THẾ GIỚI 24H: Những tin sốc về MH17

06:00 | 18/07/2015

2,433 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đúng một năm xảy ra vụ tai nạn MH17, ngày 17/7/2015, hàng loạt tin tức sốc về nguyên nhân và diễn biến xung quanh vụ việc đã được công bố lần đầu tiên.

Phân tích lỗ thủng trên buồng lái cho thấy MH17 bị bắn hạ bằng một quả tên lửa không đối không Python do Israel sản xuất.

Đầu tiên là đoạn băng video do tờ Daily Telegraph xuất bản ở Sydney công bố. Đoạn băng cho thấy cảnh quân ly khai ở Ukraina lục lọi hành lý của hành khách đã chết trong vụ máy bay MH17 bị bắn hạ.

Tờ Telegraph cho biết đoạn video được lấy từ doanh trại của quân ly khai Ukraina ở Donestk trong tuần này, do chính các tay súng ly khai quay lại bởi họ ban đầu nghĩ rằng chiếc máy bay bị bắn hạ là của Không quân Ukraina.

Theo AFP, đoạn video này vẫn chưa được kiểm chứng.

Trước đó, ngày 15/7, kênh RT của Nga dẫn một bản báo cáo về vụ máy bay MH17 của Malaysia Airlines bị bắn hạ ở Ukraina một năm về trước cho biết, một nhóm các chuyên gia an ninh hàng không giàu kinh nghiệm đã xác định rằng chiếc Boeing có thể đã bị bắn hạ bằng một quả tên lửa không đối không Python do Israel sản xuất.

Bản báo cáo được cho là bị rò rỉ thông qua tài khoản LiveJournal mang tên Albert Naryshkin vào tối muộn ngày 15/7 và sau đó đã được thảo luận rộng rãi trên mạng xã hội ở Nga.

Các tác giả của bản báo cáo điều tra đã tính toán những lỗ thủng trên chiếc máy bay để ước lượng được số lượng và khối lượng vật chất để đưa ra kết luận về loại vũ khí do ai sản xuất.

Theo bản báo cáo thì những lỗ thủng ở phần buồng lái cùng các vết lõm cho thấy chúng chịu tác động của các vật thể nhỏ và cứng theo hiệu ứng sóng điển hình với tốc độ cao.

Do đó, có thể máy bay đã trúng một quả tên lửa không đối không hiện đại có tốc độ 1.500 đến 2.500m mỗi giây, giống như một quả tên lửa Python do Israel sản xuất.

Chiếc Boeing 777-200 mang số hiệu MH17 bay từ Amsterdam tới Kuala Lumpur đã bị bắn hạ trên vùng trời Ukraina hôm 17/7/2014 và rơi xuống gần làng Grabovo khiến 283 hành khách cùng 15 thành viên tổ bay thiệt mạng.

Hiện tồn tại nhiều giả thiết khác nhau về số phận của MH17. Phương Tây cho rằng quân ly khai đã bắn hạ chiếc máy bay bằng tên lửa đất đối không Buk, còn Nga cho rằng chính quân đội Ukraina đã bắn hạ máy bay bằng chiến đấu cơ Su-25.

Brazil-đấu đá chính trị lên đến đỉnh điểm

Cả đương kim tổng thống lẫn cựu tổng thống Brazil đều đang bị phe đối lập tố cáo tham nhũng và đòi đưa ra xét xử.

Ngày 16/7, Chủ tịch Hạ viện Brazil Eduardo Cunha cho biết việc tiến hành “một phiên tòa chính trị” để xét xử đương kim Tổng thống Dilma Rousseff là hoàn toàn có khả năng, tuy nhiên ông cho rằng nếu điều đó xảy ra sẽ là một bước thụt lùi với nền dân chủ của quốc gia Nam Mỹ này.

Trả lời báo giới cùng ngày, ông Cunha - lãnh đạo Đảng Phong trào dân chủ Brazil (PMDB) trong liên minh cầm quyền, cho biết câu trả lời sẽ được đưa ra trong vòng 30 ngày tới sau khi tiến hành điều tra về cáo buộc của phe đối lập tại Quốc hội liên quan tới việc bà Rousseff đã sử dụng tiền hối lộ trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm ngoái.

Ông Cunha là người sẽ phải đưa ra quyết định về việc có tiến hành “một phiên tòa chính trị” để xét xử bà Rousseff hay không theo yêu cầu của các nghị sỹ đối lập.

Cũng trong ngày 16/7, các công tố viên Brazil tuyên bố đã mở cuộc điều tra đối với cựu Tổng thống Lula da Silva. Ông Silva bị cáo buộc dùng ảnh hưởng chính trị gây sức ép để Ngân hàng Phát triển kinh tế và xã hội quốc gia cung cấp tín dụng cho Tập đoàn xây dựng Odebrecht.

Cơ quan tư pháp Brazil cho biết sự việc diễn ra sau khi ông Lula da Silva không còn giữ chức Tổng thống kể từ tháng 1/2011. Tập đoàn Odebrecht đã tài trợ nhiều chuyến công tác của ông Lula. Tuy nhiên, Viện Lula - cơ quan đại diện của cựu Tổng thống Brazil khẳng định, cựu Tổng thống không làm gì sai và sẽ chứng minh tính hợp pháp của tất cả các chuyến đi.

Vào tháng trước, Giám đốc điều hành của Tập đoàn xây dựng Odebrecht cũng đã bị bắt do cáo buộc dính líu tới vụ tham nhũng gây chấn động liên quan tới Tập đoàn dầu khí quốc gia Petro Bras.

Ông Lula da Silva là một trong những thành viên sáng lập và là lãnh đạo của Đảng Lao động cầm quyền. Mới đây, trong Đại hội toàn quốc của Đảng Lao động, các đảng viên đã xem xét việc đề cử ông Lula da Silva ra tranh cử chức Tổng thống nhiệm kỳ tới.

Ông Lula là một trong những thành viên sáng lập và là lãnh đạo của Đảng Lao động cầm quyền, người đỡ đầu cho đương kim Tổng thống Dilma Rousseff.

Ấn Độ sẽ trang bị thêm 200 tàu chiến để đề phòng Trung Quốc

Hải quân Ấn Độ vừa thông báo một kế hoạch đầy tham vọng: bổ sung thêm 200 tàu chiến từ nay đến năm 2027. Như vậy, New Delhi sẽ có số tàu chiến cao gấp đôi so với hiện nay là 137 tàu.

Đồng thời, các quan chức Hải quân Ấn Độ cũng khẳng định việc trang bị thêm 6 tàu ngầm và 3 máy bay vận tải quân sự, bổ sung cho ba trung tâm chỉ huy Hải quân của nước này. Trả lời phỏng vấn Thời báo Kinh tế Ấn Độ, ngày 16/7, Phó Đô đốc P Murugesan cho biết: “Chính phủ đã đồng ý cho dự án trang bị 6 tàu ngầm hạt nhân SSN hồi đầu năm nay”.

Thông thường, Ấn Độ ít nói về chủ đề này và từ chối bình luận về dự án phát triển tàu ngầm nguyên tử. Giờ đây, quan chức Hải quân nước này công khai khẳng định sự tồn tại của dự án. Phó Đô đốc P.Murugesan nói là Ấn Độ đã bắt tay vào dự án, nhưng đòi hỏi có nhiều thời gian. Hải quân Ấn Độ có thể rút ngắn được thời gian. Cho đến nay, loại dự án này thường phải mất khoảng 15 năm.

Hiện nay, mỗi năm, Ấn Độ có thể đóng được 4 – 5 tàu. Để đạt được mục tiêu đã đề ra là 200 tàu vào năm 2027, ngành đóng tàu Ấn Độ phải gia tăng gấp bội khả năng sản xuất. Theo giới chuyên gia, có thể Ấn Độ sẽ phải mua tàu của nước ngoài để bổ sung cho lực lượng Hải quân. Ấn Độ vẫn là một trong những nước nhập khẩu tàu lớn nhất thế giới.

Trong quá khứ, Nga là nước bán vũ khí nhiều nhất cho Ấn Độ và trong tương lai có thể là đối tác quan trọng trong việc cung cấp tàu chiến cho nước này. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, Mỹ cũng đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí sang Ấn Độ. Theo giới quan sát, kế hoạch bổ sung tàu chiến, phát triển mạnh mẽ lực lượng hải quân của Ấn Độ nhằm đối phó với việc Trung Quốc tăng nhanh chi tiêu quân sự và có nhiều tham vọng.

Các đòi hỏi lãnh thổ của Trung Quốc ở biển Hoa Đông và Biển Đông làm cho nhiều nước châu Á và các đồng minh phương Tây của họ lo ngại. Do vậy, Ấn Độ ngày càng trở nên lo ngại vì có đường biên giới chung với Trung Quốc, có tranh chấp lãnh thổ và đã từng xung đột quân sự với nước láng giềng này.

Hình ảnh ấn tượng

Những tay golf, giới chức và người giúp mang gậy tìm kiếm quả bóng của tay golf Ernie Els trong bụi cây ở vòng đầu tiên của Giải vô địch Golf Anh mở rộng 2015 trên sân Old Course ở thành phố St Andrews, Scotland.

G.K

Năng lượng Mới