THẾ GIỚI 24H: Sáng kiến chống Trung Quốc của giới trẻ Philippines

09:54 | 02/12/2015

1,735 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một nhóm tình nguyện viên trẻ Philippines đã tổ chức biểu tình tại nhóm đảo Kalayaan mà Philippines tuyên bố chủ quyền vào ngày 1/12, bất chấp sự phản đối của các giới chức quân sự và quốc phòng nước này.
tin nhap 20151202095220
Nhóm Kalayaan Atin Ito biểu tình chống Trung Quốc

Nhóm Kalayaan Atin Ito bắt đầu hành trình trên biển của họ trễ một ngày so với dự kiến vì một số thành viên của nhóm từ khu vực Visayas đến trễ do thời tiết xấu.

“Chuyến bay của một số tình nguyện viên bị hủy bỏ vì điều kiện thời tiết xấu ở Visayas. Chúng tôi phải điều chỉnh lại lịch trình. Chúng tôi sẽ đợi đầy đủ các thành viên”, Mariel Ipan, một thành viên của nhóm cho biết.

Nhóm trẻ tình nguyện Philippines đã lên kế hoạch “ra đảo biểu tình” từ vài tháng trước, bất chấp sự phản đối của một số giới chức quân sự và quốc phòng rằng chuyến đi “quá nguy hiểm” và rằng nó có thể ảnh hưởng đến vụ kiện trọng tài đang diễn ra giữa Philippines và Trung Quốc.

Kế hoạch ban đầu của nhóm là ra đảo biểu tình trong 1 tháng (từ 30/11 – 30/12).

Chính Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin đã yêu cầu nhóm Kalayaan Atin Ito không tiến hành chuyến đi này vì hai lý do: thời tiết xấu ngoài biển và vụ kiện với Trung Quốc.

Philippines đang tiến hành vụ kiện chống yêu sách chủ quyền với đường lưỡi bò 9 đoạn của Trung Quốc ở tòa án trọng tài quốc tế ở La Haye.

Lực lượng vũ trang Philippines cho biết họ đã cố ngăn cản các tình nguyện viên vì họ không có trách nhiệm và thời gian để chuẩn bị các công tác đảm bảo an ninh cho hành trình của nhóm bạn trẻ này.

Đại tá Restituto Padilla, phát ngôn viên của Lực lượng vũ trang Philippines, nói quân đội sẽ chỉ giám sát hành trình qua liên lạc vô tuyến với sự giúp đỡ của Cảnh sát biển Philippines.

“Họ phải tự lo liệu… Chúng tôi chỉ theo dõi họ, Lực lượng vũ trang Philippines không trực tiếp tham gia vì chúng tôi đã nói với họ là nên có những hoạt động khác thay thế tốt hơn để biểu đạt sự ủng hộ của họ thay vì đi ra đó”, ông Padilla nói.

Trước đó, nhóm Kalayaan Atin Ito cho biết có 10.000 tình nguyện viên (chủ yếu là sinh viên) từ 81 tỉnh thành của Philippines sẽ tham gia vào cuộc biểu tình kéo dài 1 tháng này.

Tuy nhiên, nhóm gặp một số trở ngại trong việc gây quỹ và hỗ trợ cho hành trình cũng như cuộc biểu tình ước tính cần ít nhất là 1 tỷ peso (hơn 21 triệu USD).

Ông Padilla cho biết ông nhận được thông tin là các bạn trẻ sẽ thuê 81 tàu (đại diện cho 81 tỉnh thành của Philippines) để đến Kalayaan, một đô thị thuộc tỉnh Palawan, để biểu tình.

“Đây không phải là thời điểm tốt để du hành. Biển rất động, đó là lý do tại sao chúng tôi yêu cầu họ xem xét thực hiện các hoạt động thay thế khác”, ông Padilla nói thêm.

Thị trưởng của Kalayaan cũng phản đối chuyến đi vì lý do tương tự. Ông Eugenio Bito-onon nói: “Thật sự là rất mạo hiểm, đặc biệt là tháng 12 khi thời tiết rất xấu”.

Bất chấp những ngăn cản trên, nhóm trẻ Philippines, với thủ lĩnh là cựu phiến quân và thuyền trưởng Nicanor Faeldon, vẫn cương quyết thực hiện chuyến đi.

Abg Faeldon cho biết chuyến đi nhằm mục đích nâng cao nhận thức của người dân Philippines về tầm quan trọng của sự đoàn kết và hợp tác trong việc giành lại phần lãnh thổ đã bị Trung Quốc chiếm giữ.

Mỹ sẽ gửi lực lượng “đặc chủng” tới Iraq

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter nói rằng Mỹ đang triển khai một "lực lượng viễn chinh đặc chủng nhắm mục tiêu" tới Iraq để gây áp lực nhiều hơn đối với IS và để có thể tiến hành những vụ đột kích qua qua biên giới ở Syria.

Điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ hôm qua, ông Carter cho biết lực lượng này sẽ giúp lực lượng Iraq và lực lượng Peshmerga của người Kurd trong cuộc chiến chống lại IS. Ông cho biết việc triển khai đang được thực hiện trong sự hợp tác với chính phủ Iraq.

"Những binh sĩ đặc chủng này theo thời gian sẽ có thể thực hiện những vụ đột kích, giải thoát con tin, thu thập tình báo và bắt giữ những thủ lĩnh của IS", ông cho biết. Lực lượng này cũng sẽ có thể tiến hành những hoạt động đơn phương vào Syria.

Ông không cho biết quân số cụ thể nhưng nói rằng lực lượng này sẽ "nhiều hơn" so với nhóm nhỏ binh sĩ Mỹ đang được đưa riêng tới Syria để hỗ trợ những nhóm đối lập chiến đấu chống IS.

Tổng thống Barack Obama vào tháng 10 đã cho phép "ít hơn 50" binh sĩ tác chiến đặc chủng của Mỹ phối hợp hoạt động của chiến binh Syria địa phương với nỗ lực của liên quân do Mỹ dẫn đầu.

Ông Carter cho biết những lực lượng đó đang "chuẩn bị" để bắt đầu hoạt động tại Syria nhưng từ chối cho biết thêm chi tiết.

Kinh tế Ðài Loan rơi vào suy thoái

Kinh tế Ðài Loan rơi vào suy thoái sau hai quý hàng hóa và dịch vụ giảm giá. Nền kinh tế lớn thứ 19 trên thế giới này nói rằng họ mất ưu thế cạnh tranh trước trung tâm sản xuất tăng trưởng nhanh chóng là Trung Quốc. Các thị trường xuất khẩu chính cũng không còn tiêu thụ hàng hóa của Ðài Loan nhiều như trước đây nữa.

Nền kinh tế trị giá 500 tỉ USD của Ðài Loan không gì khác hơn là xuất khẩu trong mấy thập niên qua. Nhưng theo định nghĩa của nhiều nhà kinh tế, vùng lãnh thổ này chuyên cung cấp các sản phẩm nhựa, máy móc và hàng điện tử này đã rơi vào tình trạng suy thoái trong quý ba năm nay. Kinh tế Ðài Loan giảm 0,3% từ tháng 7 đến tháng 9 so với mức giảm 1,14% trong quý trước.

Văn phòng kế toán và ngân sách Ðài Loan nêu lên những nguyên do tác động từ kinh tế thế giới: giá dầu thô giảm và cạnh tranh tăng mạnh từ dây chuyền cung ứng đã trưởng thành của Trung Quốc. Kinh tế gia Thái Diệu Đức của công ty chứng khoán KGI Securities ở Đài Bắc giải thích vì sao Trung Quốc giành được ưu thế hơn.

Ông Thái nói rằng Trung Quốc từng xem hợp đồng gia công hàng xuất khẩu là một ưu tiên và nước này cũng muốn khai thác thị trường nội địa. Ông nói tiếp rằng Trung Quốc nhận thấy nếu chỉ dựa vào gia công hàng xuất khẩu với mức lời thấp sẽ không bền vững cho tăng trưởng nhanh, do đó họ dùng cách nâng cao các tiêu chuẩn công nghiệp như là một biện pháp kích thích.

Các nhà đầu tư Ðài Loan thường hợp đồng gia công hàng hóa của họ ở nước ngoài, làm hàng xuất khẩu có giá thấp ở Trung Quốc, và bán các sản phẩm đó ra nước ngoài. Nhưng nay Trung Quốc đã hình thành được một dây chuyền cung ứng đáng tin cậy và chất lượng đã cao hơn qua những năm rút tỉa kinh nghiệm từ hoạt động thanh tra nhà máy. Các nhà phân tích nói dây chuyền cung ứng kỹ thuật cao của Trung Quốc rất mạnh và nó đã cắt vào thu nhập trong ngành công nghệ trị giá 131 tỉ USD của Ðài Loan.

Đơn đặt hàng xuất khẩu giảm liên tục mỗi tháng kể từ tháng 4/2015 đã báo trước tình trạng suy thoái kinh tế của Ðài Loan. Xuất khẩu chiếm đến 60% kinh tế Ðài Loan và đơn đặt hàng thường tăng nhẹ hàng tháng.

Mức chi tiêu của khách hàng yếu đi tại các thị trường chính - Trung Quốc và châu Âu - đã ảnh hưởng mạnh đến xuất khẩu của Ðài Loan trong mọi lĩnh vực. Người tiêu thụ Trung Quốc ngần ngại chi tiêu khi chính nền kinh tế của họ tăng trưởng chậm lại. Các vấn đề kinh tế và thương mại cũng ảnh hưởng đến mức chi tiêu của tại một số nước châu Âu.

Giá dầu giảm trên thế giới từ năm 2014 cũng ảnh hưởng đến các công ty hóa dầu Ðài Loan đã đặt mua dầu nguyên liệu trả tiền trước với giá cao hơn.

Ðài Loan đạt tăng trưởng kinh tế liên tục mỗi năm kể từ cuộc suy thoái năm 2009 đã kéo chậm tăng trưởng của phần lớn kinh tế thế giới sau cuộc khủng hoảng tài chính. Các kinh tế gia dự đoán mùa lễ cuối năm tại các nước phương Tây có thể tăng lượng đặt hàng máy vi tính, điện thoại thông minh và các sản phẩm hóa dầu của Ðài Loan. Văn phòng ngân sách dự đoán tăng trưởng kinh tế trong năm tới sẽ đạt mức 2,32% cùng với mức cầu hàng xuất khẩu tăng mạnh hơn.

Mỹ lên tiếng bênh Thổ

Mỹ nói có bằng chứng từ những nguồn riêng của mình và từ Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy chiếc máy bay của Nga bị bắn hạ ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria đã xâm phạm không phận của Thổ Nhĩ Kỳ.

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ Elizabeth Trudeau hôm qua nói với báo giới ở Washington rằng thông tin có sẵn cho thấy chiếc máy bay Nga đã xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ. Bà Trudeau nói thêm rằng "chúng ta cũng biết rằng phía Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần cảnh báo các phi công Nga trước khi họ xâm phạm không phận và phía Thổ Nhĩ Kỳ không nhận được hồi đáp".

Nga khẳng định chiếc máy bay chưa bao giờ rời khỏi Syria. Nó rơi xuống một khu vực do phiến quân chiếm giữ ở miền bắc Syria.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu qua tuyên bố rằng nước ông sẽ không xin lỗi vì bắn hạ máy bay của Nga.

Phát biểu với các phóng viên sau cuộc gặp với tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ở Brussels, ông Davutoglu nói rằng các lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ đã thực thi “bổn phận” bảo vệ không phận của đất nước.

Ông cũng bày tỏ hy vọng rằng Nga sẽ cân nhắc lại những biện pháp trừng phạt mà Tổng thống Vladimir Putin mới công bố nhằm trả đũa vụ bắn hạ máy bay.

Những biện pháp trừng phạt bao gồm việc hạn chế nhập khẩu một số mặt hàng từ Thổ Nhĩ Kỳ, cấm gia hạn hợp đồng đối với những người Thổ Nhĩ Kỳ làm việc ở Nga, cũng như gây khó khăn cho các công ty Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động ở Nga.

Hình ảnh ấn tượng

tin nhap 20151202095220
Phụ nữ Nepal và trẻ em từ "Maiti Nepal", một trung tâm hồi phục dành cho những nạn nhân buôn bán tình dục, thắp nến vào đêm Ngày AIDS Thế giới ở thành phố Kathmandu, Nepal

G.K

Theo AFP. AP, Reuters

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc