THẾ GIỚI 24H: Tham nhũng đe dọa quyền lực

06:00 | 15/07/2015

838 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong khi Thủ tướng Malaysia bị tố biển thủ công quỹ 750 triệu USD thì tại châu Âu, Thủ tướng Rumani đã bị cáo buộc về tội tham nhũng.

Thủ tướng Victor Ponta sau khi rời văn phòng công tố ở Bucarest, Romania, ngày 13/7

Ngày 13/7, Viện Công tố Romani đã truy tố Thủ tướng Victor Ponta về tội tham nhũng và phong tỏa tài sản của ông ta, tạo thêm áp lực buộc ông phải từ chức.

Các công tố viên nói rằng ông Ponta bị truy tố về nhiều tội, kể cả tội trốn thuế, rửa tiền, có hành động khiến việc công tư lẫn lộn và khai gian trong khi còn là một luật sư năm 2007 và 2008.

Công tố viện cũng cho hay họ tạm thời phong tỏa tài sản cá nhân của ông Ponta, gồm cả phần hùn trong một căn nhà, một căn chung cư và một số trương mục ngân hàng. Ông Ponta bán hai căn chung cư hồi tháng 5/2015 với giá 150.000 euro và một chiếc xe.

Ông Ponta, người lên cầm quyền năm 2012, là Thủ tướng Romani đầu tiên bị truy tố và bị phong tỏa tài sản khi còn tại chức.

Cáo buộc cũng gồm cả việc ông Ponta khai gian chi phí để lấy tiền bồi hoàn vào khoảng 45.000 USD từ văn phòng luật của đồng minh chính trị Dan Sova.

Ông Victor Ponta, 42 tuổi, đã bày tỏ sự vô tội của mình và chứng tỏ rằng các cáo buộc liên quan đến ông ta đều không có cơ sở. Theo nguồn tin tư pháp, hôm 14/7, ông Ponta đã từ chối trả lời các câu hỏi của các nhà biện lý, bằng cách biện luận là đợi các kết luận của bản giám định tài chính kế toán của tổ chức tư pháp.

Trong khi ấy tại châu Á, ngày 14/7, cảnh sát Malaysia cho hay thành lập đơn vị đặc biệt điều tra sau khi có tin một số tiền khổng lồ trong ngân sách đầu tư nhà nước lọt vào tài khoản ngân hàng riêng của Thủ tướng Najib Razak. Ngày 3/7 vừa qua, nhật báo Mỹ Wall Street Journal loan tin các nhà điều tra đã phát hiện gần 700 triệu USD đã đi từ các cơ quan chính phủ Malaysia, ngân hàng và công ty có liên hệ với ngân hàng phát triển Malaysia Frist MDP trước khi chạy vào chương mục riêng của... Thủ tướng Najib Razak

Ngân hàng phát triển cải chính việc chuyển tiền cho thủ tướng, còn Thủ tướng Malaysia lên án nhật báo tài chính Mỹ “phá hoại chính trị”.

Vụ tai tiếng này gây chấn động chính quyền Kuala Lumpur. Cảnh sát Malaysia cho rằng có âm mưu gây bất ổn chính trị. Thay vì điều tra hư thực thủ tướng có bê bối hay không thì ngày 13/7 cảnh sát thông báo đã thành lập đơn vị truy tìm nguồn cội đã “tiết lộ bí mật quốc gia cho truyền thông quốc tế”.

Cựu thủ tướng nắm quyền lâu năm nhất ở Malaysia, ông Mahathir Mohamad, đã gay gắt chỉ trích ông Najib, nhân vật ông đích thân chọn làm người kế nhiệm, vì đã không thể biến Malaysia thành một quốc gia thực sự phát triển, làm nước này mất tín nhiệm trên thế giới.

Giáo sư James Chin là giám đốc của Trung tâm châu Á của Đại học Tasmania. Ông nói: “Tất cả các câu chuyện mà ta nghe về vấn đề tham nhũng, thủ tướng, vợ thủ tướng, cũng như chuyện hàng triệu USD bị bòn rút khỏi các công ty của nhà nước là một phần của cuộc đấu đá chính trị giữa cựu Thủ tướng Mahathir và Thủ tướng đương nhiệm Najib Razak”.

Nguyên nhân thị trường chứng khoán Trung Quốc mất giá?

Giới hữu trách Trung Quốc vừa lên tiếng cáo buộc là các công ty mua bán cổ phiếu đã thao túng giá cả và cho phép có các vụ mua bán trái phép trong thời gian thị trường chứng khoán ở quốc gia này mất giá nặng nề. Các quan sát viên cho rằng đây có thể là cố gắng nhằm đổ lỗi cho việc giới đầu tư trong nước bị mất vài ngàn tỉ USD chỉ trong mấy tuần qua.

Các cáo buộc được đưa ra tiếp theo những cố gắng chưa từng thấy của chính quyền Trung Quốc nhằm ngăn chặn tình trạng mất giá khiến thị trường cổ phiếu nơi đây giảm 30% trong tháng qua, làm mất đi khoảng 3.8 nghìn tỉ USD.

Giá cổ phiếu đã phục hồi đôi chút tiếp theo các biện pháp do nhà nước đưa ra, trong đó có việc các công ty buôn bán cổ phiếu của nhà nước cũng như các quỹ đầu tư hưu tiền hưu trí của chính phủ hứa sẽ mua lại cổ phiếu, cùng là lệnh cấm các giới chức cao cấp cũng như những người có nhiều cổ phần bán ra.

Các điều tra viên đã “thấy có các chứng cớ tình nghi là một số công ty đã thao túng giá cổ phiếu”- theo Bộ Công an Trung Quốc vào chiều tối ngày 12/7, cũng cho biết là cuộc điều tra đang tiếp tục tiến hành.

Sự phát triển mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Trung Quốc khởi sự hồi năm ngoái sau khi giới truyền thông nhà nước nói rằng giá cổ phiếu ở quốc gia này vẫn còn rất thấp. Ðiều này khiến các nhà đầu tư tin rằng Bắc Kinh sẽ can thiệp để đẩy giá lên cao nếu cần.

Tên lửa Trung Quốc đe dọa Australia?

Thủ tướng Australia Tony Abbott ngày 13/7 bày tỏ hài lòng về mối quan hệ với Trung Quốc ngày càng mạnh hơn, đồng thời bác bỏ các thông tin cho rằng các tên lửa tầm xa của Trung Quốc có thể sớm vươn tới Australia.

Ông Abbott cho rằng chính quyền của ông muốn tập trung củng cố mối quan hệ này hơn là những khả năng chỉ mang tính giả thuyết trong nhiều năm tới. Ông cũng khẳng định Australia có mối quan hệ tốt và mạnh với Trung Quốc cũng như mối quan hệ thân thiết với Mỹ.

Báo cáo được công bố trước đó cùng ngày về liên minh Mỹ-Australia của Trường Đại học Quốc gia Australia cho rằng khả năng quân sự đang ngày càng phát triển của Trung Quốc có thể tạo ra viễn cảnh liên quan đến những đồng minh như Australia có thể xung đột trực tiếp với đối tác buôn bán lớn nhất của mình.

Các tác giả của bản báo cáo này cảnh báo rằng lực lượng tên lửa tầm xa và hải quân ngày càng lớn mạnh của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đe dọa đặt Canberra vào tầm ngắm.

Mỹ dự tính huấn luyện lính tác chiến đặc biệt ở Ukraina

Ngày 13/7, trong cuộc họp báo tại Bộ Quốc phòng, ở Washington, tướng Ben Hodges, một trong những chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu, đã tuyên bố, Mỹ dự định huấn luyện quân đội Ukraina vào mùa thu năm nay, sau khi kết thúc chương trình đào tạo cho Bộ Nội vụ Ukraina.

Vẫn theo viên tướng này, chương trình huấn luyện đầu tiên dành cho các lực lượng của Bộ Nội vụ Ukraina diễn ra tại miền tây nước này và sẽ kết thúc vào ngày 15/11. Sau đó, Washington dự tính huấn luyện cho các chiến binh của Bộ Quốc phòng Ukraina, nhưng hiện vẫn chưa có “quyết định cuối cùng”.

Nếu được chấp nhận, chương trình huấn luyện quân đội Ukraina sẽ tập trung vào các hoạt động chiến thuật cơ bản, nhất là các kỹ thuật bảo vệ tính mạng của binh lính và các hoạt động tác chiến tại các vùng chiến sự.

Tuy nhiên, quyết đinh huấn luyện quân đội Ukraina cần phải có sự chấp thuận của các đồng minh của Mỹ tại châu Âu.

Các chuyên gia nhận định rằng kế hoạch này nếu được thực hiện sẽ càng khiến quan hệ giữa Nga và Mỹ thêm căng thẳng, khi cả hai bên đang liên tục cáo buộc nhau xung quanh cuộc khủng hoảng ở miền đông Ukraina.

Hình ảnh ấn tượng

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lặn xuống đáy biển Baltic trên chiếc tàu ngầm Sea Explorer 5 để thám hiểm xác con tàu chiến Oleg bị đắm từ năm 1869.

G.K

Năng lượng Mới

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc