đề án công cộng mà hiệu quả không là bao.

Nếu có những cải tổ trong chiều hướng tự do hóa, thì tăng trưởng có thể được đẩy mạnh trong vài năm tới, nhưng trong ngắn hạn thì Trung Quốc sẽ kềm hãm kinh tế thế giới, các nước xuất khẩu nguyên liệu sẽ bị tác động nặng nề. Thế giới sẽ bước vào thời kỳ ảm đạm trên thị trường nguyên liệu.

Mexico: 2.500 người mất tích mỗi năm

Số người bị mất tích tại Mexico lên đến hàng chục ngàn. Tình trạng này đã trở nên nghiêm trọng hơn, kể từ năm 2007, vào thời điểm chính quyền Mexico phát động chiến dịch triệt hạ các tổ chức buôn ma túy.

Kể từ cuối năm 2012, khi ông Enrique Peña Nieto nhậm chức Tổng thống, chính quyền Mexico vẫn không ngăn chặn được vòng xoáy của bạo lực. Các vụ bắt cóc thủ tiêu lại có chiều hướng tăng thêm.

Hơn 25.000 người bị mất tích trong vòng chưa đầy 10 năm. Đây là số liệu chính thức do chính quyền công bố, nhưng theo giới chuyên gia, con số này có lẽ thấp hơn nhiều so với thực tế. Cho tới giờ, chưa ai tìm lại được những người bị mất tích, không ai biết được là họ còn sống hay đã chết, và kẻ nào đứng đằng sau các vụ này.

Trong đa số các trường hợp, các đường dây buôn ma túy bị tình nghi là đã bắt cóc thủ tiêu các nạn nhân, rồi phi tang các bằng chứng. Thế nhưng, trong một số trường hợp, các lực lượng của chính quyền Mexico cũng có dính líu vào các vụ mất tích như vậy.

Liệu cảnh sát có móc ngoặc với các băng đảng tội phạm? Hiện tượng này đã bị phơi bày trước ánh sáng vào tháng 9/2014 với vụ tai tiếng liên quan tới 43 sinh viên Ayotzinapa bị mất tích. Ngành tư pháp tình nghi là chính các cảnh sát địa phương đã bắt cóc các sinh viên này trước khi giao nộp họ cho các tay trùm buôn ma túy. Chính quyền đã tuyên bố là 43 sinh viên là nạn nhân của các tổ chức buôn ma túy, nhưng kết luận này chẳng thuyết phục được ai.

Gần một năm sau, vụ bắt cóc 43 sinh viên vẫn chưa được làm sáng tỏ. Nhưng không ai còn hy vọng là những thanh niên này sống sót. Trong đa số các trường hợp, chính quyền Mexico không tiến hành điều tra cặn kẻ để tìm hiểu người bị mất tích còn sống hay đã chết.

Ngay đến khi người ta phát hiện các thi hài trong những hố chôn tập thể, các cuộc giảo nghiệm tử thi cũng ít khi nào mang lại kết quả. Cho tới giờ, chính quyền Mexico vẫn chưa lập ra một cơ sở thu thập các mẫu xét nghiệm, để có thể đối chiếu so sánh DNA của nạn nhân với gia đình thân nhân của họ

Venezuela khủng hoảng tiền mặt

Trong những tháng gần đây, chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro đã giảm những món tiền nợ hàng tỉ USD, đổi lấy việc chi trả ngay lập tức bằng tiền mặt.

Đất nước có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới nhưng đang chìm trong khủng hoảng, đã phải chấp nhận xóa đến 2 tỉ USD nợ tiền dầu lửa cho Jamaica, và 1,5 tỉ USD – cũng là tiền bán dầu – cho Cộng hòa Dominica. Bên cạnh đó, còn giảm 38% trên tổng số nợ 400 triệu USD mà công ty nhà nước Ancap của Uruguay còn thiếu.

Ngoài ra, chính quyền Caracas còn cầm cố trữ lượng vàng của Venezuela lấy 1,5 tỉ USD; cho phát hành trái phiếu và thương lượng vay 2,5 tỉ USD thông qua Citgo, chi nhánh lọc dầu đặt tại Mỹ của tập đoàn dầu khí quốc doanh PDVSA – nguồn tài chính hàng đầu của đất nước.

Các vụ bán mua vội vã và phát hành trái phiếu đi kèm với việc siết chặt nhập khẩu (-50% từ 2013 đến 2015), là nhằm chi trả nhiều triệu USD cho các nhà cung cấp hàng hóa và dịch vụ nước ngoài, như các công ty hàng không chẳng hạn. Và trong thời điểm giá dầu lao dốc vùn vụt, thu nhập từ bán dầu lửa chủ yếu dành cho việc trả nợ cho các chủ nợ quốc tế cũng giảm theo.

Ngoài ra, Venezuela cũng phải thanh toán 6 tỉ USD vốn và lãi trong năm 2015. Asdrubal Oliveros, giám đốc cơ quan tư vấn Ecoanalitica nhấn mạnh, với giá trung bình một thùng dầu thô là 47 USD trong năm nay, Venezuela thiếu mất 23 tỉ USD để quân bình cán cân thanh toán. Trong khi đó dự trữ ngoại hối của đất nước giảm 25% so với năm ngoái.

Hình ảnh ấn tượng

the-gioi-24h-tham-nhung-hay-dau-da-chinh-tri-o-malaysia
Một người biểu tình đeo mặt nạ đầu lâu tham gia vào một cuộc biểu tình tại thành phố Mexico để đánh dấu 11 tháng những sinh viên biến mất của họ. Sự biến mất của sinh viên vào đêm 26/9/2014, tại thành phố phía tây nam Iguala de la Independencia, khơi ra những cuộc biểu tình lớn ở Mexico và những lời kêu gọi công lý.

G.K

(Tổng hợp từ AFP, Le Monde)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc